Ghi chép dưới chân Ngài ở công viên Đống Đa
10:52', 24/4/ 2007 (GMT+7)

Khi ra Hà Nậu học đại học, nơi đầu tiên tôi tìm đến là công viên Đống Đa. “Để xem thử hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đứng ở kinh thành Thăng Long thế nào, có giống ở xứ nẫu không?” - ý nghĩ vui vui này đã thôi thúc tôi.

 

ợng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Công viên Đống Đa (Hà Nội).

 

Có một chút thân thương và niềm tự hào bỗng dâng lên trong lòng tôi khi lần đầu tiên tôi tìm đến công viên Đống Đa, đứng dưới bóng bức tượng người anh hùng - đồng hương của mình. Nắng trưa lấp loá trên những hàng điệp vàng trồng men theo lễ đài bên tượng. Lá điệp hao hao giống hình lá me, gợi tôi nhớ về cây me trăm tuổi trong khu vườn thờ ba anh em Tây Sơn. Đi xa nhà cả ngàn cây số, tôi chợt nhận ra những tình cảm gắn bó thiêng liêng với từng ngọn lá me, thứ tình cảm dễ ngủ quên nếu tôi chỉ sống quanh quẩn trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Sự vĩ đại của cái bình dị

Công viên Đống Đa một cửa mở ra đường Tây Sơn, một cửa  mở ra đường Đặng Tiến Đông (một con đường ngắn xíu mà cũng có tên riêng). Tôi kẽo kẹt đạp xe từ Cầu Giấy đến công viên, vừa đi vừa hỏi đường mất chừng nửa giờ.

Tôi ngước lên chiêm ngưỡng tượng của người “chỉ thích xỏ hài cỏ đi trên quê hương” như ngài từng tuyên chiếu khi lên ngôi hoàng đế. Trong lịch sử các triều đại phong kiến, có lẽ chẳng ông hoàng nào lại tâm sự với thiên hạ chân thành như thế cả. Tượng vua Quang Trung cao chừng 15m, có vẻ cao lớn hơn tượng được dựng ở công viên Quang Trung - Quy Nhơn - quê hương của ngài. Không thấy ghi tượng dựng năm nào nhưng nhiều người bảo tượng được đúc năm 1989, nhân kỷ niệm 200 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.  Đứng ở kinh đô ngàn năm văn vật, cái nhìn của ngài chừng như xa xăm, tư thế cũng khoan thai chứ không xông pha trận mạc như tôi vẫn thường gặp khi đi chơi ở công viên Quang Trung.

Suốt nhiều triều đại, Bắc Hà là nơi tập trung kẻ sĩ Đại Việt. Có lẽ tác giả của tượng và cả những người đã phê chuẩn tác phẩm muốn gợi lại tư tưởng an dân và tranh thủ sự phục vụ của giới trí thức Bắc Hà qua ánh mắt ưu tư. Cũng có thể, ông đang nhớ, nhớ một khúc sông Côn hay những cơn gió thổi tràn trên mặt đầm Thị Nại, nh những người dân hợp sức cùng ông dựng nên đại nghiệp... Ấy là tôi đoán chừng như thế, trong lần đầu tiên ngắm nhìn tượng người anh hùng áo vải giữa kinh thành.

Bức tượng là hình ảnh khúc xạ của  người anh hùng nông dân sống cách tôi ba thế kỷ, trải qua bao dâu bể, biến thiên mà vẫn gợi cảm giác gần gũi lạ lùng. Chẳng thế mà đến giờ người đời vẫn gọi ông là hoàng đế áo vải, anh hùng áo vải, ông vua nông dân… toàn những danh xưng mộc mạc, chan hòa  lạ lùng. Chợt nhận ra rằng sự vĩ đại của cái bình dị có một đời sống thật sự trường cửu.

 

Lời hịch đanh thép còn mãi với thời gian.

 

Vượt qua những biến thiên của lịch sử

Tôi đến công viên Đống Đa không chỉ một lần, nhưng lần đầu và lần thứ hai là những lần giàu suy nghiệm nhất.

Lần thứ hai đến thăm tượng đài Quang Trung tôi mới đọc thấy những dòng này: “Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa mùa xuân năm Kỷ dậu 1789 là một chiến công vang động và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. 200 năm qua chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương sáng tiêu biểu cho trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta”. (Chỉ thị 46, 26/4/1996 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bên cạnh đó là những lời hịch vang dội:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Không biết do vô tình hay hữu ý nhưng việc khắc những dòng đanh thép và kiêu hãnh mà không phải ông vua Đại Việt nào cũng nói (nhất là hướng mặt về phương Bắc mà nói) lại được khắc đằng sau tấm phù điêu dựng dưới chân ngài. Tôi quan sát suốt cả buồi chiều và tia ra một nhận xét có thể là võ đoán nhưng là một thú vị nho nhỏ - Ai đọc xong những dòng trên cũng đều hướng mặt lên kính ngưỡng gương mặt ngài thêm một lần nữa.

