Tượng đài vua Quang Trung ở công viên Quang Trung (T.P. Quy Nhơn) không chỉ đã in đậm trong trí nhớ, tình cảm của người Bình Định mà còn quen thuộc với người dân của mọi miền đất nước. Khi nghe tin tượng đài cũ bằng bê tông sẽ được thay thế bằng một tượng đài mới bằng đồng, không ít người băn khoăn. Liệu phiên bản mới có làm ảnh hưởng đến ấn tượng thiêng liêng của người dân khi nghĩ về người Anh hùng áo vải. Chúng tôi đã về đến tận nơi mà hiệp thợ đúc tượng đang khẩn trương làm việc, tìm gặp và trò chuyện cùng họa sĩ Lưu Danh Thanh - tác giả của tượng đài vua Quang Trung...
Chúng tôi tìm về làng đúc với niềm háo hức bởi hình ảnh vị vua oai hùng vung gươm trên lưng chiến mã đã trở thành biểu tượng của tỉnh nhà trên báo chí, trên những bản đồ du lịch, trên sản phẩm, biểu trưng của hàng trăm đơn vị và trong tâm thức người dân Việt hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ từ lâu đã rất gần gũi không chỉ trên quê hương ngài.
|
Mặc dù là một tượng đài lớn, thợ đúc vẫn trau chuốt đến từng đường nét nhỏ nhất.
|
Lập giàn khấn… tượng
Đi qua một đoạn đường lồi lõm ổ gà, chúng tôi ra đến sát mé sông Hồng - nơi bức tượng vua Quang Trung đang thành hình. Thấp thoáng giữa những lùm nhãn là bức tượng mẫu bằng thạch cao kích cỡ đúng bằng tượng thật. Dưới chân tượng những người thợ đang hì hụi làm khuôn. Người thợ khuôn đứng lọt trong khung, tỉ mẩn trát từng lớp đất nâu sẫm của bờ bãi sông Hồng vào khung thép.
Anh Vũ Khắc Dũng - trưởng hiệp thợ - nước da đen bóng như đồng hun; cách nói chuyện chậm rãi, ít lời nhưng quả quyết. Xưởng đúc đồng của anh Dũng là một trong những xưởng ít ỏi còn lại của làng nghề Ngũ Xã - làng cổ chuyên nghề đúc đồng ở Hà Nội. Khoảng chục năm gần đây, những khu đất trong làng Ngũ Xã (quận Tây Hồ, Hà Nội) đắt lên như vàng, không mấy ai còn giữ đất, giữ nghề đúc. Theo như anh Dũng thì cả làng nay chỉ còn có ba gia đình giữ nghề, nhưng đều chuyển xưởng khỏi làng. Xưởng đúc của anh Dũng chuyển ra gần bờ sông Hồng, trên khu bãi bồi Tứ Liên. Hơn bốn chục thợ đúc làm việc cặm cụi, tiếng gò, tiếng hàn, tiếng máy mài rền rền, ong ong gợi lại không khí làng nghề sầm uất một thời.
Tôi chính là người đã tham gia đúc bức tượng vua Quang Trung hiện đang dựng ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn, anh Dũng chậm rãi mở đầu câu chuyện. So với lần đúc ấy, lần này phức tạp hơn. Để chuyển tượng đài cũ từ bê tông thành tượng đồng nhóm thợ chúng tôi đã tiến hành ốp thạch cao tượng cũ rồi chuyển từ Quy Nhơn ra Hà Nội. Từ chiếc áo ấy, chúng tôi đúc lại tượng y như nguyên bản bằng thạch cao. Sau đó chúng tôi tiến hành làm khuôn ở ngay Tứ Liên.
Khi chúng tôi đến xưởng thì phần đầu con chiến mã của tượng đài đã đi vào khâu làm nguội (mài, đánh bóng sau khi đúc). Theo yêu cầu tỉnh Bình Định, tượng phải có màu đồng mắt cua - màu đồng hơi sậm đen như có hun khói. Điều đáng nói là kỹ thuật tạo màu đồng mắt cua hiện nay các xưởng sản xuất công nghiệp vẫn… bó tay và chỉ các lò đúc thủ công gia truyền mới có thể thực hiện được. Một thợ đúc dừng tay tâm sự: “Thời gian từ nay đến tháng bảy không còn nhiều, nên không khí làm việc khá gấp. Tuy nhiên anh Dũng đã nhắc, tiến độ là quan trọng nhưng không thể vì tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng. Đúc tượng danh nhân mà lại là đúc tượng hoàng đế tự trong tâm linh mình đã phải cẩn tắc đến từng chi tiết”.
