Tôi tìm về Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) chẳng chỉ để tìm câu trả lời vì sao một cõi quê xa lắc trung tâm đô thị, xa lắc những nhà máy, công trường, chẳng hề có “phong trào công nhân” lại là nơi có chi bộ Đảng ra đời rất sớm, mà còn bởi âm vang về sức sống mới của một làng dừa giàu truyền thống cách mạng này...
|
Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi. Ảnh: Q.K
|
* Hạt giống cách mạng
Từ lâu địa danh Tam Quan đã trở nên hết sức quen thuộc không chỉ với người dân trong tỉnh mà còn cả với người dân trong nước bởi câu ca dao nổi tiếng:
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan.
Có lẽ thế mà nếu có điều kiện chạy dọc Quốc lộ 1 đến cực Bắc tỉnh Bình Định, không ai mà không ghi lại ấn tượng đẹp trong ký ức mình về một rừng dừa xanh tươi, ngút ngát. Đó chính là rừng dừa Tam Quan! Ở bên dưới rừng dừa ấy lại một địa danh khác: làng Cửu Lợi. Đây là quê hương của đồng chí Nguyễn Trân, người đảng viên Cộng sản đầu tiên ở Tam Quan và cũng là nơi khai sinh ra chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Hoài Nhơn, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Định mà chính người thanh niên yêu nước này là hạt giống.
Lịch sử chỉ vắn tắt: Nguyễn Trân là một thanh niên đầy nhiệt huyết, tư chất thông minh lại có điều kiện vào Nam ra Bắc, giao du rộng rãi nên sớm tiếp cận những thông tin về thời cuộc qua các sách báo cách mạng, đặc biệt là báo Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội...
Tuy nhiên có về làng dừa Tam Quan mới hiểu được rằng, từ trăm năm trước, chính mảnh đất quê này đã có thời tàu thuyền buôn bán tấp nập với đội ghe bầu khoảng 80 chiếc tung hoành trong Nam ngoài Bắc mang dừa quả, dầu dừa, đường, hạt cau khô, dây dừa... cập bến Sài Gòn, Thanh Hóa, Nam Định... để đưa về đây gạo, cá mòi, nước mắm...
Có phải chăng đây cũng chính là điều kiện để chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Trân tiếp cận với cách mạng, biến Cửu Lợi thành một trong những cái nôi của cách mạng? Để rồi từ đó tháng 2.1928 Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ra đời, tạo tiền đề cho tháng 8.1930, Chi bộ Cửu Lợi - một trong những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bình Định - thành lập! Và phải chăng cũng chính cơ sở đó mà hàng loạt nghề thủ công truyền thống được hình thành và phát triển trên mảnh đất này cho tới ngày nay.
Trải bao dâu bể, Tam Quan giờ thành 2 xã Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và thị trấn Tam Quan. Cửu Lợi thuộc xã Tam Quan Nam giờ cũng đã thành Cửu Lợi Đông và Cửu Lợi Tây.
|
Làng dừa Tam Quan Nam.
|
* Làng cá - làng dừa
Vào ngày cuối tháng 8.2007, Tam Quan Nam đón tin vui được tỉnh công nhận làng nghề thảm xơ dừa, còn làng nghề bánh tráng và bún số 8 cũng đã được xây dựng đáp ứng đủ các điều kiện và đang được tỉnh tiếp tục xem xét. Như vậy trong số 19 làng nghề truyền thống của cả tỉnh, Tam Quan Nam đã có đến 2 làng nghề. Tuy nhiên nền kinh tế của Tam Quan Nam lại không lấy tiểu thủ công nghiệp làm chính. Với số dân gần 13.000 người lại chỉ có 551 ha đất trồng lúa bởi phần lớn đất đều nhiễm mặn, nông nghiệp cũng không còn là chỗ dựa kinh tế của xã.
