Truyền kỳ huỳnh đàn
10:58', 9/8/ 2007 (GMT+7)

* Phóng sự của Trần Đăng

Từ một loại gỗ bình thường bỗng dưng rộ lên về sự quý hiếm của nó với nhiều thêu dệt liêu trai, cây huỳnh đàn trở thành đề tài nóng trong các cuộc trà dư tửu hậu ở vùng Bình Định-Quảng Ngãi trong thời gian qua. Ở một số huyện vùng cao của các tỉnh này, từ anh xe ôm cho đến các vị quan chức, sáng ra là rỉ tai nhau: “Có tìm được mẩu nào không?”. Chỉ cần sở hữu một mẩu huỳnh đàn thì cũng đã là sướng lắm rồi! Chung quanh gỗ huỳnh đàn là chuyện “truyền kỳ” không đầu chẳng cuối.

 

Những bao tải đựng rễ huỳnh đàn tại Hạt kiểm lâm Ba Tơ. Ảnh: T.Đ

 

Có gỗ huỳnh đàn trong nhà sẽ trừ được tà ma. Bột gỗ huỳnh đàn đem ướp xác sẽ trường tồn với thời gian. Năm 2008, Olimpic diễn ra tại Trung Quốc nên người ta cần trùng tu một số tượng trong các cung vua bằng gỗ huỳnh đàn … Có phải đó là lý do khiến cây huỳnh đàn bị triệt hạ từ ngọn đến gốc trong vòng nhiều tháng qua để chuyến đi Trung Quốc? Chính vì mang màu liêu trai như thế nên bọn lâm tặc không từ một thủ đoạn nào để có thể vận chuyển nó ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, rồi nhằm hướng bắc trực chỉ. Chưa có con số thống kê chính xác về sự ra đi của huỳnh đàn khỏi các cánh rừng của miền Trung-Tây Nguyên trong thời gian qua, chỉ biết rằng cả lâm tặc và kiểm lâm tại khu vực này đều “mất ngủ” với cuộc đấu trí giữa một bên là giữ rừng bằng mọi cách và một bên là khuân vác gỗ huỳnh đàn ra khỏi rừng bằng mọi giá.

Đầu tháng 7.2007, lúc tôi đặt chân đến huyện K’Bang (Gia Lai) thì trước đó một ngày, kiểm lâm ở đây đã quần nhau với lâm tặc trong cuộc rượt đuổi chẳng khác nào phim kiếm hiệp của Tàu. Cuối cùng, điều cũ mòn đã lặp lại: Kiểm lâm ta thua, lâm tặc chúng thắng! Tuy nhiên, sau đó kiểm lâm đã giăng "lưới trời" bằng nhiều chốt chặn công khai có, bí mật có, cố định có, di động có khiến bọn lâm tặc như lạc vào thiên la địa võng của vùng rừng hai huyện K’Bang và An Khê. Chúng chuyển sang đi lối mòn bằng các cuộc “mở đường máu”, cắt rừng K’Bang 5-70 cây số để cõng huỳnh đàn về huyện Vĩnh Thạnh của Bình Định hoặc huyện Ba Tơ của Quảng Ngãi.

Truyền kỳ

Ông Lê Minh Khánh, Hạt trưởng Kiểm lâm Ba Tơ khẳng định: “Rừng Ba Tơ không có cây huỳnh đàn. Nếu có chăng thì là do đám buôn lậu gỗ khuân về từ huyện K’Bang mà thôi”. Nói đoạn, ông Khánh dẫn tôi vào kho rồi thuyết minh: “Đây là lô hàng xe không đít (tức xe không biển số) do lâm tặc chở gỗ huỳnh đàn bị bắt, còn đây là những bao tải đựng loại gỗ “truyền kỳ” như anh nói”. Tôi nhìn một lượt trong kho, thấy ngổn ngang những bao là bao. Đúng là danh bất hư truyền, chỉ cần mở cửa kho, một mùi thơm kỳ lạ tỏa ra từ những chiếc bao tải này. Thấy tôi xuýt xoa về cái mùi đặc biệt ấy, anh Lê Văn Đạt, kiểm lâm viên, đính chính: “Còn tấm ván này thì không phải huỳnh đàn đâu. Một loại gỗ thường thôi nhưng những tay buôn gỗ dàn dựng nó thành huỳnh đàn, lừa bán 185 triệu đồng, gấp một trăm lần giá trị thực của nó”. Nhìn bằng mắt thường của anh sẫm xem voi là tôi thì cũng có thể nhận biết ngay khúc gỗ kia không phải huỳnh đàn. Thế mà, chỉ vì cả tin vào sự thêu dệt, có người tung cả gia tài mình ra để ném vào một khúc gỗ đểu!

