|
Chở vườn trên xe.
|
Sáng chủ nhật, tôi cùng một người bạn ngồi uống cà phê tại quán Gót Hồng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) để chờ một người bán cây cảnh dạo theo lời hẹn của anh bạn. Hút chưa tàn điếu thuốc thì người bán cây cảnh đến. Chiếc xe máy Trung Quốc gồng mình chở sáu gốc sanh bự chảng ngừng ngay trước cửa quán. Vừa thấy bạn tôi, người bán cây cảnh dạo đon đả: “Em chọn cho anh hai cây ngon lành nhất. Xem được thì mua giúp em”.
Thấy khách hàng có vẻ ưng ý, người bán ra giá: “Hai cây này, 1 triệu”. Khách hàng cũng không phải tay vừa: “Bộ đế thì đẹp nhưng chi thì yếu quá. 5 trăm”. Đấu qua đấu lại một hồi, anh bạn tôi đồng ý mua cặp sanh với giá 600 ngàn đồng. Thấy tôi có vẻ chăm chú, anh chàng bán cây cảnh tiếp thị: “Anh xem gốc nào ưng ý thì mua giúp em”. Biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề bán cây cảnh dạo, anh bạn giới thiệu tôi với người bán cây: “Tay này mới mở quán cà phê nên cần nhiều cây cảnh”. Nghe thế, người bán cây cảnh liền cho tôi địa chỉ kèm lời hẹn: “Anh đến chỗ em tha hồ mà chọn. Mua được, em sẽ chở đến tận nhà”.
* Cây xứ Bắc xuôi Nam
Điểm tập kết cây cảnh của anh Sự là một căn nhà nhỏ có sân vườn nằm trên đường Tây Sơn. Tấm bảng nhỏ bằng cót ép với dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng sơn đỏ cắm bên đường không gây được sự chú ý nếu không được giới thiệu trước. Bước vào cổng, đập vào mắt tôi là gần trăm cây sanh từ 3 đến 6 năm tuổi được bọc gốc xếp la liệt dưới đất. Số cây này được chuyển từ ngoài Bắc vô từ tháng trước. Anh Thường- người bán cây cảnh dạo tôi gặp ngày hôm trước - chỉ vào đám cây: “Số này chỉ là một phần ba. Một phần đã được bọn em bán cho nhà vườn. Một phần nữa anh Sự chở lên Gia Lai bán vài hôm nữa mới về”.
Người bán cây cảnh dạo tại Quy Nhơn đầu tiên cách đây gần 2 năm là vợ chồng anh Bình. Anh Sự, anh Thường đi chung với anh Bình một thời gian sau đủ điều kiện thì thiết lập mạng lưới riêng. Hiện tại nhóm anh Sự có 6 người, nhóm của anh Bình có 3 người. Họ đều quê ở Lập Thạnh - Vĩnh Phúc. Đây là vùng đất nổi tiếng trồng cây giống, cây phôi. Tuy nhiên, nguồn “hàng” mà các anh mang vào Bình Định bán lại được mua từ vùng trồng cây cảnh nổi tiếng của huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Sanh được trồng đại trà trên đất ruộng. Các anh vào vườn mua xổi, sau đó cắt gọn chi rồi phân loại, thuê xe tải chở vào trong này tiêu thụ. Khi hết hàng, chỉ cần gọi điện thoại là vài ngày sau có thể đón lô hàng mới. “Chỉ sợ không tiêu thụ được chứ nguồn hàng thì nhiều vô kể” - anh Thường cho biết.
Một “chuyên gia” về cây cảnh cho biết: sanh xứ Bắc yếu về chi nhưng ăn tiền ở bộ đế. Tuy nhiên, trồng theo kiểu đại trà và cùng một cách xử lý kỹ thuật tạo đế nên đế cây nào cũng giống nhau! Trong bộ sưu tập của mình chỉ cần một hai cây là đủ chứ nhiều nữa thì không ai muốn nhìn. Cái người ta muốn nhìn là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một sản phẩm mang “kiểu dáng công nghiệp”. Về điều này, anh Thường xác nhận ít có người mua cây của anh với số lượng nhiều. Khi được hỏi về kỹ thuật tạo đế, anh Thường chỉ cười: đấy là “bí quyết”. Tuy nhiên, có thể hình dung một cách nôm na: cây được trồng trên ruộng, đắp ụ, tưới nước bón phân liên tục, mỗi năm đôn rễ 1-2 lần.
Những người mua sanh xứ Bắc khi được hỏi đều gần như có một suy nghĩ chung: sanh xứ Bắc giá rẻ. Người chơi tận dụng bộ đế sẵn có, sau đó chăm sóc, uốn chi, tạo dáng theo ý mình. Mua một cây sanh bán dạo 5 đến 6 năm tuổi nhưng để gọi là “hợp nhãn” cũng phải mất thêm 4 đến 5 năm chăm sóc.
Chính suy nghĩ “đầu tư cho tương lai” của những người mê cây cảnh đã tạo cho cây sanh xứ Bắc có cơ hội tìm được chỗ đứng ở xứ này, dù hơi gian truân.
* Gieo neo với nghề
Trước khi vào Quy Nhơn hành nghề, anh Thường cũng đã có gần mười năm thâm niên trong nghề buôn bán cây cảnh, lăn lóc khắp các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… Đất Quy Nhơn được xem như là “cơ sở” để cây sanh xứ Bắc tiếp tục vươn ra các tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi…
Người bán cây cảnh dạo chủ yếu sống ngoài đường. Buổi sáng, cánh phụ nữ đẩy xe lòng vòng qua các con phố, buổi trưa tập trung ở công viên cho đến chiều tối. Cánh đàn ông đi xe máy thì tỏa về các huyện. Cứ chạy xe máy mãi trên đường khi nào bán hết cây hoặc trời tối thì mới quay về. Anh Thường kể: “Cũng bấp bênh lắm anh ạ. Có bữa chạy mấy trăm cây số mà chẳng bán được cây nào”. Vì lo tập trung làm kinh tế, vợ chồng anh phải gửi cậu con trai hơn một tuổi cho bà nội ở quê trông giúp.
Khi đi tìm tư liệu cho bài viết này, chúng tôi phát hiện ra rằng cây sanh xứ Bắc ồ ạt xuôi Nam thành hàng rong với giá rẻ không phải không có nguyên nhân. Sự thực là những người trồng sanh xứ Bắc đang bức xúc vì cây sanh rớt giá thảm hại. Hàng chục hec-ta cây sanh cảnh rơi vào tình trạng ế ẩm, không có người mua.
Một khi, nghệ thuật không hài lòng thị hiếu thì những người mưu sinh theo nó cũng không tránh khỏi gieo neo…