Nhưng ấn tượng của lần viếng thăm này của tôi lại là cuộc trò chuyện với một bác hưu trí ở chiếc ghế đá bên tượng đài. Tôi không kịp hỏi tên, chỉ được biết bác là một người ở gần công viên Đống Đa, chiều chiều thường ra công viên đi dạo. Nghe giọng nói và khi biết tôi từ xứ nẫu ra, bác vồn vã bắt chuyện: “Cháu thấy không, có những giá trị vượt lên khỏi mọi biến thiên của lịch sử và mọi toan tính của sử thần phong kiến. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam chưa từng diễn ra chuyện triều đại sau hủy diệt những dấu tích của triều đại trước. Dữ dội như nhà Trần cũng không làm thế với tiền triều Lý. Nhưng những ông vua nhà Nguyễn đã tìm cách xóa bỏ những dấu vết về triều đại Tây Sơn một cách có hệ thống và quyết liệt. Với quyền lực tuyệt đối của thiên tử họ có làm được không? Câu trả lời là không. Làm sao có thể xóa được những võ công hiển hách của Người”.

Phải đến khi kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ta mới dựng tượng hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ ở kinh thành ngàn năm kể ra cũng muộn. Nhưng thôi đó đã là chuyện của quá khứ. Còn bây giờ công viên Đống Đa đã là một địa điểm văn hóa, là chỗ để nhiều người thư giãn sau ngày làm việc, cũng có rất nhiều người đến đây để suy ngẫm về những giá trị lịch sử - những sinh viên như tôi chẳng hạn...

Chiều trong công viên Đống Đa rất êm đềm. Các cụ già ngồi đánh cờ trong những chòi bát giác gần tượng đài, sinh viên ngồi học bài trên những bộ bàn ghế bằng đá kê rải rác trên gò Đống Đa và trong công viên. Gió mát vờn trên tóc bọn trẻ nô đùa trong công viên. Công viên Đống Đa ở Hà Nội có vẻ mở và gần gũi hơn cả công viên Quang Trung ở Quy Nhơn, tôi thầm nghĩ.

Một ông vua trong đời trận mạc chưa từng sợ kẻ thù nào, chưa từng thua một trận giờ chống gươm đứng nhìn trong khoan hòa… Những chiều cảm nhận trái ngược nhau khiến tiếng gươm khua, ngựa hí, tiếng rầm rập của sĩ tốt hành binh mà ta có thể hình dung trước khi đến đây bỗng nhiên lắng xuống. Trong một tầm nhìn vừa phải người ta dễ dàng cảm nhận được ánh nhìn của hoàng đế trải xuống bao dung - cái nhìn kéo gần khoảng cách đằng đẵng giữa các thời đại, thu hẹp sự xa xôi cách trở Bắc Nam. Lịch sử đang hiện hữu giữa cuộc sống đời thường, lịch sử không phải chỉ là những trang sách mà là những gì ghi tạc trong lòng người. Tượng dựng ở nơi trong quá khứ “xác giặc vùi xương thành gò” mà lại có ánh nhìn hiền hòa đến thế cũng là một sự lạ. "Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn, là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường..." (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

 

Công viên trở thành một điểm đến của người Hà Nội. Trong ảnh: Một tốp thiếu niên đang tập nghi thức Đội trong công viên.

 

Đặt dấu nối từ lịch sử đến hiện tại

Sau chiến  thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, hoàng đế Đại Việt thắng trận lại là người chủ động nhún mình “cầu hòa” với thiên triều phương Bắc để giữ vững nền độc lập lâu dài cho đất nước, tránh cảnh binh đao. Vua Quang Trung từng nói với Ngô Thì Nhậm - đại thần của mình rằng: "Nay họ đã bị ta đánh thua, nhịn đi thì thẹn, báo thù thì khó... Ngươi vốn giỏi văn từ đối đáp, nên thảo ngay một bức thư đưa sang cho họ...". Ngô Thì Nhậm không phụ lòng tin của chủ soái, ông dành hết tâm huyết soạn thảo văn bản và cùng Phan Huy Ích lo việc bang giao với nhà Thanh.

