Trong tương lai không xa, Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội sẽ là chiếc đòn bẩy của kinh tế Bình Định. Nhưng bây giờ, Nhơn Hội vẫn còn ngổn ngang trăm mối, trong đó có nỗi băn khoăn, lo lắng của người dân xã đảo về chuyện di dời, giải tỏa, đền bù, tái định cư (TĐC)…
|
Một góc bình yên của Nhơn Hội - nơi có thể chiêm ngưỡng cây cầu thế kỷ, mở rộng tầm nhìn và ước mơ của người Nhơn Hội ra ngoài bán đảo này.
|
* Bán tương lai mua cái ăn trước mắt
Không chỉ chờ đến 2 năm về trước- khi UBND tỉnh công bố quy hoạch KKT Nhơn Hội và từng bước xúc tiến các hoạt động triển khai xây dựng KKT- cuộc sống của người dân xã bán đảo này đã bắt đầu “sôi” lên với những dự định, kế hoạch, toan tính… từ nhiều năm trước đó. Và cho đến bây giờ, những chuyện như di dời, giải tỏa, đền bù, tái định cư, tìm việc làm… vẫn giữ nguyên tính nóng hổi, thời sự…, bởi đó là sự “tất yếu của cuộc sống” người dân Nhơn Hội bây giờ.
Có mặt ở Nhơn Hội vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển động của các dự án đang thi công như khu công nghiệp A, Cảng nước sâu, khu phi thuế quan, Nhà máy cấp thoát nước, khu TĐC Nhơn Phước… với những đoàn xe chở đất, tung bụi mù mịt, đang tiến hành san lấp các mặt bằng. Trái ngược với không khí sôi động trên các công trường lại là sự nhàn hạ, rảnh rang của nhiều người dân ở Nhơn Hội.
Tại thôn Hội Lợi, chúng tôi ghé lại một ngôi nhà đang có một tốp thanh niên ngồi đánh cờ. Anh Lê Hồng Phong, 43 tuổi, kể: “Trước đây, tui làm nghề lưới ghẹ trên đầm Thị Nại, ngày kiếm được 100.000 - 200.000 đồng, có thể nuôi được cả gia đình- vợ và 4 con. Từ hôm Tết đến nay, do các dự án đang tiến hành đổ đất tại các khu vực gần bờ làm ảnh hưởng môi trường, tôm, cua, cá, ghẹ… hầu như bỏ đi đâu hết. Nhiều người dân làm nghề này hiện đang thất thu nên chỉ bữa đi, bữa nghỉ, cuộc sống khó khăn lắm!”.
Cuộc trò chuyện đang sôi nổi thì có một phụ nữ trung niên dắt đứa cháu nhỏ đi ngang qua. Đám thanh niên vồn vã, quắt tay gọi người đàn bà: Bà Tám- bà vào đây kể chuyện của bà cho mấy cô nhà báo nghe, đặng có giúp được gì cho bà con mình thì giúp!
Hai vợ chồng bà Phan Thị Tám, 56 tuổi, ở thôn Hội Lợi cùng mưu sinh trên mặt đầm Thị Nại. Bình thường, ông chèo thuyền, bà ra lưới -họ bắt đầu ra đầm từ 3 giờ sáng và kết thúc một ngày lao động vào quãng 3 giờ chiều. “Tôm cá trên đầm bây chừ khan hiếm lắm, vợ chồng tui đi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn, không đủ cái ăn”- bà Tám nói.
Cũng vì cái lý lẽ “không đủ ăn”, rất nhiều người dân ở Nhơn Hội đã bán đi tất cả những gì mình có. Đất đai, ruộng vườn và cả… mặt nước nuôi trồng thủy sản đã được Nhà nước giao quyền. Anh Phong tỏ ra xót xa: “Gia đình tui được cấp 1.800 m2 đất hồ tôm, nhưng bán mất rồi, được có 9 triệu đồng, lo cho con cái ăn, học cũng hết… chẳng dành dụm được gì. Nếu cố để được đến bây giờ, chắc chắn được Nhà nước đền bù với giá cao hơn nhiều...”.
