Dáng dấp một An Lão mới
8:49', 2/4/ 2007 (GMT+7)

Đêm. Khu trung tâm huyện lỵ An Lão thật lặng lẽ. Nằm một mình trong nhà khách của UBND huyện - một ngôi nhà có kiến trúc mô phỏng nhà sàn của đồng bào dân tộc H’rê, tôi nghe rất rõ tiếng trở mình cọt kẹt của sàn gỗ, vách gỗ. Chỉ có ban ngày người ta mới nhận ra An Lão đã có dáng dấp của một đô thị... vùng cao. Sự thực, An Lão đang hối hả chuẩn bị cho việc khai sinh một thị trấn đeo tên huyện.

 

Một góc đẹp ở trung tâm huyện lỵ An Lão.

 

Từ sau Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa X, qua một cuộc giơ tay biểu quyết của các đại biểu HĐND tỉnh thông qua tờ trình thành lập thị trấn An Lão, việc đô thị hóa vùng trung tâm huyện lỵ bắt đầu được đẩy nhanh tiến độ. Thực ra, từ 6-7 năm trước, Đảng bộ và nhân dân huyện An Lão đã bức xúc về việc huyện không có thị trấn. Và đến giờ phút này, trong thời gian chờ đợi Chính phủ ký quyết định thành lập thị trấn, việc xuất hiện thị trấn An Lão đã là quá muộn, muộn nhất so với tất cả các huyện trong tỉnh, kể cả các huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Vậy mà thị trấn An Lão trong tương lai thật gần ấy vẫn chưa đủ “đô” theo tiêu chuẩn của một đô thị loại 5!

* Lên thị trấn để “thành” thị trấn

Theo ông Nguyễn Danh Dũng, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện, có 3 lý do để huyện An Lão xin điều chỉnh địa giới hành chính các xã An Trung, An Tân và An Hưng thành lập thị trấn An Lão. Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu thực tế của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua và hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đến của huyện theo hướng phát huy kinh tế sẵn có của địa phương, tranh thủ các nguồn tài trợ, giúp đỡ của các ngành, các cấp để phát triển nhanh kinh tế. Thứ hai, huyện có nhiều dân tộc thiểu số, có diện tích tự nhiên lớn trong khi trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn; các cấp chính quyền thiếu sự sâu sát. Thứ ba, sự phát triển mang dáng dấp đô thị của khu vực trung tâm huyện lỵ mà cụ thể là một số thôn nằm trên địa bàn các xã An Hưng, An Trung, An Tân. Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Minh Dựng không hề giấu diếm: “Nếu so với các tiêu chuẩn đô thị loại 5 theo quy định điều 13 của Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5-1-2001 về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị thì việc thành lập thị trấn An Lão đang thiếu một tiêu chuẩn đó là tỉ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động. Quy định là 62% nhưng An Lão chỉ mới đạt được 58,92%. Tuy nhiên vì An Lão là miền núi nên đây là tỉ lệ cho phép”.

Thực chất, để xứng đáng với tầm vóc của một thị trấn, khu vực điều chỉnh địa giới không chỉ thiếu tiêu chuẩn về tỉ lệ lao động phi nông nghiệp mà hầu như tất cả các mặt đều có sự xuất phát rất thấp. Đông dân tộc thiểu số cộng với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, ngành nghề chưa phát triển, mật độ dân cư thấp, đời sống nhân dân còn rất thấp và lạc hậu so với nhiều địa phương khác là một thực tế mà một thị trấn mới phải đối mặt. Tuy nhiên điều đáng quan tâm nhất vẫn là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế quá chậm và cáng cân đang nghiêng về phía nông - lâm - nghiệp. Thực tế huyện An Lão đang đặt ra mục tiêu phấn đấu để đến năm 2010 tỉ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 70,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 7,1%, dịch vụ chiếm 22,6%. Với mức phấn đấu này, xem ra sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở An Lão còn hết sức khó khăn và điều đó kéo theo tốc độ đô thị hóa chậm chạp là đương nhiên.

Dáng dấp đô thị chỉ có ở huyện An Lão xuyên qua con đường liên huyện từ đoạn giáp ranh huyện Hoài Ân qua các xã An Hòa, An Tân và An Trung đến khu vực trung tâm huyện lỵ. Hai ngày ở An Lão, chúng tôi đã vòng lượn không biết bao nhiêu lần trên địa phận này và vui mừng khi phát hiện đã có hai dịch vụ internet, một số dịch vụ cơ khí, điện, điện tử... So với vài năm trước, giờ đây An Lão đã mọc thêm nhiều quán ăn, chất lượng nấu nướng cũng đã khá hơn lên. Đến An Lão công tác hoặc vui chơi, thăm thú, bây giờ người ta đã có thể lưu trú dài ngày ở nhà khách của UBND huyện hoặc ở khách sạn Khải Hoàn với tiện nghi tương đối tốt... Đó được coi là nền tảng để phát triển thị trấn An Lão.

 

Cầu Trung Hưng - chiếc chìa khóa giúp An Lão mở ra một vùng đất giàu tiềm năng.