Không chỉ vậy, những "chiến dịch ngoại giao" hậu Ngọc Hồi - Đống Đa đã giành được rất nhiều thắng lợi, như đòi bỏ được lệ cống người vàng, hai năm mới phải sang chầu nhưng không qui định cống phẩm. Chẳng những thế hoàng đế Đại Việt còn viết thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An, đề nghị "mở cửa ải, thông chợ búa" để nhân dân vùng biên giới hai nước được qua lại buôn bán bình thường. Kết quả là nhà Thanh đã mở các cửa ải Bình Nhị, Thủy Khẩu, Du Thôn... để thương nhân hai nước buôn bán bình thường, hàng hóa hai nước qua lại đều được miễn thuế (ngày nay vùng mậu dịch biên giới tự do, các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, thương mại tự do song phương cũng tương tự như thế này thôi). Trong xã hội được phân tầng – sĩ, nông, công, thương - việc một hoàng đế lại có tư tưởng khuyến thương như thế đáng được xem là một tiến bộ vượt bậc.

Đối ngoại là thế còn đối nội, vua Quang Trung một mặt chủ trương xóa bỏ chính sách "bế quan tỏa cảng", “tự cung tự cấp”  đã thâm căn cố đế hàng mấy trăm năm ở Việt Nam. Lần tìm trong các sử liệu chợt thấy bồi hồi khi biết hàng trăm năm trước người anh hùng áo vải đã từng có ý tưởng mở cửa và hội nhập, thông thương với thế giới bên ngoài. Hóa ra ngoài tư tưởng chủ động tấn công của ngài trong nghệ thuật quân sự cũng thể hiện qua tư duy kinh tế mở. Hiềm một nỗi ngài qua đời sớm quá, chứ nếu không chưa biết lịch sử sẽ biến thiên khác đến mức nào.

Người dân Hà Nội tổ chức lễ mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 tết hàng năm. Tôi đi học xa, tết phải về nhà nên chưa có năm nào dự lễ kỷ niệm mùng 5 tháng Giêng ở Hà Nội. Nhưng nghe đâu những ngày này hội đồng hương Bình Định thường tề tựu bên tượng đài rất đông đủ. Sau tết, trở ra Hà Nội tôi thường theo một nhóm bạn đồng hương (phần lớn là sinh viên ra Hà Nội học) đến viếng ngài. Chúng tôi nói về những bức tượng Quang Trung đang được dựng ở Huế, về bức tượng người anh hùng áo vải ở Tiền Giang, nơi diễn ra chiến thắng lẫy lừng Rạch Gầm - Xoài Mút - một võ công hiển hách chống ngoại xâm khác.

Những câu chuyện của chúng tôi tở mở niềm vui, xen lẫn chuyện xưa chuyện nay. Câu chuyện của thời hội nhập được đặt trong hệ quy chiếu  suốt tầm lịch sử làm bật lên những góc nhìn mới. Hóa ra thế giới đã bắt đầu phẳng từ khi một ông vua để tâm đến chuyện mở cửa thông thương với châu Âu.

Những câu chuyện, những suy gẫm về lịch sử sẽ là vô nghĩa nếu ta không đặt được dấu nối nào đến với thực tại. Ngày xửa ngày xưa một ông vua nông dân khi tuổi hãy còn rất trẻ đã dẫn đoàn nghĩa quân áo vải cờ đào từ vùng rừng núi Bình Định ra Bắc dẹp loạn thống nhất non sông bị chia cắt hơn hai trăm năm, chấm dứt cát cứ, phân tranh. Người trẻ hôm nay lẽ nào không có những khát vọng lớn: thành công của bản thân, sự phát triển của đất nước, quê hương. Tôi ngồi dưới chân ngài giữa công viên Đống Đa tự dưng thấy lòng đột nhiên phẳng lặng, và niềm tin vào sức trẻ cứ lớn dần lên. Những người trẻ chúng tôi hôm nay sẽ làm nên những kỳ tích Ngọc Hồi - Đống Đa của thời công nghệ số.

Không biết đã là lần thứ bao nhiêu tôi đứng dưới bức tượng vị hoàng đế trẻ tuổi, mỗi lần là những bài học mới.

  • Bảo Phượng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thời của xe ga  (24/04/2007)
Nơi thắp lên hy vọng  (23/04/2007)
Trung du xanh thẳm  (16/04/2007)
“Ông Bình Định” và món gỏi rừng danh tiếng  (12/04/2007)
Đi trong "cơn sốt" chứng khoán  (11/04/2007)
Chuyện một người chuyên nuôi chó becgiê sinh sản  (09/04/2007)
Dáng dấp một An Lão mới  (02/04/2007)
Bánh tráng Ba Quan  (26/03/2007)
Kỳ VI: Người Việt ở Nam Lào  (13/03/2007)
Bài V: Đi chợ vùng biên  (11/03/2007)
Kỳ IV: Miền đất huyền ảo  (09/03/2007)
Bài III: Một thoáng Sekong  (08/03/2007)
Kỳ II: Attapư: lạ mà quen  (07/03/2007)
Nam Lào ký sự  (05/03/2007)
Nhơn Lý - lao xao mùa cá, ruốc  (05/03/2007)