“Đôi chim câu làm khoa học”
8:12', 7/7/ 2007 (GMT+7)

Rất nhiều nhà khoa học nữ ở Việt Nam vì quá mải mê theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu đã đi suốt hành trình cuộc đời trong đơn thân. Nhưng với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Phạm Trương Thị Thọ thì khác, bà có một mái ấm hạnh phúc và nó là nền tảng để sự nghiệp của bà phát triển vững chắc. Đến nay, vợ chồng bà đã bước vào tuổi thất thập, mắt bà vẫn sáng ngời lên niềm hạnh phúc khi nhắc đến gia đình. Giới nghiên cứu vẫn tấm tắc gọi họ là “đôi chim câu làm khoa học”…

 

GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ và gia đình.

 

* Tuổi thơ và con đường khoa học luôn có người bạn đời song hành

“Tổ chim câu” của vợ chồng giáo sư Thọ là một căn hộ nhỏ trên tầng 4 một chung cư kiểu cũ trong ngõ Văn Chương (Đống Đa - Hà Nội). Nhà chật nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp với hàng ngàn đầu sách được sắp xếp như một thư viện nhỏ trong nhà. Bà để sẵn mấy cuốn sách đến bàn làm việc và cười tươi bảo tôi:

- Tôi sinh ra trên đất Quy Nhơn, nhà tôi ở gần trường Cường Để (bây giờ là Quốc Học Quy Nhơn). Ba tôi làm cán bộ hỏa xa, nhà tôi nghèo. Nên ba má tôi luôn muốn tôi học hành chăm chỉ, giỏi giang, để sau này đỡ khổ. Và tôi cũng rất muốn mình được đi học, được làm kỹ sư. Nhưng chiến tranh, tản cư, chạy giặc đã khiến ước mơ của tôi trở nên xa vợi. Tôi tham gia hoạt động cách mạng khá sớm. Khi tôi bước vào tuổi thiếu nữ cũng đã có nhiều anh bộ đội để ý, nhiều người ngỏ lời thương nhưng ước mơ được đi học vẫn cứ bám riết lấy tôi nên tôi đều từ chối. Thời ấy là thế, có gia đình là coi như không còn thời gian học hành thêm gì nữa đâu.

Năm 1954, từ bến cảng Quy Nhơn tôi và nhiều học sinh khác đã lên đường tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ: đào tạo một thế hệ tương lai mai này phục vụ quê hương.

+ Có những nhà khoa học nữ không thể đi suốt con đường mình chọn trước đó. Còn bà, động lực nào giúp bà trụ lại và đạt được những thành công trong khoa học như ngày hôm nay ?

- Năm 1964, trong Đại hội Thanh niên Lâm nghiệp toàn quốc tôi được lên báo cáo điển hình và sau đó được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bác đã hỏi: “Cháu có ước mơ gì không?” - “Dạ có ạ! Cháu muốn làm luận án phó tiến sĩ”. Bác hỏi tôi định dành bao nhiêu thời gian cho dự định này, tôi bảo khoảng 9 - 10 năm và tôi đã được bác khen: “Cháu là một người phụ nữ có ước mơ, hoài bão, dám để hẳn một thời gian dài cho một mục đích. Bác chúc cháu thành công!”. Lời động viên của Bác Đồng đã theo tôi trong suốt chặng đường thực hiện ước mơ.

Đến năm 1995, tôi gặp lại Bác Đồng trong hội nghị “Người tốt - Việc tốt thủ đô” nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, Bác Đồng ôm chầm lấy tôi và nói: “Bác cảm ơn cháu, Bác cảm động lắm…”. Tôi hiểu bác muốn nói gì và trong tôi lại dâng lên một cảm xúc lớn lao…

Tôi nỗ lực và chồng tôi cũng chia sẻ niềm vui nghiên cứu khoa học với tôi. Ông ấy cũng là một nhà khoa học nhiều đam mê. Chúng tôi muốn tạo tấm gương cho con cháu của mình nữa.

+ Phụ nữ làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình lại càng khó hơn. Bí quyết nào giúp người phụ nữ “học cao” có được cả hai: sự nghiệp và gia đình?

