Cuối năm 2003, hàng loạt lao động do Trung tâm Đào tạo chuyên gia và Xuất khẩu lao động (XKLĐ) thuộc Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Bình Định (nay là Công ty cổ phần XNK Bình Định) đưa đi XKLĐ tại Malaysia đã phải về nước trước thời hạn vì không có việc làm. Đến nay, sau 4 năm, Trung tâm Đào tạo chuyên gia và XKLĐ đã giải thể, nhưng gánh nặng nợ nần vẫn còn đeo đuổi những lao động kém may mắn này ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát…
|
Đây là hình ảnh của những lao động thôn Tùng Chánh - Cát Hiệp vừa mới trở về nhà sau nhiều ngày thất nghiệp tại Malaysia vào đầu tháng 5-2004.
|
* Thứ ba... nợ đòi
Trở về quê đã gần 4 năm, kể từ sau “sự cố Malaysia” nhưng với anh Nguyễn Văn Ngạn (SN 1975), hậu quả của lần “xuất ngoại” vẫn hiện hữu với số nợ 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Tháng 9-2003, anh Ngạn được vay tín chấp 20 triệu đồng để đi XKLĐ. Tháng 5-2004, anh về quê cùng với nhiều lao động khác vì ở Malaysia không có việc làm. Anh Ngạn đã cùng với 17 lao động khác khởi kiện Công ty cổ phần XNK Bình Định ra tòa và thắng kiện.
Theo phán quyết phúc thẩm của TAND tỉnh, anh Ngạn được Công ty cổ phần XNK Bình Định bồi thường 26,2 triệu đồng. Tháng 10-2006, nhận được số tiền 11,4 triệu đồng thi hành án đợt 1, anh đã trả cho ngân hàng. “Phải chờ đến khi nhận được tiền thi hành án đợt 2 tôi mới trả dứt nợ. Tuy không bị ngân hàng thúc ép gắt gao nhưng có cái khổ nào bằng đeo cái nợ bên mình. Tưởng đi Malaysia là để làm giàu, ai dè nghèo thêm”- anh Ngạn than. Hiện tại, anh Ngạn đang đi làm thợ hồ để nuôi gia đình.
Tuy nhiên, so với những lao động khác cũng vay vốn để XKLĐ, anh Ngạn là người may mắn hơn. Anh Lương Văn Xỷ, đi và trở về cùng đợt với anh Ngạn, chìa cho tôi xem giấy báo nợ quá hạn của Ngân hàng NN&PTNT huyện Phù Cát ký ngày 22-10-2004, bức xúc nói: “Trong hợp đồng cho vay 17 triệu đồng, có cam kết cho trả nợ trong 3 năm. Thế nhưng, khi sự việc vỡ lở, thì vừa đúng 1 năm kể từ ngày cho vay, ngân hàng lập tức phát giấy đòi phải trả cả gốc lẫn lãi, thực hiện theo đúng thời hạn cam kết, nếu không thì tính lãi suất quá hạn. Tháng nào, họ cũng đến nhà nhắc nợ. Dùi đánh đục, đục đánh xăng, bọn tôi năm lần bảy lượt xuống tòa án hai cấp hầu kiện. Đến khi thắng kiện lại chờ được thi hành án”.
Ông Mai Đình Chung, Chủ tịch HĐND xã Cát Hiệp, xác nhận: “Mặc dù chưa niêm phong nhà đất, tài sản của lao động nào để xiết nợ, nhưng mỗi khi cán bộ ngân hàng NN&PTNT xuống đòi nợ đều nhắc đến biện pháp này như “làm phép” để người lao động trả nợ cho nhanh”. Và biện pháp này đã tỏ ra “hiệu quả”, bởi hiện tại xã Cát Hiệp chỉ còn lại hai gia đình có con đi XKLĐ còn nợ tiền của Ngân hàng NN&PTNT.
