Thời điểm hiện nay, những cặp vợ chồng trẻ, những lao động nghèo muốn tìm mua được một lô đất hay một căn nhà ở TP. Quy Nhơn đều rất khó khăn vì giá cao. Sự tác động của các “cò đất” cũng làm cho giá đất gia tăng. Nếu lùng mua những lô đất, nhà ở khu vực núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua, núi Một… thì giá rẻ hơn nhưng phải chấp nhận rủi ro…
|
Những mái nhà chen chúc nhau trên sườn núi Bà Hỏa thuộc phường Ngô Mây. Mua nhà ở đây thì giá rẻ nhưng phải chấp nhận rủi ro. Ảnh: Bá Phúc
|
* Cùng “cò” đi mua nhà, đất
Sau khi cưới nhau, vợ chồng tôi cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, không có nhà ở phải đi thuê phòng trọ. Căn phòng rộng chừng 20m2, nhưng mỗi tháng phải trả tiền phòng 400.000 đồng, nếu tính luôn tiền điện, nước thì mỗi tháng tốn từ 550.000 đến gần 600.000 đồng.
Bức xúc về chỗ ở, vợ chồng tôi chạy ngược, chạy xuôi mượn tiền để tìm mua đất giá rẻ. Sau khi bán hết vàng cưới, cộng với số tiền mượn được 100 triệu đồng (nếu tính lương công chức của tôi hiện nay phải gom góp mất 20 năm mới đủ số tiền này), tôi đi lùng mua đất…
Qua một người quen giới thiệu, tôi được cò K, một người có trên 10 năm làm nghề cò đất trên địa bàn Quy Nhơn dẫn đi tìm mua nhà hoặc đất. Cò K làm ra vẻ khó khăn: “Với số tiền của chú mày và điều kiện đất phải có diện tích từ 40m2 trở lên, giấy tờ hợp lệ là rất khó tìm, muốn mua được thì phải tốn công đi lùng”.
Ngày hôm sau cò K gọi điện hẹn tôi đi xem đất. Lô đất mà cò K dẫn tôi đi xem nằm trên đường Tây Sơn, vào một hẻm nhỏ rộng 1,5 m, lô đất có diện tích gần 50m2, phía sau lô đất giáp với các hồ nuôi tôm ở hồ Phú Hòa. Vị trí khá lý tưởng mà giá của lô đất cũng hợp với túi tiền, vì chủ đất ra giá 75 triệu đồng. Sau nhiều ngày thương lượng, chủ đất chịu bán với giá 67 triệu đồng, nhưng ra điều kiện phải chồng tiền mặt gấp, không được thiếu nợ. Sau khi xem giấy tờ, lô đất đã qua tên 7 chủ nhưng đều viết giấy bán tay, không có giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc. Thấy nghi ngờ, tôi đến UBND phường Quang Trung, một cán bộ địa chính của phường cho biết: “Lô đất đang nằm trong diện giải tỏa nên chủ đất muốn bán gấp, ông mua coi chừng mất tiền”.
Mặc dù trước đó, chủ đất và cò K khẳng định chắc nịch: “Lô đất này không có tranh chấp, giải tỏa”. Cò K còn lên giọng: “Mua xong chú em muốn làm sổ đỏ thì anh mầy chạy giúp cho tốn thêm một ít tiền nữa thôi, yên tâm đi”.
Thấy tôi kiên quyết không chấp nhận lô đất, cò K phải chuyển hướng, dẫn tôi đi tìm lô đất khác. Qua gần một tuần cò K lại gọi điện báo có một lô đất nằm trong hẻm của đường Thanh Niên. Lô đất có chiều rộng 4 m, dài 12 m, giá 110 triệu đồng. Qua tìm hiểu, lô đất này trước đây là đất sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã nông nghiệp phường Quang Trung giao cho một số hộ dân trong phường canh tác. Do việc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, lô đất này được các hộ tự ý phân lô bán cho người dân xây nhà, trong khi diện tích đất trên chưa được các cơ quan chức năng cho chuyển mục đích sử dụng đất. Việc mua bán cũng chỉ sang tay, thấy bất ổn nên tôi không chấp nhận. Thế là cò K bực bội: “Tiền ít mà ông cứ đòi mua đất cho đầy đủ giấy tờ, thôi ông tự tìm đi”, rồi cò K lặn mất tăm.
|
Để có chỗ ở, người có thu nhập thấp phải chấp nhận mua nhà ở những nơi sống chung với người chết.
|
Tôi tiếp tục thông qua một cò khác tên T. Cò T là một người chuyên dắt mối mua lại những căn nhà giá rẻ, bởi đa số những ngôi nhà mà cò T biết là những nhà do làm ăn thua lỗ phải bán trả nợ, hay cờ bạc phải chế chấp ngân hàng. Cò T dẫn tôi đi xem một ngôi nhà nằm trong hẻm Trần Hưng Đạo (gần ngã 3 Đống Đa), ngôi nhà quá cũ kỹ, bề rộng 3,5m, dài 9m, đã có sổ đỏ, nhưng sổ đỏ đã bị thế chấp tại ngân hàng. Giá ngôi nhà được chủ hô 120 triệu đồng, nhưng nếu trả thì chừng 100 triệu là bán ngay vì chủ đang kẹt tiền trả nợ. Giá thì mềm nhưng con hẻm vào nhà chỉ 1m, nếu có hai xe đi ngược chiều nhau thì phải có một xe lui trở lại… Cò T nhiều lần gọi điện giục: “Ngôi nhà này đẹp lắm, rộng rãi, chủ cần tiền gấp nên giá rẻ… nhanh lên chứ chậm người khác mua mất”. Khi tôi đến xem thì ngược lại những gì mà cò T nói.