Dẫn tôi luồn lách qua những ngổn ngang những tượng là tượng, cái còn dang dở, cái đã hoàn tất, anh Dũng vừa đi vừa giảng giải về kỹ thuật đúc tượng. Tuy chỉ mới 38 tuổi đời nhưng anh đã chững chạc với hơn 20 năm tuổi nghề. Nhiều công trình tượng đài lớn trong nước đều do hiệp thợ của anh đảm nhiệm: tượng Trần Quốc Toản ở Quảng Ninh, cụm tượng Công - Nông - Binh ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, phù điêu Toàn quốc kháng chiến ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Trước phần đầu con chiến mã của vua Quang Trung anh chợt trầm giọng: Với những bức tượng lớn như tượng vua Quang Trung, mỗi lần đúc là một lần lo mất ăn mất ngủ. Lo từ khi làm khuôn đến lúc rót đồng. Tượng nhỏ mà nứt một chút có thể cứu được chứ tượng lớn mà hỏng thì công sức đổ sông đổ bể! Bởi không ai lại đi sửa tượng cỡ lớn”.
Cũng như khá nhiều người, tôi vẫn nghĩ, làm khuôn - nấu đồng - rót vào khuôn thế là có tượng; tượng lớn thì chia làm nhiều khối đúc rời sau đó ghép lại. Hóa ra thực tế lại khác rất xa. Ngay từ khâu làm khuôn không thôi, thợ đúc đã hồi hộp nghe ngóng thời tiết, săm soi độ ẩm, lo mưa gió bất thường. Nếu mưa, khuôn sẽ hút ẩm và mặt đồng của sản phẩm làm ra sẽ không đẹp. Chất liệu chính để làm khuôn là đất bãi bồi ven sông, nhưng để có nguyên liệu làm khuôn còn phải trộn vào đó nào giấy dó, nào trấu và cả những hóa chất chịu lửa nữa. Tỷ lệ, công thức phải phù hợp để tạo ra những lỗ thở để thoát khí li ti, chính những lỗ thở này sẽ giúp cho đồng lỏng chảy đều xuống, không nhỏ đến phá khuôn, tức dòng. Nhưng cũng lớn để không lọt đồng ra ngoài. Chỉ một điểm nho nhỏ như thế cũng đã là bí quyết gia truyền của thợ đúc. Phơi khuôn và thời gian phơi là bao nhiêu cũng là bí quyết, với những bức tượng nhiều đường nét phức tạp, có đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như tượng vua Quang Trung thì thời gian phơi khuôn còn lâu hơn bình thường chừng hai đến hai tháng rưỡi. Đó nếu thời tiết thuận lợi, nếu trời mưa thì công việc có nguy cơ bị hoãn…vô thời hạn.
Với những bức tượng lớn, sau khi khuôn đã được phơi nỏ, người thợ sẽ đào hầm để chôn một phần khuôn tượng xuống (để đảm bảo sự ổn định của khuôn khi rót đồng). Những người thợ trong xưởng kể mỗi lần rót đồng vào khuôn hiệp thợ đều phải lập giàn làm lễ cúng sơn thần thổ địa và nhân vật được dựng tượng. Dân đúc tượng tin rằng những nghi lễ thiêng liêng và thành tín ấy giúp cho mọi chuyện suôn sẻ, an toàn, tượng làm ra không chỉ đẹp mà còn có “linh khí” của những nhân vật được tôn thờ.
Có chứng kiến cảnh rót đồng nóng chảy vào khuôn đúc mới hiểu vì sao người làm nghề phải tôn trọng những nghi lễ như vậy. Hơn 30 thợ một ca rót đồng kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Hàng tấn đồng được đưa vào nồi, dùng nhiệt của lò than và lò ga làm cho nóng chảy. Dòng “dung nham” đỏ rừng rực ấy được… cẩu lên cao 4-5m, rót vào khuôn. Thợ phải thay nhau người làm người nghỉ vì sức nóng kinh khủng tỏa ra từ lò. Chỉ cần sơ sảy một chút thì sẽ gặp ngay sự cố, thậm chí có thể gặp tai nạn.
Bức tượng vua đang Quang Trung đúc ở Tứ Liên thuộc loại cực lớn - đến hơn 10 tấn nhưng thợ đúc vẫn phải chăm chút đến từng vết sần sùi trên thân tượng. Nếu làm tượng nhẵn mịn khó ở khâu hoàn thiện thì đúc tượng thô ráp khó ở khâu làm khuôn. “Những vết sần, đường nét trên thân tượng có giá trị tạo dáng và hiệu ứng mỹ cảm của riêng nó, là dấu ấn sáng tạo của người đắp tượng, người đúc có kinh nghiệm sẽ chuyển tải được ý đồ này. Thế nên giữa tác giả của tượng với hiệp thợ đúc gần như có quan hệ tâm ý tương thông, bên này chưa nói bên kia đã hiểu” - ông Lưu Danh Thanh – tác giả tượng đài cho biết.
|
Họa sĩ Lưu Danh Thanh đang trao đổi với thợ đúc về một chi tiết trên thân tượng.
|
Người hai lần dựng tượng vua Quang Trung
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng cứ hai, ba ngày ông Thanh lại tự mình đi xe máy từ nhà riêng lên giám sát công việc ở xưởng đúc. Ông bàn bạc tỉ mỉ với hiệp thợ về từng chi tiết kỹ thuật, về độ bóng, về sự chuẩn xác của màu đồng mắt cua, về mỗi cái vuốt tay nhỏ trên khuôn...
