Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên
10:32', 17/7/ 2007 (GMT+7)

Mê chim chóc nói riêng và môi trường tự nhiên đến mức có thể “ăn dầm nằm dề” giữa rừng xanh núi thẳm hàng tháng trời chỉ để xác định một nét nào đó về tập tính của một loài chim. Không chỉ đam mê, người ấy còn biết cách truyền niềm đam mê của mình tới mọi người với mục đích ít nhất sẽ có thêm người biết giữ gìn môi trường tự nhiên. Đó là Thạc sĩ Nguyễn Trần Vỹ - Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM, giảng viên khoa Địa lý (trường Đại học KHXH&NV TPHCM).

 

Thạc sĩ Vỹ (*) đang hướng dẫn kỹ thuật sử dụng ống thở cho một giáo viên trong chuyến thực tập dã ngoại ở VQG Côn Đảo.
 

Năm 1995, khi đang là sinh viên năm cuối của khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM), trong lần đi thực tế, chàng sinh viên quê ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định - Nguyễn Trần Vỹ đã gặp hai chuyên gia người Pháp. Nghe họ thuyết giảng về các loại chim, về sinh thái học, anh “phê” luôn và quyết định chú tâm nghiên cứu về các loài chim.

Cơ duyên

Sau  lần gặp gỡ “định mệnh” nói trên, Vỹ quyết định lập kế hoạch dành dụm tiền để tự mình thực hiện những chuyến khảo sát về các loài chim tại các vườn quốc gia (VQG) như Cát Tiên, Côn Đảo, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Yok Đôn… Chính tôi cũng không hình dung được cuộc đời mình sẽ rẽ sang hướng đi với đam mê như bây giờ - Vỹ tâm sự. Duyên may đến với anh khá nhanh, bởi chính anh là người phát hiện ra sự tồn tại của loài gà so cổ hung – một loài động vật đặc hữu ở vùng Đông Nam bộ. Những thành công nho nhỏ đã tiếp thêm năng lượng để Vỹ tự tin trên con đường đã chọn.

Khởi đầu của niềm đam mê chỉ đơn giản là sự đắm đuối vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo. Niềm đam mê ấy lớn dần lên và tự anh đã bật lên khát khao phải nghiên cứu, phải làm cái gì đó để góp sức bảo tồn những giá trị sinh học mong manh kia. Thạc sĩ Nguyễn Trần Vỹ xác nhận: “Chúng ta đang sở hữu một môi trường tự nhiên cực kỳ phong phú, chưa thể và có lẽ không thể đo đếm hết giá trị của nó. Chính vì thế ta phải biết cách bảo vệ để môi trường ấy tồn tại và phát triển. Chỉ những nhà khoa học và cơ quan bảo vệ chuyên trách không thôi thì rất khó đạt mục đích. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này khi mỗi cá thể trong cộng đồng cũng ý thức được điều đó”.

Không chỉ lăn lộn, dọc ngang trên những cánh rừng, lần tìm ở những đỉnh núi, lặn xuống biển sâu trên nhiều vùng đất nước, bộ sưu tập tranh, băng hình phong phú về các loài động vật, đặc biệt với chim của anh còn in dấu các chuyến “ăn dầm nằm dề” ở rừng núi, các VQG và tìm kiếm, đối chiếu chúng tại các nước Anh, Mỹ, Lebanon, Ấn Độ… trong thời gian học tập, nghiên cứu và công tác tại đây. Và cuộc đời anh đã thật sự gắn bó với thế giới tự nhiên khi anh bảo vệ thành công luận án thạc sĩ sinh học năm 1998. Anh đã trở thành một trong những chuyên gia về chim của Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM bằng tình yêu thiên nhiên tha thiết như thế.

 

Nguyễn Trần Vỹ (*) đang hướng dẫn các thầy cô giáo lấy mẫu tại VQG Núi Chúa.
 
