Mưu sinh trên đầm
7:27', 12/8/ 2007 (GMT+7)

Theo lời hẹn, 5 giờ chiều, tôi có mặt dưới chân cầu Hà Thanh 1 để theo ghe của một người bạn chuyên khai thác thủy sản bằng chồ, rớ trên đầm Thị Nại. Mặc dù, biết tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi nhưng anh Phương - chủ ghe vẫn rào đón: “Liệu anh có chịu nổi không. Ghe tui đi tới sáng mới về lận”...

* Ngày bờ, tối đầm

5 giờ chiều, thời điểm ghe đi chồ, rớ chuẩn bị xuất bến. Bến dưới chân cầu Hà Thanh 1 (thuộc KV7- phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) tập trung khoảng 20 ghe khai thác thủy sản trong khu vực đầm Thị Nại. Lúc này, trên bến, dưới thuyền đều nhộn nhạo. Các gia đình chuyển đồ đạc dụng cụ lên ghe để chuẩn bị cho một ngày làm việc.

 

                          Quét rớ.

 

Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một phụ nữ còn khá trẻ bồng đứa con nhỏ đặt trong lòng ghe, sau đó dắt thêm hai đứa nữa. Anh Phương giải thích: “Có gì lạ đâu. Con nhỏ đi theo cha mẹ kiếm sống trên đầm là chuyện bình thường. Cuộc sống của dân chồ, rớ chúng tôi “ngày trên bờ, tối dưới đầm” mà. Đấy là ghe nhà anh Sơn”.

32 tuổi, anh Sơn đã… “kịp” có 3 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới 9 tháng tuổi. Qua trò chuyện, anh Sơn vui vẻ cho biết: “Nhà chỉ có 2 vợ chồng nên phải chịu vậy thôi. Mang con theo vừa làm việc vừa tiện chăm sóc”.

Nhìn 3 đứa nhỏ đùa giỡn líu ríu trên ghe, tôi thực sự tin đó là “chuyện bình thường” như cách giải thích của anh Phương. Bên cạnh ghe anh Sơn là ghe của anh Tỵ. Vợ anh Tỵ cũng vừa bồng cậu con trai chưa đầy 1 tuổi lên ghe để 2 vợ chồng chuẩn bị xuất bến.

“Xuất phát nghen!”. Sau tiếng thông báo gọn ghẽ, anh Phương hích mũi ghe hướng về phía đầm, thẳng tiến.

Chỉ tay về phía cầu Thị Nại, anh Phương cho biết: “Dân đi chồ, rớ thường chỉ loanh quanh khu vực này. Tựu trung khoảng chừng 30 ghe, đấy là chưa kể số ghe câu giăng, lưới gõ”.

Chồ, rớ nhà anh Phương đóng gần bờ, hướng xuôi về phía cảng. Từ đây, bơi thúng về cầu Đen cũng không xa gì mấy. Ban ngày, rớ được thả chìm xuống đáy, chỉ còn lại nhà chồ chơ vơ trên mặt nước. Đến nơi, anh Phương buộc dây ghìm mũi ghe vào nhà chồ. Đứa cháu đi theo gọi Phương bằng cậu vốn thạo việc nhảy lên nhà chồ buộc dây vào cần quay. Sau gần 20 phút cậu cháu “quần thảo” với đống dây nhợ, khi hai ngọn đèn 400 oát được thắp lên sáng rực một góc đầm thì cũng là lúc công việc chuẩn bị cho buổi đánh bắt hoàn tất.

* Trắng đêm cùng chồ, rớ

Ngồi bên nồi cơm mang từ nhà ra cùng với thức ăn là một ít cá, tôm vừa vớt được, anh Phương tâm sự: “Nghề đánh bắt ngày càng khó khăn. Được mấy thứ ngon như mực, tôm, cá mú… bọn tui thường không dám ăn mà để dành bán kiếm tiền”. Nói thì nói vậy, nhưng anh vẫn dành những món ngon nhất để đãi khách với những lời mời mọc chân tình: “Anh ăn thử cho biết. Đồ tươi như thế không dễ có ở chợ đâu”.

Theo anh Phương, đầu tư cho nghề chồ, rớ khá tốn kém. Đóng mới một chiếc ghe nằm giá 25 triệu. Chồ, rớ mới tròm trèm 20 triệu. Còn nếu mua lại đồ cũ thì giá sẽ chừng một nửa. Khi tôi hỏi thu nhập của ghe nhà anh một đêm được bao nhiêu, anh ngập ngừng: “Nghề biển cũng khó nói trước được. Trúng thì một đêm 5, 7 trăm ngàn. Thường thì vài ba trăm. Thậm chí có bữa lỗ tiền dầu”.