Lặn lội hơn một tháng trời, và thông qua các “cò” giới thiệu tất cả các loại nhà, đất với giá rẻ tôi rút ra được một điều: Muốn mua nhà đất giá rẻ thì phải chấp nhận rủi ro.
* Coi chừng tiền mất tật mang
Một cán bộ địa chính của một phường ở Quy Nhơn, bật mí: “Có nhiều lô đất chỉ có một chủ thôi, nhưng để chứng minh lô đất đó được phép mua bán nên chủ đất mới nhờ người này đứng ra bán cho người kia, tạo sự tin cậy cho người mua đất. Nhưng thực chất lô đất đó bị tranh chấp, đất không hợp lệ hay nằm trong diện giải tỏa”.
Dù biết về sự rủi ro của loại nhà, đất giá rẻ, song nhiều người vẫn tìm mua vì đang quá bức bách về chỗ ở. Với lí do “người ta ở được thì mình ở được, sợ gì”. Trên thực tế, nhiều người mua không am hiểu hết các thông tin, thủ tục về nhà đất, quy hoạch. Vì thế, khi họ bị cò vẽ vời “nhà không bị tranh chấp, không nằm trong diện giải tỏa, được quy hoạch thành khu dân cư, tương lai đường được mở rộng…” là dễ xiêu lòng. Nhiều lô đất, căn nhà chủ rao bán với giá khá rẻ, nhưng qua bàn tay của “cò” thì giá được đẩy lên cao.
Có những căn nhà giá rẻ có sổ đỏ, nhưng đó là sổ chung cho cả một khu đất. Chủ nhà chia khu đất ra thành nhiều ô và cất lên những căn nhà cấp 4 tạm bợ để bán cho người có thu nhập thấp. Mua xong, nếu muốn tách ra làm sổ đỏ riêng thì cũng trần thân với bao thủ tục nhiêu khê và chi phí.
|
Để khỏi qua tay “cò đất”, một số chủ đất rao bán trực tiếp.
|
Cách đây gần hai tháng, anh Tân, ở An Nhơn tìm mua một lô đất ở khu vực 9, phường Đống Đa, diện tích đất 60m2, với giá 47 triệu đồng. Mua chưa được bao lâu thì anh Tân mới biết lô đất của mình nằm trong diện giải tỏa. Trước đó, UBND phường Đống Đa đã thông báo cho chủ đất, nhưng vì hám lợi nên chủ đất trước đã bán sang tay cho anh Tân. Thế là khoản tiền mà anh Tân vay mượn mọi người để góp lại mua đất phải chịu mất, đất thì bị thu hồi.
Trường hợp của anh Tân, không phải là cá biệt, theo ông Võ Thành Văn, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, hiện trên địa bàn phường đã xảy ra khá nhiều trường hợp đất nằm trong diện giải tỏa, nhưng chủ đất vẫn bán cho người khác, dẫn đến việc kiện cáo rất phức tạp, phải dắt nhau ra tòa.
* Bao giờ được mua nhà, đất giá rẻ của nhà nước?
P.S - một công chức, quê miền Bắc vào Quy Nhơn làm việc đã gần 7 năm, có gia đình và có con nhưng vẫn phải chịu cảnh nhà thuê - tâm sự: “Nếu không có chế độ ưu đãi về nhà ở, đất ở đối với cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp thì giá đất như hiện nay chắc chờ đến già mới mong mua được đất xây nhà ở Quy Nhơn. Còn mua nhà, đất giá rẻ thì toàn là đất xây cất trái phép hoặc nằm trong diện giải tỏa”.
|
Khu đất ở khu vực 5, phường Quang Trung được tỉnh quy hoạch xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống.
|
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Những người là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân tại các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở đều thuộc diện được thuê hoặc thuê mua quỹ nhà xã hội. Với trường hợp thuê nhà, người ở sẽ trả tiền hàng tháng cho đơn vị quản lý. Còn khi thuê mua, người ở phải trả trước 20% giá trị căn hộ và trả tiền thuê hàng tháng trong khoảng 15 năm thì căn hộ được sang tên cho chủ nhân.
Trong khi đó, năm 2003, UBND tỉnh đã có quyết định lấy lại toàn bộ khu đất mà Công ty TNHH Tiến Đạt đang sản xuất (thuộc khu vực 5, phường Quang Trung) để xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cho đến nay đã được 3 năm rưỡi, dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Và trong khi chờ đợi dự án nhà cho người có thu nhập thấp được triển khai, giải pháp đối với người có thu nhập thấp là thuê nhà để ở hoặc tìm mua đất chui, trong diện giải tỏa với giá rẻ. Điều này góp phần làm phức tạp thêm tình trạng lấn chiếm đất, xây cất nhà trái phép đã và vẫn đang diễn ra ở Quy Nhơn.
|