Giới tính thứ 3
15:31', 27/8/ 2007 (GMT+7)

Một lần tình cờ tham gia buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Khiêu vũ TP. Quy Nhơn, tôi rất ấn tượng trước lối dẫn chương trình hoạt bát, khá hay của một nữ M.C có cái tên dễ thương Bảo Hân. Vừa cất lời khen, tôi đã bị các bạn ruột của CLB này phì cười. “Không phải “em” đâu, người ta cải trang thành con gái đó”…

 

Đông đảo bạn bè đến dự sinh nhật của Bảo Hân (người đứng). Ảnh: H.X

 

* Tự sự của một MC

Quả thật, dưới ánh đèn sân khấu, rất khó nhận ra Bảo Hân là con trai vì “cô” trang điểm khá xinh, đeo trang sức, còn giọng nói lại rất mỹ miều. Hẹn gặp tôi ở quán cà phê, Hân mặc áo thun ôm, trang điểm khá kỹ. Tuy vậy, những dấu hiệu của một “tu mi nam tử” vẫn hiện rõ mồn một ở cằm và trên mép. Mặc kệ những cái nhìn xoi mói của nhân viên phục vụ và những khách ngồi bên, Hân vẫn trò chuyện cùng tôi với vẻ nhu mì của một “thục nữ”.

“Tôi năm nay 27 tuổi, sống ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), tên “cúng cơm” cha mẹ đặt cho là Phan Thanh Chi nhưng chẳng mấy ai biết đến cái tên này vì đã quen với “nghệ danh” Bảo Hân. Cả tôi từ lâu đã coi mình là Bảo Hân chứ không phải là Thanh Chi. Cha mất sớm, từ nhỏ tôi đã được mẹ và các chị gái nuông chiều như một đứa em gái út. Càng lớn, tôi thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và như... con gái. Tôi thích ca hát nhảy múa, chơi trò mẹ - con hơn là đánh nhau với đám bạn trai. Nghỉ học từ năm lớp 7, đến khi nhập ngũ, tôi cũng được bố trí công tác văn nghệ, chỉ chuyên đi biểu diễn ca nhạc ở các đơn vị, quân khu. Giải ngũ, tôi lấy nghệ danh là Bảo Hân và đi hát ở những quán cà phê nhạc sống, bar khách sạn và làm MC đám cưới. Thời gian rảnh, tôi còn kiêm thêm cả trang điểm cô dâu, dạy múa nếu khách yêu cầu”.

Hân trò chuyện cởi mở, thẳng thắn và tự nhận mình là gay. “Bởi lẽ, mình như thế nào thì người ta đều biết cả và chấp nhận. Nếu không thì ai mời mình đi hát, làm MC làm gì. Ra ngoài, tôi phải trang điểm, nếu không sẽ không còn tự tin khi tiếp xúc với mọi người”, Hân nói.

Hân chỉ là một trong số đông những người đồng tính luyến ái nam. Họ vẫn thường được gọi bằng những cái tên khác như pê-đê, gay hay bóng.

 

Bảo Hân (bên trái) chụp ảnh chung với tác giả bài viết. Ảnh: V.T

 

* Thế giới không cần phụ nữ

Qua Hân, tôi làm quen với Mai Ly hát cho một gánh lô tô đang trình diễn ở gần KCN Phú Tài. Khác với Hân, Mai Ly có thân hình của một phụ nữ khá “bốc lửa”. 37 tuổi đời, Ly đã có hơn 20 năm sống lang bạt theo các gánh hát, sống kiếp rày đây mai đó. Thu nhập từ đoàn hát lô tô không ổn định nên Ly kiêm cả hát đám ma, đám cưới hoặc trong các quán nhậu. Tiền đi làm bao năm, Ly dành dụm để sửa mũi, cắt mắt và đi sửa “vòng 1”. Tính ra, mất trên 50 triệu đồng.

“Phải dành dụm mãi mới đủ số tiền này. Tôi không có tiền để sang Thái Lan chuyển đổi giới tính như người khác”- Mai Ly tiếc rẻ. Quê gốc ở Long Xuyên nhưng Ly theo đoàn lô tô của Bình Định đã 11 năm nay, đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Ly về Bình Định hàng năm vì đây là quê hương của chủ đoàn. Cô cho biết sở dĩ gắn bó lâu dài với đoàn này là vì ông chủ là “người yêu”. Ly lo lắng cho “người ta” từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhưng mới đây, “chàng” đã quyết định chia tay để lập gia đình với một cô gái thực sự. “Buồn lắm, nhưng phải chấp nhận sự thật là người ta cần một gia đình thực sự. Không biết tôi còn gắn bó với đoàn lâu nữa không”- Ly nói.

Hân và Ly cho biết, so với những “bóng kín” thì những “bóng lộ” như họ thoải mái hơn về mặt tư tưởng vì không phải gồng mình che giấu thân phận. Những “bóng kín” thường ngụy trang rất kỹ, đè nén mọi cảm xúc cũng như hành động của mình để tránh con mắt dị nghị của mọi người. Thậm chí có người còn lấy vợ, sinh con nhưng trong sâu thẳm họ vẫn thích quan hệ tình dục (QHTD) với những người đồng giới. Tr. L (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn), một trường hợp “bóng kín”, thổ lộï: “Vì sức ép của gia đình và dư luận xã hội tôi đã lấy vợ, sinh con và cố gắng chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không hề dễ dàng. Vợ tôi biết tất cả nhưng chấp nhận”.