|
Dẫu đã thắng kiện, đã được bồi thường 11,4 triệu đồng nhưng anh Ngạn (đầu tiên, bên trái) hiện vẫn còn nợ 8,5 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
|
* Bi kịch “con dại, cái mang”
Tuy nhiên, để trả dứt số nợ trên và không phải chịu lãi suất nợ quá hạn, những lao động này đã phải chấp nhận vay một khoản mới, dưới một danh nghĩa khác. Anh Trần Đình Lễ, một trong những lao động có nợ với Ngân hàng NN&PTNT cho biết: “Để khỏi phải chịu lãi suất ngân hàng quá hạn và lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ ngân hàng khuyên tôi nên nhờ người khác đứng tên thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất vay tiền, rồi lấy tiền đó trả dứt nợ cũ”.
Không ít người lao động ở thôn Tùng Chánh đã làm theo cách này. Đến tháng 9-2006, gia đình anh Lương Tiến Vinh đã trả dứt số 17 triệu tiền gốc lẫn lãi vay cho ngân hàng NN&PTNT huyện Phù Cát. Chị Hiền, vợ anh Vinh cho biết: “Tôi sợ bị niêm phong nhà cửa nên mượn người cô đứng ra vay giúp 10 triệu đồng, rồi lấy tiền đó trả nợ cũ. Tháng 8-2007 này đến hạn đáo nợ vay mới rồi nhưng giờ tôi vẫn chưa biết kiếm đâu ra tiền”.
Ông Nguyễn Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát: Sự trở về trước thời hạn do không có việc làm của những lao động ở Phù Cát đã khiến cho cuộc sống nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với những trường hợp khiếu kiện và đã được xử bồi thường, dù sao họ còn bù đắp được ít nhiều. Thế nhưng, với những gia đình chấp nhận sự đền bù của Công ty thì cho đến nay, họ phải giật gấu vá vai, mượn đầu nọ đắp đầu kia để trả nợ vay ngân hàng. Lẽ ra, trong trường hợp này các cơ quan liên quan phải có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho người dân, đằng này, lại để họ “tự bơi”… |
“Mũi dại, lái chịu đòn”, không ít gia đình, cha mẹ già đã đứng ra gánh nợ cho con cái. Ông Trần Đình Tú (70 tuổi), cha anh Lễ, than: “Nó đòi về mượn sổ đỏ của tôi trả nợ ngân hàng. Tôi không cho thì nó khóc kể, đành bấm bụng đưa cho nó sổ đỏ của mình để vay 10 triệu đồng. Con dứt nợ thì cha mang nợ. Lẽ ra, thằng Lễ phải chịu trả lãi nhưng vợ chồng nó làm gì có tiền. Con dại cái mang, tháng nào tôi cũng phải trả 115.000 đồng tiền lãi ngân hàng. Từ ngày nó trở về lại mang công mắc nợ, vợ chồng già tôi còn phải cưu mang hai vợ chồng và hai đứa con của nó nữa”.
Cùng tình cảnh như ông Tú, nhưng ông Nguyễn Thanh Sang vừa trả nợ vừa phải nuôi con là anh Nguyễn Thái Học đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Phù Cát. Năm 2003, để có tiền cho con anh Học đi Malaysia, ông Sang đã thế chấp sổ đỏ của gia đình vay 17 triệu đồng. Để kịp đáo nợ ngân hàng, lấy số đỏ ra, ông Sang phải đi vay người thân; sau đó, tiếp tục thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, trả nợ đã mượn. Đến thời điểm này, ông Sang mới chỉ trả được 2 triệu đồng trong số 10 triệu tiền vay ngân hàng. “Cả đời tôi chưa biết vay mượn ai đồng nào, chỉ vì con mà khổ như thế này. Hiện tại thằng Học đang bị nghi bệnh lao, nằm viện đã 3 tháng nay rồi. Vợ của nó thì vừa mới sinh con được mấy ngày”- người cha già chua xót kể.
