Vừa lui cui chọn lựa vài món hàng để mang về làm quà, tôi vừa lo lắng, vì mình không biết tiếng Lào, vậy sẽ phải ngã giá thế nào đây? Thôi đành sử dụng vốn tiếng Anh bập bõm bằng A vậy - tôi nghĩ. Mới gặng được vài từ, một cụ già đang lựa hàng đứng bên cạnh, nhìn tôi chăm chú, rồi nói: “Ôi dào! Chú cứ nói tiếng Việt cho xong. Cháu nó cũng là người gốc Việt đấy. Bày đặt chi nói tiếng Tây cho mỏi miệng!”.
|
Một cửa hàng miễn thuế của Công ty Đào Hương tại cửa khẩu Vàng Tao (Champasak).
|
Quê hương thứ hai
Đó là bà Phạm Thị Quý, năm nay 81 tuổi. Bà mời tôi về nhà bà ở gần đó uống nước, lấy ra chùm me Thái trong tủ lạnh, và nài tôi ăn. Rồi bà mới kể, rằng bà quê gốc Ninh Bình, nhưng đã theo cha mẹ qua Lào từ năm 13 tuổi. “Ngày mới qua, nhà tui ở Luôn Sa Vẳn, nghèo lắm. Mấy năm sau, khi chuyển lên Pakse (tỉnh Champasak) này, mới khá lên được. Hồi trước, ngày ngày tôi ra chợ biên giới, mua trái cây Thái Lan về bán. Chồng tui cũng người Việt, trước nấu ăn trong khách sạn cho Tây. Cả hai vợ chồng làm ăn cật lực, mới nuôi nổi 7 đứa con, nay đều đã lớn”. Rồi cụ cho biết thêm, 7 người con của cụ, nay người sống ở Đức, kẻ ở Mỹ, người Viêng Chăn. Nay, cụ sống với người con gái tại Pakse. “Vậy các con cụ có biết nói tiếng Việt không?”. “Có chứ! Đứa nào cũng phải học tiếng quê cha đất Tổ. Ở nhà phải nói tiếng Việt, tiếp xúc với người Lào mới nói tiếng Lào. Mà tiếng Lào, nói thật với chú, dễ như cháo. Ngay tui cũng rành, nói chi mấy đứa thanh niên”. Rồi cụ tâm sự: “Ngày đó, cũng vì miếng ăn mà phải lưu lạc xứ người. May là sang đây, sống với người Lào dễ, họ hiền và không câu chấp. Người Việt mình sang đây, chịu khó biết làm ăn thì mau giàu, nhiều người làm nhà hai ba căn. Mà cũng nhờ vậy, tui mới nuôi nổi 7 đứa con chứ chú. Bây giờ, tui đã coi nơi này như quê hương thứ hai của mình rồi nhưng tui cũng đã hai lần về thăm quê rồi đấy”.
Có một kinh nghiệm mà người đã đi Lào vẫn thường nói với người sắp đi, rằng sang Lào, muốn mua gì, trước hết hãy cứ nói tiếng Việt. Nếu không gặp người Việt thì chủ tiệm sẽ nhờ hàng xóm là người Việt sang phiên dịch. Sang Lào mà cứ như đang ở ngay trên quê nhà, cũng một phần là do vậy. Tại Attapư, ngay trên tuyến đường 18B vừa mới hoàn thành, tôi tạt vào một quán cơm Việt: tiệm Đức Lộc. Đây cũng là điểm dừng chân ăn trưa của nhiều tuyến xe khách từ Việt Nam đi Pakse. Gia đình này mới sang Lào từ năm 1993. Vừa bán cơm, họ vừa bán card điện thoại, làm dịch vụ đổi tiền… “Trước đây, tôi ở Pakse, 4 năm nay mới chuyển về sống tại Attapư”- ông Đức Lộc nói. Gần bên tiệm Đức Lộc, cũng nằm trên tuyến đường này, còn có tiệm bán nước mía Vĩnh Thắng, một tiệm chụp ảnh lấy ngay, một tiệm bán bánh mì, một tiệm bún…. thảy đều của người Việt. Còn tại Sekong, cả hai quán phở mà chúng tôi ghé vào, thì đều là quán phở của người Việt; trong đó, có một quán phở của một người Việt gốc ở Hoài Nhơn-Bình Định.