Điệp khúc bán hồ, bán đất cứ trở đi trở lại với từng người dân Nhơn Hội và không chỉ có thế, ngay cả đất tái định cư tại khu TĐC Nhơn Phước, tuy chỉ mới được cấp trên giấy, nhưng nhiều người đã đổi chủ, sang tên. Ông Nguyễn Viết, Trưởng thôn Hội Lợi cho biết: “Phải có đến 3/4 số hộ dân trong thôn đã bán đất nông nghiệp, đất hồ tôm trước khi tỉnh có chính sách đền bù và một số hộ cũng đã bán đi một nửa diện tích đất mà họ sẽ được TĐC tại Nhơn Phước!”.
Chuyển nhượng đất với giá rẻ để có được cái ăn trước mắt hay mua xe, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt... tiền thì hết, đất không còn, người dân Nhơn Hội lại rơi vào cảnh “trắng tay”. Ngày mai, không biết rồi sẽ ra sao…
|
Phóng viên Báo Bình Định (bìa phải) đang trò chuyện với người dân thôn Hội Lợi (Nhơn Hội).
|
* Những người hy sinh cho... phát triển
Cách đây hơn một năm, tại cuộc tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND tỉnh và TP Quy Nhơn tại xã Nhơn Hội, người dân địa phương đã đứng, ngồi lớp trong, lớp ngoài tại hội trường UBND xã. Họ đến để bày tỏ suy nghĩ của mình và nghe đại biểu HĐND các cấp giải trình, trả lời về chuyện giải tỏa, đền bù, tái định cư. Hơn một năm sau, vào trung tuần tháng 6 vừa qua, vẫn tại một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp trên tại xã, người dân lại đứng lên đề đạt những tâm nguyện của mình…
Theo quy hoạch KKT Nhơn Hội đến năm 2010, sẽ có hơn 400 hộ dân (trên 2.000 nhân khẩu) của 3/5 thôn (Hội Sơn, Hội Lợi, Hội Bình) của Nhơn Hội phải di dời vào khu TĐC Nhơn Phước. Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội cho biết: “Dân ở khu vực này có đến 80% là làm nông nghiệp (chủ yếu là khai thác nguồn lợi trên đầm Thị Nại, nuôi trồng thủy sản); 20% làm nghề biển với 18 thuyền bắt đánh cá biển, trong đó có 7 thuyền đánh bắt xa bờ”.
Theo chủ trương của tỉnh, các hộ dân sẽ được đền bù nhà ở, đất ở tại nơi ở cũ và được cấp đất ở mới tại khu TĐC Nhơn Phước theo tinh thần “đất đổi đất”. Bên cạnh đó, những hộ gia đình có từ 250 m2 đất vườn trở lên sẽ được mua thêm một lô đất 250 m2 tại khu TĐC với giá bằng 40% giá đất TĐC; những hộ gia đình có diện tích đất vườn nhỏ hơn 250 m2 cũng vẫn được mua 200 m2 đất TĐC nhưng với giá bằng 60% giá đất TĐC.
Cũng phải thấy rằng, khi có chủ trương quy hoạch đất để xây dựng KKT Nhơn Hội, từ năm 2000 đến nay, những người dân ở đây đã phải dừng việc tách hộ và làm “sổ đỏ”. Do đó, có rất nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa chật hẹp nhưng đã phải sống chen chúc 2-3 thế hệ trong một ngôi nhà. Bây giờ, nếu về nơi ở mới, thì con cái họ lại phải bỏ tiền ra để mua một phần đất TĐC là rất thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh ở thôn Hội Bình cho biết: “Gia đình tôi có 18 người với 3 con trai đã “ra riêng” có tổng diện tích đất ở, đất vườn là 700 m2. Khi TĐC, chúng tôi chỉ được cấp 1 lô đất 200 m2 và được đền bù 500 m2 đất còn lại theo giá đất vườn. Với 200 m2 đất được cấp thì không đủ cho 4 hộ gia đình cất nhà, mà mua đất (với giá cao hơn giá đất được đền bù) thì các con chúng tôi cũng không kham nổi”.
