Bánh tráng nước dừa (BTND) là sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Tam Quan (Hoài Nhơn). Với ước mong BTND trở thành hàng hóa và người làm bánh giàu lên từ đặc sản quê mình, cách đây vài năm, anh Lê Văn Phán- một lái xe đường dài quê ở Hoài Hảo (Hoài Nhơn)- đã quyết định “giải nghệ” quay về xây dựng thương hiệu BTND với tên gọi Ba Quan.
|
Vợ chồng anh Phán chở BTND bỏ cho các điểm bán lẻ.
|
* Bước ngoặt đầu tiên
Đi dọc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn, bạn sẽ gặp khá nhiều những chồng BTND được bày bán trước những tiệm ăn, quán nước ven đường. Trước đây, BTND được cột thành ràng, mỗi ràng từ 10- 15 chiếc nhưng bán không “chạy” vì người dân sản xuất theo phương thức “tự sản, tự tiêu”, chất lượng không đảm bảo, hàng hóa không bao bì, nhãn mác...
Có một thời gian BTND mang nhãn hiệu “Phú Đại Thịnh” với “chiếc áo” ni-lon sạch sẽ, ghi ngày tháng sản xuất rõ ràng… được tiêu thụ nhiều hơn. Đó là sáng kiến của anh Lê Văn Phán. Noi gương anh Phán, các hộ làm BTND ở Hoài Nhơn cũng đã thay đổi hình thức chiếc bánh để tạo niềm tin cho khách hàng. Có thể nói đây là “bước ngoặt” đầu tiên của sản phẩm BTND Tam Quan nhưng muốn đưa chiếc bánh này đi xa hơn không thể chỉ dừng lại đó…
Sinh năm 1960, tại Hoài Hảo, Hoài Nhơn, anh Phán luôn tự hào là nông dân chính hiệu. Thế rồi, cuộc sống đưa đẩy, anh trở thành lái xe đường dài, buôn hàng nhỏ lẻ đi khắp cả nước. Một lần, muốn ghé thăm một người bạn thời quân ngũ đang sống ở Vinh, Phán băn khoăn tìm mua một món quà và anh quyết định: không gì khác hơn ngoài BTND! Món quà quê giản dị được bạn chia sẻ cho xóm giềng và ai ăn cũng khen ngon. Người bạn gọi điện cảm ơn và đề nghị Phán mua giùm cho mỗi người một ít. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu anh: tại sao BTND quê mình ngon là vậy mà rất nhiều người vẫn chưa biết đến, tại sao BTND không thể vào siêu thị… Phán ngầm so sánh: cà phê là mặt hàng chỉ có khoảng 30% dân số sử dụng, lại luôn phải chịu sức ép cạnh tranh nhưng đã có một Lê Nguyên Vũ đưa cà phê Tây Nguyên “vùng vẫy” khắp trong Nam, ngoài Bắc và các nước trên thế giới. Còn BTND, từ trẻ nhỏ đến người già đều biết ăn lại là đặc sản chỉ vùng quê mình mới có lại không thể “đi” xa hơn được (?). Muốn bán được bánh nhất định phải thay đổi công nghệ, không thể sản xuất thủ công, mỗi người một kiểu, không kiểm soát được chất lượng… và phải xây dựng thương hiệu. Ý nghĩ ấy thôi thúc anh Phán tìm tòi, nghiên cứu sách vở và khảo sát thị trường để tìm “đầu ra” cho BTND.
|
Hầu hết người làm bánh tráng nước dừa vẫn phơi tự nhiên, cách làm này khiến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khó đảm bảo.
|
* Xây dựng thương hiệu
Tuy là người không trực tiếp làm ra cái bánh nhưng anh Phán chỉ cần nhìn qua là có thể biết bánh thiếu gia vị nào bởi như lời anh: “không vào lò tráng bánh nhưng cả cuộc đời mình đã gắn bó với chiếc bánh mặn mà, béo ngậy, thơm ngon này. Mình cũng đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về nó...”. BTND “Phú Đại Thịnh” có được mùi vị đặc trưng là nhờ sự điều chỉnh, thêm bớt thành phần này, nguyên liệu kia của anh. Và “công nghệ” này được anh chuyển giao cho 5 hộ sản xuất BTND trong xã để làm “vệ tinh” cho Phú Đại Thịnh. Sản phẩm của 5 cơ sở làm ra (30.000 bánh/ngày) được anh bao tiêu.
Để tiêu thụ được nhiều, anh Phán xây dựng hệ thống bán lẻ dọc theo Quốc lộ 1A với 20 đại lý, chỉ chuyên bán sản phẩm của mình. Anh kể: “Năm kia, tôi đã đưa BTND Phú Đại Thịnh ra Hội chợ các sản phẩm làng nghề ở Huế. Chỉ trong 2 ngày, cả xe bánh được bán hết veo. Thành công này càng làm tôi tin tưởng vào sản phẩm của mình khi quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất!”.
Đầu năm 2006, Phán cùng với người bạn là anh Nguyễn Tiến Dũng lập một dự án sản xuất BTND công nghệ khép kín, công suất 10.000 sản phẩm/ngày. Anh thuê mặt bằng tại xã Hoài Thanh, xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung gồm 10 lò tráng bánh và các lò sấy, kho bảo quản để có thể tạo ra những sản phẩm “sạch” thay cho việc phơi tự nhiên, không đảm bảo vệ sinh. Xưởng bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2006. Năng lực sản xuất bánh đạt trên 50.000 bánh/ngày. Cơ sở giải quyết việc làm cho trên 60 lao động.
