Champasak là “miền đất huyền ảo”. Trên mảnh đất này, trầm tích văn hóa còn đọng lại, từ một Wat Phou nằm dưới chân núi thiêng, đến những chùa chiền, những danh thắng, những khu du lịch mang dáng vẻ hoang sơ với nét văn hóa đặc trưng của các bộ tộc Lào…
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (người đứng giữa) kiểm tra khu vực trồng thử nghiệm trà ô long ở Paksong.
|
Cao nguyên sương khói và những toan tính hiện thực
Từ trung tâm tỉnh Sekong đến Pakse, thủ phủ của tỉnh Champasak, chỉ dài khoảng 70km. Đường vắng. Hai bên đường thấp thoáng vài ngôi nhà sàn, nép bên những vườn cây xanh tốt, đất đai màu mỡ. Ngang qua huyện lỵ Thà Tèng (tỉnh Sekong), ta đã bắt đầu gặp vẻ nhộn nhịp, khác hẳn với nét tĩnh lặng mà ta đã gặp trên những ngả đường Nam Lào trước đó. Càng đi, độ cao càng tăng dần, và khi ra khỏi Sekong độ nửa quãng đường, đã bắt đầu có sương mù. Ban đầu, sương chỉ như một tấm lụa mỏng, chỉ đủ để những hàng cây cao phía xa xanh sẫm lại trên nền trời bạc, và làm cho lòng khách xa nhà nao nao một nỗi niềm khó tả. Đi thêm độ chục cây số nữa, sương mù dần quánh lại, đến nỗi, không thể quan sát được cảnh quan hai bên đường, dù đã hơn 9 giờ sáng. Thi thoảng, trong màn sương mù, đột ngột hiện ra một đám lửa nhỏ bên đường. Ở đó, một tốp người địa phương tụm lại, đốt lên đống củi nhỏ, hàn huyên để xua tan cái giá lạnh của một ngày trời đầy sương. Không khí ấm áp làm lòng ta như thấy ấm lại.
Paksoong hút hồn ta ngay từ cái nhìn đầu tiên, bằng vẻ màu mỡ của đất đai, bằng màu xanh cây cỏ, bằng cả những hoa dại. Những cây hoa loa kèn gặp rất nhiều trên Quốc lộ, từng chùm hoa trắng hay vàng chanh, rũ mặt xuống đất, như một chùm đèn lồng thắp lên giữa không gian mưa bụi. Hoa cỏ ở đây cũng tươi tốt như ở những vùng cao nguyên ở Việt Nam, nhưng có lẽ, về sự phát triển, cảnh quan và dáng vẻ độc đáo trong kiến trúc, Paksoong chưa thể so với Đà Lạt mà phần nào, giống B’lao hơn.
Parsoong là vùng cao nguyên Boloven, nơi sinh sống của các tộc người thiểu số Alak và Katu, tiếp giáp với hai tỉnh Sekong và Salavan. Với độ cao trên 1.000m, khí hậu mát lạnh, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 20 độ C, đất đai lại màu mỡ, nên Paksoong rất thuận lợi cho việc trồng cà phê. Rẽ vào khu trồng cà phê của Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar), nằm cách trục lộ gần 20km. Hơn 150 ha cà phê, sau 4 năm trồng, đã cho thu hoạch vụ đầu vào năm 2006, 100 ha sẽ thu hoạch vào năm 2007 và 50 ha sẽ thu hoạch vào năm 2008. Những tán cà phê nép dưới những tán dông để che sương muối, xanh đến mát dịu cả lòng người. Hiện nay, CBF đang xin thêm 1.000 ha đất nữa để tiếp tục mở rộng diện tích cây công nghiệp trên vùng đất cao nguyên này. Bên cạnh cà phê, Bidiphar cũng đang trồng thử nghiệm cây trà ô long và cây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Bidiphar rất khiêm tốn khi nói về triển vọng của loại cây trồng này, vì còn phải nhờ đến các chuyên gia về trà đến đánh giá; nhưng ông Nguyễn Đăng Chất, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại các tỉnh Nam Lào, thì lại rất tin tưởng. Bởi theo ông, vùng Paksoong hầu như mưa quanh năm, không phải tưới nước, nên trồng cà phê đã rất lợi, mà trồng trà ô long cũng hợp vì cây sẽ luôn ra đọt mới, rất có triển vọng về sản lượng trà.
|
Một cụ già sẵn sàng thổi những điệu khèn trao duyên.
|
Tỉnh Champasak đã quy hoạch vùng cao nguyên này là nơi trồng cao su, rau sạch và trà ô long. Do đó, việc cấp thêm 1000 ha đất để CBF trồng cao su và 3000 ha để trồng chè ô long là có thể thực hiện được. Và như vậy, trên cao nguyên Baloven này, nông trường cà phê và chè của CBF sẽ càng trải rộng mênh mông, tạo thêm một nét mới rất thực cho cao nguyên sương khói này.
