Trò chuyện với cô Ba Ngân
14:25', 18/8/ 2007 (GMT+7)

Đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, bình thường như bao phụ nữ nông thôn khác. Chỉ khi tiếp xúc, mới biết được rằng, đằng sau cái vẻ ngoài tưởng đơn giản ấy là một tâm hồn giàu cảm xúc, một trí tuệ tinh anh. Bà là Nguyễn Thị Thế Ngân, mà mọi người thường gọi là cô Ba Ngân, nguyên Bí thư Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bình Định, Phó Bí thư Đảng đoàn Ban Phụ vận Liên khu V (thời chống Pháp) và là Tỉnh ủy viên khóa I, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Định (thời chống Mỹ), người có may mắn 4 lần được gặp Bác Hồ.

 

Bà Ba Ngân (đứng cạnh Bác Hồ bên phải). Ảnh tư liệu chụp lại

 

Tôi có cảm giác dường như thời gian không chạm được đến bà, dù năm nay bà đã 89 tuổi, thương binh hạng 3/4, thời chống Mỹ có 7 năm bị giam cầm, tra tấn trong nhà lao, đến nỗi sau đó phải sang Trung Quốc, Liên Xô chữa bệnh 3 năm. Bà đi đứng nhanh nhẹn, nói năng rành mạch, có thể làm hầu hết các công việc vặt trong nhà như quét dọn, tưới cây, nấu ăn... Kỷ niệm đáng nhớ nhất và có thể gọi là “gia tài” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà chính là những lần được gặp Bác Hồ.

* May mắn và vinh dự của cuộc đời

Cuối năm 1964, sau khi ra tù và được đưa ra miền Bắc chữa bệnh, cô Ba Ngân được chọn vào Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị “Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình”, tổ chức tại Hà Nội. Trong thời gian Hội nghị (từ 25 đến 28.11.1964), bà đã có 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

* Thưa bà, trong lần được gặp Bác Hồ, những chi tiết, sự việc nào gây ấn tượng với bà nhất?

- Lần thứ nhất, trước Hội nghị, đoàn chúng tôi được gặp Bác. Ngay từ phút đầu tiên gặp, Bác đã phê bình đồng chí trưởng đoàn về việc để em Hồ Văn Bột - một thành viên của đoàn, nạn nhân bom na-pan - mặc một bộ complê đen như một “ông cụ non” vậy. Thế rồi, Bác hướng dẫn người phụ trách chuẩn bị lại trang phục cho em Bột, rất cụ thể. Tôi đã nghĩ rằng, Bác là lãnh tụ, phải lo nhiều công việc lớn, vậy mà Người vẫn thấy và lo được những chuyện rất nhỏ. Rồi Bác nói một câu mà tôi không bao giờ quên: “Thằng địch nó không sợ Bác đâu. Thằng địch nó sợ các cô, các chú, sợ nhân dân miền Nam, sợ thống nhất nước nhà”. Bác đã nói như vậy thì tôi nghĩ mình có làm “chết xác” mấy đời vì cách mạng cũng không đủ. Câu nói ấy đã làm tôi thấy mình không dám có thái độ công thần, mà nếu có thì nó cũng tiêu tan hết...

Ngoài Bác Hồ, tôi còn được gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai, nữ anh hùng Tạ Thị Kiều (Bến Tre)… và tôi thấy ở mỗi người đều có những điểm để mình học tập.

* Tham gia cách mạng, tôi được hưởng nhiều hơn cống hiến

Bà Ba Ngân sinh trưởng trong một gia đình phong kiến tại thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, Tuy Phước. Bà là con cả trong gia đình có 3 chị em gái và 2 em trai. Năm bà 17 tuổi, gia đình bị phá sản, bà lên Buôn Mê Thuột làm công nhân đồn điền chè, sau đó lên Đà Lạt làm nữ hộ sinh tại Bệnh viện Đà Lạt. Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, bà về lại Tuy Phước và tham gia cách mạng. 4 người em của bà đều đi tập kết, chỉ có mình bà ở lại miền Nam hoạt động. 

Bà Ba lấy chồng năm 20 tuổi và có 2 người con trai nhưng chẳng may cả 2 đều đoản mệnh vì bệnh tật. Năm 1954, bà chia tay chồng để ông đi tập kết. Thế rồi tuổi tác và bệnh tật - hậu quả của những trận đòn tra tấn dã man của địch - khiến bà không còn cơ hội làm mẹ nữa. Sau giải phóng, bà Ba Ngân nghỉ hưu, cùng chồng về sống tại thôn Phụng Sơn, cho đến năm 1996 thì ông qua đời. Hiện bà Ba Ngân sống với người em gái kề của mình, nay cũng đã 87 tuổi.  

* Thưa bà, lúc ấy bà có ý thức rằng mình đang đi làm cách mạng?

- Thực tình, lúc ấy tôi thấy người ta đi mình cũng đi. Tôi tham gia phụ nữ cứu quốc, làm ở xã, tổng rồi làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Tuy Phước. Phải đến khi được tham gia lớp đào tạo cán bộ dân vận ở Huế năm 1946, tôi mới thực sự ý thức là mình đang đi làm cách mạng, và làm cách mạng thì sướng thế nào, khổ thế nào. Tôi nghĩ, nếu không có cách mạng thì gia đình tôi không biết sống chết ở đâu.

