Tình hoa, tình người, không, phải nói rằng lượng cả đất trời đã dồn vào giây phút con người kinh lịch ngoại bát tuần- nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn- khi cho ra đời cuốn sách thứ ba, trọn bộ công trình về danh nhân Đào Tấn mới tinh, để tôi, một lần nữa hiểu hơn về ông, người được văn giới, báo giới gọi nhiều mỹ danh: Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Quý nhân ở Quy Nhơn, Lão Ngoan Đồng mê hát bội…
|
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn bên hoa thủy tiên trong ngày Xuân Đinh Hợi. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Với nghề
Bộ 3 Đào Tấn thơ và từ, Đào Tấn tuồng hát bội và Đào Tấn qua thư tịch là tâm huyết, trí tuệ, công sức một đời của Vũ Ngọc Liễn, góp phần khẳng định và tôn vinh nhà soạn tuồng bậc thầy, nhà thơ- Danh nhân văn hóa Đào Tấn. 7 năm học ở Bắc Kinh, Hý khúc học viện và Trung Quốc Hý khúc nghiên cứu viện đã cho ông một sở học căn bản. Thời “du học sinh”, ông cũng đã may mắn có một người thầy- giáo sư Trương Canh- với câu nhắc nhở các nghiên cứu sinh: “Tiêu chí và giá trị cuối cùng của làm việc khoa học là sự chính xác!”.
Tới giờ, ông vẫn đi trọn lời dạy trên. “Chỉ cần một lỗi, một sự hiểu sai của hậu thế, là có tội, với Đào công, với cuộc đời”, ông nói câu này nhiều lần, không phải để làm dáng. Khi in cuốn Đào Tấn thơ và từ, ông có 2 sai sót, do thiếu thực tế. Bài Vô đề, câu thơ “Hựu quá kỳ hoa thập lục kiều” ông dịch nghĩa “lại đi qua cây cầu mười sáu nhịp vừa lạ vừa đẹp”, kèm chú thích: “do vì chưa hiểu chữ “thử địa” ở đây thuộc vùng đất nào nên chúng tôi tạm dịch nghĩa như vậy... Rất mong được sự chỉ bảo của các học giả”. Sự cầu thị đã được hồi âm: “Kỳ hoa là một địa danh, là tên gọi tiền thân của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay”.
Vũ Ngọc Liễn đã viết lời cám ơn và dịch lại, lần này mới dám dịch thơ. Còn với bài Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật vì nhầm “sơn phần” là ngôi mộ trên núi nên câu đầu “Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ” đã dịch chưa đúng ý. Khi đi viếng mộ cụ tú Nhơn Ân về ông xuýt xoa mãi và lập tức điều chỉnh lời dịch. Những “sửa sai” này, ông chân thành công bố trong lời “Ghi sau” cuối tập Thư tịch.
Ngót 2.400 trang in khổ lớn, đại công về Đào Tấn căn bản cáo thành, sau mấy chục năm gom nhặt từng tư liệu quý. Từ bản Hộ sanh đàn do bà Trúc Tiên gửi từ Pháp về những năm trên đất Bắc, rồi những lần xuôi Nam vô Sài Gòn gặp bà Chi Tiên- hai người con gái - và ông Đào Sư Nhượng cháu nội cụ Đào... Gom nhặt, hiệu đính, chú giải và cùng với một số nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa có uy tín khác, ông viết nhiều khảo luận nêu bật những giá trị nghệ thuật và tầm vóc nhà soạn tuồng kiệt xuất.
Có thể nói Vũ Ngọc Liễn không thuần túy là một nhà nghiên cứu, ông có mặt như sự may mắn kịp thời tất yếu, phục dựng một giá trị văn hóa lớn của dân tộc! Bà Chi Tiên đã trân trọng ghi tặng ông 4 chữ: hàm ân bất ký. Nghĩa là chịu cái ơn lớn mãi mãi!
