Nam Lào ký sự
Kỳ II: Attapư: lạ mà quen
10:40', 7/3/ 2007 (GMT+7)

Lạ, bởi đây là một vùng đất lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Nhưng quen, bởi đến Attapư này, chạm ngõ Nam Lào, là ta dường như được trở về trong một không gian văn hóa làng quen thuộc trong một cơ tầng Đông Nam Á vẫn còn hằn in nơi nếp sống ở đây…  

Attapư là một trong 8 tỉnh nghèo của Quốc gia Lào và nằm ở phía cực nam của đất nước. Diện tích 10.320km2, nhưng dân số chỉ 115.000 người (mật độ khoảng 11 người/km2) nên chẳng lạ, đi trên tuyến Quốc lộ 18B qua Attapư, thoảng hoặc ta mới gặp những bản làng nằm nép dưới tán rừng. Vào đến phố thị mà vẫn tưởng là đang ở những bản làng, bởi nếp sinh hoạt vẫn bình thản.

 

Wat Sa Khu tuy là một ngôi chùa nhỏ nhưng rất đông khách hành hương.

 

Lạc vào “làng trong phố”

Vào đến thị xã Attapư. Thật lạ, tiếng là thị xã, vậy mà đi trên đường phố Attapư, tôi lại có cảm giác như đang dạo bước vào một thị trấn vùng cao nào đó. Những con đường không vỉa hè, không tên mà trước mỗi nhà chỉ có một tấm bảng ghi tên bản và số nhà đánh theo bản. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi cảm giác về thị xã vẫn mang đậm dấu ấn của làng, chỉ có điều nó sầm uất và đông dân cư hơn. Những ngôi nhà, có vườn cây bao quanh, dù được xây kiên cố, nhưng kiến trúc vẫn mang dáng nét rất đặc trưng của mái nhà sàn. Trước mỗi ngôi nhà là một bàn thờ nhỏ. Đi lang thang trên những con đường, đập vào mắt tôi vẫn là nhịp sống yên ả, khác hẳn với những đời sống phố thị luôn ồn ã như ta vẫn thường hình dung. Này là một góc sát ngay lòng đường, mấy cậu bé đang chơi trò chơi  ném bóng; này những chú gà tha thẩn nhặt nhạnh ngay bên vỉa hè, này nữa, một góc sân nhỏ ngay bên đường, một nhóm người đang hò hét với trò chọi gà… Đến Lào mà vẫn tưởng như ở nhà mình cũng là phải vậy thôi. Ghé ngôi chùa nằm ngay trung tâm thị xã, mái thếp vàng, bao quanh là những wats, to nhỏ khác nhau. Đấy là nơi người Lào đặt xương và tro sau khi đã được hỏa thiêu di thể người chết. Những người dân trong bản đã tề tựu để nghe đọc kinh. Khung cảnh như ở một phun sóc Nam bộ nào đấy ở Việt Nam, vừa gần gũi, vừa có gì đó hơi ngần ngại.   

Attapư, cả đêm và ngày, lúc nào cũng lặng lẽ như đang trầm mặc như đang mãi nghĩ suy về cuộc đời vậy. Đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, càng làm cho nhịp sống như trầm lắng hơn. Theo báo cáo của tỉnh Attapư, thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh mới đạt 253USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức 26,41%.

Để tìm kiếm những nét mới mở ra hy vọng về vóc dáng tương lai của Attapư, chúng tôi rảo quanh thị xã. Hầu như không có cơ sở công nghiệp nào, chế biến thì chủ yếu là gỗ. Hiện tại, toàn tỉnh Attapư có 13 cơ sở sản xuất gỗ, trong đó có 9 cơ sở sản xuất có quy mô lớn. Một nét mới khác là ngay giữa trung tâm thị xã, từ năm 2005, đã mở ra một trường dạy nghề. Trường hiện đào tạo 237 học sinh cho các nghề nông nghiệp, nấu ăn cho nhà hàng khách sạn và xây dựng. Cơ sở vật chất của trường còn quá thiếu, hầu như chỉ mới là những dãy nhà được cải tạo lại thành phòng học, phòng thực hành trong khi thiết bị dạy học chưa có gì nhiều. Từ nay đến năm 2010, trường đang dự định sẽ mở thêm 6 ngành học mới. Mục tiêu này cũng là dễ hiểu, bởi muốn phát triển kinh tế, thì cần có nguồn nhân lực qua đào tạo. Nhưng cái khó vẫn là vốn, trang thiết bị và kinh nghiệm đào tạo.

Wat Sa Khư: ngôi chùa làng linh thiêng

Đi qua khỏi thị xã Attapư hơn hai chục cây số, chúng tôi đến viếng chùa Sa Khư- nơi được xem là nơi linh thiêng nhất vùng và hàng ngày, vẫn có những khách Thái Lan, Myanmar, Campuchia…đến viếng chùa. Để vào chùa, cần vượt qua sông Sekong bằng một chiếc thuyền lớn, ghép từ hai chiếc thuyền nhỏ. Mùa khô, nước sông đã xuống khá thấp, những lớp bùn khô thành một thứ bụi mịn, bám mãi vào chân du khách.

