35 năm đã qua kể từ thời khắc lịch sử: ngày 19-4-1972 giải phóng Hoài Ân. Từ tro tàn của chiến tranh một Hoài Ân khác đã đâm chồi nảy lộc. Màu xanh thăm thẳm của vườn, của rừng đã lấp đầy những mảnh đất hoang hóa, tạo nên sắc thái rất riêng của một vùng trung du. Trung tâm huyện lỵ - thị trấn Tăng Bạt Hổ - cũng đã “mọc” lên rất nhiều những ngôi nhà cao tầng, những công trình văn hóa kiến trúc hiện đại…
|
Một góc Trung tâm huyện lỵ Hoài Ân.
|
Ông Văn Hóa, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân trầm ngâm kể lại chuyện cũ: “Sau 3 huyện miền núi, đến lượt Hoài Ân được giải phóng. Tuy đã giải phóng từ ngày 19-4-1972 nhưng suốt thời gian đến trước ngày giải phóng toàn tỉnh, Hoài Ân là chiến trường phản kích vô cùng ác liệt của địch. Sau chiến tranh, cả huyện hầu như không còn gì, nhà cửa đổ nát, ruộng vườn bị bom đạn cày xới… Nhiệm vụ lúc này của Đảng bộ và chính quyền Hoài Ân là chỉ đạo phá gỡ bom, mìn; khai thông đường sá và khai hoang để lấy đất sản xuất…”.
Chuyện 35 năm trước chỉ còn được nghe qua lời kể. Với tôi, mỗi lần về Hoài Ân, dấu nét của sự đổi thay hiện hữu từng ngày.
* Đăk Mang mùa xuân về
Đường lên Đăk Mang- một trong ba xã vùng cao của huyện hôm nay đã dễ đi hơn. Chỉ mất khoảng 1 giờ, từ trung tâm huyện lỵ chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Đăk Mang (nếu như trước kia, cái khoảng cách 12 cây số đường chim bay này, phải mất cả buổi đường mới tới được). Đời sống của người Bana, H’rê ở Đăk Mang đã thay đổi rất nhiều. Tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật bà con đang đẩy mạnh trồng cây lúa nước, trồng đào, trồng keo, trồng mì để phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã có 246 hộ, 1.033 nhân khẩu. Vụ Đông xuân vừa qua, bà con các làng O6, O10, O11, T6 đã trồng được 55 ha lúa nước, năng suất bình quân 40 tạ/ha. Ngoài ra, bà con còn trồng được 50 ha mì, 90 ha đào, 10 ha bắp lai, 80 ha keo lai, bạch đàn và khoảng 720 cây cau… Về chăn nuôi, nông dân trong xã có 450 con trâu, 689 con bò, 500 con heo… Ông Đinh Văn Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Mang cho biết: “Mấy năm gần đây, huyện đã cử cán bộ người kinh ở dưới xuôi lên “3 cùng” với bà con, hướng dẫn bà con cách làm ăn nên cuộc sống đã khá hơn rất nhiều so với trước”.
|
Mí Vân, 77 tuổi, ở làng O6, xã Đăk Mang vui tuổi già bên khung dệt thổ cẩm.
|
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Hơ Nao, 66 tuổi, ở làng O6. Ngoài 7 sào ruộng làm lúa nước, ông Nao còn trồng 2 ha đào, 3 ha mì, đào ao nuôi cá nước ngọt… mỗi năm thu được vài chục triệu đồng. Đủ ăn, đủ mặc, gia đình ông còn làm nhà xây, sắm ti-vi, xe máy… Ông Nao vui vẻ kể chuyện: “Bây giờ người Bana mình không còn đói nữa rồi, nhiều hộ như gia đình mình nay cũng đã có của ăn, của để”. Ông Đinh Tơm, 73 tuổi ở làng O6 cũng trồng 2 sào ruộng lúa nước, 1 ha đào, nuôi 7 con trâu và nhiều heo gà… Ông Tơm kể: “Vợ chồng mình già rồi nên không đủ sức nhận bảo vệ rừng. Hiện nay, nhiều bà con được xã giao đất bảo vệ rừng nên nạn phá rừng làm rẫy đã giảm nhiều lắm…”.
Chuyện làm ăn của Bá Nao, Bá Xoan… và rất nhiều nông dân ở vùng cao Đak Mang là những minh chứng rõ nét về sự đổi thay của một huyện trung du còn nhiều khó khăn đang vươn lên từng ngày.
* Trèo đèo lội suối làm trang trại
Ông Hồ Công Hậu, Phó phòng kinh tế huyện Hoài Ân dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình trang trại ở Hoài Ân và giới thiệu: “Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở Hoài Ân có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả huyện hiện có 181 trang trại. Trong đó, có 97 trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm, 2 trang trại trồng cây ăn quả, 72 trang trại chăn nuôi… với diện tích khoảng 867 ha, thu hút số lao động thường xuyên 367 người, tổng thu từ sản xuất, kinh doanh là 15.473 triệu đồng/năm”.
Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Hoàng Ngọc Toàn ở xã Ân Tường Tây. Từ một người thợ sửa xe máy, năm 1999, anh Toàn quyết định bỏ nghề và gom toàn bộ vốn liếng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Đến nay, anh đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào trang trại, mỗi năm nuôi cả ngàn con heo với quy trình khép kín. Ngoài ra, anh còn cung cấp giống, sản xuất thức ăn, làm dịch vụ kỹ thuật thú y và tiêu thụ cho bà con trong vùng. Có năm, từ kinh tế trang trại, anh Toàn đã thu được gần 2 tỉ đồng, trong đó, lãi 350 triệu đồng…
|
Ông Nguyễn Hồng Sen, chủ một trang trại rộng 10ha trồng đủ các loại cây ăn trái.
|
Anh Nguyễn Hữu Toàn ở xã Ân Mỹ lại chọn con đường phát triển vườn rừng để vươn lên. Toàn là một trong những người đầu tiên trong huyện chọn cây dó để trồng với ước mơ “biến dó thành trầm”. Không chỉ trồng cây, anh còn lặn lội ra tận Quảng Nam, Hà Tĩnh để học cách ươm và chăm sóc cây dó. Sau đó, anh mua hạt dó về ươm lấy giống, trồng và bán cây dó giống cho bà con trong vùng. 10 năm trôi qua, đến nay anh Nguyễn Hữu Toàn đã có trong tay gần 8 ha dó. Anh đang tìm hiểu kỹ thuật tạo trầm với biết bao kỳ vọng.
Còn với trang trại của ông Nguyễn Hồng Sen, 61 tuổi ở xã Ân Hảo thì cây ăn quả được ông lấy làm cây chủ lực. Năm 1995, ông Sen làm đơn xin 10 ha đất rừng làm kinh tế trang trại bởi theo ông “nếu chỉ dựa vào cây lúa thì không thể giàu lên được”. Trang trại của ông hiện đang có 2 ha bạch đàn, 10 ha đào, khoảng 100 gốc chôm chôm, 100 gốc xoài, 50 gốc dâu ăn quả trồng dưới tán của những cây đào, cây xoài và rất nhiều loại cây ăn trái khác. Ngoài ra, ông còn đào 4 ao nuôi cá với diện tích khoảng 2.000 m2… Ông Sen cho biết: “Năm vừa rồi, vợ chồng tui bán được 8 tấn chôm chôm thu được khoảng 32 triệu đồng. Hai năm trước, tui cũng đã khai thác 2 ha bạch đàn, thu được 60 triệu đồng…”. Những ngày mới bắt đầu làm trang trại, ông cũng chưa hình dung được trang trại là như thế nào. Chỉ biết rằng, phải trồng cây hàng hóa để mở hướng ra cho kinh tế gia đình, “bắt” những mảnh đất trống, đồi núi trọc đem lại cơm no, áo ấm. Để phủ xanh 10 ha cây ăn quả, cây công nghiệp... trên đất gò đồi khô khát, vợ chồng ông Sen phải giải một bài toán vô cùng hóc búa là nước tưới. Nhưng với quyết tâm và bằng bàn tay cần cù, nhẫn nại, ông Sen đã góp tay làm cho mảnh đất quê hương xanh thắm hơn.
* Còn nhiều trăn trở
Chúng tôi đến Hoài Ân trong những ngày huyện đang tổ chức những hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng huyện lỵ. Những con đường nhỏ xinh, những ngôi nhà ẩn khuất sau những hàng cau, hàng dừa, hồ tiêu... của thị trấn Tăng Bạt Hổ treo cờ hoa rực rỡ. Nét mặt của mỗi người dân nơi đây phảng phất một niềm vui. Ông Văn Hóa, Quyền Chủ tịch UBND huyện tỏ ra lạc quan: So với trước đây, Hoài Ân đã thay đổi nhiều rồi. Hiện tại, đã có 99% số hộ dân, đặc biệt là dân ở các xã vùng cao được dùng điện lưới quốc gia. Với phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đường giao thông nông thôn đã được bê tông vào tận các ngõ, xóm. Là một huyện thuần nông, vấn đề thủy lợi luôn được huyện quan tâm đầu tư, phát triển với 65% diện tích gieo trồng của nông dân đã có đủ nước tưới. Ngày 19-4 sắp tới, huyện sẽ khởi công xây dựng công trình hệ thống thủy lợi đập dâng Lỗ Hầm với kinh phí đầu tư hơn 3 tỉ đồng, cung ứng nước tưới cho 150 ha đất canh tác của xã Ân Hảo…
|
Trẻ em xã Đăk Mang đã có khu vui chơi, giải trí sau mỗi buổi học.
|
Dẫu vậy khó khăn của một huyện trung du như Hoài Ân còn rất nhiều. Ông Văn Hóa trầm ngâm: Làm giàu bằng kinh tế trang trại cũng chỉ là số ít. Đó là chưa kể chăn nuôi thì dịch bệnh, trồng cây ăn trái còn nhiều rủi ro… Để tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế, huyện cũng đang thấy “bí”. Là một huyện thuần nông, lúa vẫn là cây trồng chính nhưng trồng lúa thì bao giờ mới giàu được. Thị trấn Tăng Bạt Hổ tuy đã khang trang hơn nhưng vẫn nằm trong thế “ngõ cụt”, thiếu những điều kiện để phát triển. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hầu như không có gì… Nói về thu ngân sách, Hoài Ân đang đứng thứ 8/11 huyện, thành phố, chỉ hơn 3 huyện miền núi nhưng lại không được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi như ba huyện miền núi… Làm sao để đời sống của đại bộ phận nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những thế mạnh của địa phương vẫn đang là trăn trở của Đảng bộ và chính quyền huyện Hoài Ân…
|