Khi cơn sốt huỳnh đàn ở những khu rừng tạm lắng xuống do bị khai thác cạn kiệt và lực lượng kiểm lâm truy quét gắt gao, giờ đến lượt khắp các làng quê xôn xao vì loại gỗ này. Dân buôn gỗ lùng sục đến từng nhà tìm mua huỳnh đàn. Nhiều người dân ngỡ ngàng khi không ngờ mình có bạc triệu, bạc tỉ trong nhà lâu nay mà không biết...
|
Cò thu mua đang thử tìm huỳnh đàn tại một nhà dân ở xã Phước Quang (Tuy Phước).
|
* Sốt huỳnh đàn lan về quê
Huỳnh đàn là loại gỗ quý, hiếm thuộc nhóm 1A, Nhà nước đã nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Bình Định cũng như các tỉnh lân cận đã bắt được nhiều vụ vận chuyển gỗ huỳnh đàn khai thác trái phép với số lượng lớn. Hết đường làm ăn ở trên rừng, những đầu nậu chuyên mua bán gỗ đã chuyển hướng làm ăn về vùng nông thôn để lùng những vật dụng làm từ gỗ huỳnh đàn. Bởi mua những vật dụng này giá vừa rẻ, việc vận chuyển cũng an toàn vì đó là những sản phẩm sử dụng trong gia đình, lực lượng kiểm lâm khó phát hiện hay tịch thu.
Cơn sốt lùng mua gỗ huỳnh đàn trong dân ở Bình Định bắt đầu rộ lên từ tháng 6.2007 đến nay. Trung bình một xã hiện nay có khoảng 2 cò chính, chuyên thu mua huỳnh đàn và có khoảng chục “mai mối” bám vào từng khu xóm, săm soi từng ngôi nhà. Công việc chính của cò và “mai mối” là tìm đồ mộc dân dụng nghi là gỗ huỳnh đàn và thử. Thử huỳnh đàn khá dễ, chỉ cần cạy ra một lớp dăm mỏng trên sản phẩm, đốt lên, nếu có mùi thơm đặc trưng, tàn tro màu trắng đục thì đúng là huỳnh đàn.
Một cán bộ kiểm lâm có thâm niên cho biết: Gỗ huỳnh đàn chỉ trồng được ở những vùng núi đá vôi của các tỉnh phía Bắc. Ở Bình Định nếu có gỗ này thì cũng rất ít. Nhưng do cơn sốt giá gỗ huỳnh đàn mà các đầu nậu đã lùng sục khắp các vùng quê, thu mua gỗ sưa hoặc gỗ trắc thối, đây là loại gỗ có mùi hương và màu sắc giống như huỳnh đàn và trộn vào huỳnh đàn chính gốc bán cho các thương lái Trung Quốc... |
Ông Nguyễn Văn Hiến, ở Liêm Trực, thị trấn Bình Định (An Nhơn), đã có trên 30 năm làm nghề mộc, cho biết: “Gỗ huỳnh đàn tương tự như gỗ hương, nhưng có 4 màu: trắng, vàng, hồng và đỏ sậm. Ngoài ra mùi hương của huỳnh đàn rất đặc trưng, người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mộc chỉ cần nhìn qua sớ gỗ hoặc ngửi qua mùi hương sẽ nhận biết ngay.”.
Hiện nay gỗ huỳnh đàn còn lại nhiều trong nhà dân là do các vật dụng bằng gỗ được đóng từ thời Pháp, họ lưu giữ và sử dụng đến nay. Sau này, nhiều người mua huỳnh đàn về đóng các vật dụng trong nhà vì huỳnh đàn giống như gỗ hương mà giá lại rẻ hơn. Nhiều thợ mộc được chủ khoán với giá thấp, muốn được lãi cao nên cũng dùng huỳnh đàn thay thế gỗ hương mà chủ không nhận biết.
