Thống kê của Đại lý nhận lệnh (ĐLNL) giao dịch chứng khoán thuộc Công ty TNHH Chứng khoán Agribank tại Chi nhánh Agribank Bình Định cho thấy, từ 24 khách hàng của ngày đầu thành lập (tháng 8-2006) đến nay đại lý này đã có khoảng 730 khách hàng đến mở tài khoản, lưu ký… với số tiền giao dịch khoảng 2-3 tỉ đồng/ngày. Những ngày “nóng”, lượng tiền giao dịch có thể đạt 10 tỉ đồng, cá biệt có ngày lên 18 tỉ đồng; hàng trăm lượt người đến đăng ký mở tài khoản, đặt lệnh giao dịch. Điều đó cho thấy, ở Bình Định ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK)…
|
Đại lý nhận lệnh giao dịch chứng khoán thuộc Công ty TNHH Chứng khoán Agribank tại Chi nhánh Agribank Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
|
* Lên sàn cùng Nhà đầu tư
Hơn 8 giờ sáng, ĐLNL tại Chi nhánh Agribank Bình Định, đã khá đông người. Không ít người trong số đó là cán bộ, công chức “tranh thủ” lên sàn dạo giá CP hoặc đi tìm hiểu về TTCK.
Một nhóm người đang vây lấy một phụ nữ, xem chừng khá rành về TTCK: “Giờ nên mua cái gì hả chị. Đầu tư vào thủy điện có chắc không?”, một người hỏi. –“Đầu tư thủy điện thì chắc chắn lời rồi. Như PPC (mã cổ phiếu (CP) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại), VSH (mã CP của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đấy, quá lời đi chứ; nhưng phải chơi có chiến lược. Nghiên cứu công ty làm ăn ra sao, rồi cái nào đầu tư dài lâu, cái nào ngắn hạn, lấy ngắn nuôi dài mới được. Trời ơi, không dễ ăn đâu, xem tôi bạc hết cả tóc đây này” - chị phụ nữ vừa nói vừa lắc lắc mái tóc của mình.
Ông H, một cán bộ về hưu, vừa viết lệnh giao dịch vừa thông báo với các “chiến hữu” trên sàn: “Sáng nay, đã đẩy thêm 1.500 “chú” BMC nữa rồi, giá 60,5. Mới đặt lệnh chừng 15 phút thì đã dính ngay, chẳng kịp hủy nữa”. Ngày hôm qua, ông cũng đã đẩy 1.000 CP BMC với giá 577.000 đồng/CP. Một người ngồi bên, nghe chừng là nhân viên Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định, cũng cho biết, anh vừa mới bán 740 CP với giá 60,5. Tuần trước, anh này đặt lệnh bán với giá 50,5 song không khớp lệnh; giờ giá CP này đã lên thêm được 100.000 đồng/CP. “Cũng may hồi đó tui không bán được, nếu không đã mất đứt hơn 74 triệu đồng rồi” - anh này nói…
Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Thẩm định của Agribank Bình Định, phụ trách ĐLNL, cho biết: “Các nhà đầu tư (NĐT) ở Bình Định khá đa dạng, từ sinh viên, cán bộ hưu, đến công chức và người làm ăn tự do. Ngoài những NĐT lên sàn, còn có những người chơi trực tiếp trên mạng hoặc gọi điện nhờ ĐL đặt lệnh”. “Từ chỗ chưa biết nhiều về CK, thậm chí không hiểu CK là gì, đến nay, nhiều NĐT Bình Định đã có được một số kiến thức nhất định về TTCK. Tuy nhiên, NĐT thuộc loại “sành sõi” thì chưa tới 100! Những người này đầu tư rất nhiều mã CP, rất tính toán khi mua bán chứ không đụng đâu mua đó” - bà Hương nhận xét.
* Xanh - đỏ, đỏ - xanh cùng CP
Các NĐT thường vẫn nói “xanh thì đỏ, đỏ thì xanh” để ví tâm trạng của mình khi TTCK lên (màu xanh), xuống (màu đỏ). CP lên (xanh lên), NĐT mặt đỏ hớn hở; CP xuống (đỏ lên), mặt NĐT không chỉ xanh lại mà còn sẵn sàng “nổ súng” với bất kỳ ai bởi cảm giác như tiền trong tài khoản của mình bị rút mất.
Hiện tại, mới chỉ có hai DN Bình Định niêm yết tại TTCK, là Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã BMC) và Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh (mã VSH). Từ giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, đến nay BMC đã có cuộc tăng tốc đáng kể. Trên TTCK, giá CP của BMC luôn đứng đầu, cao hơn cả giá CP của FPT. Ngày 11-5, CP BMC đạt mức 635 điểm (635.000 đồng/CP), gấp 63,5 lần giá trị thực. Nhiều người sở hữu vài ngàn đến chục ngàn CP BMC, nay đã nghiễm nhiên là triệu phú, tỉ phú. Những người sở hữu CP VSH cũng không ngoại lệ. Không ít công nhân có thu nhập trung bình, thoắt cái đã trở thành triệu phú nhờ CP. Nghe đâu, một số nhân viên “cộm cán” của công ty này hiện sở hữu từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng nhờ vào số CP họ nắm giữ. Chị Th. có chồng làm tại công ty này, được mua CP giá ưu đãi. Vào thời điểm giá CP VSH mới chỉ lên mức 50.000 - 60.000 đồng/CP, chị bán một ít và tậu ngay một ngôi nhà mặt tiền ở TP. Quy Nhơn.
