Qua khỏi địa giới tỉnh Attapư, Sekong trải ra với một vẻ trù phú hơn. Đi dọc theo sông Sekong, những bản làng với ngôi nhà sàn cao, cất bằng gỗ, nằm giữa những khu vườn nhà, vườn cây ăn quả lên xanh...
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (người đứng thứ hai từ trái qua) thăm vùng trồng cà phê của BIDINA tại huyện Thà Tèng.
|
Ngay như thị xã Sekong cũng đã ra dáng phố thị, với những nhà nghỉ mọc lên ngày càng nhiều, những công sở mới xây dựng và những con đường khang trang… Tuy đường nhựa trong nội thị chưa nhiều, đường chưa có vỉa hè, nhưng nhìn chung, xét về tổng thể, các tuyến đường đã có sự quy hoạch tương đối hợp lý và dành đất cho những công trình trong tương lai. Bác sĩ Hồ Quang Châu, cùng đi trong đoàn, cách đây hai năm đã một lần đến Sekong, nay cũng phải ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của thị xã. Hai năm, dường như quãng thời gian ngắn ngủi ấy đã đủ để Sekong thật sự có một vóc dáng mới.
Đánh thức tiềm năng
Sự thay đổi đâu chỉ ở phố thị, mà ta còn có thể bắt gặp ở Thà Tèng - một trong 4 huyện của Sekong. Thà Tèng chính là nơi hai doanh nghiệp Bình Định là Công ty TNHH Kinh doanh Công – Nông nghiệp Bình Định (BIDINA) và Công ty Cao su Hữu nghị Lào Việt đang đầu tư trồng cao su, mì. Bạt ngàn những vùng mì đã gần đến ngày thu hoạch và dưới tán mì là những cây cao su bắt đầu lên xanh, trải trên một bình nguyên rộng. Cạnh đó, những vùng đất rộng ngút tầm mắt vừa hoàn thành việc khai hoang…. Đó là ấn tượng đập vào mắt khi ta đến với vùng đất này.
Từ thị xã Sekong đi 23km (bằng một nửa quãng đường đến huyện lỵ Thà Tèng), rẽ vào độ 6 km nữa là đến vùng trồng cao su của BIDINA. Theo báo cáo của BIDINA, từ ngày những chiếc máy ủi đầu tiên khởi công khai hoang đất trọc tại các bản Chounghoung Nua và Palay (16-2-2006) đến nay, mới chỉ hơn một năm, nhưng Công ty đã đầu tư khai hoang 610 ha và đã trồng được trên 426 ha cao su, trên 240 ha mì cùng 50.000 cây keo lai và hơn 4 ha mía. Tính đến nay, các loại cây mới trồng được hơn 6 tháng, trong đó, 3/4 thời gian là trong mùa nắng, nhưng trước mắt tôi, cao su đã bám trụ và lên xanh, nổi giữa màu đỏ của bazan.
Ông Nguyễn An Điềm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bình Định, một trong những thành viên sáng lập BIDINA, cho biết, năm 2007, Công ty sẽ đầu tư 1,8 triệu USD để trồng 1000 ha cao su, sẽ xuống giống vào tháng 6 và trồng 500 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Việc triển khai trồng cao su, không chỉ đơn thuần là một sự đầu tư, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án. Mỗi ngày, trung bình, có 200-300 lao động địa phương tham gia lao động, với mức thu nhập từ 17.000 đến 18.000 kíp (1 kíp = 1,6 đồng), còn nếu nhận khoán, thì mức thu nhập có thể còn cao hơn gấp hai lần.
Nông trường cao su của Công ty Cao su Hữu nghị Lào Việt (liên doanh giữa Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định và Công ty Dược phẩm Hữu nghị Champasak - Bình Định), nằm cách đó không xa. Nông trường trải ra với cả ngàn ha mì trồng đã sắp đến ngày thu hoạch. Thử nhổ một gốc mì, những củ mì cao sản khá to, dễ chừng một gốc phải được đến vài ba kg. Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Nông trường, cho biết, Chính phủ Lào và tỉnh Sekong đã cấp cho Công ty 8.000 ha đất trồng cao su. Công ty đã trồng được 1.000ha và hiện đã chuẩn bị giống đủ để trồng thêm 1.500 ha trong năm 2007. Trong 1.500 ha sẽ trồng trong năm nay, hiện Công ty đã khai hoang được 700 ha, 800 ha còn lại sẽ tiếp tục được khai hoang trong tháng 6. Không chỉ trồng cây công nghiệp, Công ty còn ấp ủ hàng loạt những dự án xây dựng nhà máy chế biến như nhà máy phân vi sinh, nhà máy chế biến mì, nhà máy chế biến mạch nha cao cấp từ mì… Bên cạnh đó, Công ty cũng đang đề nghị tỉnh Sekong cho triển khai xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Sau đó, trong vài năm tới, Công ty sẽ triển khai xây dựng dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Ông Nguyễn Văn Quá, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định, đơn vị góp 80% vốn liên doanh thành lập Công ty Cao su Hữu nghị Lào Việt, tiết lộ: “Nhà máy phân vi sinh trước hết là nhằm sản xuất phân vi sinh phục vụ cho chăm sóc cây cao su. Nhà máy có công suất 10.000 tấn/năm. Hiện Công ty đã được giao 4 ha đất có lớp than bùn dày 1m và đã lấy mẫu đưa về Việt Nam kiểm nghiệm cho kết quả tốt”.