Có những đêm không ngủ được, chị em tôi nói chuyện với nhau, rằng không biết cuộc sống đây là thật hay mơ. Bây giờ, tôi không có tài sản gì, nhưng cái được lớn nhất là cuộc sống hôm nay, con cháu được học hành, trưởng thành. Nếu có 2 cuốn sổ để ghi, một bên là cái tôi làm và một bên là cái tôi được hưởng thì chắc chắn cái hưởng nhiều hơn. Đây là tôi nói thực tâm, từ lòng thành của mình. Trong 60 năm tuổi Đảng của mình, Đảng giao nhiệm vụ gì tôi làm đó, chứ chưa đòi hỏi gì cho riêng mình hết.

* Người phụ nữ “hiện đại”

Đọc báo hàng ngày là công việc không thể thiếu được đối với bà Ba Ngân.

Nếu không được giới thiệu trước, sẽ chẳng có ai tin rằng trong căn nhà từ đường cổ của dòng họ Nguyễn Thế chỉ có hai bà già gần 90 tuổi đang sống. Trên chiếc bàn giữa nhà có rất nhiều loại báo, tạp chí do người quen mang đến tặng bà Ba Ngân. Còn trên tường nhà, cạnh tấm ảnh bà được chụp chung với Bác Hồ tại Hội nghị năm 1964 ấy là Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và một bức ảnh Lê nin đang đọc báo - quà tặng của một người đồng chí. Trên cánh cửa đối diện bàn nước có dán bản danh sách 22 thành viên chính phủ mà Thủ tướng đề nghị phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII vừa qua. Dưới mặt kính bàn nước là một mảnh giấy thống kê chi tiết tình hình tai nạn giao thông tháng 4.2007 trên cả nước…

Sẽ chẳng quá lời chút nào nếu nói rằng đó là một bà già rất “hiện đại”, từ cách nói chuyện đến những vấn đề mà bà quan tâm. Sự “hiện đại” toát ra từ con người bà Ba Ngân có thể gói gọn trong một câu: bà có thể “hầu chuyện” bất cứ ai về thế sự, từ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đến chuyện mấy trăm em học sinh bị điểm 0 môn Sử trong kỳ thi ĐH vừa qua… 

* Thưa bà, cuộc sống hàng ngày của bà thế nào?

- Tôi thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem ti vi để theo dõi tình hình thời sự. Nhà tôi thường hay có khách. Đó là những người trong xã, thôn, hay thậm chí ở nơi khác đến, và thường là hỏi về chế độ chính sách. Được dân tin như vậy là quý lắm. Họ thắc mắc sai thì mình giải thích, họ thắc mắc đúng nhưng vấn đề này chưa được thực hiện thì cũng phải giải thích cho họ hiểu. Vậy nên nếu không theo dõi, nắm bắt thời sự thì sẽ khó mà trả lời được cho họ.

Hàng tháng tôi vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ. Mùng 2 hàng tháng tôi đi xe buýt xuống Quy Nhơn để tham gia buổi nói chuyện thời sự của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dành cho cán bộ trung cao. Có đi họp thì mới nắm bắt được thông tin. Với tôi, “không đài không báo như không cháo không cơm” vậy.

* Bà có cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại của mình không ?

- Rất thoải mái, và sự thoải mái đó là do mình tự tạo ra cho mình. Lương của tôi chưa đầy 2 triệu đồng/tháng, nhưng sống ở quê như vậy là đủ. Hàng tháng, tôi trích 20% lương gởi tiết kiệm để phòng khi ốm đau, còn lại thì chi tiêu. Tuy có 2 chị em nhưng tôi vẫn có sổ chi tiêu hàng tháng vì cái gì cũng phải rõ ràng…

***

Bà Ba Ngân kể, hồi còn đi làm, bà có một quyển “Tự tu”, dùng để cuối ngày ghi lại những điều mình làm được, những điều còn khiếm khuyết. Bây giờ về già, bà làm bài thơ “Tự răn mình”, trong đó có một câu thấm thía: “Dù giàu sang không ai sống được một mình”.

Mùa hè năm nay, cây mai xuân trước hiên nhà bà Ba Ngân bỗng dưng trổ đầy bông, làm sáng rực cả một khoảng vườn. Bà bảo đây là lần đầu tiên cây mai này nở hoa trái mùa như vậy. Còn tôi thì nghĩ rằng, cái điều bất thường này dường như có liên hệ với cuộc đời người chủ của nó, một nữ chiến sĩ cách mạng hết lòng vì dân, vì nước.

  • Nguyên Sương
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)
Mưu sinh trên đầm   (12/08/2007)
Truyền kỳ huỳnh đàn  (09/08/2007)
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)
Sẵn sàng trước giờ “G”  (02/07/2007)
Đi tìm câu hát hơamon  (29/06/2007)
Những mảnh đời hậu “sự cố Malaysia”  (25/06/2007)