Thành lập từ năm 1968, gần 40 năm qua, bằng sự sẻ chia, tận tụy và lòng nhân ái, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn (CH&PHCN) đã thắp lên biết bao niềm hy vọng cho những người không may bị tật nguyền.
|
Bé N. bị bại liệt bẩm sinh. Sau khi mổ và cắt bột, bé sẽ được đo nẹp, làm giày để tập đi.
|
* Ngày ở trung tâm
7 giờ, các cán bộ của trung tâm đã có mặt tại phòng làm việc. Ở phòng khám, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Phan Cảnh Cương, Giám đốc trung tâm đang khám bệnh… Phía trước, đã có hơn chục người ngồi đợi đến lượt. 8 giờ, kíp mổ- cũng do BS Cương mổ chính- bước vào phòng mổ… Chị Nguyễn Thị Luận, Điều dưỡng trưởng cho biết: “Ở đây, cán bộ nhân viên chỉ làm hết việc chứ không kể giờ giấc. Đặc biệt là vào mùa hè, bệnh nhân luôn nhiều hơn gấp rưỡi so với thời điểm hiện tại…”.
Trung tâm CH&PHCN chỉ có một khoa duy nhất là “y học phục hồi” bao gồm phòng khám, phòng vật lý trị liệu, phòng điều trị, phòng chuẩn bị trước mổ và phòng mổ chỉnh hình. Cả khoa có 18 cán bộ, CNV, trong đó có 4 bác sĩ (kể cả bác sỹ giám đốc). Tôi nhìn lên lịch mổ, ngày hôm nay là tròn 10 ca. Trong khi đó, trung tâm chỉ có duy nhất 1 kíp mổ (khoảng 6-7 người) nên không có chuyện thay ca, thay kíp… 14 giờ, bác sĩ Cương và kíp mổ mới từ phòng mổ bước ra. Không kịp nghỉ ngơi, ông và các nhân viên lại hối hả với việc thăm bệnh nhân cũ, khám cho bệnh nhân mới.
Ở phòng bệnh nội trú, có khoảng 80 bệnh nhân. Trong phòng bệnh đầu tiên, có khá nhiều bệnh nhân là nạn nhân chất độc màu da cam đã được mổ chỉnh hình đang giai đoạn phục hồi. Cháu Đinh Văn Hoài, 7 tuổi, ở huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai trước đây chân tay còng queo, đi đứng vặn vẹo rất khó nhọc. Bé được mổ cách đây khoảng 10 ngày giờ đã cử động được các ngón tay và tự cầm được cái ca uống nước. Thấy người lạ, Hoài có vẻ rụt rè. Được mọi người khuyến khích, cháu mạnh dạn bước đến cầm lấy tay tôi, ú ớ nói một câu gì đó. Những ngón tay cong cong, xương xẩu và gầy guộc của Hoài làm lan tỏa trong tôi một cảm giác về sự hồi sinh. Một chị nuôi bệnh cho biết, thấy bệnh tình của con tiến triển tốt, phần nào cũng đã tự phục vụ được bản thân nên mẹ Hoài đã gởi cậu lại cho những người cùng phòng trông coi giúp để về quê ít ngày coi sóc việc gia đình.
Những bệnh nhân đến với Trung tâm CH&PHCN hầu hết là những người ở vùng sâu, vùng xa và nghèo khó. Cũng vì nghèo nên mọi hy vọng về sự thay đổi số phận trong họ chưa bao giờ được nhen lên. Nhờ những chương trình nhân đạo của các Tổ chức phi chính phủ như Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam - VNAH (Mỹ), Hội từ thiện Chữ thập xanh - SAP-VN (Mỹ), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế - ICRC... với những dự án hỗ trợ nạn nhân bị chất độc màu da cam, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, các bệnh nhân tật nguyền từ các huyện miền núi, vùng cao của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ĐăkLăk, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa được về trung tâm khám, điều trị bệnh ngày càng đông.
|
BS, TTƯT Phan Cảnh Cương đang khám cho bệnh nhân.
|
* Niềm hy vọng được nhen lên
Cháu Đinh Thị Ngách, 4 tuổi, người dân tộc Ba na ở xã Hà Tam, huyện Đắc Bơ, tỉnh Gia Lai bị bại não từ lúc mới sinh ra. Nhà có 9 đứa con nên chị Đinh Thị Mơch- mẹ của cháu- chỉ biết chảy nước mắt vào trong mỗi lần nghĩ đến số phận của cháu. “Ở nhà nó chỉ bò thôi, không đi được. Xuống trung tâm tập vật lý trị liệu được 3 tuần, giờ nó đã đi lại được rồi, mình mừng lắm! Các bác sĩ còn hướng dẫn cho mình cách tập, về nhà mình phải ráng tập cho con...”- chị Mơch nói và thử tập cùng con mấy động tác co duỗi tay, chân.
