Năm 1997, vợ chồng bác Võ Trọng Hải tiếp quản khu vườn rộng 6 sào của ông bà để lại nằm giữa đồng không mông quạnh trên địa bàn khối Vĩnh Liêm, thị trấn Bình Định (An Nhơn). Vườn trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc quy mô, lại ở giữa bốn bề hoang vắng nên hai bác vừa buồn vừa canh cánh nỗi lo. Bác Hải bèn nhờ người “mai mối” mua được một chú becgiê giống Đức chính hiệu về nuôi vừa vui nhà vui cửa vừa giúp canh giữ vườn cây. Vợ chồng bác không ngờ rằng mình sẽ theo một nghề mới: nuôi chó becgiê sinh sản.
|
Bác Hải đang kiểm tra chó trong chuồng.
|
* Không chỉ là thú vui
Có chú chó, căn nhà vui hẳn lên. Ban ngày nó theo bác ra vườn, đêm lại nó quanh quẩn chơi đùa cùng hai bác. Rảnh rỗi, bác Hải lại tập cho nó những thói quen sinh hoạt. Rồi chú chó con thành “trai tráng” vạm vỡ, tai to, chân gồ, mình dài, mặt bự, nhìn rất đã mắt. Càng lớn nó càng khôn. Thế nhưng thỉnh thoảng bác Hải thấy nó có vẻ buồn buồn. Bác đùa với bác gái: “Chắc nó muốn vợ rồi!”. Thế là trong một chuyến vào TP Hồ Chí Minh thăm người con trai út, bác Hải tìm mua một becgiê cái cùng giống, cùng lứa với giá 1,2 triệu đồng về “gả” cho nó. Rồi chúng “thành vợ thành chồng”. Đến ngày “khai hoa nở nhụy”, nhà bác Hải có thêm 8 thành viên: 4 “trai”, 4 “gái” vẻ đẹp sánh ngang bố mẹ.
Bạn bè bác Hải đến nhà chơi, trông thấy đàn chó, ai cũng trầm trồ. Trước sự thiết tha của bạn bè, bác đã “nhượng” hết đàn chó con với giá được tính theo giá mua ban đầu của bố - 400 ngàn đồng. Chưa bao giờ bác Hải nghĩ đến chuyện nuôi chó kinh tế nhưng khi cầm số tiền ấy trên tay, bác Hải bỗng thốt lên với vợ: “Sao mình không nuôi chó thay vì nuôi heo, nuôi gà!”. Thế là từ đó bác Hải bắt tay vào nghề nuôi chó becgiê sinh sản.
* Tinh nghệ, vinh thân
|
Bác Hải huấn luyện chó. |
Ngay khi bắt đầu lấy chuyện nuôi chó làm “nghề”, bác Hải nghĩ ngay đến việc tạo uy tín cho “sản phẩm” của mình. Bác nói: “Khi chó con được sinh ra, tôi không nghĩ đến chuyện thúc cho chúng nhanh lớn để mau xuất chuồng kiếm tiền mà phải làm sao sau khi bán đi, nó sẽ là con vật “dễ nuôi” với người chủ mới. Lúc còn nhỏ, tôi không tập nó ăn những thức ăn cầu kỳ như phổi bò, thịt sống mà chỉ cần mua cá vụn về nấu lấy nước chan vào cơm cho chúng ăn là được. Mặc dù là giống chó tây nhưng khi chúng đã quen khẩu vị chó ta nó sẽ không “hành hạ” cái “hầu bao” của người chủ mới. Rồi lo cho sức khỏe của chúng nữa chứ, người ta đã bỏ không ít tiền ra mua becgiê về nuôi mà chúng èo uột thì chẳng mấy ai bằng lòng, lại còn mang tiếng “thương hiệu” của mình. Loài chó, nhất là chó con từ 1-6 tháng tuổi rất hay mắc bệnh đường ruột. Do đó, tôi luôn chủ động ngăn ngừa bệnh này cho cả chó bố mẹ lẫn lũ chó con. Không bao giờ tôi cho chúng ăn thức ăn qua đêm, thức ăn lạ, thức ăn đã bị ôi; ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã tiêm phòng cho chúng theo hướng dẫn của thú y…”.
