Từ trung tâm Pakse, đi thêm khoảng 40km nữa, là đến Cửa khẩu Vang Tao (Lào) và qua khỏi biên giới là cửa khẩu Chong Mek (Thái Lan). Tỉnh Champasak đang quy hoạch để biến nơi đây thành khu thương mại biên giới sầm uất…
|
Qua khỏi cánh cổng này là đã đặt chân lên đất Thái.
|
Náo nức chợ vùng biên
Vượt qua sông Mekong trên chiếc cầu Hữu nghị, đoàn xe ngang qua vùng đất phía Tây của tỉnh Champasak. Cả một vùng đất mênh mông và bằng phẳng, vậy mà chỉ lưa thưa cây cối và những đụn cỏ màu vàng khô vì thiếu nước. Đi quãng hơn 40km, đã thấy tấp nập hơn những chuyến xe, hẳn là cũng vừa từ vùng biên về.
Và Vang Tao, cửa khẩu bên phía Lào, thuộc tỉnh Champasak đã hiển hiện trước mắt. Những hàng xe, đầy bụi đường, phủ vải bạt, mà ngó qua, đã biết là gỗ xẻ. Một khu đất rộng ở bên phải, thấp hơn mặt đường, đầy những chiếc xe chở than và những dáng người lam lũ đang tất bật làm việc. Cạnh đó, là những chuyến xe đang đậu tạm, hẳn là để chờ thời gian làm thủ tục…xuất ngoại? Khu đất ấy, sau tôi mới biết, là bến xe tạm của khu cửa khẩu này. Đến gần cửa khẩu, thấy nhộn nhịp hẳn. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên đất Lào thì chưa có gì nhiều trừ vài cửa hàng miễn thuế và một nhà hàng Việt Nam gần đó khá vắng khách.
Biên giới giữa hai quốc gia, hóa ra lại chỉ cách nhau bằng một bờ rào bằng sắt trông khá tạm bợ và cũ kỹ. Bờ rào này được dựng dài, nối giữa hai chân núi nhằm đối phó với hàng nhập lậu. Để qua lại biên giới, phải có tới ba loại giấy tờ: thẻ qua lại có ảnh, giấy thông hành biên giới cấp cho những người dân hai tỉnh Ubon và Champasak, hộ chiếu. Nhiêu khê vậy, nhưng thủ tục cũng không lâu lắm lắm. Dường như, trừ khách du lịch, còn lại nhiều người thì cũng đã quen với các thủ tục nên việc xuất - nhập cảnh có phần dễ hơn.
Những chuyến xe chở hàng của các tổ chức thương mại vẫn tấp nập chở hàng Thái, chủ yếu là lương thực thực phẩm, thiết bị điện, vật liệu xây dựng…còn hàng Lào qua Thái, ngoài lâm sản, là 12 loại hàng rau quả, lương thực bán qua Thái Lan. Bên Thái Lan thì chưa biết, chứ còn như theo trạm hải quan bên Lào, thì mỗi năm họ thu 64 tỷ kíp. Năm 2007 này, dự kiến con số đó sẽ là 71 tỷ kíp; trong đó, quý đầu của năm tài chính 2007 (tính trong ba tháng 10, 11, 12) dự tính chỉ đạt 14 tỷ kíp, nhưng cuối cùng đã đạt 16 tỷ kíp.
Lúc này đang trong mùa khô, nên lượng người qua lại xuất nhập cảnh khá đông, còn trong những tháng mưa, lượng người qua lại xuất nhập cảnh ít hơn. Tính trung bình, mỗi tháng có 8.000 lượt người qua lại xuất nhập cảnh và trong toàn năm 2006, đã có 72.000 lượt người qua lại xuất - nhập cảnh.
|
Xe từ Lào vào Thái Lan phải đảo chiều tại bùng binh này.
|
Từ lời đồn thổi đến hiện thực
Trước ngày tôi lên đường đi các tỉnh Nam Lào, lại nghe trong chương trình có ghé thăm Cửa khẩu Ubon của tỉnh Ubon (Thái Lan), không ít người mách nước, rằng nghe đâu đấy là vùng bán hàng hóa Thái Lan nhộn nhịp, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… giá rẻ đến bất ngờ. Lại có người đoán chừng, rằng ngay trên đất Lào mà hàng điện tử đã rẻ hơn Việt Nam, thì ắt trên đất Thái, giá có lẽ chỉ bằng nửa. Có người còn khuyên, nên mang kha khá “lương thực” vào, sang đấy biết đâu chừng kiếm được các vi tính xách tay, về cài thêm internet không dây nữa, thì có mà… oách. Hay mua di động cũng được, giá một chiếc điện thoại di động loại xịn ở Lào cũng chỉ bằng nửa ở Việt Nam, huống chi lại ở Thái Lan. Những lời đồn ấy làm tôi thêm háo hức, nhanh chân bước qua biên giới để vào đất Thái.