 

Tuy nhiên, An Lão chỉ thực sự có dáng dấp thị trấn từ khi bộ mặt hạ tầng thay đổi với việc xây dựng hàng loạt công trình trong những năm gần đây; cùng với việc mở rộng những con đường nội bộ quanh khu trung tâm huyện lỵ, đặc biệt là việc hoàn thành cây cầu bắc qua sông Đinh nối 2 xã An Trung và An Hưng vào năm 2003. Cây cầu không tên nhưng người dân đã tự đặt tên cho nó là cầu Trung Hưng. Sự đặt tên ngẫu nhiên này khiến tôi liên tưởng đến chiếc cầu Bình Phú trên đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Một phía ghép từ tên của 2 xã là An Trung và An Hưng còn phía kia lại ghép từ tên của 2 tỉnh là Bình Định và Phú Yên. Tên của cầu thì theo mô tip ghép tên hai địa phương nhưng ý nghĩa của chiếc cầu này tôi thấy sao mà có vẻ giông giống với chiếc cầu Thị Nại nối nội thành Quy Nhơn - với xã Nhơn Hội. Bởi cầu Trung Hưng mở ra, đã giúp An Lão khai phá được vùng đất An Hưng giàu tiềm năng vốn chưa được khai thác vì có dòng sông Đinh cách trở. Bây giờ bên kia cầu Trung Hưng là Cụm công nghiệp Gò Bùi rộng 13 hecta đang được quy hoạch, san ủi mặt bằng; bên kia cầu Trung Hưng đã có một ngôi trường THCS bán trú khá lớn và ngôi trường THPT thì đang được xây dựng cũng hoành tráng không kém. Bên kia cầu Trung Hưng cũng sẽ là trụ sở của UBND thị trấn An Lão khi huyện An Lão được chính thức nhận quyết định thành lập thị trấn của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Minh Dựng nói: “Lên thị trấn rồi An Lão mới “thành” thị trấn được bởi khi lên được thị trấn thì mới được đầu tư lớn; mới có điều kiện hơn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông - lâm nghiệp sang công nghiệp- xây dựng và dịch vụ; mới có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng...”.

* Thị trấn để phát triển những vệ tinh

Chủ tịch UBND huyện An Lão có vẻ ngắc ngứ khi được hỏi: Hiện nay, cây gì được xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế ở huyện An Lão?

An Lão đã từng 3 lần xác định cây mũi nhọn. Lần thứ nhất vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cây mũi nhọn được xác định là cây quế. Nhiều người dân đã đổ biết bao công sức, mồ hôi và tiền bạc cho “cây mũi nhọn” này để rồi hậu quả là sau 5 năm, 10 năm phải chặt bỏ hàng loạt hoặc chỉ đem bán cho người làm giàn giáo xây dựng công trình... Rồi đến cây xoài, cây dứa... tất cả đều trở thành “cây của nợ” vì xoài không ra trái, dứa chẳng người mua. Bây giờ bảo lấy cây gì làm “cây mũi nhọn” cũng đều khó thuyết phục người dân. Nhưng chính từ thực tế cuộc sống và những điển hình làm kinh tế giỏi, người dân An Lão đã tự tìm cho mình cây mũi nhọn.

 

Cụm công nghiệp Gò Cây Duối đang được san ủi mặt bằng sẽ cùng với thị trấn An Lão giúp huyện đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH.

 

“Phải chi 15, 17 năm trước cây mũi nhọn được xác định là keo lá tràm hay keo lai có lẽ giờ đây An Lão đã lắm người thành tỉ phú!” chẳng phải chỉ có Chủ tịch Phạm Minh Dựng nói như vậy mà rất nhiều người khi nhắc đến nền kinh tế ở An Lão cũng đều chép miệng.

Nói như vậy, không có nghĩa là cấp ủy Đảng và chính quyền huyện An Lão không nhìn thấy đường hướng phát triển kinh tế của huyện nhà. An Lão có tài nguyên rừng phong phú, có nguồn tài nguyên đá granit khá dồi dào. Ngoài cây keo, cây mây cũng được xác định là cây kinh tế để vận động nhân dân trồng dưới tán rừng và rồi cây cau trồng tự phát trong nhân dân thời gian qua cũng đã giúp bao gia đình thoát khỏi ngặt nghèo. Đề án khai thác và chế biến đá granit tại chỗ với quy mô lớn đang trong thời kỳ hoàn thành thủ tục...

Thị trấn An Lão ra đời, dịch vụ rồi sẽ phát triển, 2 cụm công nghiệp Gò Bùi và Gò Cây Duối với quy mô ban đầu 28 hecta đang chuyển động tích cực. Sự ra đời của thị trấn An Lão sẽ giúp huyện An Lão làm mờ đi cái điểm yếu cố hữu “ngõ cụt” và kéo theo sự phát triển của các xã lân cận. Chủ tịch Phạm Minh Dựng cho biết: “Chúng tôi đang chọn 20 nghệ nhân làm hàng mỹ nghệ để hỗ trợ kinh phí cho ra miền Bắc học nghề. Các cụm công nghiệp của chúng tôi đã có đến 16 doanh nghiệp xin đăng ký hoạt động song chúng tôi phải xem xét kỹ, chỉ ưu tiên cho những doanh nghiệp đầu tư lớn, hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp sạch và tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ...”.

Sự hào hứng của Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Minh Dựng đã giúp tôi có một niềm tin vào một An Lão mới đầy sức sống trong một tương lai gần, dẫu giờ “thị trấn” An Lão chỉ mới là dáng dấp!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng Ba Quan  (26/03/2007)
Kỳ VI: Người Việt ở Nam Lào  (13/03/2007)
Bài V: Đi chợ vùng biên  (11/03/2007)
Kỳ IV: Miền đất huyền ảo  (09/03/2007)
Bài III: Một thoáng Sekong  (08/03/2007)
Kỳ II: Attapư: lạ mà quen  (07/03/2007)
Nam Lào ký sự  (05/03/2007)
Nhơn Lý - lao xao mùa cá, ruốc  (05/03/2007)
Săn kì đà  (26/02/2007)
Xứ sở dệt mùa xuân  (22/02/2007)
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)