Đó là một phụ nữ tuổi 40, nhỏ nhắn, chân thấp chân cao- di chứng của một cơn sốt bại liệt từ tuổi lên hai. Nhìn chị, tôi tự hỏi, không biết nghị lực nào đã khiến cho chị đủ quyết tâm thành lập một công ty may riêng.
|
Chị Nguyễn Thị Dư và con gái út tại ngôi nhà riêng ở 212 Nguyễn Thị Định, Quy Nhơn. Ảnh: Thu Hà
|
* Học kế toán, bén duyên nghề may
Học hết lớp 12, chị Nguyễn Thị Dư thi vào Trường trung học kế toán Quảng Ngãi. Tốt nghiệp năm 1989, chị xin vào làm kế toán ở Công ty May Bình Định. Tuy nhiên, vì khiếm khuyết về hình thể, chị đã không thể làm đúng nghề của mình mà chỉ được nhận vào làm công nhân may. Buồn, tủi song chẳng còn cách nào hơn chị cắn răng nhận công việc. Bằng nỗ lực của bản thân, chỉ hơn một năm sau chị chuyển sang vị trí KCS chuyên kiểm hàng ở phòng kỹ thuật của Công ty May Bình Định.
Đồng lương eo hẹp khó nuôi sống nổi gia đình, cộng với những kinh nghiệm tích lũy trong những năm làm việc… từ lâu đã thôi thúc chị ra làm ăn riêng. Nấn ná mãi cho đến 2006, chị mới nghỉ việc, mở một xưởng may rộng gần 200m2 gồm 50 máy làm nghề tại tổ 10, KV7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn. Xưởng được tạo dựng trên đất phía nhà chồng nhưng tổng số vốn chị Dư đầu tư xây dựng xưởng may, máy móc, nguyên liệu và vốn quay vòng tròm trèm cả tỉ bạc do bạn bè hùn hạp và vay mượn. Chị tâm sự: “Tôi mở công ty một phần vì lý do kinh tế của gia đình, một phần tôi cũng muốn tạo cơ hội cho những người khuyết tật đồng cảnh ngộ như mình, bởi họ khó tìm được việc làm”.
Công ty TNHH Thành Hiệp là công ty may gia công nhỏ, chuyên về áo jacket, quần short thể thao, áo gió người lớn, trẻ em và nhận may theo yêu cầu của khách hàng. Đối tác làm ăn là một số DN ở Đài Loan và công ty may ở thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 4.000 áo Jacket, 4.000 áo lạnh và 6.000 quần short. Công nhân trong xưởng hiện có 50 người, trong đó có 15 người khuyết tật chủ yếu của cơ sở Dạy nghề từ thiện Đồng Tâm. Không chỉ tạo việc làm cho người đã có nghề, chị còn sẵn lòng nhận đào tạo những người khuyết tật mới vào học nghề, trả lương 300.000 đồng/người/tháng. Mức lương bình quân hiện của công nhân là 500.000 đồng/người/tháng. Người may giỏi có thể đạt mức cao hơn: 700.000- 1.000.000 đồng/người/tháng.
* Nỗ lực bản thân + may mắn?
Trong khi trò chuyện, chị Dư không ít lần bộc bạch “Tôi luôn cố gắng, chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Song, có lẽ tôi là người khá may mắn hơn những người đồng cảnh khác vì đã có sẵn “cột dựa””. “Cột” mà chị nói là tổ ấm nhỏ bé riêng mình và bạn bè chung quanh. Chị ra làm ăn riêng được bạn bè rất ủng hộ. Người về làm quản lý cho chị, người giúp lo “đầu vào, đầu ra” của sản phẩm và khách hàng tạo điều kiện thuận lợi cho chị đến mức tối đa.
Ông Trần Công- Phụ trách Cơ sở dạy nghề từ thiện Đồng Tâm:
Trước đây, các cháu khuyết tật sau khi được học nghề, xin việc làm rất khó khăn vì các công ty đều không muốn nhận công nhân khuyết tật. Không ít cháu đã tỏ ra chán nản, không muốn tiếp tục học nghề nữa. Ngay những người đào tạo nghề như chúng tôi cũng đôi khi thấy khó xử vì những nỗ lực của mình đã không đem lại kết quả như mong muốn. Công ty TNHH Thành Hiệp ra đời đã gỡ được “chỗ khó” ấy cho chúng tôi. Điều đó không chỉ khuyến khích được các cháu tích cực phấn đấu học nghề mà còn đem lại niềm vui cho chúng tôi nữa. |
Chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tình cảm không ai khác hơn chính là chồng chị và hai đứa con gái xinh xắn. Chị tâm sự: “Hầu như công việc nhà đều do một tay ông xã làm giúp vì tôi bận rộn tối ngày trên xưởng. Phần lo quản lý sản xuất, chạy nguyên liệu, phần tìm kiếm khách hàng; có hôm chín, mười giờ đêm mới về nhà. Không có anh ấy, tôi khó lòng yên tâm làm việc được”. Tên công ty Thành Hiệp, được ghép từ tên một người bạn hùn vốn và tên chồng của chị là anh Phan Hiệp. Trước khi đến được với nhau, họ đã trải qua nhiều thử thách từ phía gia đình bên chồng vì theo lời chị, “cũng khó cho ảnh vì ảnh là người lành lặn, đẹp trai và có nghề nghiệp đàng hoàng chứ như mình thì...” - chị mỉm cười bỏ lửng giữa chừng.
Tháng 4-2007 này là vừa tròn một năm kể từ ngày thành lập công ty. Chị Dư đánh giá một năm thăng trầm, vất vả với câu nói rất hình tượng: “Trước khi mở công ty tôi nặng 55 kg, giờ chỉ còn 45 kg thôi”. Tháng 12-2006 là thời điểm công ty gặp khó khăn nhất. Không có đơn hàng, công nhân biến động liên tục và một phần hàng của chị làm ăn chung với Công ty TNHH Trường Thành trị giá trên 4.500 USD đã bị thiêu cháy hoàn toàn trong đợt hỏa hoạn ở Chợ Lớn Quy Nhơn. Cho đến nay, số nợ này vẫn chưa thể thu hồi được. Khó khăn là vậy, chị vẫn quyết tâm tìm mọi cách duy trì hoạt động ổn định của công ty.
Và cho đến nay, mọi việc đã đi vào ổn định, số tiền kiếm được đủ trả lương cho công nhân tuy nợ vẫn còn. Vấn đề lo lắng nhất vẫn là lực lượng công nhân biến động liên tục. Lo thì lo vậy, chị lại nói: “Em nào thích đi làm chỗ khác thì cứ đi, nhưng khi quay trở về tôi sẵn lòng nhận vào làm lại. Có đi làm nhiều chỗ thì mới so sánh được, khi ấy người vào làm lại sẽ gắn bó với mình hơn”.
|