* Giàu lên nhờ huỳnh đàn
Cơn sốt huỳnh đàn khiến những người thu gom hay những người có vật dụng bằng huỳnh đàn bỗng chốc phất lên, giàu có. Người trúng vài chục triệu, người trúng cả trăm triệu, cũng có người trúng cả tỉ bạc. Tùy theo chất lượng gỗ và sản phẩm làm ra từ gỗ huỳnh đàn mà có giá thu mua khác nhau, giá thấp nhất 300 ngàn đồng/kg, giá cao nhất 3 triệu đồng/kg.
Theo chân một thợ mộc quen được các đầu nậu thuê đi tìm và thử huỳnh đàn, tôi đã tiếp cận với những người trở thành đại gia nhờ huỳnh đàn. Người đầu tiên tôi gặp là anh Quang, một người trước đây làm nghề thợ tiện ở thị trấn Bình Định (An Nhơn). Nhờ một người anh ở Khánh Hòa mách nước, anh Quang phát hiện ra giá trị của gỗ huỳnh đàn từ khá sớm. Năm 2005, anh Quang dẹp bỏ nghề thợ tiện gom vốn đi lùng sục khắp các vùng quê ở Bình Định để tìm mua những sản phẩm từ gỗ huỳnh đàn. Thời điểm này, gỗ huỳnh đàn ở Bình Định chưa sốt giá nên anh Quang “trúng mánh” luôn. Anh ưu tiên tìm mua những bộ phản, vì phản thường làm bằng gỗ có sớ to nên bán được giá cao.
Mặc dù anh Quang không tiết lộ nhưng qua một người cùng đi săn mua huỳnh đàn với anh cho biết thì, riêng anh Quang mua được khoảng 15 bộ phản, chưa kể giường, tủ, bàn, ghế… Vào thời điểm anh Quang mua một bộ phản 2 tấm chỉ có giá từ 10-30 triệu đồng/bộ, đến khi anh bán thì giá đã nhảy lên 90-100 triệu đồng/bộ. Chỉ sau 2 năm làm nghề mua bán huỳnh đàn, anh Quang đã có trong tay trên 1 tỉ đồng tiền lời. Anh úp mở: “Cũng nhờ huỳnh đàn mà tôi mới có tiền xây căn nhà 2 tầng và mua thêm một lô đất bên cạnh... và cũng còn một ít vốn để làm ăn...”.
Năm 2008, Olimpic diễn ra tại Trung Quốc nên người ta cần trùng tu một số tượng trong các cung vua bằng gỗ huỳnh đàn… Có phải đó là lý do khiến cây huỳnh đàn bị triệt hạ từ ngọn đến gốc trong vòng ba tháng qua để chuyển đi Trung Quốc? (Theo Trần Đăng - Báo Lao Động) |
Nhiều người nghèo bỗng rủng rỉnh tiền nhờ gỗ huỳnh đàn. Như ông Nguyễn Thành Long, ở tổ 11, Liêm Trực, thị trấn Bình Định (An Nhơn) bỗng chốc có trong tay cả trăm triệu đồng! Số là cách đây chừng 15 năm, sau khi xây được ngôi nhà, ông lên các đại lý bán gỗ để đặt mua gỗ hương về đóng các vật dụng nội thất. Thời điểm này gỗ hương có giá trị cao gần gấp đôi gỗ huỳnh đàn, nên ông không đủ tiền. Sau khi được chủ bán gỗ giải thích, đóng gỗ huỳnh đàn giá rẻ nhưng khi lên thành phẩm thì nhìn tương tự như đóng bằng gỗ hương, ông đã đồng ý mua gỗ huỳnh đàn đóng 1 bộ bàn ghế, 1 tủ búp phê, 1 giường, 1 tủ đứng với tổng số tiền chỉ hơn 10 triệu đồng. Giờ toàn bộ sản phẩm của nhà ông Long được các đầu nậu định giá 250 triệu đồng, nhưng ông cho giá còn rẻ nên chỉ bán trước 1 chiếc giường được 25 triệu đồng!
