Nhà báo Trần Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nhà báo, nguyên Tổng biên tập Báo Bình Định:
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”
16:41', 21/6/ 2007 (GMT+7)

Tháng 6 này, nhà báo Trần Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định, nguyên Tổng biên tập Báo Bình Định tròn 60 tuổi. Lần đầu tiên ông đồng ý để cuộc trò chuyện về chuyện đời, chuyện nghề của mình với người đồng nghiệp luôn coi ông là “thủ trưởng”, là người thầy trong nghiệp báo, được in lên mặt báo Bình Định. Dẫu với bài báo này, ông không còn phê duyệt…

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (bìa trái) và ông Trần Trung Kiên (người thứ 2 từ trái qua) trong thời khắc khai trương báo Bình Định điện tử (1-1-2003). Ảnh: B.B.Đ

 

* Hình như anh đang rất thoải mái với thời gian nghỉ ngơi vừa qua?

- Ngày 6 tháng 6 vừa qua, tôi tròn 60 tuổi nhưng tôi đã nghỉ làm việc ở Báo Bình Định từ tháng 4. Nhiều người dễ bị “sốc” trong thời gian đầu nghỉ hưu nhưng tôi thì không. Tôi đã chuẩn bị kỹ cho điều này và đón nhận thanh thản. Vả lại khi còn đương chức, quyền lực đối với tôi là trách nhiệm chứ không phải là thứ để “trông cậy” nên sự nghỉ ngơi đối với tôi là hoàn toàn thoải mái. Nếu có bị “sốc” chút nào thì đó là về sức khỏe. Bước vào tuổi này, con người ta dễ nhanh xuống sức nên thời gian qua tôi rất quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục. Và tôi có nhiều thời gian hơn để đọc sách báo.

* Nhưng anh còn một trọng trách khác, đó là chức Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định. Nghỉ hưu, anh có thời gian hơn, anh có định sẽ dành nhiều thời gian cho công việc của Hội Nhà báo?

- Hiện tại, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Võ Xuân Phụng công việc ở Hội khá trôi chảy. Tất nhiên, ở mức độ nào đó tôi sẽ tham gia vào các hoạt động của Hội Nhà báo, nhất là việc chuẩn bị để sau một năm nữa tổ chức tốt đại hội. Song, tôi tôn trọng công việc hiện nay của Thường trực hội.

* Khi làm Tổng biên tập Báo Bình Định, cứ mỗi lần anh nghỉ phép, anh em phóng viên lại kháo nhau: “Mọi người chuẩn bị tinh thần để “tăng tốc” đi, thế nào khi sếp đi làm lại cũng “đẻ” ra việc mới cho mà xem!”. Và quả nhiên, cứ sau mỗi đợt nghỉ phép của anh, nếu báo không tăng kỳ, tăng trang thì thế nào cũng xuất hiện chuyên mục mới hoặc chí ít là một cuộc thi về một chủ đề hay một thể loại nào đấy…

- Lúc nghỉ ngơi mình sẽ có thời gian để bình tâm nhìn lại mình và nghĩ ra được nhiều điều…

* Thế còn bây giờ “sự bình tâm nhìn lại mình” của anh là gì?

- Ba mươi sáu năm làm báo. Mình từng vừa viết báo vừa tham gia lao động sản xuất để tồn tại trong chiến khu trong những năm tháng làm ở Báo Cờ Giải phóng thuộc Khu ủy V vào thời điểm trước giải phóng. Những chuyến công tác ở tuyến trước đến một vài tháng, viết được bài báo gửi về rất khó khăn, có khi cả nửa tháng mới đến tòa soạn. Rồi những năm tháng làm báo của thời bao cấp, in báo bằng máy ti pô thô sơ, chuyển qua làm báo thời công nghệ in ốp xét rồi điện tử… Cuộc đời làm báo của mình dài qua những giai đoạn lịch sử của đất nước... Rồi mười lăm năm làm tổng biên tập với những giai đoạn lịch sử đầy khó khăn. Nếu mình không chịu khó học hỏi, không nỗ lực dấn thân thì không dễ gì bắt kịp sự thay đổi diện mạo không ngừng của báo chí cả nước…

* Là một trong số ít tổng biên tập có thời gian lãnh đạo một tờ báo dài đến
15 năm và với những việc đã làm được cho tờ báo Bình Định, anh đã chiêm nghiệm được điều gì đối với nghề tổng biên tập?

