Nghề “hoàn thiện con người”
18:57', 25/5/ 2007 (GMT+7)

Ở Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn có một phân xưởng mang chức năng và nhiệm vụ khá đặc biệt - sản xuất và lắp ráp dụng cụ chỉnh hình phục vụ bệnh nhân tàn tật. Mỗi sản phẩm là một hình dáng, kích cỡ riêng và người làm ra sản phẩm cũng mang những nét rất riêng của nghề nghiệp.

 

Niềm vui của người nhà bệnh nhân khi con, cháu bị tàn tật sắp đi lại như những người bình thường nhờ được lắp ráp những dụng cụ chỉnh hình.

 

* Sản phẩm không có mẫu

Làm chân, tay giả, nẹp chỉnh hình, giày chỉnh hình là những khâu cuối cùng của quá trình chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người tàn tật. Sau khi được mổ và thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu tại khoa Y học phục hồi, bệnh nhân được đưa xuống phân xưởng Sản xuất và lắp ráp dụng cụ chỉnh hình để thực hiện các công đoạn hoàn thiện cuối cùng. Tại đây, nếu cần làm chân, tay giả, người bệnh được các kỹ thuật viên của xưởng khám và đo kích thước của mỏm cụt, bó bột tạo mẫu, gọt giũa theo đúng hình dáng của từng mỏm cụt, sau đó làm khuôn nhựa, lắp khuôn nhựa với phần chân gỗ có sẵn và dóng dựng cho bệnh nhân tập đi. Nếu việc đi lại của bệnh nhân nhẹ nhàng, không đau, các kỹ thuật viên mới bắt đầu làm hoàn chỉnh sản phẩm.

Một kỹ thuật viên cho biết: “Từ lúc được lắp chân, tay giả cho đến lúc bệnh nhân sử dụng quen với “một phần thân thể” mới của mình là tùy theo bệnh lý của từng người. Thông thường thì những bệnh nhân cũ (đã sử dụng chân tay giả) thích nghi nhanh hơn. Những bệnh nhân có sức khỏe yếu, mỏm cụt xấu sẽ phải rất lâu mới quen dần và sử dụng tốt chân, tay giả”.

Để rút ngắn thời gian làm chân, tay giả, xưởng có thể mua những bán thành phẩm (như bàn tay, bàn chân, cánh tay, ống chân từ đầu gối trở xuống…) được sản xuất hàng loạt về và tiếp tục làm các công đoạn hoàn thiện quan trọng bằng phương pháp thủ công. Ông Nguyễn Quy- Quản đốc phân xưởng - cho biết: “Do tính chất của mỗi người bệnh là khác nhau nên mỗi sản phẩm của công nhân làm ra đều khác nhau, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào nên không thể tạo mẫu sẵn và sản xuất hàng loạt được. Mỗi một sản phẩm là sự kết tinh kinh nghiệm, tay nghề và tâm huyết của công nhân”.

Kỹ thuật làm chân, tay giả ngày nay cũng đã tiến bộ rất nhiều so với trước để không chỉ đảm bảo độ bền, chắc chắn, đi lại thuận tiện mà cả tính thẩm mỹ nữa. Trước đây, người ta thường sử dụng nguyên, vật liệu bằng gỗ, nhôm để làm chân, tay giả. Những vật liệu này có hạn chế là nặng, không chuẩn dưới tác động của khí hậu, thời tiết. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ làm chân, tay giả bằng nhựa loãng và nhựa tấm thích hợp với mọi điều kiện khí hậu, dễ làm, độ chính xác cao, vỏ nhựa vừa khít với mỏm cụt tạo dáng đi thoải mái, không đau, không cấn... cho người tàn tật.

Ngoài ra, sản xuất giày, nẹp cho những người bị liệt cũng đòi hỏi rất cao kỹ thuật của từng công nhân. Nẹp được mua về làm bằng sắt, nhôm, nhựa…và có kích thước lớn, bé khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh như liệt bẩm sinh, liệt vì bệnh tật, khoèo hay bàn chân co quắp..., công nhân phải chú ý đến những đặc điểm khác biệt đó để làm nẹp và giày cho phù hợp.

* Nếu không yêu nghề, tôi đã bỏ việc

Phân xưởng sản xuất và lắp ráp dụng cụ chỉnh hình chỉ có 8 công nhân kỹ thuật chỉnh hình. Do đặc điểm khác biệt của nghề nghiệp nên hầu hết số công nhân trong xưởng đều được đào tạo từ một trường (cả nước hiện nay chỉ có khoảng 100 công nhân kỹ thuật chỉnh hình) và một vài người đã làm nghề từ trước giải phóng. Do vậy, tại phân xưởng, tuy chỉ có 8 công nhân nhưng đã có đến 2 cặp vợ chồng học cùng trường, làm cùng nghề, cùng về làm việc tại trung tâm một ngày. Họ đã có thời gian gắn bó với trung tâm từ 26 đến trên 30 năm nên đã cùng trải qua tất cả buồn, vui, khó khăn của nghề nghiệp. Chị Đặng Thị Xuyến, 46 tuổi, đã có 26 năm trong nghề, tâm sự: “Đối với nghề này, người ngoài nhìn vào thì thấy có vẻ đơn giản nhưng nó lại không hề đơn giản chút nào. Nếu không có tay nghề, kinh nghiệm, công nhân rất khó thực hiện được những sản phẩm sao cho vừa khớp với các mỏm cụt, vừa tạo được dáng đi cho bệnh nhân đẹp, dễ coi”.

