Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh
15:36', 30/7/ 2007 (GMT+7)

Tiếng xe máy rú ga hết cỡ, tiếng bánh xe rít ken két qua mỗi đoạn cua, tiếng gỗ rơi nảy xóc trên đường... Những âm thanh kinh hoàng ấy vẫn vang trong đêm mỗi khi lực lượng kiểm lâm đuổi bắt lâm tặc chở gỗ trắc đi qua địa bàn huyện Vĩnh Thạnh…

 

Một xe chở gỗ trắc bị bắt.

 

* Những nẻo đường lâm tặc

Đồi núi trùng điệp, Vĩnh Thạnh có đến gần 67 nghìn hécta đất rừng chứa nhiều lâm sản quý. Tuy nhiên lực lượng kiểm lâm ở đây lại quá mỏng. Tại Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, quân số chỉ có 17 người không đủ sức quán xuyến nên lâm tặc lợi dụng khai thác thu lợi bất chính, nhất là ở 2 xã trọng điểm Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim.

Thời gian gần đây, sau khi nguồn gỗ huỳnh đàn ở khu vực Gia Lai, Kon Tum cạn kiệt, bọn lâm tặc đã chuyển xuống địa bàn Vĩnh Thạnh để khai thác gỗ trắc. Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 7.2007 cả huyện đã phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 3,524m3 gỗ trắc, 21 xe máy, 1 xe ô tô và nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển khác. Theo ông Lê Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, thì số gỗ thu được chỉ mới là “phần nổi của tảng băng”, bằng khoảng 5% so với lượng gỗ trắc bị khai thác và vận chuyển đi.

Lực lượng khai thác gỗ trắc chỉ là những nhóm nhỏ 3-4 người, trong đó có 1 người được phân công làm nhiệm vụ “cảnh giới”, thấy “động” là báo cho đồng bọn giấu hết đồ nghề và tìm chỗ ẩn nấp, chờ “yên” lại tiếp tục hành động. Sau khi chặt hạ, lâm tặc đẽo gỗ trắc thành từng khúc, tùy theo đường kính của cây gỗ mà đẽo thành nhiều quy cách khác nhau, mỗi khúc dài từ 0,6m đến 1m hoặc 1,2m rồi được gùi ra tập kết ở ven đường. Công đoạn tiếp theo được giao cho đội ngũ xe máy “chuyên dụng” để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.

Trong mỗi công đoạn từ chặt gỗ cho đến tập kết, vận chuyển và tiêu thụ, lâm tặc có trăm nghìn cách để đối phó với sự kiểm tra, truy quét của kiểm lâm. Ở nơi tập kết thì gỗ được chôn xuống đất, giấu dưới ao, gửi trong nhà dân… Trên đường vận chuyển thì gỗ được bỏ vào bao tải, hoặc giấu trong bao đậu xanh.

Vụ bị phát hiện mới đây, bọn chúng đã dùng chiếc tủ đứng bên trong chất đầy gỗ trắc đặt ngửa trên xe ba gác máy và ngang nhiên chở đi qua khu vực thị trấn Vĩnh Thạnh giữa thanh thiên bạch nhật. Hay như vụ trưa ngày 27.7, lái xe Thân Ái Nhân ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngang nhiên vận chuyển 27 khúc gỗ trắc đẽo giữa ban ngày bằng xe ô tô, bị Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp lực lượng cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắt giữ.

* Nhận diện lâm tặc

Buổi sáng 27.7, tại Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, lâm tặc Phạm Văn Thức ngồi viết bản tường trình về vụ vận chuyển gỗ trắc bị lực lượng kiểm tra bắt giữ đêm 26.7. Khi được hỏi sao lại liều như vậy, Thức trả lời: “Biết là phạm pháp nhưng vì không có tiền tiêu nên liều”. Theo lời khai, trước đây Thức là người ở làng K10, xã Vĩnh Kim, sau chuyển lên sống ở Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Thời gian gần đây, Thức về làm thuê cho một người ở Vĩnh Kim, trong lúc hái đậu xanh có người tìm đến hỏi mua gỗ trắc với giá cao, thế là Thức tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trắc.

Các đối tượng tiêu thụ gỗ lậu phần lớn là người ngoài tỉnh, chúng dùng tiền để thuê người ở Vĩnh Thạnh trực tiếp khai thác, vận chuyển. Bởi vậy, hầu hết lâm tặc lại chính là những người nông dân lương thiện và nghèo khổ, thanh niên không có việc làm bị hoàn cảnh thúc ép đã vác rìu, vác rựa vào rừng. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp vì hám lợi mà bỏ việc thường làm để vi phạm pháp luật.

Như trường hợp anh B. ở xã Vĩnh Thịnh, đang là thợ làm giếng, nghe rủ rê đã bỏ ngang công việc để theo khai thác gỗ trắc. Gặp đợt lực lượng kiểm lâm kiểm soát gắt gao, cả tuần không “kiếm được” mẩu trắc nào, quay về tiếp tục đời thợ giếng thì bầu thợ đã chọn đủ người.

