Khóc núi An Trường
11:43', 6/8/ 2007 (GMT+7)

Từ Quốc lộ 19, nhìn vào núi An Trường thuộc địa bàn xã Nhơn Tân (An Nhơn), chúng tôi thấy một mảng núi lớn đã bị vạt “trơ xương” trắng hếu... Gần 300 hộ dân đang phải gánh chịu hậu quả vì sự tắc trách của một số doanh nghiệp khai thác đá granite xuất khẩu chưa làm hết trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.

 

Núi An Trường bị vạt mất một khoảng rộng lớn bởi sự khai thác đá granite xuất khẩu của Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite.

 

* Nông dân không làm ruộng

3 km đường từ quán Cây Ba đi hồ Núi Một đang được thi công ngổn ngang đất đá. Nguồn kinh phí 4,5 tỉ đồng kết hợp Trung ương - tỉnh - huyện. Trước đây, vào những ngày nắng, người đi đường và cả người dân hai bên đường thật quá khổ ải vì bụi bặm. Còn vào mùa mưa, đường bị cày xới và băm vằm nhão nhoét bởi những chiếc xe tải chở 2-3 khối đá nặng đến vài chục tấn của các doanh nghiệp khai thác đá granite.

Hôm chúng tôi về xã, các cán bộ của huyện An Nhơn đang xem xét tình trạng cầu Ông Mộng tại thôn Thọ Tân Bắc đang bị nứt lún do bị quá tải nhiều năm. Đường sá ở Nhơn Tân có lẽ cũng đang giữ vị trí nhất, nhì trong bảng xếp hạng… đường xuống cấp của tỉnh(!). Ông Dương Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: “Trong nhiều năm qua, tình trạng các doanh nghiệp khai thác đá để lại gánh nặng về môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực. Nhiều nông dân đã phải bỏ ruộng, bỏ vườn vì sa bồi… Trong các lần tiếp xúc cử tri, nhân dân đã có nhiều kiến nghị lên tỉnh, mong muốn được giải quyết, khắc phục sớm những di hại môi trường từ việc khai thác đá của các doanh nghiệp, nhưng đến nay, vẫn chưa được ai để mắt đến”.

Đi dọc chân núi, theo các khu vực khai thác, chúng tôi đã bắt gặp những công trường đá vẫn đang tấp nập. Ra xa một chút là những mảnh ruộng bỏ hoang, những ngôi nhà bị phủ trùm bụi đất. Ông Lê Thành Long, 52 tuổi, ở xóm Hòn Tượng A, thôn Thọ Tân Bắc bức xúc nói: “Người dân chúng tôi ở đây sống rất khổ sở vì ô nhiễm môi trường. Mùa nắng, bụi đá bám đầy từ đồ ăn, thức uống đến các vật dụng trong nhà. Mùa mưa, đường thôn, đường xã lầy lún đi lại rất khó khăn...”.

Gia đình ông Long có 5 người. Nguồn sống chính dựa vào 10 sào ruộng làm lúa 2-3 vụ/năm. Thế nhưng, ảnh hưởng từ việc khai thác đá của các doanh nghiệp, 10 sào ruộng của ông đều bị sa bồi. Đất chai, không thể trồng trọt, cấy hái gì được. “Dân kêu quá, mãi đến năm 2003, Công ty TNHH Hoàn Cầu granite- đơn vị khai thác đá lớn nhất ở vùng này mới chịu bồi hoàn cho dân. Được 800 ngàn đồng/sào/năm”.

Bà Ngô Thị Điểm, 62 tuổi, nhà ở gần đường xót xa: “Chúng tôi là dân đi kinh tế mới đến Nhơn Tân lập nghiệp bằng nghề làm ruộng. Vậy mà lại không có ruộng để làm. Nhà có 8 sào ruộng thì 8 sào đều bị sa bồi hết, không làm được. Mấy năm trước, tui có mướn ruộng ở đồng ngoài, 450 ngàn đồng/sào/3 năm để làm kiếm được hạt lúa bỏ vào nồi... Là nông dân đã bao đời nay gắn bó với công việc nhà nông, vậy mà bây giờ phải sống cảnh “gạo chợ, nước sông”!”.

Cây cầu bắc qua kênh thủy lợi hồ Núi Một vào khu vực khai thác đá đã bị thủng một lỗ lớn với sự “góp sức” của xe tải chở đá.

Tại nhiều khu vực dân cư, nhất là các thôn Thọ Tân Bắc, Thọ Tân Nam dưới chân núi An Trường; núi Ông Dầu, núi Rét Yên, núi Dung thuộc dãy Sơn Triều, có đến 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác đá. Ruộng vườn phải bỏ hoang, nhà cửa tiêu điều. Đời sống người dân rơi vào cảnh bấp bênh. Đó là chưa kể sống lâu trong môi trường bụi đá ô nhiễm, bệnh tật phát sinh là điều không tránh khỏi. Chưa có một khảo sát nào về tình hình nhiễm bụi đá của người dân nơi đây nên chưa thể biết được hàm lượng si-lic và các tạp chất nguy hiểm khác có trong cơ thể của nông dân đang ở ngưỡng nào.

Không chỉ thế, việc khai thác đá của Công ty THHH Hoàn Cầu granite tại khu vực núi An Trường đã tạo ra những hố rất sâu. Vào mùa mưa lũ, đất đá theo dòng nước bị sạt trượt rất xa làm bồi lắng khoảng 1 km kênh chính của hồ Núi Một làm cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định mỗi năm phải mất hàng trăm triệu đồng để nạo vét khắc phục.