 
Phải cùng nhau bảo vệ thiên nhiên

Năm 2003, khi thực hiện một dự án nghiên cứu tại VQG Cát Tiên, với kinh nghiệm của người đã cộng tác trong chương trình truyền hình Thế giới muôn loài của Đài Truyền hình TP.HCM kênh HTV7 (từ năm 2000-2005), Thạc sĩ Nguyễn Trần Vỹ đã có nhiều buổi hướng dẫn các đoàn tham quan của khách du lịch và các em học sinh về sinh thái và đa dạng sinh học. Phát hiện ra sự quan tâm của mọi người, ngay từ lúc đó anh đã ấp ủ việc xây dựng một chương trình học tập dã ngoại về thế giới tự nhiên với đối tượng hướng đến là học sinh, giáo viên và những ai quan tâm, muốn tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Hãy bắt đầu bảo tồn thiên nhiên bằng cách làm thay đổi những hành vi thật đơn giản, hãy gieo hạt giống tình yêu thiên nhiên xinh đẹp nhưng mong manh vào tâm hồn của mỗi người…Vỹ đã nuôi dưỡng và hoàn thiện dần dự định của mình mỗi khi có điều kiện.

Nung nấu kế hoạch từ rất sớm như thế nhưng phải đến 4 năm sau, vào đầu tháng 3-2007, anh mới thực hiện được chương trình khi tìm được sự giúp đỡ của Văn phòng Tổ chức Cuộc sống hoang dã trước nguy cơ bị tổn hại (Wildlife At Risk –WAR, một tổ chức phi chính phủ có mục tiêu bảo vệ môi trường thiên nhiên hoang dã tại các tỉnh miền Nam (Việt Nam) do Quỹ đầu tư Dragon Capital thành lập, có trụ sở đặt tại TP.HCM). Với sự hỗ trợ của WAR, đến nay, thạc sĩ Vỹ đã tổ chức nhiều chuyến học tập dã ngoại cho nhiều nhóm học sinh ở trường THCS Tam Đông 1 đi Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), Lý Chính Thắng 1 đi VQG Núi Chúa và toàn bộ giáo viên dạy môn sinh học ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) thực hiện một chuyến học tập dã ngoại tại VQG Núi Chúa. Sau những chuyến đi, kết quả khảo sát cho thấy đã bắt đầu có sự thay đổi khá rõ về mặt hành vi của các em trong vấn đề ứng xử và bảo vệ thiên nhiên. Kết quả này sơ bộ đã được WAR đánh giá cao.

 

Các thầy cô với bảng tổng hợp 64 mẫu thu thập từ chuyến dã ngoại trong bài học về đa dạng sinh học thực hiện với sự hướng dẫn của Thạc sĩ Vỹ .
 

Đi làm điều tốt cho cộng đồng, không phải không có “tai nạn”. Không phải ở giữa rừng núi mà là giữa phố lại dở khóc dở mếu. Tháng trước, có vị phụ huynh gặp anh giữa chợ đã… chỉ thẳng vào mặt anh, hạch tội: “A, chính anh này xui con tôi thả chim!”. Vỹ điếng người và ngờ rằng, đã có em nhỏ nào đó đã máy móc “thay đổi hành vi” và về nhà… thả luôn con chim cảnh yêu quý của ba mình. Nhưng sau đó anh thật mừng vì ông ấy chỉ nói đùa. Chuyện thả con chim là có thật. Có điều sau đó do thằng con ngoan hẳn ra nên vị phụ huynh kia lại đổi giận làm vui. "Tôi phát hiện ra rằng, các em nhỏ có thể tác động đến ba má mình không đối xử thô bạo với thiên nhiên. Nhưng để truyền cho tất cả học sinh tình yêu thiên nhiên, giữ gìn môi trường là rất khó. Chính vì thế mà tôi tin các lớp học dã ngoại là cần thiết. Thật ra học trong môi trường thiên nhiên không phải là chuyện mới mẻ gì, nhất là với các nước phát triển chuyện này họ đã làm từ lâu. Nhưng với nước mình, với đối tượng là học sinh, trẻ em của mình, với điều kiện thực tế cuộc sống cũng như đặc thù thiên nhiên Việt Nam lại khác. Chính sự khác biệt này khiến chúng tôi phải đầu tư nghiên cứu bài bản, chu đáo” - Vỹ tâm sự.

