Thời gian qua, hàng loạt dự án cấp nước sinh hoạt cho nông thôn từ các làng chài ven biển cho đến những bản làng xa xôi đã được triển khai, từng bước đẩy lùi cơn khát nước sạch ở khu vực nông thôn tỉnh Bình Định.
|
Nước sinh hoạt đã về tận nhà, người dân làng Hà Văn Trên (Canh Thuận, Vân Canh) không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Tiến Sỹ
|
* Tăng cường xây dựng các công trình nước sạch
Do điều kiện đặc thù về cấu trúc địa chất, thời tiết… nên nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định, nhất là ở miền núi, vùng cao và khu vực ven biển bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, người dân vùng cao thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão luôn “thường trực” nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Ở vùng hạ lưu sông Kôn, vùng tiếp giáp với đầm Thị Nại, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và nhiễm phèn nặng. Nước từ các hệ thống kênh mương thủy lợi thì bị nhiễm bẩn, nhiễm thuốc trừ sâu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vào mùa khô, người dân các địa phương này phải sử dụng nguồn nước kênh mương nhiễm bẩn, nước giếng nhiễm phèn không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mùa khô hạn, người và gia súc cùng sử dụng chung một nguồn nước…
Nhằm giải quyết bức xúc nước sinh hoạt cho người dân, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT), từ ngân sách tỉnh và tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế hỗ trợ, giai đoạn 1999- 2006, ngành chức năng trong tỉnh đã xây dựng nhiều công trình nước sạch (CTNS), trong đó có 95 công trình cấp nước tập trung. Ngoài ra, nhiều địa phương đã trích ngân sách và huy động nhân dân đóng góp tiền, công lao động xây dựng các CTNS phục vụ nhân dân địa phương. Nước sạch về đến từng thôn, từng làng… đã mang lại niềm vui lớn cho người dân ở những vùng thiếu nước.
Trong năm 2007 này, tỉnh Bình Định thực hiện nhiều dự án cung cấp nước sinh hoạt quy mô lớn. Trong đó có dự án cấp nước sinh hoạt khu Đông Tuy Phước, Đông Nam Phù Cát và thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân (An Nhơn), phục vụ cho gần 90.000 người dân. Ngoài ra, còn có các dự án cấp nước sinh hoạt xã Cát Minh (Phù Cát); Mỹ Châu, Mỹ Phong (Phù Mỹ); Bình Tường (Tây Sơn)… Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định tiếp tục nâng cấp và mở rộng hệ thống đường ống của các công trình cấp nước tập trung đã xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn tín dụng để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ các cụm vòi chính đến hộ gia đình.
* Niềm vui nước sạch về làng
Trở lại Vân Canh trong những ngày nắng nóng này, chúng tôi vui cùng niềm vui của bà con ở đây vì nỗi lo nước sinh hoạt đã giảm đi nhiều. Ông Đinh Văn Điên, dân làng Hà Văn Trên, phấn khởi cho biết: “Ngày trước, mỗi tuần mình phải dành 3 buổi để đi lấy nước suối về sử dụng, mất nhiều công sức lắm. Nay, nước sạch đã về tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước dùng; không còn lo bị các bệnh đường ruột và rất tiện lợi”. Ông Đinh Văn Um, ở thị trấn Vân Canh, tâm sự: “Mình đã bán một con bò để lấy tiền đào giếng, nhưng đào sâu đến 9-10m mà cũng không có nước. Khi CTNS Suối Phướng xây dựng xong, mình đã xuống Quy Nhơn mua ống nhựa về lắp đặt, đưa nước từ bể chính vào đến tận nhà để dùng”…
Từ năm 2000 đến nay, huyện Vân Canh đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng các CTNS: Suối Phướng; Suối Dú; Đà Giang; Suối Lá Bí 1, Suối Lá Bí 2, Làng Cót… cung cấp nước sinh hoạt cho trên 1.000 hộ dân ở các xã: Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Hòa, Canh Liên, thị trấn Vân Canh… Nước sạch từ các công trình đã về đến từng thôn, làng, thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Bà Đoàn Thị Sáu (dân tộc Chăm), ở làng Canh Thành (Canh Hòa) mới từ rẫy về, đang rửa tay dưới vòi nước chảy, phấn khởi nói: “Có nước tắm giặt, bà con đã tránh được bệnh, nhất là bệnh phụ khoa ở chị em phụ nữ”.
