Cánh “đại bàng” của núi rừng Vĩnh Thạnh
16:27', 1/9/ 2007 (GMT+7)

Xin gọi ông bằng cái tên mà người dân ở các bản làng Vĩnh Thạnh vẫn gọi: Bá K’ring (K’ring tiếng Ba na là chim đại bàng). Cái tên ấy, tưởng như đã thể hiện nét lớn trong tính cách của ông: quyết đoán, dám làm, dám chịu. Ông là Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Giữa những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi đến thăm ông. Vẫn vóc dáng cao, gầy nhưng mạnh mẽ, vẫn giọng nói đầy nhiệt huyết, câu chuyện của ông đã đưa chúng tôi về với những ngày tháng hoạt động cách mạng không thể nào quên của mình và của quê hương…

 

Công việc đầu tiên trong ngày của ông là đọc báo. Ảnh: V.T

 

* “Tôi hiểu họ còn hơn họ hiểu mình”

Ông nói: “Những ngày nổ ra cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Bình Định, lòng tôi như sục sôi máu nóng, cảm thấy có một cái gì đó thiêng liêng đang đến. Tôi và mấy anh em trong nhà đều háo hức tham gia. Trong hành trang của tôi, có lời động viên của mẹ: “Con trai của mẹ đã lớn khôn; đã biết tìm đường đi đến với những ước mơ cao đẹp của mình”.

Sau khi cùng anh em thanh niên trong tổng tham gia cướp chính quyền xã, tôi được giao phụ trách vận động thành lập Việt Minh các vùng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh và Bắc An Khê. Đến ngày 19.5.1946, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng. Khi Chi bộ đầu tiên của xã Vĩnh Thạnh thành lập, tôi làm Bí thư khi đang trong thời gian dự bị. Tháng 3.1947, tỉnh điều tôi về làm Trưởng phòng Dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định, rồi về khu làm chuyên viên nghiên cứu.

Đến năm 1954, tôi về Quy Nhơn trong đoàn quân tiếp quản, rồi tự nguyện ở lại hoạt động bí mật, lúc đầu làm Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, đến tháng 10 năm 1955, làm Bí thư…

Thời kỳ đồng chí Nguyễn Trung Tín làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh (1955-1960), là những ngày Vĩnh Thạnh sục sôi với khí thế cách mạng. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (tháng 2 năm 1959) được PGS-TS Diệp Đình Hoa đánh giá là “ghi nhận một mốc chuyển giai đoạn quan trọng”. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa như vậy là kết quả sau một quá trình suy nghĩ vận dụng đường lối, phương pháp đấu tranh; của việc vận động và phát huy sức mạnh nhân dân.

* Trở lại Vĩnh Thạnh, bốn cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói một thứ tiếng” với đồng bào, hẳn cũng là một quá trình không dễ vượt qua, thưa ông?

- Cũng có cái may, là ông cố nội tôi từng là Đề binh của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, nên ngày tôi lên Vĩnh Thạnh, già làng hỏi (lúc đó, tôi chưa biết tiếng dân tộc, phải có người dịch lại): “Mày con ai, cháu ai”. Tôi đáp: “Tôi là cháu ông Đề”. Nói vậy là già làng biết ngay, có người còn nhận bà con nữa. Rồi họ nói: “Việt Minh không ai xa lạ, cũng là con cháu những ông chống Pháp”.

Nhưng nói vậy, chứ tất nhiên, sau đó là cả một quá trình, từ chuyện học tiếng, đến chuyện tập uống rượu, tập ăn những món ăn của đồng bào. Những ngày đầu, đóng khố thì ngượng nghịu, đi chân đất giẫm gai, đá nhọn tứa máu… nhưng quen dần. Cái quan trọng là mình làm theo với tất cả tấm lòng chân thành nên được xem như “người của làng”.

Sau mấy năm ở Vĩnh Thạnh, tôi đã thành một chàng trai Ba na đóng khố, chân đất, tóc dài chấm ót, với cây kiềng bạc nơi cổ, chiếc gùi sau lưng. Còn chuyện học tiếng, thực ra, tôi học cũng nhanh, chỉ sau một năm là thông thạo. Tôi thường nhờ anh em người dân tộc dạy tiếng, mình bồi dưỡng lại cho anh em về chính trị; sau đó, yêu cầu các anh diễn giải lại nội dung đó bằng tiếng dân tộc. Điều này vừa giúp mình biết các anh truyền đạt với bà con liệu đã đầy đủ chưa; mặt khác, mình cũng học được thêm về tiếng. Biết thì dễ, nhưng để phát âm cho chuẩn, những người thường xuyên chỉnh sửa cho tôi chính là phụ nữ và các em nhỏ trong làng…

* Sau này, ông có bao giờ cảm thấy hối hận là mình đã tự nguyện ở lại, thay vì lên đường tập kết ra Bắc để học thêm về tiếng Pháp?

