“Cơn ngạt thở tình cờ” của Trần Lê Sơn Ý là một trong hai tập thơ đầu tiên được Quỹ Lá trầu (quỹ giải thưởng thơ nữ, do Nhà xuất bản Phụ nữ và Công ty Eva tổ chức) chọn giới thiệu trong mùa hè này. Trần Lê Sơn Ý, sinh năm 1977, tại huyện An Nhơn, hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau cuộc triển lãm thơ, được tổ chức tại khu nhà người Việt (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) hôm 7-7, PV Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà thơ nữ Trần Lê Sơn Ý.
|
Trần Lê Sơn Ý. Ảnh: T.T.O
|
* Cảm giác của Sơn Ý sau khi tham gia triển lãm thơ tại Hà Nội hôm 7-7 vừa qua?
- Thực sự là khi tôi báo tin rằng sẽ gởi tập thơ cho ban thẩm định, nhiều người tin rằng tập sẽ được chọn. Dĩ nhiên, người trong cuộc là tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác đợi chờ và hồi hộp. Và khi nhận được tin, quả thật tôi rất vui. Tôi quyết định đi Hà Nội trong tích tắc, và nhận thấy rằng, quyết định trong tích tắc ấy là đúng. Tôi được gặp rất nhiều người mà mình ngưỡng mộ từ rất lâu, được quen biết với nhiều người Hà Nội, hiểu thêm những tấm lòng và tình cảm mà mọi người dành cho mình. Bất ngờ nhất là có khá đông người đến trong buổi ra mắt. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng (cho những người làm thơ) phải không?
* “Cảm xúc chân thực, tươi trẻ, hồn hậu…” - đó là những nhận xét được đưa ra cho “Cơn ngạt thở tình cờ”. Phải chăng, đó cũng là thế mạnh chung của những giọng thơ trẻ?
- Thế mạnh chung của những giọng thơ trẻ là gì, tôi không biết. Vì chắn chắn mỗi người sẽ có những giọng điệu riêng và trải nghiệm riêng. Tôi nghĩ, trẻ có những trải nghiệm của trẻ, không hẳn chỉ có cảm xúc, hồn hậu. Có những người già vẫn tươi trẻ đầy cảm xúc; ngược lại, có những người trẻ làm thơ suy tưởng và già dặn. Riêng mình, tôi thích sự không chặt chẽ của những sự kiện, thích sự từ trên trời rơi xuống và mình bị dắt đi không định trước. Tôi viết không toan tính, không gò bó, chỉ có suy tư, hoài niệm, tưởng tượng và cả mơ mộng. Có thể vì vậy mà mọi người cho rằng tôi “cảm xúc tươi trẻ và hồn hậu” chăng.
Đôi khi
Đôi khi ước một chốn nào để khóc
Một khóm cỏ hoa
Một tháp chuông chiều
Một bờ vai ấm
Mà sao rộng quá quanh mình
Đôi khi ước một chốn nào để khóc
Một ngọn đồi mưa về hiu quạnh
Một bờ biển xanh
Một ngày gió lộng
Mà sao chật chội cõi lòng
Đôi khi ước một ngày xa phố
Để yêu thương hờn dỗi biết tìm về
Mà sao cứ mãi giam mình trong phố
Để nỗi buồn chẳng thể chảy thành sông.
. Trần Lê Sơn Ý |
* Bạn nghĩ sao khi nhà thơ Inrasara từng nhận xét rằng thơ Trần Lê Sơn Ý “vẫn còn hiền lành quá”?
- Thì tôi hiền lành. Không biết nhà thơ Inrasara có ám chỉ gì từ sự hiền lành không? Theo tôi, hiền lành hay dữ dội không mâu thuẫn gì với sáng tạo.
* Đất và người An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung liệu có ghi dấu gì trong thơ bạn?
- Chắn chắn là có. Và hẳn bạn có thể thấy thiên nhiên, cây cỏ… trong thơ tôi. Tôi đi học băng qua những cánh đồng, lớn lên từ những dòng sông miền Trung trong veo, dầm những cơn mưa, cái nắng ở vùng đất ấy mà… Làm sao quê hương không để lại dấu ấn trong tôi được. Nếu sinh ra ở một vùng đất khác, thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội chẳng hạn hẳn tôi không như bây giờ, có khi không làm thơ hoặc làm thơ theo một kiểu gì đó khác. Không biết bạn có chia sẻ cùng tôi quan điểm ở đâu có tình yêu, ở đó là quê hương không? Bạn có ở đâu xa, nếu bạn yêu vùng đất nào đó, đó sẽ là quê hương và có xa đến mấy nhưng có tình yêu thì quê hương vẫn trong tâm tưởng của bạn.
* Xin cảm ơn Trần Lê Sơn Ý.
Những nhận xét về “Cơn ngạt thở tình cờ”
Nhà thơ Giáng Vân, Trưởng ban Thẩm định Quỹ Lá trầu: Tập thơ có một giọng điệu riêng, thấm đẫm cảm xúc, tươi trẻ, hồn hậu. Ngôn ngữ thơ đẹp tự nhiên, giản dị mà tinh tế. Tác giả có những liên tưởng gây bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên. Tuy nhiên, giá như tác giả có được sự trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nữa, ở nhiều tầng nấc, cung bậc để có thêm những góc nhìn, những cảm xúc sâu sắc và đa chiều hơn.
Nhà thơ Trúc Thông: Đã thành một giọng. Non trong. Mảnh buồn. Thành thật. Giàu nhân văn. Giàu nữ tính. Chưa xuất sắc, nhưng khá. Là thơ hay, gắn chặt với nội tâm trong trẻo của tác giả. Cả nỗi buồn ngạt thở cũng trong. Còn có những bài sơ sài, trùng lặp, nhưng tập thơ này là một dấu hiệu đáng mừng.
Nhà thơ Hoàng Hưng: Tập thơ mở đầu với một loạt bài có giọng điệu khá riêng, với những cảm giác, tâm trạng được gợi lên khá tinh tế, thầm thì, mơ hồ, lấp lánh - cho thấy triển vọng một tác giả nữ mới.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương: Một giọng thơ khoáng đạt, sáng rõ. Tính chân thực của cảm xúc là không thể chối bỏ ở tập thơ này. Mỗi bài thơ đều bám vào một ý tứ chủ đạo nhưng không bị bó hẹp, trái lại biên độ liên tưởng mở khá rộng. Nhưng một số bài có sự lặp lại cả cảm xúc lẫn tiết điệu.
. Theo NDO | |