Nói về hiệu quả của các CTNS đối với đời sống sản xuất của nhân dân địa phương, bà La Mai Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Thiếu nước sinh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ khi được sử dụng nước sạch, đời sống của bà con đỡ vất vả hơn, cảnh quan thôn, làng cũng có nhiều thay đổi. Hiện nay, bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã từng bước xóa bỏ tập quán sử dụng nước sông, suối, góp phần hạn chế được nhiều chứng bệnh”.
Ở huyện An Lão, nhiều CTNS cũng đã được xây dựng tại các xã An Vinh, An Trung, thị trấn An Lão… cung cấp nước cho trên 5.000 hộ dân sinh sống tại 54 bản làng. Những bản làng cách xa nguồn nước, huyện An Lão chủ trương cho đào giếng khơi thả bộng bê tông, bình quân 5-7 hộ dùng chung một giếng. Nhờ có nước sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh nên sức khỏe người dân vùng cao An Lão đã được nâng cao hơn trước. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về nước sinh hoạt ở vùng này.
Ở khu Đông Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, người dân cũng đã phần nào vơi đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt bởi các CTNS ngày càng tỏa rộng. Riêng 4 xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước), hiện đã có 60% người dân được sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước do huyện đầu tư xây dựng. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Nhân Ân, Phước Thuận, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi phải chi 3.000 đồng để mua nước khe từ Nhơn Hội về sử dụng; nhiều khi phải lắng lọc nước sông để dùng. Nay nước máy đã về tận nhà, tiện lợi vô cùng, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ lo bệnh tật do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn”.
|
Người dân xã Phước Sơn (Tuy Phước) lấy nước sinh hoạt từ bể nước công cộng về dùng. Ảnh: Văn Lưu
|
* Những hạn chế
Theo số liệu thống kê của Trung tâm NSVSMTNT, toàn tỉnh hiện có 870.644 người dân ở khu vực nông thôn được hưởng lợi từ các CTNS. Có thể thấy, các CTNS có vai trò quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, góp phần thay đổi cảnh quan khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế, xã hội các địa phương phát triển. Tuy vậy, điều đáng lo ngại hiện nay là công tác quản lý, bảo vệ và khai thác CTNS ở một số địa phương còn nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như công trình cấp nước sinh hoạt cho các làng Canh Thành, Canh Phước (xã Canh Hòa, Vân Canh) vận hành chưa được bao lâu thì nhiều vòi nước công cộng bằng đồng bị bẻ gãy, trụ bê tông của điểm cấp nước cũng bị vỡ. Ở nhiều cụm vòi, nước được cho chảy vô tội vạ suốt ngày, suốt đêm, lượng nước thất thoát quá lớn. Hay công trình nước sạch thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) sử dụng được 3 tháng thì bị hết nước do nhiều hộ sử dụng nước để tưới cây, nuôi cá và phục vụ cho công việc xay, đãi vàng tại nhà… Ở huyện An Lão, một số CTNS cũng không phát huy được hiệu quả do nguồn nước tự chảy bị cạn kiệt; hoặc do một số người dân thiếu ý thức bảo vệ nên thả gia súc đạp bể đường ống. Nhiều người còn đến bể nước để tắm rửa, giặt giũ rồi vứt mọi thứ rác rưởi quanh bể; thậm chí một số người còn giết mổ gia súc, gia cầm ngay tại bể nước, gây ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, một số CTNS xây dựng tốn tiền tỉ nhưng không phát huy tác dụng…
Trước tình hình nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước từ các CTNS đã xây dựng, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình này.
Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT tỉnh: Hiện dân số khu vực nông thôn tỉnh Bình Định có trên 1,2 triệu người, trong đó còn khoảng 406.000 dân sử dụng các nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, giai đoạn 2007-2010 tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho chương trình NSVSMTNT. Ở khu vực miền núi, tỉnh chủ trương khai thác nguồn nước mặt tại các nguồn sông, suối để xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tự chảy hoặc bơm dẫn, quy mô vừa và nhỏ, cấp nước sinh hoạt cho từng bản làng. Vùng trung du, đồng bằng và vùng ven biển, khai thác nguồn nước mặt từ các hồ chứa thủy lợi. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô lớn và sử dụng nước ngầm dọc các con sông Kôn, Lại Giang, La Tinh; xử lý nguồn nước trước khi cung cấp cho dân... |
|