Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trang Xuân Chi là người giàu lòng nhân ái và hết sức nhiệt tình trong hoạt động từ thiện. Dường như càng “cổ lai hy” ông càng xông xáo hơn trong công tác tình nguyện tại Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Bình Định. Trong nhiều trường hợp kết quả vận động của ông đã mang lại hiệu quả cao đến mức không ngờ. Nhiều cảnh đời bất hạnh đã được ông vận động hỗ trợ, cứu giúp, chăm sóc tận tình, họ gọi ông bằng những từ thân thương “bố Chi”, “bố Chi chữ thập Đỏ”; dưới mắt họ, hình ảnh của ông như một ông bụt nhân từ. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trang Xuân Chi đã dành cho phóng viên Báo Bình Định những câu chuyện hoàn toàn mới và rất cởi mở.
|
BS Trang Xuân Chi trao sổ tiết kiệm 32 triệu đồng bạn đọc báo Bình Định cho 5 chị em mồ côi ở P. Thị Nại, TP. Quy Nhơn.
|
* Thời gian gần đây, Báo Bình Định và Bình Định Điện tử đăng khá nhiều tin, bài của ông viết về các hoạt động nhân đạo từ thiện và các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Vậy viết báo có phải là nghề tay trái của ông?
- Nghề ngỗng gì đâu con ơi! Bố (cách xưng hô thân mật của bác sĩ Chi với phóng viên) phải dùng hình ảnh và tư liệu về các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhờ các cơ quan thông tin đại chúng thông báo, kêu gọi mọi người trong xã hội giúp đỡ họ. Báo Bình Định luôn đồng hành với hoạt động từ thiện, nên bố thường xuyên gắn bó, để mong hoạt động từ thiện có hiệu quả hơn.
Nói thật, nhuận bút của bố chỉ vừa đủ rọi ảnh để làm tập tư liệu. Nhiều khi mô tả những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng lời, hoặc bằng giấy mực không thể lột tả hết đâu. Ví dụ các nạn nhân chất độc da cam, bị bệnh hiểm nghèo, bị các tai nạn… thì hình ảnh sẽ gây nên cảm giác trực quan cho mọi người đối với nạn nhân đó, hoàn cảnh đó. Bố có nhiều bộ tài liệu bằng ảnh được phân loại, như: Chất độc da cam, chân tay giả, xe lăn, xe lắc, mổ mắt nhân đạo, hiến máu nhân đạo, ung bướu, suy dinh dưỡng… Mỗi tấm ảnh bố đều có chú thích rất đầy đủ về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, đã được tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ chưa… Sở dĩ phải làm tư liệu kỹ càng là nhằm theo dõi một cách đầy đủ hơn, không để sót một hoàn cảnh nào. Những trường hợp nêu trên báo, được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ trực tiếp, hoặc gián tiếp thì chúng ta khá yên tâm; những hoàn cảnh khác chưa nhận được sự giúp đỡ thì những khi có nguồn tài trợ chung, Chữ thập đỏ Bình Định sẽ đưa vào danh sách chung để trợ giúp.
* Rồi bố Chi đã đoạt giải cao trong cuộc thi chuyên nghiệp về ảnh nghệ thuật chính bằng những tấm ảnh về nội dung nhân đạo?
- Bố nghĩ đoạt giải cũng có một phần may mắn là mình đã bấm máy đúng vào khoảnh khắc “vàng”. Tháng 8.2006, bố Chi đã tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật dành cho 11 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tác phẩm “Giây phút căng thẳng” của bố Chi ghi lại một ca phẫu thuật cứu người của bác sĩ Phạm Tỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã đoạt giải Ba; một số giải ở các cuộc thi khác mà bố có được cũng bắt đầu từ những tấm ảnh về đề tài nhân đạo. Hiện bố đã được kết nạp vào Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Bình Định.
Niềm vinh dự lớn cho bố là khi đại diện nạn nhân chất độc da cam kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã gieo rắc chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam, để lại hậu quả vô cùng lớn lao cho nhiều thế hệ người Việt Nam sau chiến tranh, giáo sư Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã sử dụng 20 tấm ảnh (30cmx45cm) của bố về những nạn nhân chất độc da cam để triển lãm, trong đó có một tấm ảnh in tờ rơi kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ nạn nhân da cam.