- Tôi trưởng thành từ một phóng viên nên khi làm tổng biên tập có nhiều thuận lợi. Chính cái nền phóng viên cùng với thời làm lãnh đạo lâu dài đã giúp tôi nắm bắt được chuyên môn và rất hiểu anh chị em phóng viên, cán bộ, nhân viên. Nói không chủ quan, chứ tôi biết được tính tình, sở trường, sở đoản của từng người và nhờ thế tôi đã tập hợp được, phát động được tinh thần của anh em một cách đúng lúc, đúng chỗ để làm tốt hơn công việc chuyên môn của mình.

Ông Trần Trung Kiên sinh ngày 6 tháng 6 năm 1947 ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Ngày 9-5-1955, ông theo cha tập kết ra Bắc và được học tập tại các trường miền Nam. Từ năm 1966 đến năm 1970 học tại khoa Sử trường ĐHTH Hà Nội.

Từ tháng 6 năm 1971 đến tháng 10 năm 1975 làm báo Cờ Giải phóng của Khu ủy Khu V. Tháng 11-1975 về làm Báo Nghĩa Bình. Tháng 4-1984 làm Phó tổng biên tập Báo Nghĩa Bình, đến ngày 1-7-1992 được cử làm Tổng biên tập Báo Bình Định. Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Tôi nghĩ có những điều tưởng đã biết nhưng chỉ có bắt tay vào làm mới vỡ vạc ra là mình hãy còn lơ mơ lắm. Tính tôi không ôm đồm, không đặt ra nhiều mục tiêu cùng một lúc nhưng đã nói là làm và làm đến nơi đến chốn. Tôi tôn trọng anh chị em, nghe ý kiến anh chị em nhưng luôn là người quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ đã làm báo, nhất là làm tổng biên tập phải có bản lĩnh. Thời gian qua, Báo Bình Định có cái may mắn là được các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Tất nhiên trong quá trình làm việc cũng có đôi lúc, trong một vài trường hợp, có ý kiến chưa thống nhất song tôi nghĩ điều quan trọng là mình phải biết thuyết minh, thuyết phục để các đồng chí lãnh đạo nắm rõ vấn đề và ủng hộ việc làm đúng của mình.

* Khi còn đương chức, anh rất quan tâm đến sự phát triển của tờ Bình Định điện tử. Anh trực tiếp duyệt bài và luôn có những cải tiến, thúc đẩy tăng cường chuyên mục cho Bình Định điện tử… Phải chăng anh muốn báo Bình Định hội nhập với báo chí cả nước qua tờ báo này?

- Bình Định điện tử ra đời từ sự gợi ý của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và sự chớp lấy thời cơ của chúng ta. Bản thân tôi từ những ngày đầu đi học hỏi kinh nghiệm làm báo điện tử ở các báo Người lao động, Thái Nguyên, Nhân Dân… đã quyết định chọn con đường riêng của mình. Trong khi một vài tờ báo coi tờ điện tử chỉ là sự kiêm nhiệm từ tờ báo giấy thì ngay từ đầu tôi đã mạnh dạn để Bình Định điện tử thành một bộ phận độc lập (và phòng Phát hành của báo ra đời cách đây 3 năm cùng với suy nghĩ ấy). Thực chất chất lượng của Bình Định điện tử phụ thuộc vào chất lượng của báo Bình Định song nếu mở ra được nhiều chuyên mục phục vụ cho các đối tượng chuyên đọc báo điện tử, chúng ta sẽ thu hút được đông đảo bạn đọc. Và tôi rất hạnh phúc khi thấy mạng phân tích quốc tế ALEXA đánh giá cao tờ báo của chúng ta trong hệ thống báo điện tử tiếng Việt. Có lẽ vì thế tôi càng thúc đẩy sự phát triển của Bình Định điện tử.

* Anh tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trước khi vào miền Nam anh là một trong số 80 người được theo học lớp viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người trong số này thành công rực rỡ trên văn đàn cả nước, có người trở thành cán bộ cấp cao ở Trung ương, có người là Ủy viên Bộ Chính trị… phần anh theo nghiệp báo, anh có cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình?

