CỰU BỘ TRƯỞNG TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG MAI ÁI TRỰC:
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng
13:18', 4/8/ 2007 (GMT+7)

Trong cuộc trực tuyến do VietNamNet tổ chức (26.7), Bộ trưởng Mai Ái Trực đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về "nghề" Bộ trưởng cũng như những suy tư về vận hội và thách thức của Chính phủ trong giai đoạn tới. Ông cũng không ngần ngại đối thoại với bạn đọc về chủ đề thời sự hiện nay: Khiếu kiện đất đai.

 

Bộ trưởng Mai Ái Trực (thứ hai từ trái qua phải) đang trao đổi với các chuyên gia Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia.

 

* Thưa ông, ông có chiêm nghiệm gì sau quãng thời gian làm "nghề Bộ trưởng"?

- Làm cái gì cũng phải có nghiệp vụ về cái đó, phải có khả năng về vấn đề đó. "Nghề" là nói về nghiệp vụ, không phải chuyên môn. Chẳng hạn là ĐB Quốc hội phải biết cách làm ĐB Quốc hội, Bộ trưởng phải biết cách làm Bộ trưởng. Khó khăn, thách thức lớn nhất là làm sao, trong lĩnh vực mình quản lý phải có chuyển biến. Bộ trưởng nào lên, trước mắt cũng ngồn ngộn công việc cần xử lý. Phải thúc đẩy để công việc đi lên.

* Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đã vượt qua thách thức đó thế nào? Ông đã thấy thanh thản chưa, đã giải quyết tốt thách thức trên chưa?

- Khi Quốc hội đã phê chuẩn xong rồi thì Bộ trưởng cũ không còn tư cách nữa. Lúc đó, trách nhiệm của tôi đã xong. Tất nhiên, còn thủ tục Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng mới, nhưng sẽ chóng vánh thôi.

Thời gian vừa rồi, nếu nói làm mọi chuyện đều suôn sẻ, thì không có bất kỳ Bộ trưởng nào có thể nói thế được. Ví dụ, trong vấn đề đất đai, có việc hài lòng, có cái chưa.

Ba việc mà tôi thấy có tiến bộ trong đất đai là: Thứ nhất, hình thành quan niệm mới với đất đai. Đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực cho phát triển. Chính vì vậy, chúng ta đã có cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đó.

Thứ hai, có bước tiến dài trong chống bao cấp về đất đai. Đây là vấn đề nặng nề và là tàn dư cuối cùng trong cơ chế bao cấp của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế.

Thứ ba, giải quyết được những vấn đề đất đai do lịch sử để lại. Qua 30 năm chiến tranh, có nhiều xáo trộn, người này sử dụng đất người khác. Bên cạnh ba việc làm được trên, lại có những cái chưa làm tốt: Một là, nhận thức về quan điểm đổi mới, về pháp luật đất đai chưa tốt. Hiểu biết pháp luật hiện hành về đất đai chưa tốt nên dẫn đến nhiều sai phạm.

Hai là, mặc dù xóa bao cấp, từng bước đưa giá đất tiếp cận với thị trường, nhưng có tình trạng địa phương chưa áp dụng chính sách này, còn duy trì cơ chế xin - cho nặng nề.

Ba là, vấn đề mà ta đã bàn nhiều, đó là cơ chế giải quyết khiếu kiện đất đai chưa tốt.

* Không phải Bộ trưởng muốn làm gì cũng được

* Như ông từng nói trước Quốc hội là “quyền hạn thì hữu hạn mà trách nhiệm gần như vô hạn”. Theo ông, người kế nhiệm ông có cần trao nhiều quyền hơn không?

- Tôi không nghĩ là cần phải trao nhiều quyền hơn. Tôi nói câu đó không phải để đòi thêm quyền mà là để có sự chia sẻ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Không phải Bộ trưởng muốn làm gì cũng được, bởi theo quy định của pháp luật là quyền của anh chỉ tới mức đó thôi. Có đại biểu Quốc hội hỏi tôi tại sao cán bộ địa chính xã tiêu cực mà anh không xử lý. Hỏi như thế là làm khó vì Bộ trưởng không thể làm việc đó được.

Nói như Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Bộ trưởng là Tư lệnh nhưng phải theo quy định của pháp luật, pháp luật quy định thế nào, anh làm như vậy. Không thể đòi hỏi Bộ trưởng làm những điều pháp luật không cho phép làm.

