Tháng năm còn đó nỗi đau...
11:57', 28/7/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký dự thi của Lê Hoài Lương

Nhớ đồng đội. Ảnh: Long Vũ

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm. Trên đất nước độc lập - tự do của mình, chúng ta đã làm được nhiều những tái thiết, dựng xây, những vấn đề chính sách hậu chiến; trong đó, có việc quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang để đời đời tưởng vọng.

Việc làm đầy trách nhiệm và thiêng liêng này đã tiến hành mấy chục năm qua. Vậy mà, nhiều năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn luôn có một thời lượng đầy xúc động là Nhắn tìm đồng đội. Những lời nhắn tìm trên hầu hết rơi vào lặng thinh, khi các anh các chị có thể đã đâu đó trong những hàng bia “chưa biết tên” ở các nghĩa trang. 

Cuộc chiến vệ quốc ba mươi năm của chúng ta đã có hàng triệu người ngã xuống. Riêng Bình Định, có hơn 33.000 liệt sĩ, đến nay, đã quy tập về nghĩa trang 25.000 hài cốt (cả người ngoài tỉnh). Trong số đó có nhiều liệt sĩ chưa biết tên. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, toàn tỉnh đã quy tập được 53 hài cốt thì cũng chỉ có 3 liệt sĩ được khắc tên trên bia chí. Những thông số trên thật đáng để ngẫm nghĩ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Thiết ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) có chồng, 3 con và chị ruột hy sinh. Tới giờ, mẹ cũng chỉ mới tìm được hài cốt chồng và 2 con, dù tất cả ngã xuống ở trong tỉnh. Mẹ bệu bạo nói rằng, có thể hài cốt người chị và đứa con cũng đã được quy tập, nhưng biết đâu mà tìm trên các hàng bia không danh tính. Nhiều bà mẹ khác đều như cảnh mẹ Thiết. May mắn hơn, bà Đặng Thị Tư đã tìm được mộ chồng ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cát Trinh (huyện Phù Cát). Bà đặt làm tấm bia mộ khắc tên chồng thay cho tấm bia “chưa biết tên” ở nghĩa trang. Coi như đã tìm được chồng, bà mãn nguyện, tìm chốn bình tâm nơi cửa Phật.

Lại cũng có những dòng tên liệt sĩ và quê quán, ngày nhập ngũ, hy sinh, nhưng họ nằm chung trong ngôi mộ tập thể đến hàng trăm người. Dẫu không thể tách ra để xác định đâu là con, chồng, cha mình, nhưng những dòng khắc trên tấm bia lớn ngôi mộ 153 chiến sĩ Sư đoàn Sao Vàng ở Đập Đá (An Nhơn) cũng đem lại chút an ủi cho người còn lại, rằng người thân của mình đã sống và chết cùng đồng chí, anh em. Không chỉ người thân và chính quyền, nhân dân địa phương, mới đây, những nhà văn Quân đội có dịp về Bình Định, nghe chuyện, cũng tìm đến nghiêng mình tưởng niệm. Họ không chiến đấu ở chiến trường này, nhưng có khác gì đâu khi cùng cầm súng cho một lý tưởng chung của dân tộc. Rồi 26 hài cốt được vùi bi thảm trong một hố bom trên đồng lúa Nhơn An (huyện An Nhơn). Chuyện khai quật đưa các anh về nghĩa trang cũng là một quyết tâm...

Trong chuỗi dài theo chân những người quy tập, chúng tôi đã gặp những chi tiết xúc động, những may mắn ít ỏi trong việc xác định nhân thân người hy sinh. Một tấm tôn nhỏ viết bằng sơn ở vùng giải phóng, một danh tính, địa chỉ trên da cây. Đồng đội người liệt sĩ này cũng có thể không còn, nhưng vết sơn, vết khắc đầy trách nhiệm của các anh đã nói với hôm nay quá nhiều. Về tình đồng chí, đồng đội, về niềm tin rồi ta sẽ chiến thắng, sẽ tìm lại những máu xương đồng đội trong ngày yên bình…

Thật xúc động khi trong các khu rừng Kà Bưng, Kà Bông, Kà Nâu (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), nơi có Trạm xá tiền phương K. 206 Tỉnh Đội Bình Định, chúng tôi nhìn thấy nhiều tên liệt sĩ trên da cây. Cây đã lớn nhiều theo năm tháng, vết khắc đã kéo thành sẹo rất lạ, nhưng vẫn còn đọc được tên khá rõ. Người ta đã kể nhiều về hồn cây: cây bồ đề ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cây sung cổ thụ ở Nghĩa trang Đức Cơ… và những cây rừng trước mặt chúng tôi đây. Cây cũng biết đau buồn, hay anh linh người lính đã hòa vào cây, đã giữ cho đời sau một dòng địa chỉ sống động rằng: thế hệ chúng tôi đã chiến đấu, đã hy sinh như thế.

Hằng năm, những cựu binh Sư đoàn Sao Vàng lại tìm về Bình Định thăm những đồng đội đã hy sinh. Hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn anh hùng này đã nằm lại trên chiến trường máu lửa này. Hồ sơ dày cộp ghi chép cẩn thận cũng không giúp ích gì mấy. Tên người có đủ trong danh sách, nhưng chẳng ghi dấu trên mộ phần. Những cựu binh này cũng chỉ đi từ nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, đứng lặng trước hầu hết những hàng bia thẳng tắp thả vào mênh mông lời khấn khói hương, hay rót vào từng ô xây nho nhỏ một nắp bi đông rượu…

Thực tế đau lòng “chưa biết tên” liệt sĩ là nỗi đau chung của xã hội. Những cán bộ chính sách, những người có chức trách trong Quân đội bây giờ, cũng là đồng đội năm xưa của các liệt sĩ, cũng rất ray rứt và thực sự lúng túng trong việc tìm giải pháp hữu hiệu hơn. Những người con vinh quang của Tổ quốc đã oanh liệt ngã xuống. Những chiến binh anh dũng của dân tộc anh hùng đã ngã xuống. Cái giá máu xương lớn là tất yếu khi phải đối đầu với những kẻ địch ngoại xâm mạnh hơn nhiều mặt. Nhưng họ đã từ một ngôi nhà, một làng quê, ngõ phố ra đi, rồi ngã xuống cho ý chí quật cường, tự chủ của dân tộc. Đưa họ về các nghĩa trang chưa đủ. Vẫn còn rất nhiều hài cốt quy tập hàng năm và có thể sẽ công phu hơn, khoa học hơn trong đối chiếu, xác định lai lịch liệt sĩ từ nhân dân, từ các ban liên lạc, để khắc phục phần nào việc ghi lên mộ chí mấy chữ “không biết tên”.

Xin nhắc lại rằng vẫn còn nối tiếp những lá thư, những nhắn tìm qua điện thoại dù chỉ thoảng một thông tin mơ hồ. Vẫn còn đó những nỗi đau, đã nhiều tháng nhiều năm… còn đó…

  • L.H.L
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)
Tình hoa  (04/06/2007)
Nước về làng xa  (28/05/2007)