 

Nhà báo Trần Trung Kiên tại đảo jeju, trong dịp cùng đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Hạ Uyên

 

- Chưa bao giờ tôi cảm thấy hối tiếc về điều đó. Khi trở về miền Nam, tôi chọn nghề báo vì thấy nó gần gũi với ngành Sử mà mình đã học. Tôi yêu nghề báo và từng cùng nghề báo thăng hoa. Ngay cả khi học Cao cấp chính trị ở Hà Nội, đề tài luận văn mà tôi chọn cũng là “Báo Nghĩa Bình cần làm gì để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức?”. Rồi trong quá trình làm tổng biên tập tôi cũng từng được gợi ý chuyển sang làm việc khác nhưng tôi đã đề nghị được ở lại báo. Tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Bởi nếu cuộc đời tôi có chuyển đi đâu nữa cũng không thể phát huy được năng lực của mình bằng ở Báo Bình Định. Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và không thể khác…

* Anh rời khỏi chiếc ghế Tổng biên tập khi Báo Bình Định đang ở vào thời kỳ phát triển nhanh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, anh cảm thấy tâm đắc nhất điều gì và còn điều gì băn khoăn?

- Điều mà tôi tâm đắc đó chính là trong thời gian làm tổng biên tập, tôi đã được công tác với một tập thể đoàn kết nhất trí, tôi tin tưởng những đồng nghiệp dưới quyền và đã phát huy tốt năng lực của anh chị em vì sự nghiệp chung. Tôi cũng rất vui vì các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt đến báo chí. Tuy nhiên, điều băn khoăn của tôi là báo Bình Định đã vượt qua sự khuôn mẫu của một tờ báo tỉnh lẻ song nó cần có sự “bứt phá” mạnh  hơn để có thể trở thành một tờ báo chuyên nghiệp trên mọi lĩnh vực. Tôi luôn đọc hết tờ báo Bình Định đã đành nhưng vợ con tôi vẫn ưu ái để mắt đến các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Bao giờ báo Bình Định mới thu hút được nhiều bạn đọc? Tôi mong muốn báo Bình Định gần gũi hơn nữa với đời sống của nhân dân...

Tôi cũng băn khoăn trước tình trạng cám dỗ vật chất của một vài nhà báo...

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

  • Quang Khanh (thực hiện)

Tháng 7-1992, nhà báo Trần Trung Kiên được cử giữ chức vụ Tổng biên tập. Trong ngổn ngang khó khăn, ông là người đề xướng xuất bản ấn phẩm Bình Định nguyệt san. Tháng 4-1996 Báo Bình Định tăng từ 2 kỳ/ tuần lên 3 kỳ/tuần (số cuối tuần 12 trang). Tháng 4-1999 in tách màu số cuối tuần. Tháng 7-1999, Báo Bình Định tăng thêm kỳ thứ 4 và tháng 7-2001 tăng thêm kỳ thứ 5 trong tuần. Tháng 1-2003 Báo Bình Định điện tử ra đời. Tháng 4-2005 tăng đều các số báo trong tuần lên 12 trang.

Cũng trong 15 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập Trần Trung Kiên hàng loạt các cuộc thi báo chí đã được Báo Bình Định tổ chức như: các cuộc thi viết: “Phóng sự – Điều tra”, “Phóng sự - Điều tra và Ký”, “Phóng sự - Điều tra – Ký và Người tốt việc tốt”, “Xây dựng Đảng”, “Tình yêu và sự nghiệp”, “Quê hương - Ký ức và ước vọng”, “Tin tức 24h”, “Bút ký - Phóng sự - Nhân vật”… và nhiều cuộc thi ảnh. Các cuộc thi đã giúp tăng cường số lượng tin, bài, ảnh cùng với những đợt cải tiến lớn góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng nội dung của tờ báo đưa báo Bình Định (và báo Bình Định điện tử) trở thành một trong những tờ báo địa phương (website của Đảng) hàng đầu trong cả nước.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)
Tình hoa  (04/06/2007)
Nước về làng xa  (28/05/2007)
Nghề “hoàn thiện con người”  (25/05/2007)
Gặp những người đúc tượng vua Quang Trung  (25/05/2007)
Chơi chứng khoán ở Bình Định  (14/05/2007)
Vườn rong giữa phố  (27/04/2007)
365 ngày của một bệnh nhân “máu khó đông”  (26/04/2007)
Con đường trở thành giám đốc của một người khuyết tật  (25/04/2007)
Ghi chép dưới chân Ngài ở công viên Đống Đa  (24/04/2007)
Thời của xe ga  (24/04/2007)
Nơi thắp lên hy vọng  (23/04/2007)