- Trước ngày tập kết hai tháng, khi được tổ chức khu hỏi ý kiến, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện ở lại hoạt động. Tất nhiên, ở lại thì phải hoạt động bí mật và chưa biết thế nào, có thể bị bắt, bị giết, nhưng tôi không hề đắn đo. Bởi tôi nghĩ, mình là người đi sau, không được tham gia các phong trào đấu tranh thời Pháp thuộc, bây giờ, mình có trách nhiệm tham gia. Nói thật là hồi đó, khi bố trí cho tôi làm Phó Bí thư Vĩnh Thạnh, có anh em sợ tôi bất mãn. Sau này, biết chuyện, tôi nói: “Tôi ở lại không nghĩ đến địa vị lãnh đạo gì đâu, làm gì cũng được, chứ bất mãn nỗi gì”.

* Dựa vào dân, lắng nghe dân là tiêu chí số một

Đồng chí Nguyễn Trung Tín, sinh năm 1925. Tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5 năm 1946. Tháng 5.1946, là Bí thư xã Vĩnh Thạnh. Tháng 10.1955: Bí thư huyện Vĩnh Thạnh, rồi Bí thư Ban Cán sự Tuy Phước - Quy Nhơn. Tháng 6.1967 đến 1969: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; từ 1969 đến 1972: Phó Bí thư Tỉnh ủy; từ 1973 đến 1975: Bí thư Tỉnh ủy. Sau năm 1975, làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình. Từ năm 1979 đến 1989: Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, rồi Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Từ năm 1989 đến 1994: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Từ năm 1994 đến năm 1996, là phái viên Trung ương Đảng tại khu V. Từ năm 1996 đến nay: nghỉ hưu.

Làm Bí thư Vĩnh Thạnh, rồi Bí thư Ban Cán sự Tuy Phước - Quy Nhơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khu Đông rồi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, mỗi thời kỳ, ông đều cùng với những đồng chí của mình, vận dụng các Nghị quyết của Đảng, suy nghĩ và đề ra phương pháp đúng đắn, đem lại thắng lợi cho cách mạng.

* Theo ông, việc tìm ra phương pháp đấu tranh đúng đắn đã có vai trò quyết định như thế nào trong việc làm nên thắng lợi của phong trào? 

- Tôi vẫn cho rằng, phải tùy theo từng thời kỳ, từng điều kiện cụ thể, mà tìm ra phương pháp đấu tranh hiệu quả, đừng rập khuôn. Ví dụ, tại sao Vĩnh Thạnh lại phát động quần chúng nổi dậy bất hợp tác, dời làng, khởi nghĩa từng phần, rồi tiến hành song song đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; trong khi Vân Canh không làm vậy. Bởi Vân Canh địa hình hoàn toàn khác Vĩnh Thạnh. Người dân Vân Canh sống nhờ vào ruộng đất bằng, xung quanh đồn địch, nếu cũng dời làng hoạt động bất hợp pháp thì sống làm sao. Do vậy, với Vân Canh, phương châm là “phá khu dồn, phá từng bước”.

Hay ở khu Đông, sau năm 1964, ta lật ngược thế cờ. Trước, ta mở ở phía Tây xuống, nay ta có thể mở phía Đông lên. Nhưng mở thế nào để địch bất ngờ? Vấn đề là phải phát động nổi dậy quần chúng, tạo sức mạnh quần chúng nổi dậy bên trong là chính, lực lượng vũ trang chỉ hỗ trợ nhỏ… Cho nên, phương pháp rất quan trọng. Nhưng yếu tố quyết định nhất, theo tôi vẫn là quần chúng, phải biết dựa vào quần chúng, phát động phong trào quần chúng.

* Ông vừa nói đến vai trò của quần chúng. Vậy trong thời kỳ xây dựng đất nước sau này và cả hiện nay, phương châm ấy, theo ông, vẫn còn đúng?