Sau Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Góp nhặt dọc đường và bộ 3 Đào Tấn, ông đang gấp rút hoàn tất bản thảo một cuốn sách cũng bề thế và quan trọng không kém: Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu- ông đồ nghệ sĩ. Ông đang lặng lẽ trả lại sự công bằng cho cụ Tú Diêu, khi người học trò quá nổi tiếng của ông có phần khiến hậu thế chưa kịp đánh giá ông đúng tầm vóc. Văn cụ Tú Diêu hàm súc và nhiều điển tích điển cố, Vũ Ngọc Liễn kỳ công chú giải, cẩn trọng từng chi tiết, ngoài nguyên tắc chính xác đã nói, có cảm giác chồng bản thảo viết tay công phu của ông ăm ắp cái tình. Và như sự chuộc lỗi. Cái lỗi ông đa mang tự quàng vào cho mình. Bởi một niềm yêu.
* Với bạn, với đời
Vũ Ngọc Liễn yêu ghét rất rạch ròi. Đã ghét thì không thể chung chiếu chung bàn. Còn yêu, niềm yêu của ông cũng lạ, phấn khởi tơi bời mà yêu, thắt ruột thể tất mà yêu. Lại thêm cái máu bản địa nữa. Ông mừng cho cầu Mỹ Thuận, cho dự án khu công nghiệp cao Hòa Lạc... nhưng không có nỗi mừng nào sánh được khi cầu vượt biển Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai có quê ông Nhơn Lý, có khu kinh tế Nhơn Hội, niềm hy vọng cho Bình Định cất cánh.
Trước khi người ta làm lễ khánh thành cây cầu này 2 ngày, ông tổ chức cuộc mừng với một số bằng hữu thân thiết ngay giữa cầu trong mưa lạnh căm căm tháng 12. Sau nghi thức rót bia xuống đầm Thị Nại tưởng nhớ những thủy binh Tây Sơn là cuộc mừng cho quê hương…
Ông có nhiều bạn trong tỉnh, khắp nước, nhiều lứa tuổi, nhiều giới. Nhưng, cái kiểu không hạp nhãn hay nghịch nhĩ là tỏ thái độ không khoan nhượng của ông kể cũng “khó ưa”. Không sao, nghe tôi nêu nhận xét ông bảo, bọn đó mà bảo ưa thì tao chết sớm! Cái sự gàn đáng yêu kiểu “văn chương là cho người đọc chớ không phải cho trâu!” nên đừng hòng tìm thấy ở ông một nhận xét thỏa hiệp.
Với bạn, khi thấy sướng và hợp cảnh, ông thường viết tặng câu đối hoặc viết viếng bạn qua đời. Từ những người cùng thời Tào Mạt, Diệp Đình Hoa, Yến Lan,... đến lớp hậu sinh chúng tôi, câu đối của ông rất tình và độc đáo.
Chẳng hạn, với NSƯT Hoàng Chinh, một trong tứ đại danh ca Bình Định, ông dùng ngay những câu hát nổi tiếng trong các vở tuồng ghép lại mà thành: “Hồi thủ bất thăng bi, vạn kim bửu kiếm tàng thu thủy / Tiêu hồn duy hữu biệt, mỗi niệm lương nhân thống ngã hoài”. Câu đầu là những câu hát trứ danh trong Trầm hương các, Tân Dã đồn. Hoàng Chinh qua đời mùa thu, cái ý vạn kim bửu kiếm tàng thu thủy Lưu Bị lưu luyến tiễn Từ Thứ đã được vận vào người nghệ sĩ tài danh quá hợp và sâu sắc. Câu sau trong Hộ sanh đàn qua nhân vật Lan Anh, cũng là nỗi đau đớn tiếc thương của người còn sống.