Không chỉ có thế, thạc sĩ Vỹ còn tìm cách truyền ngọn lửa tìm tòi cho đồng nghiệp, cho sinh viên. Ví như trong chuyến cùng thầy cô giáo dạy sinh học đi thực địa tại VQG Núi Chúa, cách gợi mở vấn đề và những câu hỏi anh đưa ra để bàn luận luôn đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ như: Tại sao nơi đây được coi là tiêu biểu cho rừng khô hạn ở Việt Nam? Tại sao chỉ có ở đây và Côn Đảo là có rùa biển - 1 loài chỉ thị của biển, đến đẻ trứng? (Loài chỉ thị là loài sinh vật sử dụng để đánh giá điều kiện môi trường của một vùng cụ thể. Ví dụ, các loài địa y là sinh vật chỉ thị cho độ nhiễm bẩn. Loài giun ống Tubifex chỉ thị cho môi trường có hàm lượng ô xi thấp và nước tù hãm). Tại sao gỗ lim ở đây lại quý nhất? Tại sao loài cò ruồi (loại cò hay ăn ruồi, thường kiếm ăn ở các ruộng lúa), lại có nhúm lông màu vàng trên đầu vào mùa sinh sản? Tại sao người ta lại ví rạn san hô là rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển…?

Được biết, từ nay đến tháng 8-2007, thạc sĩ Nguyễn Trần Vỹ sẽ tổ chức 8 buổi học dã ngoại nữa. Sau đó, anh sẽ rút kinh nghiệm và xin sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ khác để hoạt động này có thể diễn ra nhiều và ổn định hơn. Đặc biệt, nếu có sự hỗ trợ từ phía chính quyền, ngành giáo dục Vỹ hy vọng các buổi học như nêu trên sẽ có nhiều điều kiện triển khai rộng rãi.

Khắc khoải với quê hương

Một số đề tài nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Trần Vỹ:

+ Khảo sát về chim trĩ tại Vườn quốc gia Cát Tiên – Việt Nam: 2002 (cùng Nguyễn Hoàng Hòa, Phan Duy Thực, và Nguyễn Viết Sử, tháng 10-2002]

+ Góp phần nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên cho học sinh trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh (CN. Nguyễn Đức Nhuận là đồng chủ nhiệm đề tài, năm 2004)

+ Đánh giá Khu hệ Chim vùng cảnh quan Hành lang Xanh, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam (cùng Nguyễn Cử, báo cáo thuộc Dự án Hành lang Xanh: Góp phần vào mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu tại một cảnh quan hiệu suất, Dự án nhận được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới - Quỹ môi trường toàn cầu - 2006)

Nhắc tới Bình Định, đôi mắt của Vỹ trùng xuống, diệu vợi nỗi nhớ xa xăm. Anh thú thực, vẫn chưa làm được gì nhiều cho mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình dù rất muốn. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi đậu đại học và vào TP HCM ăn học rồi ở lại làm việc đến bây giờ. Những chuyến về quê chớp nhoáng thăm họ hàng, làng xóm cũng chỉ giúp anh trao đổi một chút tư liệu về đa dạng sinh học với các thầy cô giáo cũ của mình.

Năm 2006 khi biết Trung tâm Nguyễn Nga (Quy Nhơn) có tổ chức lớp học dành cho trẻ khuyết tật, Vỹ bèn gửi tặng các em một bộ sưu tập tranh, ảnh, băng hình của mình để các em vốn thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa có dịp tiếp cận với thiên nhiên đa dạng và kỳ thú. “Bình Định hiện tại vẫn là “mối nợ” của tôi. Trong 3 năm tới, tôi tập trung việc hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi sẽ cố gắng tìm được nguồn hỗ trợ để có thêm điều kiện trao đổi, giúp quê mình một cách bài bản, khoa học, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, hiện tại, các thầy cô giáo, sinh viên ở Bình Định có nhu cầu tư liệu (tài liệu, tranh ảnh, băng hình…) về đa dạng sinh học, môi trường sinh thái có thể chủ động liên hệ với tôi qua địa chỉ: Nguyễn Trần Vỹ, Trung tâm Đa dạng sinh học, Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM; ĐT 0919 172 173 hoặc qua email: chimvy06@yahoo.com. Bởi tôi cũng không thể biết hết nhu cầu thực sự của các thầy cô như thế nào mà chủ động giúp đỡ.” - Vỹ nhờ chúng tôi gởi một lời nhắn về nhà như thế.

  • Đường Loan

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)
Tình hoa  (04/06/2007)
Nước về làng xa  (28/05/2007)
Nghề “hoàn thiện con người”  (25/05/2007)
Gặp những người đúc tượng vua Quang Trung  (25/05/2007)