Không chỉ lo về thể chất, bác Hải còn lo trau dồi tinh thần cho những chú chó con của mình. Khi chúng chưa xuất bán, bác Hải đã tập chúng đức tính biết vâng lời, biết phân biệt lạ quen, biết nghe sai bảo, biết nơi “vệ sinh” riêng, không cắn càn sủa bậy nhưng biết giữ của cho nhà chủ. Bác Hải tâm sự: “Để tập được cho chúng có đủ những “đức tính” ấy không phải là chuyện dễ, nhưng với tính thông minh vốn sẵn nếu có lòng kiên trì thì bất cứ ai cũng có thể làm được. Tôi không biết trong các trại huấn luyện quân khuyển người ta có những phương pháp gì nhưng với cách dạy thường thức, chó tôi nuôi cũng “nên” lắm!”. Để chứng minh cho lời nói của mình, bác Hải bảo tôi: “Bây giờ tôi gọi con Phic lên rồi lánh mặt. Chú cứ giả vờ lại tủ cầm cái đồng hồ lên sẽ thấy nó phản ứng ra sao. Đừng lo, tôi sẽ can thiệp kịp thời!”. Sự tò mò khiến tôi háo hức nhập vai. Thế nhưng khi thấy con Phic lững thững đi từ nhà dưới lên với dáng vẻ đường bệ, cao to như một con bê con, đôi mắt long lanh, đăm đăm nhìn mình, tôi bỗng muốn rút khỏi vai diễn. Thế nhưng tiếng đằng hắng thúc giục của bác Hải không cho tôi có cơ hội lùi bước. Thấy tôi di chuyển, Phic nhìn tôi gườm gườm, môi trên hơi chằng ra, nhếch lên để lộ những cái răng sắc nhọn cùng với tiếng gầm gừ âm âm trong cổ họng. Vin vào lời trấn an của bác Hải, tôi bặm môi, vói tay cầm chiếc đồng hồ bàn để trên chiếc tủ buýp phê. Lập tức con Phic phóng mình tới phía tôi, cùng lúc đó tiếng la lảnh lói của bác Hải vang lên. Nghe tiếng la của bác Hải, con Phic không còn “đằng đằng sát khí” nhưng cú phóng người của nó làm tôi đau điếng. Nó lấy hai chân trước quệt vào 2 ống quần của tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Bác Hải không giấu vẻ tự hào: “Chú thấy phản xạ của nó chưa, rất nhanh nhé. Thật ra tập thói quen cho nó cũng dễ thôi, cứ nhắc đi nhắc lại mỗi ngày điều mình cần nó làm, nếu nó làm sai thì răn đe bằng cách nhịp nhịp chiếc roi trước mặt nó. Lâu chúng sẽ quen dần thành phản xạ… Thì mình chỉ huấn luyện sơ sơ thôi chớ cũng không dám nói là dạy dỗ gì ghê gớm đâu”.
Nhờ được chăm sóc tốt như vậy nên chó được đào tạo từ nhà bác Hải rất được ưa chuộng, lượng chó xuất chuồng mỗi năm mỗi tăng cao. Từ năm 1997 đến nay, trong nhà bác Hải luôn có từ 5-7 cặp chó sinh sản. Bác Hải tính: “Một cặp bố mẹ mỗi năm sinh 2 lứa, bình quân mỗi lứa cho 8 con thì mỗi năm tôi sẽ có 16 chó con xuất chuồng. Giá ổn định từ đó đến nay là 500 ngàn đồng một con, tính ra mỗi năm tôi thu được gần năm mươi triệu, trừ chi phí cho ăn, tôi được lãi ròng hơn ba mươi triệu”.
|
Mặc dù là giống chó Tây nhưng khi chúng đã quen khẩu vị chó ta nó sẽ không “hành hạ” cái “hầu bao” của người chủ mới.
|
* Rộng mở đầu ra
Tiếng lành đồn xa, “thị trường” của bác Hải ngày càng mở rộng. Hiện nay, không chỉ ở trong vùng mà khách mua becgiê từ khắp nơi trong tỉnh, cả những người ở tận Tây Nguyên cũng tìm đến nhà bác hỏi mua. Bác nói: “Đời sống ngày càng được nâng cao, có người muốn có một con becgiê để “thưởng ngoạn”, có người thì cần nó để làm vệ sĩ giữ nhà. Hiện nay, các công ty, những người làm vườn cây kiểng và chủ nhân của những rẫy cà phê ở Tây Nguyên là mua chó mạnh nhất. Họ thường tìm đến tôi để mua những con chó đã trưởng thành, mua về là phát huy tác dụng được ngay. Những khách mua ấy thường không coi trọng chuyện giá cả, hễ ưng con mắt là bao nhiêu họ cũng mua. Tùy “ngoại hình”, một con chó từ 5 đến 9 tháng tuổi có giá từ 3-5 triệu đồng, nếu mang vào TP Hồ Chí Minh giá sẽ tăng gấp đôi”. Anh Nguyễn Văn Ngọc ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) có rẫy cà phê ở tỉnh ĐăkNông cho biết: “Mua một con chó mất từ 3-5 triệu bạc thì cũng “tốn của” thật. Thế nhưng có nó, những mùa thu hoạch cà phê tôi đỡ lo chuyện bị hái trộm hàng đêm!”.
Đầu ra “sản phẩm” của bác Hải không chỉ có vậy. Ngoài những đôi chó sinh sản, bác Hải còn có một lực lượng những con đực có hình dáng vạm vỡ, lông đẹp để chuyên phục vụ việc phối giống. Những người đã có trong nhà một con cái, đến kỳ sinh sản họ dắt chúng đến nhà bác Hải để “xin con”. Một lần “xin con” như thế, bác được “nhà gái” trả cho 200 ngàn đồng. Thường để cho chắc ăn, chủ nhân của những con bécgiê cái luôn cho chúng được phối tinh 2 lần. Bác Hải nói vui: “Mỗi khi họ mang chó cái đến phối tinh cứ như đưa cô dâu về nhà chồng vậy! Chồng chở, vợ ngồi sau xe honda ôm chó cẩn thận lắm. Bởi nếu “mẹ tròn con vuông”, họ sẽ có một khoản tiền không nhỏ. Nếu họ muốn bán thì tôi sẽ thu mua tất để cung cấp lên Tây Nguyên bởi thị trường này luôn “hút hàng”. Trước đây, trong vùng này chỉ có mỗi mình tôi nuôi kinh doanh chó “vệ sĩ”, nay thì công việc này đã phổ biến lắm rồi”.
|