* Bút ký của Lê Hoài Lương
Đang đi thuyền máy trên sông Son hướng về Phong Nha, mắt còn náo nức ngắm đôi bờ trập trùng núi đá vôi, bỗng bắt gặp những dòng chữ trên vách đá Di tích đường Hồ Chí Minh, Di tích Bến phà Nguyễn Văn Trỗi B, Di tích bến phà Xuân Sơn... Vậy là, chuyến hành trình về nguồn, vốn nằm ngoài dự tính ban đầu của đoàn văn nghệ sĩ Bình Định, chính thức khởi hành.
|
Các văn nghệ sĩ Bình Định trước Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh: L.X
|
1. Điểm đến là hang Tám cô. Xe đi sâu vào vùng rừng nguyên sinh Kẻ Bàng. Những vách đá vôi dựng trật ót và thảm thực vật phong phú, những dốc cao vực sâu của con đường 20, đường Trường Sơn thứ thiệt… Qua km12, ngầm Trạ Ang... - những trọng điểm đánh phá của bom Mỹ - chúng tôi đến khu di tích lịch sử cấp quốc gia: đường 20 và hang Tám cô.
Không riêng chúng tôi, người đến thắp hương tưởng niệm những máu xương đổ xuống cung đường lửa này vẫn có từng ngày. Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm. Vĩnh viễn hàng ngàn tuổi xuân con trai con gái gửi lại ngay nơi chúng tôi đi qua, chúng tôi đang đứng, một phần nhỏ của Trường Sơn huyền thoại.
Trước hang Tám cô còn nguyên di tích xưa: cây rao ráng treo nửa quả bom làm kẻng báo động, phần cây gãy gục vẫn cứ gượng đâm chồi từ bấy đến giờ. Những cây, đá thương tật trên đất nước ba mươi năm chiến tranh khốc liệt thì vô vàn, nhưng cây là của các cô gái, các chàng trai thanh niên xung phong bị bom hất mảng núi đá sụp xuống che kín cửa hang, vài ngày một đoàn quân đi qua chỉ có thể luồn ống bơm vào ít cháo loãng và nước, rồi gạt nước mắt hành quân. Tiếng kêu cứu yếu dần rồi lịm tắt mấy ngày sau. Tám con người tuổi mười tám, hai mươi, chết dần vì đói, khát. Cái chết nhìn thấy, cái chết từ từ trong tăm tối, hoảng sợ và tuyệt vọng, yếu dần hơi tiếng kêu “các anh ơi, cứu chúng em với!”.
Một phần tư thế kỷ sau, những di hài thương tâm trên đã được thành kính chuyển về nơi quy tập để được đời đời hương khói.
2. Theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Chiều rây mưa dai dẳng và nghi ngút khói hương trên những hàng dọc hàng ngang đều tăm tắp... Mười ngàn liệt sĩ, mười ngàn khát vọng tề tựu về đây, trùng trùng cuộc hành binh im lặng nhấp nhô trên đồi thông. Mười ngàn. Chỉ là con số tượng trưng cho mười vạn, trăm vạn máu xương suốt hai cuộc chiến. Đọc thông số hơn 2 triệu người Việt Nam đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc, mới thấy cái giá của hòa bình, của ý thức quật cường của một dân tộc có bề dày đánh giặc để tồn tại. Mười ngàn, một hiện hữu quá cụ thể để chúng tôi, dù không đủ thời gian đứng lại trước từng tên tuổi, cũng thật rõ trong mình cảm giác hàm ơn, mắc nợ.
Rời khu đồi lặng trầm ám ảnh, chúng tôi lại hướng về một địa chỉ cũng lừng danh của Quảng Trị: đường 9, con đường gắn liền với những chiến dịch lớn, những phô phang vũ khí hiện đại, bom đạn của người Mỹ, những bước ngoặt cơ bản của chiến cuộc. Dọc theo trục đường này đã có những địa danh nổi tiếng: Khe Sanh, căn cứ Làng Vây, cụm cứ điểm và sân bay Tà Cơn, hàng rào điện tử Mc. Namara... rồi cuộc hành quân quy mô Lam Sơn 719 vào căn cứ Xê-pôn của ta... Đường 9 - Nam Lào, tuyến phòng ngự chiến lược của Mỹ mưu toan chặn đứng huyết mạch từ hậu phương lớn vào Nam và quyết tâm, tài trí của quân dân ta trong các chiến dịch, mặt trận.