* Về chất vấn trước Quốc hội, cử tri và người dân khi xem truyền hình vẫn có ấn tượng tốt và thiện cảm với Bộ trưởng. Tại sao ông làm được điều đó? 

- Mỗi người có một tính cách. Tôi thích nói thẳng, nói thật, không quanh co. Tôi luôn nghĩ phải làm thế nào để làm việc tốt hơn chứ không nghĩ nói để được lòng. Có người nói, ông Bộ trưởng ăn hiếp đại biểu Quốc hội quá. Tôi nói lại rằng: chẳng qua đại biểu nói không đúng nên tôi phải giải thích cho rõ.

* Không đối thoại với dân là thiệt thòi

* Ông là người sẵn sàng lên đối thoại trên các phương tiện truyền thông, theo ông, tại sao còn tình trạng không nhiều Bộ trưởng sẵn sàng đối thoại mạnh mẽ với công chúng, với dân?

- Tôi quan niệm báo chí là kênh tiếp xúc rất quan trọng. Qua báo chí, có thể nói để dân hiểu và qua báo chí để nghe tiếng dân mà điều chỉnh cho phù hợp. Thời gian qua, chúng tôi cảm ơn các báo, trong đó có VietNamNet. Tôi không chọn báo phát hành nhiều, báo lớn báo bé mà đối thoại với tất cả. Tôi cho rằng, trả lời như thế có lợi. Mình không thể hiểu hết được dân, không đủ điều kiện để đi xuống hết người dân. Nên qua báo chí để mình được nói và cũng được nghe.

* Thách thức của Chính phủ trước vận hội mới

*  Sắp không làm Bộ trưởng nữa, nhưng là một công dân, hẳn ông có những suy tư về con đường phát triển của dân tộc. Vậy con đường phát triển của dân tộc trong giai đoạn tới, ông hình dung sẽ thế nào?

-  Đất nước đang đứng trước thời cơ lớn, có người nói "thời cơ vàng". Tôi cho rằng, cũng có thể nói như vậy. Ta đang có thời cơ đưa đất nước đi lên. Sự đồng thuận của nhân dân đang ở mức cao, đó là cơ hội. Nếu làm tốt, ta sẽ sớm vượt qua nước nghèo có thu nhập thấp, đạt mục tiêu của Đảng đã đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đó nằm trong tầm tay, thậm chí ta có thể vượt xa. Nhưng thời cơ chỉ là điều kiện cần, muốn đủ phải có những cái khác, chẳng hạn có một Chính phủ thật mạnh. Vai trò Chính phủ rất lớn. Chính phủ hiện nay ngoài việc điều hành đất nước còn có trách nhiệm lớn là đề xuất với Quốc hội hoặc tự ban hành các chính sách để phát triển.

* Trong vấn đề phát triển, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề phát triển theo tăng trưởng nhanh, nóng và phát triển bền vững. Có thể cùng phát triển nhanh, mạnh và bền vững được không?

- Chọn con đường nào thì thế giới đã chọn, ý kiến của tôi cũng không có gì mới hơn. Ba trụ cột của phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong từng trụ cột đó cũng phải phát triển bền vững.

Chẳng hạn, trong kinh tế, chỉ quan tâm một ngành nào đó, không quan tâm ngành khác, nếu ngành đó rủi ro sẽ gây ra hụt hẫng lớn. Phải bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng đều đặn, bền vững. Nay lên, mai xuống sẽ không tốt. Chúng ta phải biết chọn ngành kinh tế phát triển, đột phá. Tất nhiên, phải có cụm mũi nhọn, không phải chỉ một ngành mũi nhọn.

 

Càng phát triển môi trường sinh thái càng phải bền vững, gần gũi và thân thiện đối với con người.Ảnh: Trần Sự

 

* Theo ông, chúng ta có thể đột phá vào ngành nào?

- Nghị quyết của Đảng cũng đã nói về vấn đề này. Theo tôi, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta phong phú, cái gì cũng có nhưng không nhiều. Khoáng sản than đá vào loại kha khá nhưng không bao nhiêu. Dầu khí đóng góp lớn cho ngân sách nhưng năm nay đã giảm một triệu tấn rồi.

Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên không lớn nhưng tiềm năng con người mới là lớn. Người Việt Nam thông minh, chỉ số IQ cao, đó là thế mạnh, nên phát huy nguồn lực con người, phát triển những ngành sử dụng nhiều hàm lượng chất xám.