Ngay hai tỉnh có số lượng người Việt đang sinh sống ít, còn vậy, nói chi đến Champasak, ra đường là gặp người Việt. Người Việt ở Pakse đã sống với nhau thành từng xóm, với những cái tên rất Việt Nam: Tân Phước, Tân An, Sân Bay, Nhà Đèn. Người Việt ở Pakse, ai cũng khâm phục ý chí và tài năng của một tỉ phú Việt: bà Lê Thị Lượng, Giám đốc Công ty Đào Hương, với thương hiệu Dao coffee mà ta có thể gặp trên những tấm biển quảng cáo dọc suốt những nẻo đường Nam Lào và bày bán ở hầu khắp các siêu thị, hàng tạp hóa ở Lào. Quê ở Huế, gia đình bà Lượng sang Lào và bà được sinh ra trên đất Pakse. Ngày còn nhỏ, bà Lượng phải đi ở đợ, gánh nước, rửa chén rồi bán hàng rong. Sau đó, bà chuyển sang làm bánh gai, bán rất chạy. Năm 1991, bà mở Công ty Đào Hương, chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Hiện nay, bà có cửa hàng quy mô lớn ở Viêng Chăn, cửa khẩu ở Savanakhet, cửa khẩu ở Champasak; trồng và chế biến cà phê. Điều đáng nói là khi chợ cũ Pakse bị cháy, bà Đào Hương đã bỏ tiền xây chợ mới, cho thuê, giúp cho nhiều Việt kiều có chỗ làm ăn buôn bán; bà còn cho bà con mượn tiền để xây tường bao cho nghĩa trang của Việt kiều…
Bên cạnh người Việt đã định cư, còn có những người Việt khác, chủ yếu là những người thợ, sang Lào làm việc một thời gian rồi quay về Việt Nam. “Hiện nay, những công trình xây dựng nhà một, hai tầng trở lên, chủ yếu là do người Việt thi công”- một Việt kiều nói. Rồi ông chỉ lên một căn nhà cao tầng gần đó, có mấy người thợ đang đứng trên những giàn giáo và nói: “Đấy là thợ Việt cả đấy”.
Tình Việt nơi xứ người
Người Việt ở Attapư và Sekong, mới sang Lào định cư từ hơn chục năm nay trở lại, những Việt kiều vốn đã sinh sống và làm ăn ở Champasak từ 3, 4 đời, cuộc sống đã gắn bó với đất nước Lào từ nhiều thế hệ, nhiều người đã được công nhận Việt kiều, có người đã nhập quốc tịch Lào; vậy nhưng, nếp sống của họ vẫn là của người Việt. Việc ma chay, cưới hỏi được tiến hành theo đúng trình tự như phong tục truyền thống của người Việt. Ngay từ đêm hôm trước, những người quen biết của gia đình cũng đã đến thăm hỏi, chuyện trò và nếu cần thì làm giúp; trong đám cưới, có lễ gia tiên. Tết Nguyên đán, họ cũng cùng tổ chức các hoạt động như ở bên nhà, cũng nấu bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Ba ngày Tết, người Việt rủ nhau đi chúc Tết. “Không chỉ trong cộng đồng người Việt, những người Lào có quen biết với các gia đình người Việt cũng đến nhà người Việt để chúc Tết. Ngược lại, đến ngày Tết Lào thì người Việt cũng đến vui chung với họ”- bà Quý cho biết. Ở Salavan, dù người Việt đã qua định cư ở đây từ lâu, số lượng lại không lớn, họ ít tiếp xúc với người Việt nên nhiều người sinh ra sau này không nói được tiếng Việt, nhưng “đất lề quê thói”, họ vẫn giữ.
Một điểm nữa, thể hiện tính cộng đồng cao của người Việt, là họ rất đùm bọc lẫn nhau. “Nói giả sử chứ nếu có chết ở đây mà không có gia đình, bà con thì cũng khỏi lo. Hãy yên tâm là mình sẽ được chôn cất đàng hoàng bởi đồng bào mình”- ông Nguyễn Khắc Phi Vân, một Việt kiều hiện đang làm việc tại khách sạn Anou - Pakse nói. Còn việc học tiếng Việt, với con em người Việt, đã thành lẽ đương nhiên. Có những cô, cậu thanh niên tôi gặp ở quán Net ven đường, tuy sinh ra và lớn lên ở Lào, chưa một lần về quê cha đất Tổ, nhưng vẫn nói được tiếng Việt, hát bài hát Việt nhưng tất nhiên, giọng nói đã bị lai đi ít nhiều.
Không chỉ phong tục, tập quán, tiếng nói, cách ăn uống, ứng xử, người Việt ở Lào còn tạo lập cả không gian thờ tự cho mình trên quê mới. Ngang qua xóm Phôn Xay (Pakse), gần bên Câu lạc bộ Việt kiều, tôi bắt gặp Linh Bảo tự - một ngôi chùa Việt trên đất Nam Lào. Còn tại thủ đô Viêng Chăn, gần khu vực khách sạn Anou, thậm chí còn có hẳn một đền thờ Đức Thánh Trần.