Thành phố cửa sông
Nhìn trên bản đồ, Pakse nom như một doi đất nhô ra, được ôm ấp bởi hai dòng sông, Sedon ở phía Bắc và Mekong phía Nam. Và hẳn cũng bởi do vậy, Pakse có nghĩa là “thành phố cửa sông”. Mà bất cứ thành phố cửa sông nào, cũng đã bao hàm trong nó tính hội tụ về văn hóa. Với Pakse cũng vậy và còn hơn thế, bởi địa thế của Pakse thật đặc biệt. Này nhé, từ Pakse qua cầu Hữu nghị do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mekong, đi thêm khoảng hơn 40km, là đến Cửa khẩu Vang Tao tiếp giáp với tỉnh Ubon của Thái Lan. Phía nam Champasak lại có đường biên giới với Campuchia và hiện cũng đã có cửa khẩu thông thương qua lại. Từ biên giới này, đi thêm chỉ 40km là đến thủ phủ tỉnh Stưng Teng của Campuchia. Từ Pakse, theo đường 13, đi thêm 650km là lên đến Viêng Chăn, thủ đô của Cộng hòa DCND Lào. Như vậy, Pakse là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia, từ Trung Lào xuống và đi sang phía Đông. Ở vào cái thế đầu mối của các tuyến đường giao thương và giao lưu văn hóa như thế, nên không lạ, không cần đi vào các di tích mà chỉ cần đi trên đường phố Pakse, ngay cả lúc đêm đã về, vẫn gặp không ít khách du lịch, nhiều thì Thái Lan, Châu Âu, ít thì Nhật Bản… Năm 2006, chỉ tính riêng lượng khách du lịch từ nước thứ ba (không chung biên giới với Lào), đã đạt con số 150.000 người. Mà không cần nhìn đâu xa, biển hiệu các hàng quán ẩm thực ở Pakse đã nói lên điều này. Ta có thể gặp, từ những quán bán món ăn Việt (dĩ nhiên, vì có rất đông người Việt sống ở Champasak), món ăn Thái, đến cả món ăn Hàn Quốc và cả pizza Italia. Những hàng quán, quán ăn lẫn cà phê, với những vị khách du lịch đến từ trời Tây, đã tạo cho Pakse một dáng vẻ sầm uất, dẫu thành phố này vẫn chưa có nhiều những dịch vụ, những cửa hàng, khu thương mại lớn hay những cơ sở công nghiệp gì thật đáng kể.
|
Một góc khu du lịch Phá Suổm.
|
Khách sạn Hoàng gia (Palace Hotel) có lẽ là khách sạn lớn nhất ở Nam Lào. Nằm đổ bóng xuống dòng Sedon, khách sạn này nguyên là một tòa lâu đài đồ sộ được xây dựng từ năm 1969 thời vua Jao Boon Oum, vị vua cuối cùng của Nam Lào. Khách sạn có 1.900 khung cửa chính và cửa sổ nên còn gọi là khách sạn nghìn cửa. Giá thuê phòng của khách sạn này khoảng từ 29 đến 50USD/đêm. Ngồi trên lan can khách sạn một sáng tinh sương, nhìn xuống dòng Sedon. Con sông mùa này, lặng buồn mà thanh thoát. Tưởng như, sông đang lắng lại, sau khi đã miệt mài hòa nhịp với sự giao lưu về văn hóa đang ngày càng sôi động ven bờ.
Một buổi trưa, đứng bên bờ Mekong ngay nơi gặp nhau của hai dòng sông lớn chúng ta có thể mua những cân cá rô phi mà mỗi con khá lớn của những người địa phương nuôi trong những lồng ven sông (một cân cá giá chỉ khoảng 17.000 kíp). Sông mùa này nước hơi cạn, nhưng nhìn xuống mặt sông, vẫn mênh mông nhưng lại vắng bóng những thuyền bè qua lại. Những bờ xanh tiếp nối bờ xanh, đôi chỗ chỉ bị đứt quãng ngắn bởi những con đường dẫn xuống bên bờ.
Dạo quanh Pakse, ghé chùa Thau vào sáng sớm để chứng kiến việc khuất thực buổi sáng của các nhà sư, hay vào ban đêm, khi người dân đang quây quần bên nhau cùng trao đổi dăm ba câu chuyện bên chiếc ti vi thật lớn; rồi uống ly cà phê mang thương hiệu Dao coffee nổi tiếng của một Việt Kiều ở Champasak, đi cửa khẩu Vàng Tao mua hàng miễn thuế; lại ngồi bên bờ Mekong khi hoàng hôn về, nhâm nhi bia Lào và những món nướng đặc trưng ở những hàng quán bên đường… Đó là những điều thi vị mà tôi gặp trong một ngày thật bình thường ghé ngang Pakse.
Champasak
Champasak là một tỉnh lớn ở Tây Nam Lào, diện tích: 15.410 km2, dân số: 630.000 người, là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia, từ Trung Lào xuống và đi sang phía Đông. Thủ phủ của Champasak là thị xã Pakse, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của cả 4 tỉnh Nam Lào, cách Viêng Chăn trên 650 km. GDP tăng 9,5%, thu nhập bình quân đầu người 519 USD/người/năm, thu ngân sách 300 tỷ kíp/năm. Tỷ lệ hộ nghèo 10,03%.
Champasak có tài nguyên phong phú và đa dạng về rừng, đồng bằng, cao nguyên, đất đai màu mỡ thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Champasak là một trong những vựa lúa lớn nhất của Lào. Champasak còn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện, du lịch và phát triển kinh tế mậu biên. | |