Với một người làm thơ- viết kịch- quản lý Văn Trọng Hùng, ông viết tặng: “Hảo dã Văn Trọng Hùng muộn nhi thi nộ nhi kịch / Truy tùy cổ nhân chí tiến tận chức thoái tận tâm” (Khá lắm Văn Trọng Hùng! Buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch. Nương theo cái chí của người xưa, tiến thì tròn trách nhiệm, về thì cũng trọn cái tâm). Câu này vừa tin yêu vừa gởi gắm...
* Tình hoa
Có liên quan gì giữa việc Vũ Ngọc Liễn kỳ công ba năm liền lụi cụi gọt tỉa chăm chút để loài hoa thủy tiên sang quý khó tính xứ lạnh chịu rộ lên hương sắc đền đáp lòng người xuân này với cuộc đời đầy cá tính, nghệ sĩ và khoa học của ông? Khi bất ngờ thấy ông một mình lặng người trước hoa, tôi biết ông không chỉ đơn giản thưởng thức. Mà là chiêm bái một giá trị cuộc đời ông may mắn và xứng đáng có được. Một đời không màng danh vọng địa vị, không hề khuất phục trước uy vũ, chỉ biết trang trải cho gọn lỏn chữ tình. Cho những người phụ nữ quý giá của đời ông, cho bạn bè và công việc.
Khó nói ông có thể thực hiện được hết những dự định hay không. Nhưng với cái cách hồn nhiên nhập thế đầy bản ngã, ông là biểu hiện sinh động của chân lý cuộc đời: càng ý thức đổ bóng, cái bóng của anh càng nhỏ. |
Những củ giống thủy tiên này do người bạn đời tâm đắc của ông từ Hà Nội gửi vào. Sau giải phóng ông về Nam với người vợ đã sinh, đã nuôi cho ông những người con phương trưởng. Năm tám mươi của bà ông tặng câu đối “Thuở hai mươi vai rộng lưng dài, mẹ dạy kết chỉ hồng với bậu / Tuổi tám chục răng long tóc bạc, bà vẫn là hoa hậu của tôi”. Sức khỏe yếu, bà chủ động gói những món quà nhỏ, cái cho con, cho cháu, không quên phần ông, dặn rằng “nếu tôi đi trước, ông đỡ làm phiền con cái”. Mới đây, chỗ dựa lớn của đời ông đã ra đi. Thực ra, con cái ông đều thành đạt và rất tốt với cha mẹ. Và, người phụ nữ Hà thành cũng gom nhặt tất cả hình ảnh và kỷ vật mấy năm chung sống bày trong tủ kính phòng bà như cái bảo tàng tình yêu!
Hoa. Ai đó nói con người là hoa của đất. Tôi muốn thêm, cuộc đời là bông hoa đẹp cho mỗi con người nếu biết trân trọng và không vụ lợi.
“Tui là người ham chơi!”- ông thường nói về mình như thế. Mà đúng. Dù đang rà kính lúp trên mấy chữ thông bảo nhòe mục tiền đồng, dù đang khẩn trương hoàn thành bài báo đặt hàng, hay tra cứu một điển tích, bạn hú một tiếng là “ới” lên ngay. Ông ý thức được công việc mình làm nhưng không hề coi đó là cái đích phải tới. Ngay cả với mấy phác thảo sau cuốn sách về cụ tú Nguyễn Diêu là tìm cơ hội đưa Đào Tấn “vượt biên” qua Viện Viễn Đông Bác cổ, làm phim về Đào Tấn bằng kênh “xã hội hóa” văn nghệ. Rồi Kẻ sĩ đất Thang mộc II, Cẩm nang hát bội Bình Định...
Khó nói ông có thể thực hiện được hết những dự định hay không. Nhưng với cái cách hồn nhiên nhập thế đầy bản ngã, ông là biểu hiện sinh động của chân lý cuộc đời: càng ý thức đổ bóng, cái bóng của anh càng nhỏ.
Vũ Ngọc Liễn không có ý thức nào cả. Chỉ có mái đầu sương điểm bên hoa lặng phắc vô ưu.
|