Nam Lào ký sự
11:9', 5/3/ 2007 (GMT+7)

(Bài tham gia cuộc thi viết Bút ký - phóng sự - nhân vật)

LTS: Tháp tùng cùng Đoàn Đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định đi thăm và làm việc tại một số tỉnh Nam Lào, PV Báo Bình Định Lê Viết Thọ đã có dịp "mắt thấy tai nghe" về nét đẹp của một nền văn hóa độc đáo, những cánh rừng nguyên sinh trải rộng bên những con đường, tấm lòng của những bạn Lào và dấu ấn Bình Định trên đất nước Triệu Voi...Bắt đầu từ hôm nay, Bình Định điện tử sẽ đăng loạt bài của PV Lê Viết Thọ về các tỉnh Nam Lào: Attapư, Sekong, Champasak và thủ đô Viêng Chăn trong chuyến đi này. 

Kỳ I:

Đường vào đất nước Triệu Voi

Bờ Y: “nàng công chúa” đang được đánh thức

Nằm ngay ngã ba Đông Dương, vùng biên giới của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, cửa khẩu Bờ Y có yếu tố vượt trội và có thể trở thành trung tâm liên kết ba nước trên hành lang kinh tế Đông -Tây trong Tam giác phát triển Việt Nam  - Lào - Campuchia.

 

Trên đường về Attapư, ông Khen Thong, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapư (bìa phải) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Bình Định một số dự án thủy điện sẽ xây dựng tại Attapư. 

 

Đón đầu cơ hội, đến nay, Khu kinh tế Bờ Y đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng đường sá, trạm kiểm soát liên hợp, lưới điện, thông tin liên lạc…Tuy nhiên, đến thời điểm chúng tôi có mặt tại đây (4-3-2007), thật khác xa so với hình dung của chúng tôi, Bờ Y vẫn hãy còn như một “nàng công chúa” vừa mới bắt đầu thức giấc.

Ấn tượng duy nhất của chúng tôi về cửa khẩu Bờ Y vẫn là cơ sở hạ tầng đã được xây dựng với hệ thống điện và giao thông. Trong đó, tuyến đường từ thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) lên Bờ Y đã được xây dựng khá hoành tráng nhưng hãy còn vắng vẻ. Dọc trên tuyến đường này, ít thấy những chuyến xe chở người và hàng hóa giao thương như những tuyến đường dẫn đến các cửa khẩu quốc tế khác. Đến cửa khẩu, một siêu thị Bờ Y hoành tráng, mới vừa khai trương hôm ngày 5-1-2007 nhưng hầu như không thấy bóng một người khách nào. Đã "quá ngọ", nên khu vực làm thủ tục xuất cảnh vắng ngắt, chỉ duy nhất có đoàn chúng tôi đến làm thủ tục xuất cảnh ở thời điểm đó. Bên ngoài, một tấm băng rôn khai trương khách sạn Đông Dương vẫn còn đó, nhưng hẳn cũng là một trong số những dự án chuẩn bị cho tương lai.

Tất nhiên, sự đón đầu tương lai bao giờ cũng có ý nghĩa mở hướng cho sự phát triển, nhất là (như lời một thành viên trong đoàn đã nói với tôi) trong khi chờ hoàn tất thủ tục, Chính phủ đã có Quyết định 217 dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp làm ăn tại Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y. Chẳng hạn, miễn tiền thuê đất 11 năm, từ năm thứ 12 trở đi chỉ đóng tiền thuê đất bằng 30% giá tiền thuê đất miền núi, được miễn giảm thuế… Và theo quy hoạch, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y sẽ trải dài trên diện tích 68.570 ha gồm thị trấn Plei Kần, khu đô thị biên giới, các xã Sa Loong, Đak Kan, Bờ Y, Đak Sú, Đak Nông, Đak Dục của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Về dân số, Bờ Y được chuẩn bị cho quy mô 150.000 người năm 2015 và 290.000 người năm 2025, trong đó, dân số đô thị là 100.000-200.000, tương ứng với 9.000-15.000 ha đất xây dựng đô thị. Con đường để Bờ Y trở thành Khu kinh tế cửa khẩu sầm uất trong tương lai đang được chuẩn bị bằng những lộ trình cụ thể, nhất là khi giao thương giữa Việt Nam và Lào sẽ ngày càng được thúc đẩy và lợi thế của trục Đông - Tây (Quốc lộ 14 và 19), kết nối các Khu kinh tế Bờ Y và Nhơn Hội cùng các tỉnh Nam Lào được phát huy. Sự hiện diện của hàng loạt các DN đang tìm hướng hợp tác để đầu tư ở Lào trong chuyến công tác này của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định phần nào mở hướng cho sự phát triển đó.

 

Làm thủ tục tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

 

Đường lớn đã mở

Từ cửa khẩu Bờ Y, xe lại tiếp tục băng qua tuyến đường 18 B dài 111 km, hoàn thành vào tháng 5-2006, đến thị xã Attapư (tỉnh Attapư). Con đường được thực hiện bằng vốn vay của Việt Nam (trị giá 48 triệu USD). Trong khoảng gần 60km đầu, con đường trải ra, hai bên là những tán rừng. Nhiều chỗ, mái taluy dựng thẳng đứng hàng vài chục mét. Sau đó, là những rừng khộp, rừng dầu long khô và thỉnh thoảng, là những bản làng của các bộ tộc Lào với những nếp nhà sàn ẩn hiện. Nhìn con đường men theo những cánh rừng với núi non hiểm trở, những vực sâu, tưởng là đủ để hình dung ra những khó khăn trong khi thi công. Được biết, khi xây dựng con đường này, hai nhà thầu có kinh nghiệm của Việt Nam đã huy động đến hơn 800 công nhân làm việc.

Nay thì tuyến đường 18 B đã rộng mở và đang cùng với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y  mở ra cơ hội mới cho các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan tăng tốc phát triển. Đặc biệt, có con đường mới, giao thông từ TP Quy Nhơn đến các tỉnh Nam Lào chỉ còn từ 400 đến 600 km và Lào đã có thể vận chuyển hàng hóa theo QL 19 (VN), xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn rất thuận tiện.

Cùng với sự ra đời của tuyến đường mới, sự giao thương càng trở nên thuận lợi hơn với việc Công ty cổ phần Vận tải và Kinh doanh Tổng hợp Bình Định đã khai trương tuyến vận tải  Quy Nhơn - Paksé từ ngày 4-7-2006. Các tỉnh khác cũng đã mở tuyến xe khách đi qua tuyến đường này như tuyến từ Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đi Champasak hay tuyến Gia Lai đi Attapư…

Còn ngay trên chuyến xe của chúng tôi, ngang qua vùng biên, ông Lê Văn Long - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước, tỏ ra tâm đắc với dự án xây dựng thủy điện Xesou công suất 59MW mà công ty của ông đang muốn triển khai và việc xây dựng đường dây điện 110KV, 35KW dài 100km từ Bờ Y sang Attapư….

Đường lớn đã mở, vấn đề còn lại là bắt tay vào hợp tác và đầu tư, để “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”.

  • L.V.T (truyền từ Attapư)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Lý - lao xao mùa cá, ruốc  (05/03/2007)
Săn kì đà  (26/02/2007)
Xứ sở dệt mùa xuân  (22/02/2007)
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)