 

Ngôi biệt thự của “vua” huỳnh đàn dưới chân đèo Viôlắc. Ảnh: T.Đ

 

Ở Ba Tơ đang râm ran hai câu chuyện “truyền kỳ” nữa. Chuyện thứ nhất: Cách đây trên 20 năm, chi cục thuế của huyện được xây dựng. Theo thiết kế, tất cả các cánh cửa đều được làm bằng gỗ nhóm 1, cụ thể là gỗ hương. Có lẽ để kiếm thêm một chút chênh lệch về giá, chủ thầu xây dựng đã thay gỗ hương bằng huỳnh đàn. Dù không đúng theo thiết kế, song người ta vẫn châm chước nghiệm thu, vì cùng là gỗ nhóm 1. Mới đây, trụ sở này xuống cấp và được xây dựng lại, toàn bộ số cửa ấy không còn phù hợp với “nhà cao cửa rộng” bây giờ nữa nên được thanh lý. Dạo ấy không ai biết huỳnh đàn có giá như bây giờ nên chẳng ai thèm mua số cửa kia làm gì, dù giá rất bèo. Cuối cùng rồi số cửa cũng được bán cho một người. Thế rồi huỳnh đàn bỗng dưng lên ngôi, người mua số cửa kia, vụt lên như Phù Đổng!

Chuyện thứ hai: Ba mươi năm trước, bác Bảy Miễn bán hai con heo thịt và đàn heo con, thuê thợ mộc về đóng bộ bàn có chân tiện bằng gỗ hương. Gã thợ mộc là tay láu cá, bí mật thay gỗ hương bằng gỗ huỳnh đàn. Cả hai loại gỗ này đều đỏ như nhau, người sành gỗ mới phân biệt được. Bác Bảy yên tâm với bộ bàn bằng gỗ xịn. Bỗng một ngày có người mách cho bác rằng gỗ ấy là huỳnh đàn chứ không phải hương. Bấy giờ tay thợ mộc đã cao chạy xa bay nên bác Bảy đành nuốt hận suốt ba chục năm qua. Mới đây có người đến gạ bác: “Tôi đổi cho ông một bộ sa lông mới cứng, bằng gỗ hương, để lấy bộ bàn chân tiện này nhé?”. Vẫn còn ấm ức với tay thợ mộc từ ba mươi năm trước, giờ có người đến gạ đổi, bác Bảy gật đầu cái rẹt. Sau khi có bộ sa lông bằng gỗ hương ngồi ấm lưng rồi, bác Bảy mới hay tin là gỗ huỳnh đàn bây giờ chẳng khác nào kỳ nam. Thế là, lần thứ hai trong đời, ông đành ngậm ngùi với chuyện bể dâu!

Chuyện ông Bảy Miễn bị hớ cú đổi bộ bàn, cộng với chuyện về những cánh cửa “vất đi” của chi cục thế nay thành vàng ròng đã khiến toàn bộ những ai có đồ gỗ trong nhà ở thị trấn này đều cảnh giác. Không ít người, ngày nào cũng hếch mũi lên ngửi vào những cánh cửa hoặc bộ bàn ghế nhà mình, xem thử có thoảng mùi huỳnh đàn không?