Nhiều người dân đang mùa thu hoạch đậu xanh cũng bỏ lên rừng làm lâm tặc. Đậu chín trên rẫy không có người hái phải kêu tư thương bán lụi giá rẻ, làm mấy ngày được vài khúc trắc, chở về xuôi tiêu thụ, chẳng may, gặp kiểm lâm truy quét phải bỏ xe, bỏ gỗ chạy lấy người. Thế là mất cả chì lẫn chài.

Chính vì một bộ phận không nhỏ người dân đã tiếp tay cho lâm tặc nên việc ngăn chặn nạn khai thác gỗ trắc trái phép rất khó khăn.

* Kiểm lâm bó tay!

Hạt Kiểm lâm huyện chỉ có vỏn vẹn 17 người, trong khi địa bàn quản lý rất rộng, gồm 9 xã, thị trấn. Lực lượng kiểm lâm địa bàn thì mỗi xã chỉ có một người, tại các điểm nóng về khai thác gỗ trắc như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim cũng chỉ có thể tăng cường thêm mỗi xã một người. Trong khi đó, hệ thống giao thông ở Vĩnh Thạnh khá phức tạp, nhiều tuyến đường tỏa đi các nơi tạo thuận lợi cho lâm tặc vận chuyển lâm sản đi qua. Đường tránh phía Tây Vĩnh Thạnh, đường tránh ven hồ Định Bình, đường phía Đông sông Kôn, đường ngược lên Lâm trường 4 đi Gia Lai, rồi những con đường xuyên rừng qua An Lão, Kbang, An Khê…

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Thạnh tâm sự: Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng kiểm lâm với lâm tặc mà phần thua đang nghiêng về phía những người có trách nhiệm. Lực lượng kiểm lâm quá mỏng, mặc dù có sự phối hợp với các đơn vị khác như Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, Công an, Huyện đội… nhưng rừng núi trùng điệp, bọn chúng lại vận chuyển gỗ trên nhiều tuyến đường nên không thể kiểm soát nổi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất lại yếu kém, ngân sách thiếu thốn trăm bề, phương tiện chỉ có xe Uoat nên không có tính cơ động cao để đuổi bắt lâm tặc. Và điều quan trọng nhất, những thủ đoạn đối phó của lâm tặc ngày càng tráo trở và tinh vi.

 

Gỗ trắc được ngụy trang bên trong chiếc tủ đứng như thế này.

 

Trước mặt Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh có dãy hàng bán đồ ăn đêm, đây cũng là nơi lâm tặc cử người cảnh giới. Nhất cử nhất động của cán bộ, nhân viên Hạt kiểm lâm gần như được bọn chúng gắn “sóng định vị”. Xe Uoat đang đi đâu, có những ai, người nào đi hướng nào… tất tần tật đều được chúng dùng điện thoại di động để báo nhau cùng tránh.

Việc dùng xe máy vận chuyển gỗ trên đường cũng được bọn lâm tặc dùng nhiều thủ đoạn với các biện pháp đối phó hiệu quả nhất có thể. Trong đó phổ biến vẫn là đi thành từng tốp, mỗi tốp cách nhau hàng chục mét do 2 hoặc 4 xe không đi trước dẫn đường, tất cả đều được trang bị điện thoại di động. Chỉ cần thoáng thấy bóng kiểm lâm thì y như rằng tất cả sẽ được báo động, còn đủ thời gian để cho những xe chạy sau tẩu tán gỗ.

Trong nhiều trường hợp bị phát hiện bắt quả tang, kiểm lâm cũng không dám đuổi bắt hết sức vì lâm tặc sẽ diễn trò đua tốc độ đến quên cả tính mạng. Thủ đoạn chúng vẫn thường dùng là cắt dây cho gỗ rơi xuống cản đường.

* Thuốc chữa?

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tổ chức chính trị tổ chức cho người dân học tập các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức các diễn đàn với chủ đề bảo vệ rừng. Tuy nhiên hiệu quả đem lại không cao vì những đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng hầu hết là thành phần chậm tiến, không chịu tham gia sinh hoạt hoặc là những đối tượng túng quá làm liều.

Thực tế cho thấy lực lượng kiểm lâm chỉ có thể ngăn chặn và giảm bớt việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Còn nếu như muốn ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, ban, ngành chức năng trên toàn huyện cũng như của tỉnh. Đối với những đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép mà kiểm lâm đã bắt được, phần lớn là dân ở địa phương, đây chủ yếu là những đối tượng nghèo, không có tiền và cũng không chịu nộp phạt hành chính, cho nên biện pháp tốt nhất có thể chỉ là tịch thu phương tiện vi phạm.

Như vậy, để bảo vệ rừng hiệu quả, cần phải tăng cường lực lượng, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, thực hiện sự phối hợp tốt nhất giữa lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, nhất là việc quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng, xử lý nghiêm tất cả mọi trường hợp vi phạm xảy ra trên địa bàn. Trong đó việc quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức giữ gìn bảo vệ rừng cho người dân cũng như tìm cách tạo việc làm đảm bảo thu nhập thường xuyên trên chính mảnh đất của họ.

  • Xuân Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)
Tình hoa  (04/06/2007)