* Hãy bảo vệ môi trường

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội, người dân Nhơn Tân đã có những kiến nghị khẩn thiết. Trước sự bức xúc của dân, chính quyền xã Nhơn Tân cũng đã nhiều lần gởi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị khai thác đá khi sản xuất phải có những biện pháp giảm tải tác động môi trường. Chở đá phải giảm trọng tải xuống và phải tu bổ, nâng cấp, khắc phục kịp thời những đoạn đường bị hư hại do chở đá gây ra. Khi khai thác đá phải tạo dòng chảy cho nước thoát xuống, tránh ảnh hưởng đến nhà dân.

Trước những kiến nghị của dân, các ngành chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra, bàn cách khắc phục. Trong lần kiểm tra cách đây khoảng hơn một năm tại khu vực hồ Núi Một, đoàn kiểm tra đã đề nghị các công ty khai thác đá ở khu vực này sau khi khai thác đá phải nhanh chóng trồng lại rừng và hạn chế nước chảy xuống các công trình thủy lợi bằng việc tạo dòng phù hợp. Đơn vị khai thác cũng đã hứa khắc phục và dùng máy ủi san lấp các hố sâu sau khi lấy đá và đào mương tạo dòng chảy. Nhưng việc làm này chỉ mang tính đối phó.

Khai thác đá xuất khẩu, ngoài những cái lợi như tạo được nguồn thu cho tỉnh, làm tăng kim ngạch xuất khẩu… thì việc phá hủy cảnh quan, môi trường là điều không tránh khỏi. Do vậy, khi các doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản đều phải xây dựng phương án bảo vệ môi trường và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đá, ít có doanh nghiệp nào lại tuân thủ đúng các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết lúc đầu.

 

Đường Lâm Lộ - An Trường đang được thi công bằng vốn của Nhà nước đem lại niềm vui cho bà con xã Nhơn Tân.

 

Ông Ngô Tùng Hiếu, Chánh thanh tra Sở TN-MT cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp có thực hiện bảo vệ môi trường trong khai thác đá nhưng không tích cực, hiệu quả không cao theo kiểu “lấm đâu phủi đấy”, chưa có những biện pháp bảo vệ môi trường mang tính căn cơ, lâu dài. Khi các ngành chức năng đi kiểm tra, xử lý, doanh nghiệp đều hứa khắc phục nhưng khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì việc khắc phục chỉ làm lấy lệ hoặc không làm!”.

Ông Hiếu cũng cho biết, năm 2004, Sở TN-MT đã tiến hành thanh tra toàn bộ các mỏ khai thác đá trong toàn tỉnh. Đoàn cũng đã có kiến nghị xử phạt hành chính đối với Công ty Phú Tài vì không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường như không xây dựng hệ thống xử lý bụi để bụi phát tán ra môi trường. Công ty TNHH Hoàn Cầu cũng bị nhắc nhở vì không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường theo quy định... Sau đó, thanh tra Sở cũng đã có nhiều lần kiểm tra theo yêu cầu, kiến nghị của dân, nhưng tình trạng vi phạm cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp vẫn cứ tái diễn.

Một mỏ đá đang hoạt động tại xã Nhơn Tân.

Trong khu vực xã Nhơn Tân hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đá. Tại núi An Trường có Công ty Đá ốp lát & xây dựng (COSEVCO) khai thác đá granite đỏ và đá xay nghiền (diện tích khai thác 44 ha); Xí nghiệp mỏ MIDECO-Granite khai thác đá granite đỏ (9,8 ha); Công ty TNHH Nam Á khai thác đá granite đỏ, hồng (8,5ha); Công ty TNHH Hoàn Cầu granite có 2 giấy phép khai thác với tổng diện tích 28,8 ha; khu vực núi Dung có Công ty Thực phẩm XNK Lam Sơn 9 khai thác 26 ha; khu vực núi Rét Yên có Công ty TNHH Bình Minh (8,1 ha); khu vực núi Ông Dầu có Công ty Đá Hoa Cương khai thác đá tảng lăn.

Để cam kết phục hồi môi trường sau khi khai thác đá, doanh nghiệp phải thực hiện “ký quỹ” (tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, kho bạc nhà nước) nhằm đảm bảo trách nhiệm khôi phục môi trường sau khi khai thác. Khoản tiền “ký quỹ” này khoảng 11,5 triệu đồng/ha tùy theo diện tích và trữ lượng các mỏ đá khai thác. Theo ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở TN-MT, thì đến nay, ngành chức năng vẫn chưa phải sử dụng đến tiền “ký quỹ” vì chưa có doanh nghiệp nào đóng cửa mỏ để hoàn thổ(!).

Trước những bức xúc của dân, ngày 31.7.2007, Sở TN-MT đã quyết định thành lập tổ kiểm tra phòng ngừa vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Ông Nga cũng thừa nhận: “Việc khai thác đá nhiều năm qua đã không được kiểm tra, xử lý một cách chủ động, bài bản. Do đó, lần này, tổ sẽ ưu tiên kiểm tra các khu vực khai thác khoáng sản tại huyện An Nhơn, chủ động phát hiện và phòng ngừa, xử lý sai phạm ngay từ đầu và sau khi có kết quả kiểm tra sẽ có thông tin cho báo chí!”.

  • Quỳnh Hoa - Ngọc Diên
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)
Lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ  (17/06/2007)