Khi nhắc lại kỷ niệm làm bức tượng hoàng đế Quang Trung lần thứ nhất – năm 1976, ông Thanh bồi hồi: “Cuộc đời tôi đã làm khoảng 10 bức tượng các danh nhân, trong đó có 2 bức tượng tôi hài lòng: bức tượng tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh ở nghĩa trang Hàng Dương và tượng Quang Trung”
Mới đây tác phẩm của họa sĩ Lưu Danh Thanh ở nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) đã được nhận Giải thưởng Nhà nước dành cho các tác phẩm nghệ thuật. Với tác phẩm tượng đài Quang Trung, ông nói như tâm sự: “Phần thưởng lớn nhất là khi tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mời vào tham gia đúc lại tượng lần thứ hai”. “Từ khi bước chân lên máy bay vào Quy Nhơn tôi đã hình dung cái gì phải sửa ở bức tượng cũ” – ông Thanh tâm sự - Năm 1976, điều mà tôi băn khoăn nhiều nhất khi dựng tượng vua Quang Trung là chất liệu. Trong điều kiện còn quá nhiều thiếu thốn của những ngày đất nước vừa thống nhất, việc đắp tượng bằng bê tông cốt thép gần như là một nỗi đau của người nghệ sĩ. Chấp nhận thì phải chấp nhận nhưng tiếc thì cứ tiếc. Cô cứ hình dung như cô may một bộ com lê bằng vải bao bố thì sẽ cảm thấy tiếc như thế nào?”
Với tượng đài vua Quang Trung thì chất liệu đồng là hơn cả. Hơn nữa với khí hậu biển, nồng độ muối trong không khí cao thì bê tông chắc chắn sẽ nhanh mục. Nhưng ngày ấy thì lấy đâu ra đồng để đúc tượng? Ngay cả cái bệ tượng kia, mình cũng phải tận dụng từ cái bệ cũ mà người của chế độ trước đang làm dang dở. Thế đấy, đến hơn 30 năm sau giấc mơ của tôi mới thành hiện thực…
- Thưa họa sĩ cảm xúc của ông khi tham gia việc đúc tượng vua Quang Trung lần này có gì khác với 30 năm trước?
Tôi được làm việc với điều kiện vật chất, kỹ thuật tốt hơn. Với chất liệu đồng thì tượng sẽ bắt sáng mạnh. Nhìn mỗi lúc trong ngày sẽ khác. Mỗi góc nhìn lại thấy tượng sinh động một vẻ. Hơn nữa tượng bằng đồng mới có điều kiện xử lý kỹ thuật. Trước kia có những đường nét tôi không dám mạnh tay khắc vì biết rằng với chất liệu bê tông sẽ không thể hiện được
- Khi nhận lời mời dựng lại chính tác phẩm của mình sau ba mươi năm, họa sĩ có cảm thấy dường như mình có duyên nợ với đất Bình Định không?
Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, có thời gian nhiều hơn. Tôi có tâm thế thanh thản để làm một bức tượng đúng sở nguyện. Tôi luôn có mối ám ảnh về những nhân vật mình dựng tượng, với tượng hoàng đế Quang Trung cũng vậy. Làm một tác phẩm từ khi chưa 40 tuổi, đến nay cuối đời nhìn thấy tác phẩm ấy vẫn còn đứng được với thời gian, đứng được trong lòng người dân địa phương là hạnh phúc lắm!
- Yếu tố không gian quanh tượng là cực kỳ quan trọng. Vậy theo ông không gian xung quanh tượng đài Quang Trung cần đạt những yêu cầu gì?
Cán bộ tỉnh có yêu cầu làm tượng lớn hơn nhưng tôi thuyết phục họ đồng ý không thay đổi kích cỡ để phù hợp với không gian hiện có. Không phải cứ to mới là hoành tráng, không phải cứ hoành tráng là bề thế, sang trọng. Nhiều bức tượng ở các địa phương đã bị hỏng vì không gian xung quanh. Không gian quanh tượng đài phải hòa hợp và tôn thêm vẻ đẹp của tượng, tránh làm rườm rà, cầu kỳ. Tôi thấy không gian quanh tượng đài Quang Trung – Quy Nhơn cân xứng với tượng. Thế là đẹp.
- Xin cảm ơn họa sĩ!
|