* Những niềm vui của bố Chi trong thời gian gần đây?
|
Gia đình BS Trang Xuân Chi. |
- Có nhiều nạn nhân, bệnh nhân và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đăng trên báo Bình Định và các báo khác, đã được nhận các khoản trợ giúp tương đối lớn. Cháu Nguyễn Thế Bình, ở KV4, P. Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn (bệnh tim bẩm sinh) được Hội Thiện Tâm, TP. HCM giúp 62 triệu đồng để mổ tim; hai cháu Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Lê Hoài ở An Lão được giúp đỡ 75 triệu đồng để mổ tim; bác sĩ Tân ở Trung tâm Mắt (bệnh thận) được bạn đọc Báo Bình Định, các nhà hảo tâm tặng trên 150 triệu đồng để cứu chữa. Mới đây, 5 cháu mồ côi cha mẹ ở KV4, P. Thị Nại, đã được UBND TP. Quy Nhơn xét tái định cư trên lô đất 39m2, tại đảo 1B, sông Hà Thanh, P.Đống Đa, các nhà hảo tâm trong cả nước và cả Việt kiều giúp đỡ trên 100 triệu đồng, sắp đến các cháu sẽ có một tổ ấm ổn định và có điều kiện vượt qua khó khăn.
Một niềm vui giúp bố càng hăng hái với công việc tình nguyện viên Chữ thập Đỏ đó là sự tin tưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Bình Định, để bố hoàn thành nhiệm vụ. Một niềm vui khác, là bố ngày càng có nhiều bạn bè tâm huyết, các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo, họ luôn quan tâm và giúp đỡ rất nhiều đối với nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Bình Định. Các cơ sở y tế mà bố liên lạc hàng ngày, hàng tuần là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Mắt Bình Định, Quân Y viện 13, Bệnh viện Đa khoa TP. Quy Nhơn, Quân Y viện 108, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM…, hầu hết đều sẵn sàng giúp đỡ theo yêu cầu của bố Chi khi có điều kiện.
* Và được xuất ngoại nữa chứ?
- Ừ! (cười) thì chương trình do Chữ thập Đỏ Nauy tài trợ để tham quan học tập cách làm nhân đạo của nước bạn đó mà. Tháng 10.2006, bố Chi được tham quan các tổ chức y tế, nhân đạo ở Trung Quốc khoảng 10 ngày; tháng 6.2007 được may mắn tham quan, hội thảo về đề tài nhân đạo ở Thái Lan và Campuchia. Họ có những phương pháp làm nhân đạo, làm từ thiện rất hay, mình học hỏi được một số kinh nghiệm. Tuy nhiên, xuất phát từ tình cảm và lòng nhiệt tình của những tình nguyện viên Chữ thập Đỏ và Hội Chữ thập Đỏ, dưới mắt bè bạn thì Việt Nam rất tuyệt vời, tính tương thân ái trợ, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của con người Việt Nam được bạn bè các nước khâm phục. Theo bố, làm công tác từ thiện phải hết sức công bằng, khách quan, vô tư, trong sạch và chịu khó. Đành rằng những hoàn cảnh khó khăn đều đáng giúp đỡ cả, thế nhưng cần phải ưu tiên giúp đỡ người khó khăn nhất rồi mới đến lượt những người tiếp theo, đặc biệt là người chưa được giúp đỡ lần nào. Đôi khi bố Chi cũng nổi dóa khi ai đó có sự nhầm lẫn, hoặc không công bằng trong hoạt động nhân đạo.
* Nếu chỉ có một lời cảm ơn thì bố Chi dành cho ai?
- Khó quá! Cho phép bố Chi chia đôi lời cảm ơn nhé. Một nửa dành cho bà xã và 2 người con của bố Chi đã dành toàn bộ thời gian, điều kiện, lời động viên và là những trợ thủ đắc lực để bố Chi hoạt động nhân đạo; mặt khác gia đình phía vợ của bố Chi cũng có 4 người tình nguyện viên Chữ thập Đỏ đấy. Một nửa dành cho tất cả “những tấm lòng vàng” đã đến với những số phận không may mắn.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ quân y TRANG XUÂN CHI
- Sinh năm 1936, tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.
- Từ năm 1949 - 1954 thiếu sinh quân và học y tá quân y.
- Năm 1955 - 1964 tập kết ra Bắc và công tác tại Viện Quân y 4 (Quân khu IV).
- Năm 1965 đến 1975 tham gia công tác quân y ở chiến trường miền Nam.
- Năm 1975 - 1979 công tác tại các viện quân y thuộc Quân khu V.
- Năm 1980 - 1992 Chủ nhiệm Khoa Nội, Quân Y viện 13 và nghỉ hưu.
- Năm 1998 đến nay tham gia tình nguyện tại Hội Chữ thập Đỏ Bình Định. |
|