Gặp “vua” huỳnh đàn

Cây huỳnh đàn 1 năm tuổi. Ảnh: T.Đ

Thoạt trông, Ngô Quang Vĩnh chẳng khác một tay hảo hớn là mấy. Sự  nhanh nhẹn của một tiền đạo thời còn chơi bóng vẫn còn sót lại trong bước đi của Vĩnh nhưng cặp mắt và đôi tai của anh chàng thì dường như hướng trọn vào những cánh rừng trước mặt, nơi Vĩnh đang sở hữu 200 cây huỳnh đàn. Đó cũng là nơi mà nhiều tháng qua, âm thanh luôn vang động một góc rừng bởi những bước chân rậm rịch của trai làng, những người chuyên đi cõng thuê gỗ huỳnh đàn cho một số tay đầu nậu luôn luôn giấu mặt. Anh chàng chọn chân đèo Viôlắc, con đèo phân định ranh giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi làm chốn dung thân ngót mười năm nay. Vĩnh né tránh trước các câu hỏi liên quan đến việc buôn bán gỗ huỳnh đàn, song ngôi nhà của anh ta đã “công khai” cho tôi biết phần nào về những phi vụ huỳnh đàn mà trong câu chuyện với tôi, đôi lúc Vĩnh hé lộ. Một ngôi biệt thự- bự thiệt nằm ngay giữa rừng với lối kiến trúc khá cầu kỳ, trị giá không dưới một tỷ đồng được Vĩnh vừa xây còn hăng mùi vôi. “Nghe nói anh vừa trúng lớn một gốc huỳnh đàn những ba trăm triệu?”. “Đâu có dữ vậy anh! Tôi cũng đi đào với nhiều người, có trúng một gốc, nhưng không nhiều tiền vậy đâu. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ đó anh”. “Còn tấm ván huỳnh đàn, dày những 30 cm của anh, giá 500 triệu, tôi có thể chộ mặt nó được không?”. Vĩnh chỉ tay về góc nhà, cười cười: “Có lẽ tấm gỗ xoan này chăng?”. Nhìn về phía tấm gỗ một lúc, Vĩnh tiếp: “Từ gỗ xoan mà thành gỗ huỳnh đàn thì tôi cũng chịu thua cho những lời đồn!”.

Tôi nhìn tấm ván, to chưa từng thấy bao giờ, đỏ lừ, nhẩy nước bóng loáng, bán tín bán nghi, bèn truy ông chủ: “Nếu đây là huỳnh đàn, liệu có được 500 triệu không?”. “Nếu là huỳnh đàn, 500 triệu tôi cho … sờ một bên góc!”. Rồi khoe: “Tôi mua của dân Ba Tiêu này được 200 cây huỳnh đàn mười năm tuổi. Vừa rồi bán hai cây, được 100 triệu”. Một phép tính nhân xẹt trong đầu tôi: “Tay này đang sở hữu … 10 tỉ!”. Nói đoạn, Vĩnh dẫn tôi đi xem vườn huỳnh đàn của anh ta sau nhà. “Nếu toàn bộ vườn cây dó (loại cây cho trầm) này mà là huỳnh đàn, tôi mua được cả máy bay!”.

Kiến nghị của “lâm tặc”

Phạm Văn Mua, một thanh niên người Hrê đi cõng thuê huỳnh đàn cùng chiếc xe “không đít” bị tịch thu, nói: “Em chỉ kiếm được ngày năm chục để mua gạo nuôi con thôi anh. Mà nào phải vác hàng hôm nào lĩnh tiền hôm ấy đâu, nửa tháng, người thuê mới thanh toán một lần. Giờ bị bắt, ông ấy chạy làng luôn”. Hỏi “ông ấy” là ai, Mua lắc đầu: “Nói ra là chết ngay!”. Mua được xếp vào “lâm tặc” nhưng nghèo xơ xác như cây rừng sau bão. Sực nhớ đến kho hàng tại hạt kiểm lâm, thấy toàn là rễ chứ không thấy gỗ, thế mà cũng “giam” thì lãng phí vô cùng. Nhưng chỉ thị “Cấm mua bán vận chuyển gỗ, rễ, lá huỳnh đàn…” đã được triển khai, biết làm sao được! Ông Phạm Văn Bường, không được xếp vào “lâm tặc” nên chỉ lo xa: “Mình trồng vài chục cây huỳnh đàn bốn năm tuổi rồi, giờ nghe nhà nước không cho vận chuyển, chắc là phải phá để trồng mì thôi”.

Tôi thầm nghĩ, phá loại cây có thể đem lại hàng trăm triệu để trồng thứ cây mang lại vài ba nghìn, đó cũng là “truyền kỳ” vậy.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)
Đi mua nhà, đất giá rẻ  (18/06/2007)