- Đúng là phụ nữ làm khoa học thì phải ảnh hưởng đến gia đình, từ chợ búa, cơm nước đến việc chăm sóc con cái. Nếu người chồng không có sự đồng cảm họ sẽ buộc người phụ nữ phải lựa chọn giữa khoa học và gia đình. Nhưng tôi lại có một may mắn khi có được người chồng cũng hết sức say mê khoa học. Chồng tôi không chỉ thông cảm mà còn luôn giúp đỡ tôi trên con đường khoa học, cứ ông ấy đi trước, tôi theo sau cho đến khi cả hai đều là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học.

+ Nói thì dễ nhưng làm thì khó, hỏi thật giáo sư: có lúc nào “nhà khoa học chồng” bảo “nhà khoa học vợ” lùi về hậu trường không?

- Nói thật là thời bao cấp nhiều khi kinh tế khó khăn quá, chúng tôi chỉ làm khoa học thuần túy nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, tôi có dao động. Nhưng ông nhà tôi gạt ngay, bảo tôi phải cố gắng, chứ bỏ giữa chừng phí lắm! Mình làm gì cũng phải chuyên tâm, chứ phân tâm này kia thì không thể đi theo khoa học được. Yêu nhau thì phải cùng nhau nhìn về một hướng! Và chúng tôi tìm thấy tình yêu, niềm vui trong việc cùng nhau làm khoa học. Bao nhiêu năm trời mải mê làm khoa học, không của cải, không đất đai, nhà cửa quanh quẩn chỉ toàn sách là sách nhưng cuộc sống của chúng tôi luôn vui tươi, hòa thuận.Con gái của chúng tôi cũng rất giỏi giang, nó là niềm tự hào của bố mẹ. Được như thế đã là hạnh phúc rồi!

 

GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ chụp ảnh lưu niệm với tác giả.

 

* Nhà khoa học không có tuổi nghỉ hưu

Năm nay giáo sư Thọ đã vào tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng bà vẫn còn đủ sức khỏe để liên miên trong những chuyến công tác miền Nam hay thỉnh thoảng về thăm quê hương. Công việc của một nhà khoa học dường như không có tuổi để nghỉ.

+ Những người cả năm “làm nhà nước” thường phải trải qua một “cú sốc” khi nghỉ hưu, với bà, điều này dường như… không đúng?

- Thật sự là vậy, trước khi nghỉ hưu tôi đã lên kế hoạch làm việc cụ thể, những việc mà khi còn đi làm tôi không có đủ thời gian để toàn tâm, toàn ý cho nó. Tri thức của mình đâu có hưu đâu, phải không? Hưu là Nhà nước cho mình nghỉ theo chế độ, nhưng nếu còn sức thì mình không thể để lãng phí. Và từ ngày nghỉ hưu đến nay tôi vẫn luôn tay luôn chân với nó. Tôi nghiên cứu về những cây thuốc phổ biến trong nước và có khả năng hạn chế sinh sản. Dân gian mình đã truyền dạy bao bài thuốc bí truyền về chuyện tránh thai từ những cây cỏ xung quanh. Sao mình không nghiên cứu về nó, chiết xuất nó để có thể sử dụng đại trà. Thuốc từ thảo dược phải tốt hơn cho con người chứ! Đến nay công trình nghiên cứu của tôi chỉ còn vài bước thủ tục nữa là có sản phẩm ra thị trường.

Tôi còn nhiều nghiên cứu nho nhỏ nữa, nhưng rất thiết thực cho đời sống con người như việc làm ra những cây kẹo mút mà đám học trò rất thích có chất chống viêm họng,…

Không hiểu sao khi trò chuyện với người phụ nữ ấy tôi luôn nghĩ đến nhà bác học nổi tiếng Marie Curie, đành rằng sự so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng. Bà là một nhà khoa học rất phụ nữ, rất dịu dàng và phải nói là rất đáng yêu nữa. Nếu tình cờ gặp bà ở ngoài đời, chắc mọi người chỉ nghĩ bà là một người nội trợ. Khó có thể hình dung rằng ngày ngày bà vẫn đến phòng thí nghiệm để làm việc với những chuỗi dài dằng dặc ống nghiệm, hóa chất. Phong thái của một nhà khoa học lớn ẩn chứa trong những cử chỉ bình dị hàng ngày. Bà khiến mọi người phải kính trọng và cảm phục!