BTND muốn bán được phải có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, quảng bá rộng. Tiêu chí hàng đầu anh đặt ra cho sản phẩm của mình là đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Trước đây, người sản xuất bánh truyền thống vẫn thường dùng bột béo, bột tẩy nhằm tạo cho bánh có thêm độ béo, trắng trông bắt mắt. Song, sản phẩm BTND Phú Đại Thịnh vẫn giữ màu tự nhiên của bột. Chọn bột được anh xem là khâu quan trọng nhất. Để bánh ngon, không bị chua, giữ được lâu, bột phải sạch. Dừa phải là dừa già, nguyên trái, không mộng để sản phẩm không hôi dầu.
Để tránh ô nhiễm môi trường, anh đã cùng những người thợ rèn ở thị trấn Đập Đá mày mò thiết kế ra chiếc bếp đế đúc bằng điện, không dùng than củi như trước. Hiện nay, nhiều cơ sở khác trong vùng cũng sử dụng chiếc bếp điện này với ưu điểm có thể điều chỉnh độ nóng phù hợp, không phụ thuộc nguyên liệu chất đốt ngày càng khan hiếm, tiết kiệm chi phí…
Đầu tư vào sản xuất, anh Phán vẫn không quên khâu tiếp thị, bán lẻ sản phẩm. Trong năm 2006, anh tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ lên 50 điểm và đầu tư kệ bán, trang trí bắt mắt cho các điểm. Các điểm bán lẻ của cơ sở đều thống nhất giá bán. Chính vì vậy, sản phẩm BTND Phú Đại Thịnh tạo được uy tín cho khách hàng khắp mọi nơi không chỉ vì chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm mà còn vì giá đồng nhất, khách du lịch cũng không lo mua “hớ”.
Song, vấn đề luôn làm anh trăn trở vẫn là bản quyền thương hiệu sản phẩm BTND Phú Đại Thịnh của mình. Anh Phán đã tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam với tên gọi BTND Ba Quan. Phán tâm sự: “Tôi rất muốn sản phẩm mang tên gọi Tam Quan vì Tam Quan là một địa danh đã có tên tuổi. Nhưng tên chung của một địa phương không thể là sở hữu của một cá nhân nên tôi đã quyết định gọi sản phẩm của mình là BTND Ba Quan”. Ba Quan hiện đang chờ để được công nhận bản quyền thương hiệu.
|
Hiện nay BTND của Hoài Nhơn chủ yếu vẫn mạnh ai lấy làm, tự sản, tự tiêu.
|
* Mỗi tháng, mỗi người ăn một cái
BTND nướng sẵn sẽ là sản phẩm chủ lực của Cơ sở Phú Đại Thịnh. Anh Phán cho biết như vậy. Trước đây, để ăn BTND, người tiêu dùng phải nướng bằng bếp than thì bánh mới giòn, ngon. Khi nướng cũng phải khéo léo vì bánh rất dễ bị cháy do có chất dầu từ dừa. Ngày nay, nhiều người, nhất là dân ở thành phố ít sử dụng bếp than nên rất ngại mua BTND vì bất tiện khi nướng. Trong quá trình khảo sát thị trường tại một số tỉnh phía Nam, anh thấy các siêu thị đều “hít” đặt loại bánh đã nướng sẵn. Từ đó, anh tiếp tục mày mò, tạo ra loại bánh nướng sẵn khuôn nhỏ, bao bì kín, nhiều lớp… để có thể bảo quản tốt với hạn sử dụng 1 năm.
Cuối tháng 3-2007 này, những mẻ BTND Ba Quan nướng sẵn sẽ được tung ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm BTND nướng sẵn thành công, anh tiếp tục nuôi ý định sản xuất loại BTND có mè, hương vị gừng hoặc sữa… Anh Phán hồ hởi nói thêm: “Và cũng cần phải có nhiều loại sản phẩm (bánh bình dân, bánh cao cấp) phù hợp với từng đối tượng tiêu dùng”.
BTND là một sản phẩm chưa có sự cạnh tranh, nguyên liệu lại dồi dào, có sẵn tại địa phương. Phát triển trên cái có sẵn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đầu tư cho một sản phẩm mới. Phán nghĩ như vậy.
Huyện Hoài Nhơn hiện có khoảng 300 hộ sản xuất BTND, mỗi ngày sản xuất khoảng 300.000 bánh và được tiêu thụ hết mà địa bàn tiêu thụ chỉ mới từ Nha Trang đến Huế. Người tiêu dùng ở miền Bắc, miền Nam hầu như chưa biết đến BTND Tam Quan. Theo tính toán của anh Phán, nếu sản phẩm được mở rộng ra thị trường cả nước và chỉ cần mỗi tháng, một người ăn một cái thì số lượng bánh tiêu thụ có thể lớn hơn rất nhiều lần so với hiện nay.
Hiện tại, đa số sản phẩm BTND vẫn được sản xuất và tiêu thụ tự phát, mạnh ai nấy làm, ít rõ ràng về các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm vì thế làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín sản phẩm truyền thống của địa phương. Để BTND trở thành sản phẩm mạnh, cần có một chiến lược đầu tư, phát triển BTND trên quy mô lớn để không chỉ đem lại việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn tạo ra lợi nhuận cho các dịch vụ “ăn theo” chiếc bánh. Ai đến Hoài Nhơn, ai vào Bình Định cũng có thể nhìn thấy ngay sản phẩm BTND và không thể không mua BTND? Đó là trăn trở của anh Lê Văn Phán đang muốn chia sẻ với nhiều người.
|