* Ông thấy Chính phủ mới cần làm gì để nắm vận hội này?

- (cười) Tôi không có khả năng để đưa ra lời khuyên với Chính phủ. Nhưng có thể thấy, cơ hội càng lớn, sự trông chờ, kỳ vọng của người dân vào thời cơ càng lớn thì thách thức cũng càng lớn. Trong đó, thách thức bao trùm lớn nhất của Chính phủ là làm thế nào để chớp được thời cơ.

Cụ thể, thứ nhất, phải làm thế nào để chúng ta có cơ chế, chính sách hội nhập phù hợp thúc đẩy sự phát triển. Nói cho cùng, lại vẫn tiếp tục quay trở lại câu chuyện làm thế nào để cải cách thể chế mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, trước khi Hội nghị Trung ương 4 họp bàn về hội nhập, tôi đã đề xuất cơ chế giải quyết. Rồi nhiều vấn đề khác về cơ chế chính sách như về doanh nghiệp, về đầu tư... Chính phủ mới vẫn phải vừa điều hành đất nước vừa đề xuất cơ chế, chính sách.

Thứ hai, làm thế nào để chuyển biến bộ máy, vận hành thông suốt từ trên xuống dưới, trên bảo dưới nghe và xử lý tốt việc đẩy mạnh vấn đề phân cấp.

Thứ ba là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đều và cao.

Thứ tư, chống tham nhũng.

* Ông có chia sẻ gì với những người sẽ phải làm công việc mà ông đã từng làm không? Những kinh nghiệm nào có thể hữu ích cho họ?

- Tôi cũng không có kinh nghiệm gì nhiều. Đưa ra lời khuyên như vậy thì vô phép. Nếu là chia sẻ, thì tôi có kinh nghiệm như thế này: Mình vì công việc chung thì chắc chắn kết quả sẽ tốt.

* Câu hỏi cuối cùng về chuyên môn: Tài nguyên - đất đai là vấn đề nóng. Nhưng còn một lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của ông, có thể chưa nóng nhưng cũng vô cùng quan trọng là môi trường. Theo ông, môi trường của chúng ta đã được quan tâm đến mức độ nào?

- Về môi trường, với các vấn đề cơ bản thì thời gian qua đã đạt được một số kết quả: Một là, thể chế về môi trường được quy định rõ ràng hơn, đặc biệt đã có những quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, các cấp tỉnh, huyện, xã.

Hai là, tổ chức về môi trường quy định rõ ràng hơn. Vừa rồi Chính phủ ra Nghị định về tổ chức bảo vệ môi trường. Theo đó, từng tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường đều có tổ chức bảo vệ môi trường riêng.

Thứ ba, đã có khoản chi riêng cho môi trường. Từ năm 2006, Quốc hội đã quyết định hằng năm chi một phần trăm ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Còn những việc cụ thể để chặn đứng tình trạng ô nhiễm thì hiệu quả chưa nhiều. Đó là thách thức đặt ra với Bộ TN-MT trong thời gian tới.

* Sau khi nghỉ, việc gì sẽ được ông chọn làm trong ngày đầu tiên?

- Tôi sẽ thưởng thức một cốc nước trà theo đúng kiểu uống trà. Thời gian qua, quá bận rộn, uống cà phê thì như con gái tôi nói là ba "uống tốc hành". Lúc nào cũng tất bật.

Ngoài ra, tôi còn đọc sách, theo dõi trên mạng xem các bạn làm gì và nhiều việc khác phải làm.

* Nghỉ hưu rồi, ông sẽ về Bình Định hay ở lại Hà Nội?

- Tôi có ba đứa con, một đứa ở Quy Nhơn, một đứa ở TP. Hồ Chí Minh và một đứa ở Hà Nội. Chắc nhiều năm tới, tôi sẽ ở Hà Nội là chính. Sau này, yếu rồi thì về quê. Cũng có thể chỗ nào mát mẻ thì ở. Về nghỉ, tôi vẫn sống và sinh hoạt Đảng ở đây. Nhân đây, tôi cũng muốn cảm ơn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện cho tôi 5 năm làm việc ở Hà Nội. Tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội ra đây gánh vác công việc chung. Đó là diễm phúc cho tôi.

. Theo VietNamNet

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)
Ghi từ một hành trình về nguồn  (08/06/2007)