Quan hệ đồng giới nam đang có xu hướng tăng nhanh ở VN; riêng tại Hà Nội có khoảng 10.000 người, TP.HCM có 20.000 người. Theo ông Dương Quốc Trọng, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tại hội thảo sáng 15.8.2007 ở Hà Nội, quan hệ tình dục của nhóm này, khi không được bảo vệ rất dễ làm lây lan HIV.

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Đối với gay, rắc rối nhất vẫn là chuyện yêu đương, QHTD không giống với người bình thường. Nguyễn Văn B, một gay ở huyện Hoài Ân, tâm sự: “Trong con mắt của nhiều người tôi là người bệnh hoạn, song tôi vẫn ao ước có được một tình yêu chân thật. Nhưng người đàn ông đàng hoàng thì chẳng bao giờ chấp nhận chuyện này cả. Bởi thế dân đồng tính chúng tôi phải cố gắng kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt để có thể mua tình. Có lần vì quá bức xúc, tôi đã mang tiền vào Sài Gòn hỏi xem thử mình có thể chuyển đổi giới tính được không, hoặc là nữ luôn hoặc trở lại đúng giới tính của mình nhưng không thể!”.

Đối với dân trong giới ở Quy Nhơn thì cái tên B. này chẳng hề xa lạ. B. rời quê vào Sài Gòn và giàu lên rất nhanh nhờ có người bảo trợ và tài coi bói. Có thời, B. đã sở hữu hàng trăm triệu đồng trong tay. B. đã dùng số tiền này cung phụng cho những “người tình” cho đến khi tiền hết, tình không còn, lại trở về quê nhà.

* Lên án hay cảm thông?

Ở Quy Nhơn có một nhóm gay độ trên dưới 20 tuổi thường tập hợp lúc đêm khuya trêu chọc những thanh niên đi đường. Anh Nguyễn Tr. K. ở Bình Dương, Phù Mỹ kể: “Đêm ấy, tôi đang đi dạo mát ở công viên biển Quy Nhơn thì bị một nhóm con trai đến. Họ khen tôi đẹp trai, rủ tôi đi chơi chung và chực giở trò sàm sỡ... Tôi đã bỏ chạy…”. Tôi đem chuyện này trò chuyện với Hân thì được xác nhận: “Cũng có những chuyện như thế nhưng đó chỉ là số ít”.

Hiện nay, dư luận chung của xã hội đã bớt khắt khe hơn đối với những người đồng tính, nhất là sau khi một số người trong giới nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh công khai thừa nhận đồng tính và giải phẫu chuyển đổi giới tính của mình. Thậm chí, “thế giới thứ 3” này còn có hẳn một trang web riêng dành cho những người đồng cảnh ngộ để chia sẻ, giãi bày nỗi niềm.

Cho đến nay, y học vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân gây bất thường về giới tính. Và do vậy những người mang giới tính thứ ba này vẫn luôn mong có được một sự cảm thông từ phía xã hội để có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Chị P.T.V.K, người đã mời Hân hát cho quán bar- cà phê của mình ở Khách sạn Hoàng Yến, cho biết: “Có người hỏi tôi, bộ khùng hay sao mà thuê người đó đến hát mỗi tối. Còn tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu họ thực sự có tài, lại đàng hoàng thì cớ gì mà không thuê họ. Tôi tôn trọng những thành quả công việc mà họ đã nỗ lực để làm nên”.

  • Thu Hà - Công Tâm

BS Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam khoa Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh): Không phải ai sinh ra cũng may mắn là nam hay nữ và khi trưởng thành chỉ hướng tới đối tượng khác phái. Có ít nhất 5% nhân loại phải chịu thiệt thòi vì không giống với 95% còn lại. Nhưng nhận dạng và thông hiểu được 5% này cũng không dễ dàng. Trên thế giới người ta đã phân ra 3 kiểu giới tính bình thường về sinh học: dị giới tính luyến ái (đa số nhân loại), đồng tính luyến ái (thường gặp ở nam nhiều hơn nữ) và lưỡng tính luyến ái. Trường hợp thứ ba có thể được xem may mắn hơn những người đồng tính luyến ái vì họ có thể có chồng (vợ), có con nhưng vẫn có… bồ cùng giới.

Thạc sĩ – BS Trương Trọng Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM: Cần phân biệt người đồng tính luyến ái (ĐTLA) thật với người chỉ có hành vi QHTD đồng giới nhưng không thật sự có bản thể ĐTLA. Những người ĐTLA thật nếu sống trong một xã hội còn kỳ thị thường hay mặc cảm về tình trạng của mình vì những ham muốn gần gũi với người cùng giới từ trong tâm thức không thể xóa được. ĐTLA giả là những người vì một hoàn cảnh xã hội nào đó mà muốn và có QHTD với người cùng phái không xuất phát từ ham muốn trong tâm thức. Có thể kể các dạng: ĐTLA thay thế là những người QHTD cùng giới vì trong một môi trường sống lâu ngày chỉ toàn là người cùng phái; ĐTLA tò mò là những người QHTD cùng giới vì tò mò muốn thử, vì chạy theo mốt, đặc biệt là các thanh niên.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bố Chi chữ thập Đỏ  (25/08/2007)
Lang băm chữa bệnh   (22/08/2007)
Trò chuyện với cô Ba Ngân  (18/08/2007)
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)
Mưu sinh trên đầm   (12/08/2007)
Truyền kỳ huỳnh đàn  (09/08/2007)
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)
“Đôi chim câu làm khoa học”  (07/07/2007)