Bụi mù mịt-đó là cảm giác đầu tiên. Một bùng binh rõ to nằm ngay giữa đường, hóa ra là để xe đổi chiều vì bên Thái, xe chạy bên trái. Đập vào mắt tôi, quang cảnh mua bán khá ồn ào, náo nhiệt, khác hẳn với phần cửa khẩu trên đất Lào. Một khu chợ cửa khẩu, xung quanh đủ thứ dù bạt và ni lông che mưa, tránh nắng bùng nhùng, trông chẳng khác gì một khu chợ tạm. Hàng quán ăn uống xung quanh chợ khá đông. Đi tiếp vào bên trong, không đông lắm. Mỗi quầy, chỉ có một hai người đang lựa hàng. Bạt ngàn những hàng mang chữ Thái, phần nhiều là dầu gội, sữa tắm, xà bông, giày dép, quần áo. Nhìn chung chẳng có hàng hóa gì thật đặc biệt, trừ khu bán hàng lưu niệm, với những sản phẩm đến từ cả Thái Lan và Lào. Những tượng Phật, tượng thần Ấn Độ Giáo giả cổ; đồ đồng, tượng người làm từ gỗ khá đẹp và độc đáo. Tạt vào một cửa hàng điện thoại di động, lơ thơ vài điện thoại cũ, hoặc điện thoại Trung Quốc trông cũng chẳng mấy bắt mắt.
Nhiều người mua kem đánh răng, dầu gội, xà bông để làm qùa. Tôi thử hỏi giá, một típ kem đánh răng Darlie trà xanh tác động kép, giá 13.000 kíp, khuyến mại thêm một chiếc đĩa sứ loại thường. Bốn miếng xà phòng Lux, giá cũng chừng đấy. Sau này, có người ra siêu thị ở Parse mua, kích cỡ ấy, chỉ không có trà xanh, giá chỉ đắt hơn 2.000 kíp và tất nhiên, sẽ không kèm thêm chiếc đĩa khuyến mại.
Rời đất Thái, chua chát vì đã tan rồi giấc mơ về những chiếc điện thoại giá bằng phân nửa ở Quy Nhơn và chiếc vi tính xách tay, tôi tạt vào một cửa hàng miễn thuế trên đất Lào, cũng chỉ nhằm xem giá. Mặt hàng chủ yếu là rượu, thuốc lá ngoại, nhưng chỉ toàn để giá bằng USD hoặc bạt. Một chai nước hoa Coco Chanel 5 loại 100ml đề giá giá tới vài trăm bạt, tính ra tương đương triệu mấy tiền Việt, cũng chẳng rẻ rúng gì mấy. Nhưng có người nói vớt, rằng mua rượu hay nước hoa ở đây thì chắc là hàng thật.
|
Một góc chợ biên giới ở Thái Lan.
|
Một khu thương mại sầm uất trên đất Lào
Từ ngày 15-3-2007 trở đi, Lào và Thái Lan sẽ chính thức cho người dân qua lại tự do trong phạm vi 20m tính từ đường biên giới mỗi quốc gia trở vào. Hai bên sẽ cùng nhau kiểm soát khu vực này và tiến tới, hàng hóa qua biên giới chỉ phải kiểm tra một lần.
Tính về sự sầm uất, hiện nay, cửa khẩu Vang Tao của Lào có phần không bằng cửa khẩu Chong Mek trên đất Thái. Tuy nhiên, Champasak đang có ý định xây dựng khu vực này thành một khu thương mại biên giới. Một khu thương mại biên giới rộng 87 ha đã được tỉnh này khảo sát, quy hoạch. Trong khu vực này, sẽ có một bến xe, một trung tâm thương mại, khu đỗ xe, khu chợ ngoài trời có mái che, kho, nhà làm việc…Toàn bộ các công trình này sẽ nằm phía bên trái cửa khẩu. Phía bên phải, do vướng đường điện cao áp nên hầu như không xây dựng công trình gì lớn. Bên ngoài khu quy hoạch này, sẽ xây dựng một khu công nghiệp sạch, có nhà nghỉ, resort.
Hiện nay, theo ông Sonexai Sihandone, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Bí thư, Tỉnh trưởng Champasak, khó khăn lớn nhất với việc triển khai quy hoạch này là việc cấp nước. Hiện nay, nước sử dụng cho khu cửa khẩu đang phải mang từ Thái Lan sang. Còn muốn lấy nước từ sông Mekong, thì phải xây đường ống dài tới 40 km.
Hướng đầu tư của Champasak cho vùng thương mại biên giới là đã rõ. Và trong tương lai, khu vực cửa khẩu Vàng Tao sẽ thực sự sầm uất và triển vọng phát triển kinh tế mậu biên của Champasak sẽ không chỉ là triển vọng mà sẽ thành hiện thực. Khi đó, hàng hóa xuất từ Việt Nam, quá cảnh sang Lào để xâm nhập đất Thái sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Các doanh nghiệp Bình Định, nhất là những doanh nghiệp trên lĩnh vực thương mại, du lịch sẽ làm gì để chớp lấy thời cơ này?
|