- Sau ngày giải phóng, tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình; sau đó, làm Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Lúc này, giữa thực tế và lý thuyết vẫn còn cách biệt, nhất là trong cải tạo HTX nông nghiệp. Khi ấy, tôi trực tiếp xuống tiếp xúc với dân, lắng nghe dân, tôn trọng những ý kiến đúng đắn của dân và có biện pháp để làm cho dân. Nói vậy là để khẳng định: bám vào dân, nghe dân là cách làm đúng đắn nhất. Tôi cho đó là một tiêu chí số một của cán bộ lãnh đạo. Ngay thời kỳ hiện nay cũng vậy. Tôi rất thấm câu nói: “Nguy cơ của một đảng cầm quyền là quan liêu xa rời quần chúng”. Nguy cơ xa rời quần chúng hiện nay chính là lãng phí, tham nhũng, quan liêu. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng hệ thống pháp luật, nhưng vấn đề là làm thế nào để dân hiểu pháp luật và lấy đó làm vũ khí đấu tranh chống căn bệnh tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

* Qua tháng năm, nhìn lại...

* Nhìn lại cuộc đời 62 năm hoạt động cách mạng của mình, ông tâm đắc nhất điều gì?

- Suốt cuộc đời tôi, tôi luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao. Tôi thường nói, mình phải thực sự “đầu đội thấu trời, chân đạp thấu đất”, tức là vừa nắm bắt Nghị quyết của Đảng, vừa phải sát dân, thì mới làm được việc. Kiểm điểm lại đời mình, tôi thấy mình đã thực hiện nghiêm túc lời Bác dạy: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. 

* Trong hồi ký “Ở lại với dòng sông”, tập I, ông nhắc nhiều đến người mẹ. Hẳn người mẹ có ảnh hưởng lớn với ông?

- Mẹ tôi thông minh lắm. Bà không đi học, vậy mà chữ Quốc ngữ, chữ Nho đều giỏi. Có lẽ, do một thời gian, mẹ tôi ẵm em, đứng chầu rìa ở một lớp học của thầy giáo đầu làng, nghe mà biết. Cũng do vậy, nên tuy đọc rất thông, nhưng bà lại không viết được. Cha tôi thì hiền, ông là xã trưởng, nhưng rất liêm khiết và thương người. Tính cách của tôi thì có lẽ thừa hưởng được nhiều từ mẹ. Nhất là cái tính khảng khái, dám làm, dám chịu, bất chấp gian nguy không hề sợ hãi; còn học ở cha là đức liêm khiết, thương người.   

* Với các con, trong kháng chiến, ông ít có điều kiện gần gũi để dạy dỗ. Còn sau này?

- Những ngày thoát ly, tham gia chống Pháp, một, hai năm tôi mới về thăm nhà được một lần; còn trong thời chống Mỹ, 21 năm, mấy đứa nhỏ sống ở miền Bắc, nên nói thật, trong ba đứa con, tôi chỉ ẵm thằng Tâm (Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Phó giám đốc Công an tỉnh - P.V) được mấy ngày. Năm 1974 gặp lại, mấy đứa nhỏ đã trưởng thành. Với các con, tôi cũng không hay rao giảng những bài học về luân lý, mà lấy hành động của mình làm gương cho các con. Tôi cố gắng viết hồi ký cũng là do vậy. Không có thì giờ để nói cho con, cho cháu về cuộc đời mình, nên tôi viết, cho con cháu đọc, rút ra được gì thì rút.   

Công việc thường nhật hiện nay của ông là đọc báo và viết hồi ký. “Việc đầu tiên trong một ngày của tôi là đọc báo. Mà tờ báo đầu tiên là Báo Bình Định”- ông nói. Ngày lại ngày, ông lại cần mẫn bên những trang bản thảo tập 2 “Ở lại với dòng sông” (tên cuốn hồi ký của ông). Và tất nhiên, lâu lâu  ông lại về thăm những bản làng Vĩnh Thạnh, nơi đã đùm bọc, chở che ông, nơi ông được mang cái tên “Bá K’ring”. Giọng ông chùng xuống: “Tết rồi, tôi không về được. Chắc lại có người nhắc”. Dường như, “cánh đại bàng” ngày nào vẫn luôn nhớ về rừng núi cũ. Nơi ấy, 62 năm…

  • Lê Viết Thọ(thực hiện)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giới tính thứ 3  (27/08/2007)
Bố Chi chữ thập Đỏ  (25/08/2007)
Lang băm chữa bệnh   (22/08/2007)
Trò chuyện với cô Ba Ngân  (18/08/2007)
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)
Mưu sinh trên đầm   (12/08/2007)
Truyền kỳ huỳnh đàn  (09/08/2007)
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)
Tháng năm còn đó nỗi đau...  (28/07/2007)
Làm thanh tra cũng đâu có dễ…  (28/07/2007)
Chuyện một người “đối thoại” với thiên nhiên   (17/07/2007)
“Quê hương đã hun đúc cái chất của tôi như hiện nay”  (14/07/2007)
“Đêm trước” ở Nhơn Hội  (09/07/2007)