Còn ông Nguyễn Lý, 74 tuổi ở thôn Hội Lợi băn khoăn nói: “Bà con chúng tôi phần lớn là dân ở các phường Hải Cảng, Trần Phú đi “kinh tế mới” ở Nhơn Hội cách đây đã 30 năm. Đến nay, cuộc sống mới vừa tạm ổn định. Chấp hành chủ trương của Nhà nước, bà con chúng tôi chấp nhận giải tỏa “trắng” và vui vẻ di dời vì sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Thế nhưng, để tạo dựng được cuộc sống ổn định ở nơi ở mới, có lẽ lại phải mất thêm 30 năm nữa... Vậy, mong sao Nhà nước tiếp tục bổ sung những chính sách thích đáng hơn về giá đền bù đất, hoa màu, hỗ trợ dân trong những năm đầu TĐC nhiều hơn nữa... để chúng tôi có thể sớm ổn định cuộc sống”.
|
Hối hả công trường Nhơn Hội.
|
* Cần nỗ lực hơn nữa vì dân
Hiện nay, khu TĐC Nhơn Phước đã hoàn thành việc san lấp 26,5/30 ha mặt bằng (giai đoạn I) và chuẩn bị xây dựng các hạ tầng thiết yếu trước khi chuyển dân đến ở. Như vậy, tiến độ xây dựng khu TĐC đã chậm hơn so với kế hoạch trong niềm mong mỏi sớm ổn định cuộc sống của người dân Nhơn Hội.
Tại thôn Hội Bình, nơi nhà đầu tư đang tiến hành san lấp Vịnh Mai Hương để xây dựng khu phi thuế quan, chúng tôi gặp từng đoàn xe tải chở đất nườm nượp kéo nhau qua, bụi đất tung mù mịt phủ từng lớp dày lên những ngôi nhà dân ở ven đường. Anh Nguyễn Quốc Bình, nhà ở gần đó bức xúc nói: “Chúng tôi chỉ muốn được TĐC sớm ngày nào hay ngày đó chứ ở đây môi trường ô nhiễm không thể sống nổi!”. Thể theo nguyện vọng của dân, Ban quản lý Dự án KKT Nhơn Hội sẽ thực hiện việc hỗ trợ cho 6 gia đình bị ảnh hưởng vì công trình này, mỗi hộ 500.000 đồng/tháng để thuê nơi ở mới trước khi hoàn thành khu TĐC Nhơn Phước nhưng xem ra, việc tìm được nơi thuê trọ ở đây cũng chẳng dễ dàng gì.
Một vấn đề khác cũng không kém phần bức xúc là chuyện đào tạo nghề để tạo việc làm mới cho những người dân sẽ phải rời bỏ nghề cũ khi về nơi ở mới. Hiện Nhơn Hội đang có gần 1.200 người trong độ tuổi lao động, trong đó, có 128 người đã có trình độ CĐ, ĐH, trung cấp chuyên nghiệp; 197 học sinh đang học từ lớp 10 đến lớp 12. Số còn lại đều chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người lao động ở Nhơn Hội, trước đây, Ban quản lý dự án đã đưa được 10 học sinh Nhơn Hội đi học lớp đóng tàu của VinaShin. Mới đây, tại phiên giao dịch việc làm tổ chức tại xã Nhơn Hội (cho người lao động ở 4 xã đảo), cũng đã có thêm 46 lao động được giới thiệu đi học nghề. Thế nhưng, ông Trần Văn Khiêm cho biết: “Rất ít người có khả năng đi học vì không có tiền để học xa, hơn nữa, hiện nay họ đang là lao động chính trong gia đình”…
Trong lần tiếp xúc với cử tri Nhơn Hội mới đây, ông Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy một lần nữa nêu lên quan điểm của tỉnh: Nhất định không để cho người dân trong diện giải tỏa, di dời để xây dựng KKT Nhơn Hội phải sống khó khăn hơn; nơi ở mới cũng phải tốt hơn hoặc ít ra cũng bằng nơi ở cũ. Trên nguyên tắc đó, ban quản lý dự án, nhà đầu tư và mỗi người dân Nhơn Hội đều phải nỗ lực hết mình để có thể giải quyết hài hòa được các mối quan hệ và lợi ích của đôi bên.
|