|
Lãnh đạo hai tỉnh Bình Định và Sekong tặng quà lưu niệm tại buổi làm việc.
|
Nối rộng vòng tay
Bên cạnh những doanh nghiệp Bình Định đã và đang góp vào sự đổi thay cho Sekong như vậy, những năm qua, theo Tiến sĩ Khăm Phan Phôm Ma That, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sekong, tỉnh Sekong trở nên sôi động với các dự án đầu tư của các nhà đầu tư từ nhiều địa phương khác. Chẳng hạn, dự án Nhà máy Thủy điện Xê Ka Man 3 với công suất lắp máy 250MW, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Việt - Lào (Tổng Công ty Sông Đà là cổ đông chi phối) đang đầu tư xây dựng; rồi một doanh nghiệp của Nga đang khảo sát xây dựng thủy điện Sekong 4, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang khảo sát đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc cũng đang khảo sát để lập dự án khai thác khoáng sản tại Sekong. Ngay các doanh nghiệp Bình Định cùng đi trong đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh như Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định… cũng đang muốn được đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, tham gia xây dựng các công trình hạ tầng tại Sekong. Vậy là, đến nay, với Sekong, tiềm năng thủy điện (vốn đã được đánh giá là lớn nhất ở các tỉnh Nam Lào), khoáng sản, trồng cây công nghiệp đã không còn ngủ yên. Và kết quả tất yếu của sự sôi động trong hoạt động đầu tư thời gian qua, chính là sự bất ngờ của những ai sau vài ba năm, một lần trở lại Sekong.
Sekong là một tỉnh ở Nam Lào, có diện tích, hơn 11.570 km2, trong đó diện tích đất rừng chiếm 505.700 ha; độ che phủ chiếm 60%, gồm 4 huyện La Ve, La Nam, Ka Leum, Dak Chung, Thà Tèng; dân số khoảng 86.000 người, mật độ dân cư 11 người/km2, độ cao bình quân từ 400m-600m. Sekong có đường biên giới khá dài, giáp ranh với cả phía tây tỉnh Quảng Nam và tây bắc tỉnh Kon Tum. Năm 2006, GDP tăng 7,8%, thu nhập bình quân đầu người 215USD/người/năm. |
Một thuận lợi của Sekong trong tương lai là cửa khẩu Nam Giang (Việt Nam) - Đắc Tà Oóc (Lào) đã trở thành cửa khẩu chính (Quốc gia) trên cơ sở nâng cấp cửa khẩu phụ đã được mở từ tháng 5-1999, nằm trên tuyến quốc lộ 14D đã được đầu tư nâng cấp. Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào cho mở cửa khẩu chính này nhằm đẩy mạnh quá trình hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và trao đổi hàng hóa giữa hai nước và với các nước trong khu vực. Tại cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu và Khu Thương mại Dịch vụ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng diện tích hơn 16.000 ha và nguồn vốn đầu tư hơn 935 tỉ đồng. Từ thị xã Sekong, chỉ cần qua chiếc phà kéo vượt qua sông Sekong, chạy xe ô tô khoảng 2 tiếng đồng hồ với quãng đường 90km, là đã về đến Quảng Nam. Bởi vậy, nếu được đầu tư nâng cấp con đường từ thị xã Sekong về cửa khẩu Đắc Tà Oóc, đây sẽ là một hướng giao thương quan trọng, kết nối và giúp Sekong cũng như các tỉnh trong khu vực Nam Lào đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh, thành miền Trung Việt Nam, trong đó có Bình Định.
Sekong đã và đang hội đủ tiềm năng phát triển. Cái khó hiện nay của Sekong như lời ông Khăm Phan Phôm Ma That, Bí thư - Tỉnh trưởng Sekong, ngoài đường giao thông, vẫn là trình độ nhân lực, kể cả đội ngũ cán bộ, còn thấp là một trong những nguyên nhân khiến Sekong chưa thể tạo ra một bước đột phá mạnh. Sekong cũng mong muốn, thông qua các chương trình hợp tác, Bình Định sẽ giúp Sekong trong đào tạo nhân lực. Chỉ có thay đổi tư duy, nhận thức mới tạo nên được những bước chuyển mạnh mẽ. Và ông Bí thư - Tỉnh trưởng đã lấy ngay một ví dụ. Ngày hai doanh nghiệp Bình Định đầu tư trồng cao su, người dân chưa hình dung được nên còn nghi ngờ, nhưng khi các trưởng bản được doanh nghiệp cho đi tham quan những cánh rừng cao su ở Việt Nam, họ đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức và hăng hái tham gia các dự án.
|