* Nghĩ về quê hương và lớp trẻ

+ Thưa giáo sư, được biết bà là một người con đã xa quê hương lâu năm nhưng lúc nào cũng rất nặng lòng với quê hương…

- Tôi luôn đau đáu một tâm niệm sẽ làm được điều gì đó cho quê hương nhưng không phải dễ. Các sáng chế của tôi trong thời gian gần đây đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác của các doanh nghiệp trong nước. Tôi đã từ chối và dành nhiều thời gian để thuyết phục các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định nhưng những người có trách nhiệm thờ ơ quá. Cuối cùng tôi đành chọn một doanh nghiệp tận miền Nam để làm việc. Tôi thấy rất tiếc! Tôi đành dành tình cảm quê hương bằng những việc làm rất nhỏ bé như giới thiệu sản phẩm quê hương cho bà con khối phố, góp ý tưởng cho những lần họp đồng hương và kể cả việc giúp người Bình Định xa quê mà tôi gặp, nhất là các cháu sinh viên. Đó không chỉ là vấn đề làm gì cho quê hương mà là nhu cầu tình cảm của chính mình.

+ Thế còn về lớp trẻ ngày nay, giáo sư nghĩ gì về họ?

- Họ rất năng động và họ có điều kiện hơn lứa chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Công nghệ phát triển như vũ bão, lớp trẻ có cơ hội giao lưu với thế giới. Thời của bọn tôi, nghiên cứu được một, hai công thức hóa học đã được cho là giỏi, bây giờ nghiên cứu ra chục công thức như thế cũng chưa là gì.

Vì thế, cuộc sống bây giờ đòi hỏi thanh niên phải sống có bản lĩnh, phải có ý chí, mục tiêu và quyết tâm hơn nữa vì cơ hội không bao giờ dành cho những kẻ lười nhác. Quan trọng nhất là bạn trẻ phải có mục tiêu phấn đấu để không bị sa vào những tệ nạn xã hội. Tất cả là sự lựa chọn của các bạn, chứ đất nước đã rất tạo điều kiện cho các bạn rồi!

  • Võ Thị Ngọc Ánh

GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ sinh ngày 1- 1- 1937 tại Quy Nhơn, Bình Định.

Chồng GS. TSKH Phạm Trương Thị Thọ là GS.TSKH Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1935, quê Bắc Ninh. Ông là tiến sĩ chuyên ngành Toán học, công tác ở ĐH Bách Khoa Hà Nội. Nay đã nghỉ hưu.

GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ tốt nghiệp đại học năm 1962, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa học tại Đại học Sophia - Bungaria năm 1971.

Năm 1994 sau khi bảo vệ thành công luận án khoa học “Mối liên quan giữa cấu trúc hóa học và tác dụng sinh học (QSAR) của ôgenol từ tinh dầu hương nhu lên nấm Candida albican” tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, bà là nữ TSKH đầu tiên trong nước.

Bà được phong học hàm Giáo sư Hóa học năm 2002.

Bà được giới khoa học biết đến với tư cách là một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hóa thực vật. Bà đã nghiên cứu thành công mối liên quan giữa cấu trúc hóa học và tác dụng sinh học (QSAR) và đặc biệt là nghiên cứu dược liệu có tác dụng hạn chế sinh sản từ nguyên liệu trong nước.

Năm 1988 bà được tặng hai bằng phát minh sáng chế của Ủy ban phát minh sáng chế Bungari. Năm 1995 bà nhận được Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam. Năm 1998 nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)
Tình hoa  (04/06/2007)
Nước về làng xa  (28/05/2007)
Nghề “hoàn thiện con người”  (25/05/2007)
Gặp những người đúc tượng vua Quang Trung  (25/05/2007)
Chơi chứng khoán ở Bình Định  (14/05/2007)
Vườn rong giữa phố  (27/04/2007)
365 ngày của một bệnh nhân “máu khó đông”  (26/04/2007)