Cuối năm 2006 và đầu năm 2007 là giai đoạn thắng lớn của các NĐT vì các CP đồng loạt tăng giá, nhất là loại CP blue chip (cổ phiếu giá cao, được nhiều người mua). Một nhóm bạn thân từ phổ thông hùn nhau 30 triệu đồng mua một mã CK. Hơn chục ngày sau, họ đã kiếm lời gần 20 triệu đồng. Còn chị A. (phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn) đã kiếm lời được mấy trăm triệu đồng. Được biết, không ít NĐT ở Bình Định có số tiền lưu ký trong tài khoản từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên số NĐT có từ chục tỉ đồng trở lên còn rất ít.
Bắt đầu từ giữa cuối tháng 3-2007, mặt các NĐT chuyển sắc “xanh lè” khi TTCK có những phiên tuột dốc, chỉ số VN-Index có lúc xuống dưới 950 điểm. Chị Th. M trước Tết, bỏ ra gần 200 triệu đồng đầu tư vào “con” STB (mã CP của Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn Thương Tín) thu lời gần trăm triệu. Đầu tháng 3, khi giá các loại CP đều cao ngất ngưỡng, chị lại mua thêm một số mã CP khác với hy vọng sẽ thắng đậm như đợt trước, không ngờ bị rớt giá thê thảm, bình quân lỗ gần 20.000 đồng/CP. Anh Đ. - một NĐT thường ghé sàn, kể: “Mấy tuần trước, một chị đến nhờ tôi tư vấn chơi CP gì cho lời. Tôi khuyên đừng nên mua gì vì TTCK đang biến động. Vậy mà, nghe người khác tư vấn, chị ấy mua hết 30 triệu đồng. Chẳng biết ra sao mà cả tháng nay vẫn chưa thấy quay trở lại. Nhưng có lẽ tội nhất là một số em sinh viên, gom góp vài triệu đồng mua mã CP thấp nhất trong thời điểm giá quá cao…”.
Những ngày TTCK “lạnh” sàn giao dịch rất vắng vẻ. Hiện nay, TTCK đang dần “ấm lại”, chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, các NĐT trở lại sàn đã nhiều hơn. Bà Hương nhận định, trong đợt TTCK chao đảo vừa qua, người bị thiệt hại nhiều nhất là NĐT vốn ít (dưới một trăm triệu đồng) thấy CP ngày càng rớt giá đã không đủ bình tĩnh vội bán lỗ hòng vớt vát lại tiền. Tuy nhiên, cũng có những NĐT “án binh bất động” chờ thời cơ.
|
Các nhà đầu tư đang chờ khớp lệnh lúc 9h00 ngày 11-5 tại ĐLNL giao dịch chứng khoán. Ảnh: Văn Lưu
|
* Mạo hiểm đi săn OTC
CP OTC (over the counter: được bán theo đơn) là cổ phiếu chưa niêm yết trên TTCK của các công ty vừa được cổ phần hóa từng phần phát hành cổ phiếu ra bên ngoài và cho công nhân. Đây là thị trường lợi nhuận rất cao nhưng chứa đựng rất nhiều rủi ro vì cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát nổi thị trường này. Tuy nhiên vì lợi nhuận quá cao nên các NĐT quyết tâm săn lùng OTC chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”.
Anh M., một chủ DN vốn có nhiều mối quan hệ rộng rãi với công ty P. nên được ưu tiên mua trước với giá 180.000 đồng/CP. Khi CP của công ty được đem ra đấu giá chính thức thì giá đã tăng gấp đôi, cộng cả vốn lẫn lãi anh này kiếm được gần 2 tỉ đồng.
Trước tình hình CP của hai DN cổ phần hóa của Bình Định đã “lên sàn” liên tục có giá khiến không chỉ NĐT Bình Định mà NĐT ngoài tỉnh đang tích cực nghe ngóng, săn tìm các OTC của một số DN nhà nước trong tỉnh đang ăn nên làm ra đã và sẽ được cổ phần như Công ty cổ phần Bia Sài Gòn- Quy Nhơn, BIDIPHAR, PISICO hay Cảng Quy Nhơn… hoặc trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn. Anh N.H.T- một người môi giới chứng khoán ở Sài Gòn vẫn thi thoảng bay về Quy Nhơn nghe ngóng thị trường OTC của các công ty dù theo anh giao dịch trên thị trường OTC rất phức tạp vì bên bán có thể lật kèo rất dễ dàng. Bởi lẽ, giữa người mua và người bán đôi khi chỉ giao dịch với nhau bằng một tờ giấy viết tay xác nhận sự mua- bán giữa hai bên hoặc bên mua chỉ cầm được tờ giấy biên lai thu tiền đã đóng cổ phần của công ty bên bán. Không ít trường hợp người mua đã bị bên bán “lật kèo” khi thấy giá CP lên quá cao, thậm chí chấp nhận bồi thường trong điều khoản đã nêu trong hợp đồng mua bán (nếu có) để giành lại quyền sở hữu CP…
Còn đối với những người “bán lúa non”, khi thấy giá CP lên cao gấp vài lần, thậm chí vài chục lần so với giá mình đã bán ở thị trường OTC thì không khỏi than trời trách đất!
|