* Chưa được vạ, má đã sưng?
Năm 2003, huyện Phù Cát có khoảng 50-60 lao động đi XKLĐ do Trung tâm Đào tạo chuyên gia và XKLĐ đưa đi. Tuy nhiên, do không có việc làm ổn định nên hầu hết các lao động này đều phải trở về nước trước thời hạn. Nhiều lao động trở về đã chấp nhận mức bồi thường do hai bên tự thỏa thuận, riêng 18 lao động đã khởi kiện Công ty cổ phần XNK Bình Định ra tòa và đã thắng kiện. Phiên phúc thẩm TAND tỉnh xử ngày 30-9-2005 đã phán quyết: Công ty cổ phần XNK Bình Định phải trả cho 18 nguyên đơn số tiền trên 505 triệu đồng (4 người được xử bồi thường với mức trên 34 triệu đồng/người, số còn lại trên 26 triệu đồng/người).
Chị Châu Thị Thanh Hiền và chị Huỳnh Thị Sương (vợ anh Lương Tiến Vinh và Lương Văn Xỷ): Chúng tôi yêu cầu Công ty cổ phần XNK Bình Định phải hoàn trả số tiền còn lại một lần theo phán quyết của tòa án. Hiện tại, hàng tháng, chúng tôi vẫn đang chịu lãi suất 1,15%/tháng từ khoản vay mới. Vả lại, đã sắp đến kỳ đáo hạn rồi, nếu công ty không trả, tiền đâu chúng tôi thanh toán nợ. |
Án đã có hiệu lực, nhưng mãi cho đến một năm sau (ngày 28-9-2006), Công ty cổ phần XNK Bình Định mới thi hành án lần đầu với số tiền trên 220 triệu đồng (chia đều cho 18 lao động, mỗi người được trên 11,4 triệu đồng). Đến nay, Công ty này vẫn không thi hành án thêm lần nào nữa dù Thi hành án dân sự Quy Nhơn đã nhiều lần báo gọi, động viên tiếp tục thi hành án dứt điểm.
Kể lại đoạn trường đi nhận tiền thi hành án, nhiều người đã không khỏi ngậm ngùi: đi hầu kiện đã mệt nhưng đi lại hỏi tiền được thi hành án lại càng mệt hơn. Vào Quy Nhơn năm lần bảy lượt đều nhận được câu trả lời… Công ty chưa thi hành án. Nhận được hơn 11 triệu đồng thì tính ra công sức đi lại, xăng nhớt đã mất bạc triệu. Ông Nguyễn Văn Khuyển (70 tuổi) được con là anh Nguyễn Văn Ngạn ủy quyền đi nhận tiền thay kể chuyện: “Có đận, tôi với một ông bạn già (cũng có con được nhận tiền thi hành án) cưỡi xe máy vào Quy Nhơn hỏi xem chừng nào nhận được tiền, nhưng lần quần từ sáng đến chiều, hết tòa án thành phố đến tòa án tỉnh, rồi qua Thi hành án Quy Nhơn chẳng biết đường nào mà lần, lại chẳng rành đường đi…”.
Được biết, ngày 21-4-2007, ông Đỗ Văn Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần XNK Bình Định, đã đề nghị với Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn, được trả số tiền còn lại trên 285 triệu đồng làm 3 lần (lần 1: 90 triệu đồng vào ngày 30-6-2007, lần 2: 90 triệu đồng vào ngày 30-9-2007 và lần 3: trả dứt điểm số còn lại) thay vì trả dứt điểm một lần, vì công ty mới cổ phần hóa nên gặp khó khăn về tài chính… Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận. Cũng cần nhắc lại rằng, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh xử ngày 30-9-2005 đã nêu rõ: kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà Công ty XNK Bình Định không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ, thì phải chịu theo mức lãi suất nợ quá hạn do ngân hàng nhà nước quy định.
|