 

        Những đứa trẻ theo cha mẹ trên đường mưu sinh.

 

7 giờ tối. Anh Phương choàng chiếc mũ bảo hộ lên đầu rồi bước xuống chiếc xuồng con chèo ra ngoài rớ trong khi đứa cháu ngồi trên chồ néo dây. Tiếng vòng gỗ siết vào nhau nặng nhọc dần dần nâng tấm rớ lên cao. Cá, tôm, cua, ghẹ… dồn hết vào đáy rớ. Quét xong 2 lượt rớ, anh Phương quay về ghe. Trút hết những thứ vừa gom được vào lòng ghe, anh Phương cùng đứa cháu ngồi cặm cụi lựa ra từng thứ.

Anh vừa lựa vừa kể cho tôi nghe vanh vách giá cả từng loại. Tôm thẻ, tôm bạc thì 60 ngàn một ký, ghẹ 30 ngàn, mực ống, mực nan lớn… thì 50 ngàn, cá kình thì 10 ngàn, các loại cá tạp chỉ 3 ngàn. Sau khi phân loại, xử lý xong mẻ rớ đầu tiên, anh khoe: “Chừng này cũng được 50 ngàn” (nhờ có 2 con mực gần nửa ký!). Đồng hồ chỉ 8 giờ15 tối. Chiêu một ngụm nước trà, anh lại lụi cụi bước xuống xuồng nhỏ chèo đi còn đứa cháu thì nhảy lên nhà chồ. Những vòng gỗ lại tiếp tục siết vào nhau phát ra những âm thanh nặng nhọc…

Đêm về khuya. Đầm nước trở nên mênh mông. Hai ngọn đèn công suất 400 oát chỉ đủ soi sáng một góc nhỏ. Nhìn quanh quất trên đầm, cứ 2 đốm sáng chụm vào nhau thành cặp. Trong mỗi quầng sáng ấy là một gia đình chồ, rớ đang lặng lẽ mưu sinh.

Vốn không quen thức khuya, chỉ quan sát đến lượt quét rớ thứ 5 thì mắt tôi trĩu nặng. Giấc ngủ chập chờn giữa bốn bề sóng gió. Nhưng mỗi lần chợt tỉnh tôi lại thấy dáng vẻ tất bật của anh Phương và người cháu với những công việc quen thuộc. Cứ thế, họ thức trắng đêm.

* Trăn trở với nghề

Buổi sáng, bên ấm trà trước hiên nhà, tôi ngồi nghe chú Hai Hỏi- ba của anh Phương, anh Dũng- vốn là một “lão ngư” có thâm niên gần 50 năm làm nghề chồ, rớ kể chuyện. 10 tuổi, chú Hai đã đi ghe cùng cha và ông nội. Nói về “nghề”, chú có vẻ tự hào: “Nhà tui, tính đời thằng Phương, thằng Dũng là 4 đời làm nghề chồ, rớ. Nghề cực lắm nhưng có nghề gì khác để làm đâu? Vậy là cứ cha truyền, con nối”. Khi được hỏi về thu nhập hàng ngày, chú Hai lắc đầu: “Nghề làm ăn càng ngày càng khó. Sản lượng đánh bắt bây giờ không bằng 1/10 so với ngày xưa”.

Đi tìm nguyên nhân nghề chồ, rớ ngày càng thất thu như chú Hai nói không có gì là khó. Mặt nước đầm ngày càng bị ô nhiễm, số người làm nghề ngày càng tăng. Nghiêm trọng hơn là việc một số người lén lút khai thác thủy sản bằng phương tiện xung điện, xiếc máy - một hình thức khai thác mang tính hủy diệt. “Chú nghĩ thử coi: chi phí cho một đêm đi đánh bắt, riêng tiền dầu đã mất 60 ngàn. Nếu thu nhập một đêm chỉ hơn 100 ngàn như hiện nay thì lấy gì mà sống, mà nuôi gia đình? Chú là nhà báo, nhờ chú nhắn giùm các cơ quan nhà nước nên có biện pháp triệt để trong việc truy bắt những người làm nghề xiếc điện. Chứ kéo dài mãi thế này, dân chúng tôi bỏ nghề là cái chắc”. 

  • Tuệ Thư

 

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền kỳ huỳnh đàn  (09/08/2007)
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)
“Tôi đã trọn vẹn cuộc đời với nghề báo và… không thể khác”  (21/06/2007)
“Nóng” cùng luyện thi cấp tốc  (19/06/2007)