|
Ông Trương Nhơn |
Với cương vị là Chánh thanh tra tỉnh, một trong những cơ quan đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Trương Nhơn có nhiều gắn bó với Báo Bình Định trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác PCTN, đấu tranh chống tiêu cực… thông qua công tác thanh tra. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc gặp gỡ ông Trương Nhơn với câu chuyện PCTN, tiêu cực của ngành thanh tra trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng tham ô, tham nhũng hầu hết là những người có quyền chức nhất định trong xã hội, trong các cơ quan, tổ chức; chống họ cũng khó chớ đâu dễ chơi (!) - ông Trương Nhơn bắt đầu câu chuyện một cách cởi mở, vui vẻ.
* Thế nhưng vừa qua khắp nơi trong cả nước cũng đã đưa ra ánh sáng hàng trăm quan chức, những người có thế lực trong bộ máy công quyền về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí?
- Đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay trong quá trình làm thanh sạch đội ngũ cán bộ, công chức. Tham ô, tham nhũng, tiêu cực, đối với những người có quyền chức trong bộ máy Nhà nước là quốc nạn, làm cho người dân không còn tin tưởng chính quyền, từ đó nó làm cho đất nước suy yếu. Vì vậy, Chính phủ đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo PCTN Trung ương, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban. Hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo PCTN ở địa phương. Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức phổ biến quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Luật PCTN (2006) ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Vài năm gần đây, Bình Định cũng đã phát hiện, đưa ra xử lý hàng chục vụ tham ô, lạm dụng chức quyền để trục lợi.
Điển hình, thanh tra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Quy Nhơn, HTXNN1 Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, thanh tra quản lý tài chính - ngân sách tại UBND thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn… trong năm 2006 đã phát hiện sai phạm gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và tập thể trên 21 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, triển khai 100 cuộc thanh tra tại 453 đơn vị, phát hiện có sai phạm về kinh tế trên 3,1 tỉ đồng, trong đó tham nhũng 201 triệu đồng, thu chi sai chế độ gây thất thoát, lãng phí hơn 2,5 tỉ đồng; đề nghị xử lý 28 cán bộ, công chức và chuyển sang cơ quan điều tra 4 vụ 5 cá nhân sai phạm để tiếp tục làm rõ.
* Như vậy, chống hành vi tiêu cực của các “quan tham” cũng đâu đến nỗi khó?
- Khó lắm chứ! Nhưng UBND tỉnh đã rất kiên quyết trong công tác PCTN, đã tạo điều kiện tốt cho ngành thanh tra và các cơ quan tư pháp trong tỉnh mạnh dạn trong đấu tranh với nhóm đối tượng tội phạm có quyền thế. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, khuyết điểm, hiệu quả chưa cao so với yêu cầu đề ra. Đáng quan tâm nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết tâm, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng không liên tục, thiếu đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Theo tôi Nhà nước cần quy định chế độ khen thưởng xứng đáng cho những người có công tố cáo chính xác hành vi tham nhũng, tiêu cực.
* Có hay không việc “đầu voi đuôi chuột” từ kết quả thanh tra đến giai đoạn điều tra?
- Thực chất khi thanh tra chúng tôi phát hiện ra những sai sót, khi có kết luận thanh tra và được sự phê duyệt của UBND cùng cấp sẽ chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Trong giai đoạn này, có thể có những trường hợp không tìm ra dấu hiệu phạm tội, do khách quan, cho nên kết luận điều tra có thể số liệu sai phạm nhỏ hơn, nhưng đó không phải là phổ biến.
|
Thanh tra tỉnh đang tiến hành thanh tra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Quy Nhơn năm 2006.
|
* Có nhiều áp lực không khi các đối tượng đang bị thanh tra “săn đón”, hoặc nhờ một ai đó gửi gắm, gợi ý để kết luận thanh tra có lợi cho đối tượng?
- Làm công tác thanh tra cũng như các ngành thuộc hệ thống tư pháp đương nhiên là phải chịu nhiều áp lực trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, pháp luật về thanh tra không cho phép chùn bước hoặc mềm yếu trước những cám dỗ vật chất. Mặt khác, nếu cơ quan thanh tra bao che cho những sai phạm, thì còn có những cơ quan bảo vệ pháp luật khác họ cũng sẽ vào cuộc. Đôi khi, chúng tôi cũng gặp phải những trường hợp khó xử, như: thanh tra, phát hiện những sai phạm mà đối tượng được thanh tra là những đồng đội hoặc bạn bè cũ. Tuy nhiên, mọi người cũng sẽ hiểu, cơ quan thanh tra hoạt động theo nguyên tắc tập thể và theo quy định của pháp luật.
* Điều kiện để dẫn đến tiêu cực, tham nhũng là gì và biện pháp phòng ngừa?
- Thủ tục càng rườm rà cán bộ càng dễ tiêu cực, dễ lách luật để trục lợi. Bởi vậy, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/2006/CT-UBND ngày 3.5.2006 về việc thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Trong chỉ thị, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cơ quan mình và các đơn vị trực thuộc; quy định rõ ràng, cụ thể và công khai hóa những giấy tờ cần thiết cho việc giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.
* Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đối với ngành thanh tra có khoản “đóng” nào không?
- Quan điểm của tôi là phải gắn bó với các cơ quan báo chí, kịp thời thông tin, tuyên truyền nhằm giáo dục pháp luật cho mọi người, trong đó có hoạt động thanh tra, kết quả thanh tra đủ điều kiện để công bố.
|