Thị trấn Khe Sanh mưa nặng hạt. Vùng đất lửa giờ là một trung tâm huyện lỵ yên bình và phát triển. Ngót 40 năm, kể từ ngày ta mở màn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, cũng là thời kỳ ta chủ động tìm Mỹ mà đánh, quy mô mặt trận kéo dài đến 170 ngày đêm, hút về đây lúc cao điểm đến 26 tiểu đoàn các sắc lính Mỹ tức là 1/4 số lính Mỹ chiến đấu ở miền Nam, cuối cùng cả hệ thống bố phòng hiện đại và những đơn vị thiện chiến nhất của Mỹ- ngụy, hơn chục ngàn tên bị diệt, số còn lại tháo chạy hoảng loạn.
3. Nhưng còn một nghĩa trang không có mộ phần ở Thành cổ Quảng Trị, cũng cả chục ngàn xương máu vĩnh viễn hóa vào nước xanh cát trắng suốt 81 ngày đêm năm 1972!
May mắn, chúng tôi về kịp Thành cổ dịp kỷ niệm 35 năm. Ngoài mấy mảng tường sạt lở, cái lô cốt sứt sẹo, cánh cổng sắt lủng như rổ, đài tưởng niệm, nhà trưng bày hiện vật... là một mặt bằng im lặng đến ghê người. Phải, có thể xây dựng gì ở di tích bi tráng nhất cuộc chiến sau Điện Biên Phủ này, ngoài cái tháp chuông mới vừa hoàn thành? Và khi đào hố móng đã phát hiện đến 6 hài cốt trong đó chỉ có một hài cốt đủ chứng cứ là liệt sĩ. Còn bao nhiêu trong lòng đất, bao nhiêu tan vào thinh không, vào sóng nước Thạch Hãn, khi mà một chiến sĩ ở đây hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo? Đã có 1,3 vạn người lính ngã xuống ở đây, trong đó rất nhiều những sinh viên các trường đại học. Ngay con số ấy cũng chỉ là ước chừng. Và tiếng chuông buồn mới gióng lên lan trên sóng nước Thạch Hãn, hàng vạn hoa đăng, mỗi ngọn đèn thắp cho một linh hồn phù sa vĩnh viễn tan hòa vào tươi xanh những cuộc đời nối tiếp.
Bất kỳ nơi nào, từ trong thành ra đến bến sông, theo chân người cựu binh từng tham chiến đến ngày cuối cùng được lệnh rút khỏi thành cổ: Lê Văn Đằng - chiến sĩ trinh sát Tỉnh đội Quảng Trị, những câu chuyện được kể, sống động đến mức tưởng còn nghe cả tiếng rùng như địa chấn không ngớt, những xác người trên sông, những chiếc thuyền cao su chồng chất thương binh kéo ra...
4. Sáng hôm sau, chúng tôi về với Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Mọi người trong đoàn đều biết hoặc nghe nói về cuộc thảm sát Sơn Mỹ, nhưng chỉ khi được đến tận nơi, nghe hướng dẫn viên thuyết minh, tất cả đều lặng người xúc động. Phải, chiến tranh tự cổ chí kim luôn có cái lý của nó, cái lý trắng trợn của cá lớn nuốt cá bé, của cuộc vùng lên vì tức nước vỡ bờ, nhưng sẽ không thể nào lý giải được chuyện lính Mỹ tập trung những người già, phụ nữ, trẻ con lại, rồi xả súng! 504 con người bị cướp đi sự sống trong vài giờ ngày 16-3-1968 bằng cái cách như thế! Nếu kể cho đúng thì còn 17 hài nhi trong bụng mẹ nữa. Trừ 10 người may mắn được chuẩn úy phi công Hugh Thompson cứu và 8 người bị thương nằm dưới những xác chết sống sót, 2 làng đã bị xóa sổ! Một đồng minh của Mỹ ở Bình Định, lính Đại Hàn, thì kiên trì hơn trong cuộc hành quân dài ngày tận diệt cả ngàn người dân vô tội ở Bình An, Phước Hòa...
Tôi nói với nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt rằng, giá trị khoảnh khắc thì không nghệ thuật nào sánh được cái bấm máy của các anh. Khoảnh khắc tóm cổ cái ác! Nhưng có một bức ảnh lặng lẽ phản bác nhận xét của tôi: ảnh chụp những tên sát nhân ngồi một dãy dài trên đường dưới bóng cây cười tươi nhẹ nhõm sau khi hoàn thành nhiệm vụ! Không phải sự ngụy trá, bạn ơi, cái ác đích thực thường nở nụ cười thân thiện!
Ghé lại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mọi người dâng hương và chụp ảnh lưu niệm, điểm dừng nhẹ nhàng trước một mẫu hình cụ thể tuổi xuân tận hiến cho sự nghiệp thiêng liêng.
|