Đỗ Thị Thanh Lan, 24 tuổi ở phường An Tân, thị xã An Khê, Gia Lai đang nằm trên gường bệnh với đôi chân đang bị bó bột. Là nạn nhân chất độc màu da cam, từ khi mới sinh ra, đôi chân của Lan đã bị vặn ngược qua hai bên, chỉ có thể đi lại bằng cùi chân một cách khó nhọc. Xuống trung tâm, các bác sĩ đã tiến hành mổ chỉnh lại hình dáng bình thường cho đôi chân của Lan. Không kể đôi chân thì Lan là cô gái hình thức khá dễ thương. Thế nhưng, tật nguyền đã làm cho cô trở nên mặc cảm, tự ti. “Tôi sẽ cố gắng luyện tập đều đặn để được đi lại bình thường và học nghề in lụa để có thể tự lo cho cuộc sống của mình”- Lan nói trong tràn trề hy vọng.
Ở Trung tâm CH&PHCN không chỉ có những người khuyết tật được phục hồi chức năng mà cả những bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động... sau quá trình điều trị tại các bệnh viện cũng tiếp tục về đây để phục hồi chức năng. Tại các buồng bệnh, tôi gặp anh Lê Văn Thái, 24 tuổi và bà Thu- mẹ anh ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn. Bà Thu cho biết, Thái té xe, bị chấn thương sọ não đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ não. Sau khi lành vết thương, bà tiếp tục đưa con qua trung tâm để phục hồi từ tháng 8-2006 đến nay bằng phương pháp vật lý trị liệu. Thái đang có những dấu hiệu tiến triển tốt như biết làm dấu khi muốn đi vệ sinh và bắt đầu nhận biết được người quen, người thân...
* Trở thành bệnh viện khu vực
|
Điều dưỡng Nguyễn Thị Luận đang chăm sóc các bệnh nhân.
|
Trung tâm CH&PHCN Quy Nhơn là một trong những trung tâm hàng đầu ở nước ta trong lĩnh vực PHCN.
Hiện tại, mỗi năm chỉ riêng các ca bại não trung tâm mổ từ 150- 200 ca với tỷ lệ phục hồi từ 90% trở lên, trong đó, khoảng 20- 30% số trẻ sau mổ đã được cắp sách đến trường, 30- 40% được học nghề, 20- 30% số cháu đã có thể tự phục vụ cho bản thân. Bác sĩ Cương tâm sự: Thành công trong mổ bại não làm tôi tâm đắc nhất 3 điều: thứ nhất, là thay đổi được nhận thức của người nhà bệnh nhân về bệnh “chữa được- không chữa được”; thay đổi quan điểm của nhà tài trợ từ “không tài trợ”- đến “tài trợ” (trước đây, các tổ chức nhân đạo đều từ chối tài trợ cho mổ bại não vì cho đây là việc làm vô vọng); thay đổi suy nghĩ của các đồng nghiệp về phương pháp phẫu thuật có thể rút ngắn được thời gian luyện tập cho trẻ tại cộng đồng (từ 5-10 năm xuống còn vài ba tháng).Và điều thiêng liêng và ý nghĩa nhất là những thực thể đầy khiếm khuyết của kiếp người đã có thể vươn lên làm con người thật sự từ những việc tưởng chừng giản đơn như tự xúc ăn, tự đánh răng, rửa mặt… hàng ngày.
Chỉ tính riêng năm 2006, trung tâm đã khám được cho 6.795 lượt người, vượt 130% so với kế hoạch; điều trị cho 2.879 người, đạt gần 144% kế hoạch; điều trị vật lý cho 32.691 người, đạt 170% kế hoạch; điện trị liệu cho 1.504 người, đạt 170% kế hoạch và mổ chỉnh hình 727 ca, đạt 145,4% so với kế hoạch. |
Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã quyết định đầu tư nâng cấp Trung tâm CH&PHCN Quy Nhơn thành một bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng khu vực (cả nước có 3 bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quy Nhơn; 1 viện khoa học chỉnh hình và phục hồi chức năng ở Hà Nội). Trong tương lai, Bệnh viện CH&PHCN Quy Nhơn sẽ có nhiều khoa, phòng hơn với 30 giường điều trị ngoại trú, 130 giường nội trú và 150 cán bộ, CNV. Hiện tại, trung tâm đang chuẩn bị để được đầu tư xây dựng mới toàn bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng thêm nhân lực…
Bác sĩ Cương và các cán bộ, nhân viên tỏ ra rất lạc quan trước tương lai của trung tâm. Và cả những người bệnh đang và chưa được đến điều trị, khi biết được điều này, chắc chắn, họ sẽ có thêm niềm vui và hy vọng.
|