Ngôi chùa nhỏ, kiến trúc cũng bình thường, tượng Phật không lớn gì mấy, nhưng có lẽ, điều khiến nơi này thu hút du khách là bởi những câu chuyện về sự linh thiêng của nó. Chuyện rằng, trong những năm kháng chiến, trong khi làng mạc xung quanh bị máy bay Mỹ oanh tạc nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại. Lại có chuyện, người ta dự tính xây một ngôi chùa mới cách đấy chừng 15km để đưa bức tượng đang thờ trong chùa về đấy thờ. Nhưng chỉ mới đưa tượng đi được 6km thì trời đổ mưa và người ta không thể nào khiêng nổi được, đành khấn xin đưa tượng về chỗ cũ thì kỳ lạ thay, trời tạnh mưa hẳn… Đó là chuyện dân gian, còn như lời ông Khen Thong, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapư, thì năm 1947, đồng chí Si Phan Don và đồng chí Phạm Văn Đồng đã làm việc ở vùng Dak Chung và từ đó đi bộ qua bản nơi có ngôi chùa này để về bản phía trên và xây dựng căn cứ. Do vậy, đây là cái nôi căn cứ cách mạng đầu tiên của Lào. Và cứ đến năm mới của người Lào thì người dân ba bản xung quanh chùa đều đổ về chùa để viếng. Cũng liên quan đến vùng đất này, có người còn tiết lộ, vùng này là quê hương của 8 vị tướng Lào. Quả là một vùng địa linh - nhân kiệt.

Khách là nữ giới, trước khi vào chùa, phải vận xà rông như người phụ nữ Lào, lại chỉ ngồi ngoài bậc thềm thay vì được vào chính điện làm lễ như nam giới. Ngay như khi ngồi trò chuyện với dân làng, cũng ngồi ở phía dưới. Ấy cũng là một nét phong tục và nhờ thế, có người lại có thêm kỷ niệm về một lần vận… xà rông.   

Vào chùa lễ Phật, và khấn nguyện những điều an lành cho gia đình, cho người thân. Được vị sư buộc chỉ tay và chúc phúc, bạn đã ước điều gì trong khi chắp tay khấn nguyện. Dẫu là gì thì đó cũng là cơ hội để ta như lắng lòng lại, gác những tất bật của cuộc đời, để nguyện cầu cho những an lành và hạnh phúc sẽ đến cho những người ta thương yêu.

Có khách quý đến thăm làng, viếng chùa, vậy là người dân cùng tụ tập lại để nói chuyện và được nghe những lời chúc phúc. Dưới gốc bồ đề lớn, bên một mái chùa Thượng tọa bộ, vậy mà du khách tưởng như đang được về lại với thời thơ ấu, khi một lần được ngồi dưới mái đình làng, trong những cuộc họp làng, họp họ. Dường như, đã có một sự liên hệ về văn hóa, để rồi từ đó, trong ta và những người bạn Lào như gần gũi hơn, thân thiết hơn. 

Tạo dấu ấn Bình Định

Dấu ấn Bình Định đầu tiên đập vào mắt ta khi trên đường vào Attapư là nhà máy chế biển gỗ của một doanh nghiệp Bình Định (Công ty TNHH Tân Đức Duy) với một doanh nghiệp Lào. Ông Thái Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tân Đức Duy, cho biết, dự án có 1 triệu USD và hiện đã thực hiện được khoảng 70% dự án. Nguyên nhân chính khiến ông chưa yên tâm đầu tư tiếp vẫn là nguồn nguyên liệu thiếu ổn định. Trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định tại Attapư, Bình Định đã đề nghị tỉnh Attapư tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho DN này.

Trong thời gian tới, dấu ấn Bình Định ở Attapư sẽ càng rõ nét hơn khi hàng loạt doanh nghiệp Bình Định đang mong muốn đầu tư ở tỉnh này. Đó là Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước khảo sát lập dự án xây dựng thủy điện Sesou; với dự án lắp đặt lưới điện từ Cửa khẩu Bờ Y đến Sesou mà Công ty sẽ ứng vốn đầu tư trước, tỉnh Attapư sẽ hoàn trả sau. Công ty Cổ phần Khoáng sản BIOTAN cũng mong muốn được khảo sát để tiến tới lập dự án khai thác vàng ở Attapư; Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) cũng mong muốn được giao đất để đầu tư nhân giống, trồng thử nghiệm, tạo vùng nguyên liệu để hình thành nhà máy chế biến mì... “Nếu tỉnh Attapư tạo điều kiện cho Công ty đặt chân vào một số dự án thì sẽ thuận lợi hơn khi triển khai tiếp các dự án khác”- ông Nguyễn An Điềm, Tổng Giám đốc PISICO nói…

Tất cả những dự án đã và sẽ triển khai ấy sẽ tạo nên một dấu ấn Bình Định ở Attapư bên cạnh một dấu ấn khác: đó là sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bình Định trên một số lĩnh vực mà Attapư còn gặp khó khăn như đào tạo tiếng Việt, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ giống cây trồng… Sắp tới, bên cạnh những hợp tác trong đầu tư, sự hỗ trợ cũng sẽ tiếp tục được tăng cường.

Tạm biệt Attapư khi những ngôi làng trong phố vẫn còn chưa bừng tỉnh giấc, tạm biệt những con đường tĩnh mịch khi chiều buông và những ban mai ửng nắng hồng. Trên tay tôi, sợi chỉ tay chúc phúc nhận ở Sa Khư và điệu Lam vong đêm giã bạn vẫn còn thoảng bên tai. Attpư: đến, đi để rồi vẫn còn đọng mãi trong một ký ức Nam Lào.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nam Lào ký sự  (05/03/2007)
Nhơn Lý - lao xao mùa cá, ruốc  (05/03/2007)
Săn kì đà  (26/02/2007)
Xứ sở dệt mùa xuân  (22/02/2007)
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)