Ông Hải, ở Cát Tân (Phù Cát) nhờ huỳnh đàn mà trở thành… tỉ phú. Trước đây, không có việc làm, ông bỏ quê lên Gia Lai làm mướn. Nhà người chủ trúng mùa tiêu nên dỡ bỏ ngôi nhà cũ làm bằng gỗ để xây lại, ông Hải thấy tiếc xin chủ những miếng gỗ vụn và miếng ván bìa. Đồng thời ông mua thêm các cột gỗ to, thuê xe chở về Phù Cát và dùng gỗ này làm một ngôi nhà nhỏ để ở. Thế mà mới đây, ngôi nhà của ông Hải được các tay săn huỳnh đàn đến thử và phát hiện rất nhiều gỗ huỳnh đàn. Vậy là căn nhà gỗ xập xệ ngày nào, giờ đã được các đầu nậu định giá 1,2 tỉ đồng!
Trong thời gian theo chân những người đi thử gỗ tìm huỳnh đàn, tôi cũng được tiếp cận một bộ phản làm bằng gỗ huỳnh đàn của gia đình anh Trung ở Bả Canh, thị trấn Đập Đá (An Nhơn) đặt trên lầu 3 của ngôi nhà khá đồ sộ. Bộ phản được làm từ thời Pháp, có 2 tấm, mỗi tấm có bề mặt 60 cm, dài 2,4 m, dày 10 cm đã được định giá 1,1 tỉ đồng nhưng anh Trung nhất quyết không bán vì anh muốn giữ lại làm kỷ niệm. Tôi xin chụp một tấm ảnh để đăng báo nhưng anh Trung không đồng ý, vì theo anh nếu đăng báo thì các đầu nậu khác sẽ kéo đến gạ gẫm…
|
Bộ bàn ghế của ông Nguyễn Thành Long (thị trấn Bình Định, An Nhơn) được xác định là gỗ huỳnh đàn.
|
* Huỳnh đàn vì sao lên giá?
Cụ Nguyễn Nhân, 87 tuổi, ở xã Phước Quang (Tuy Phước), một người từng làm nghề mộc lâu năm kể lại: “Gỗ huỳnh đàn trước đây do người Pháp mang giống sang trồng ở Việt Nam. Họ trồng nhiều ở rừng của tỉnh Khánh Hòa và Gia Lai... Thời đó, gia đình nào khá giả mới có tiền mua gỗ huỳnh đàn về đóng vật dụng trong gia đình. Sau thời Pháp thì gỗ huỳnh đàn lại không còn giá trị bằng gỗ hương, cẩm lai… nên không ai nhắc đến. Thông thường, gỗ huỳnh đàn có màu vàng nhạt, lõi thẫm hơn, gỗ già màu nâu nhạt, có mùi thơm, được dùng đóng đồ mộc cao cấp, làm quan tài, đốt thơm như trầm. Cũng có thể cất lấy tinh dầu thơm như dầu Đàn Hương. Gỗ còn có tính chất làm tan các chỗ sưng trên người, làm ra mồ hôi và trợ tim. Thời Pháp cũng có người dùng gỗ này để ướp xác người chết vùi sâu hàng trăm năm không phân rã”.
Còn anh Thành (Khánh Hòa), một đầu nậu thu gom gỗ huỳnh đàn bán trực tiếp cho Trung Quốc, nói: “Người thì bảo mua huỳnh đàn về làm vật dụng trong nhà sẽ trị được các chứng bệnh; người thì bảo mua gỗ để ướp xác song thực hư như thế nào thì chính tôi cũng không rõ. Vì mỗi khi gỗ thu gom xong đưa đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) giao cho chủ hàng người Trung Quốc là nhận tiền về, không ai tiết lộ cho mình biết mua huỳnh đàn về làm gì”.
Bây giờ về các vùng nông thôn Bình Định, câu chuyện cửa miệng của dân ở đây không gì khác ngoài chuyện huỳnh đàn. Ai có huỳnh đàn, nhiều hay ít, người trúng thì hớn hở, người không có thì tiếc nuối.
Và chuyện về huỳnh đàn đang trở thành chủ đề chính trong cuộc sống hàng ngày ở vùng quê.
|