Dù không phải ai cũng khá giả như bà Đào Hương, nhưng đa phần người Việt rất có tấm lòng với quê hương. Mỗi khi trong nước có lũ lụt, hạn hán, bà con đều góp tiền để chuyển về nước, như trong cơn bão số 6 vừa qua, bà con Việt kiều ở Champasak đã đóng góp và gửi tiền về để xây dựng được một căn nhà tình nghĩa tại Quảng Nam.
|
Một quán phở của người Việt tại Sekong.
|
Nỗi niềm người xa xứ
Theo ông Trần Ngọc Kim, Chánh Văn phòng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Lào, thì người Việt đang sinh sống và định cư ở 4 tỉnh Nam Lào với khoảng hơn 5.000 người, đông nhất là ở Champasak với hơn 4.000 người. Việt kiều đa phần là người lao động nghèo, một số từ Việt Nam sang, một số từ Cam Pu Chia qua Lào tìm việc làm, mới định cư ở Lào từ năm 1990 trở lại đây, nên vốn liếng của họ có hạn. Đa số chủ yếu buôn bán tạp hóa, quần áo ngoài chợ, nhiều người chưa được công nhận Việt kiều, nên làm gì cũng phải nhờ người Lào đứng tên. Còn khi đã nhập quốc tịch Lào mới được mua nhà, mua đất và kinh doanh hợp pháp. Gia đình chị Liên Hương, chủ tiệm cơm Liên Hương ở Pakse, qua Lào từ năm 1989 nhưng mới được nhập quốc tịch gần đây. “Những người qua từ năm 1990 trở về sau này thì không được nhập quốc tịch đâu. Ngay như gia đình tôi mà cũng qua nhiều thủ tục và chờ lâu lắm”- chị Hương nói.
Theo ông Kim, theo quy định của Lào, muốn được công nhận là Việt kiều, phải biết nói, biết đọc và hiểu biết về phong tục, tập quán của người Lào. Qua thẩm vấn, chỉ những người nào đạt được các tiêu chuẩn trên thì mới được công nhận là Việt kiều, sau đó mới cho nhập quốc tịch. Tuy hiện nay, các hội người Việt, nhất là ở Attapư và Sekong đang tích cực điều tra, lập danh sách những gia đình người Việt đã định cư lâu, có nhà cửa và công ăn việc làm ổn định và căn cứ quy chế, chính sách của Lào, để làm việc với cơ quan chức năng, để đề nghị công nhận họ là Việt kiều nhưng nói chung, thủ tục vẫn còn khó khăn. Một số Việt kiều ở tỉnh Khăm Muộn và Paksong (tỉnh Sekong), đã gắn bó với cách mạng Lào và đã được đặc cách cho nhập quốc tịch, nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong thủ tục cắt quốc tịch.
Ở Champasak, hiện có Trường Hữu nghị Việt kiều Champasak đã xây dựng cách đây nhiều năm. Hiện trường có 3 dãy nhà, với 21 phòng học, bên cạnh con em người Việt, còn có khoảng 1/3 học sinh là người Lào. “Người Lào gửi con theo học ở trường Việt kiều cũng là nhắm tới mục tiêu sẽ cho con em mình du học tại Việt Nam”- ông Trần Ngọc Kim cho biết. Ở hai tỉnh Attapư và Sekong, bà con người Việt cũng đang muốn xây dựng một trường tiểu học dành cho con em mình. Hiện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Lào đã đề nghị Ủy ban về Người Việt Nam ở Nước ngoài hỗ trợ xây dựng hai ngôi trường ở hai tỉnh này. Trong đó, Ủy ban này đã đồng ý hỗ trợ 430 triệu đồng và tỉnh Kon Tum hỗ trợ thêm 2.000USD, để xây dựng Trường Hữu nghị Việt kiều tỉnh Attapư. Sau khi xây dựng xong, trường sẽ gồm 3 lớp, mỗi lớp có khoảng 20 học sinh. Trường sẽ triển khai xây dựng ngay trong mùa khô năm nay và sẽ khai giảng vào khóa 2007-2008. Bà con Việt kiều ở Sekong cũng đang rất mong có một ngôi trường cho con em mình như vậy.
Trong những ngày lang thang trên những nẻo đường Nam Lào, tôi đã gặp những mảnh hồn Việt nơi quê người như vậy. Như trăm sông vẫn đổ về biển cả, tâm hồn họ vẫn gửi tận phương trời, về nơi ấy, quê nhà, có cánh đồng râm mát chiều quê, có hàng tre, bờ đất…
|