Chị Trần Thị Hải Yến và “ông xã” là Nguyễn Thế Toàn cũng học cùng trường, cùng lớp, cùng vào trung tâm một ngày và cùng công việc làm chân, tay giả, tâm sự: “Với những trường hợp người bệnh không thể đến Trung tâm được, chúng tôi phải đến các tỉnh lấy mẫu về làm cho họ. Những mỏm cụt khó, người bệnh không toại nguyện, đi lại không như ý muốn, tôi trăn trở mãi, cả trong giấc ngủ…”.

Nghề của các kỹ thuật viên chỉnh hình đòi hỏi họ phải thường xuyên tiếp xúc với những người mà thân thể không còn nguyên vẹn. Nhiều người trong số đó mang mặc cảm, tự ti, khó chịu và cả chút “công thần” của những người đã có công lao đối với đất nước. Đối với ông Quy - người đã có 40 năm gắn bó với nghề - thì không thể nhớ hết đã làm được bao nhiêu chân, tay giả cho bệnh nhân. Ông tâm sự: “Làm cho bệnh nhân từ chỗ không đi được đến đi được là hạnh phúc của người làm thợ. Nếu không yêu nghề thì tôi đã bỏ nghề rồi!

* Và những trăn trở với nghề, với nghiệp

Kỹ thuật viên phân xưởng sản xuất và lắp ráp dụng cụ chỉnh hình đang làm chân giả.

Để hoàn thiện một sản phẩm chân, tay giả phải mất từ 14-16 giờ (chân dưới) và từ 22-26 giờ (chân trên đầu gối). Nhưng trên thực tế, công nhân phải rút ngắn thời gian hơn để kịp thời phục vụ người bệnh.

Sản xuất chân, tay giả là một ngành đặc biệt, phải tuỳ thuộc vào mức độ thương tích và chức năng vận động của người tàn tật cụ thể, cho nên không thể sản xuất hàng loạt. Vì thế chi phí để sản xuất là rất lớn. Một chân trên, tay trên bằng nhựa có giá  hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa, chân, tay giả không thể sử dụng vĩnh viễn như chân tay thật mà trung bình cứ 5 năm lại phải thay mới, và việc đó kéo dài trong suốt cuộc đời của người bệnh.

Sau giải phóng, công nhân của xưởng chủ yếu làm chân tay giả cho thương binh nên khối lượng công việc khá lớn. Sau 5 năm, các thương binh lại được đến trung tâm làm lại chân, tay giả một lần theo chế độ của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, do cơ chế khoán bằng tiền trực tiếp vào chế độ cho thương binh nhưng phần đông thương binh có đời sống không mấy khá giả, nên họ thường cố sử dụng chân cũ đã “quá đát” hoặc bó cao su để đi, không muốn bỏ tiền ra làm mới. Đối tượng người tàn tật trong xã hội cũng rất nhiều nhưng đa số thường rất nghèo, đời sống khó khăn…, họ chỉ có thể làm chân, tay giả khi được các tổ chức nhân đạo hỗ trợ về kinh phí. Ông Trần Mỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn - cho biết: “Trong quý I năm 2007, xưởng làm được gần 700 dụng cụ chỉnh hình thì đã có trên 500 dụng cụ được tài trợ bởi các tổ chức nhân đạo như VNAH (Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam), ICRC (Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế)…

Những người chẳng may bị mất một cánh tay, một bàn chân, chẳng may sinh ra thân thể không được lành lặn như những người bình thường là những người đã và đang phải chịu rất nhiều khó khăn và thiệt thòi. Mong sao, những cá nhân, tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước luôn quan tâm và tạo cho họ những cơ hội để được sống tốt hơn. Và, cả những người thợ đang làm cái nghề thật đặc biệt- nghề hoàn thiện cho thân thể con người - có thêm cơ hội để thể hiện tâm huyết nghề nghiệp và tình cảm với đời, với người.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp những người đúc tượng vua Quang Trung  (25/05/2007)
Chơi chứng khoán ở Bình Định  (14/05/2007)
Vườn rong giữa phố  (27/04/2007)
365 ngày của một bệnh nhân “máu khó đông”  (26/04/2007)
Con đường trở thành giám đốc của một người khuyết tật  (25/04/2007)
Ghi chép dưới chân Ngài ở công viên Đống Đa  (24/04/2007)
Thời của xe ga  (24/04/2007)
Nơi thắp lên hy vọng  (23/04/2007)
Trung du xanh thẳm  (16/04/2007)
“Ông Bình Định” và món gỏi rừng danh tiếng  (12/04/2007)
Đi trong "cơn sốt" chứng khoán  (11/04/2007)
Chuyện một người chuyên nuôi chó becgiê sinh sản  (09/04/2007)
Dáng dấp một An Lão mới  (02/04/2007)
Bánh tráng Ba Quan  (26/03/2007)
Kỳ VI: Người Việt ở Nam Lào  (13/03/2007)