Ông Lê Xuân Bá, Bí thư Đảng ủy cho biết, trước đây 10 năm, cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp – ngư nghiệp rồi mới đến tiểu thủ công nghiệp nhưng giờ đã đổi khác. Tam Quan Nam đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế đẩy ngư nghiệp lên hàng đầu, tiểu thủ công nghiệp xếp hàng thứ hai còn nông nghiệp đã ở lại phía sau cùng.
Cả xã hiện có 164 phương tiện khai thác hải sản. Trong 6 tháng đầu năm nay, xã đã ước tính tổng sản lượng khai thác đạt chừng 1.012 tấn tôm, cua, cá các loại trong đó có 161 tấn cá ngừ đại dương và 352 tấn mực. Đó là chưa kể nghề khai thác tôm hùm giống cho các hộ doanh thu 762 triệu đồng! Về Tam Quan Nam những ngày này chỉ thấy phụ nữ và người già, phần lớn thanh niên đều ở biển khơi. Nghề nuôi trồng thủy sản cũng phát triển khá mạnh mẽ với diện tích thả nuôi gần 50 ha, cả nuôi riêng tôm thẻ chân trắng và nuôi lồng ghép tôm, cua, cá... theo chương trình nuôi thân thiện với môi trường cùng với 64 cơ sở sản xuất tôm giống...
Giống như nhiều làng biển khác, bài toán nan giải của Tam Quan Nam từ bao đời nay vẫn là việc làm cho phụ nữ. Con trai sau khi nghỉ học thường lấy biển làm kế sinh nhai còn phụ nữ không ít người vô công rồi nghề sinh bài bạc... Chính cây dừa với những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ dừa mở ra đã giúp Tam Quan Nam giải được bài toán khó này. Chỉ tính riêng 5 cơ sở đánh cước chỉ xơ dừa đã giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm phụ nữ lao động trực tiếp.
Theo anh Huỳnh Minh Ngọc, chủ cơ sở Ngọc Chung chuyên sản xuất thảm xơ dừa, thì Tam Quan Nam chính là nơi đặt nền móng đầu tiên cho việc sản xuất thảm xơ dừa mà người bắt đầu là ông Sáu Mẫn, ông Bảy Nhâm học “mót” nghề dệt thảm bằng dây đay ở Nam Định cách đây cũng đã 60-70 năm. Nghề dệt thảm thăng trầm cho đến giờ cũng chưa ổn định. Anh Ngọc kể, từ giữa năm 2006 trở về trước đó vài năm là thời điểm thịnh vượng của nghề dệt thảm xơ dừa. Lúc ấy cơ sở của anh sản xuất không kịp bán. Xe container lúc nào cũng chầu chực trước cổng nhà chờ nhận hàng... Còn bây giờ hàng đang gặp khó. Cơ sở của anh chỉ sản xuất cầm chừng và lấy mặt hàng sản xuất cước xơ dừa làm hoạt động chính.
Theo chân của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Ý, chúng tôi đến thăm hai cơ sở sản xuất cước xơ dừa của anh Lê Đình Bá và Thái Hồng Trâm. Cả hai cơ sở đều đang hoạt động nhộn nhịp. Anh Bá cho biết vừa trang bị một số máy đập vỏ và máy phân sợi mới. Sợi dừa phơi ngoài sân, sợi dừa đóng thành kiện... chất ngổn ngang. “Hiện giờ đây là mặt hàng “ăn” nhất, nó được xuất bán sang Trung Quốc để làm đệm và làm cả thảm nữa”, anh Bá cho biết.
|
Đan rổ xuất khẩu bằng dây chuối - nghề mới cho phụ nữ Tam Quan Nam.
|
Còn với anh Thái Hồng Trâm, là người khá đặc biệt. Sau khi xuất ngũ, trở về với hai bàn tay trắng, anh phải thu gom từng tấm thảm xơ dừa của bà con trong xã mang vào TP Hồ Chí Minh hoặc miền Tây bán kiếm từng đồng lãi rồi gom góp mua máy đánh chỉ xơ dừa, bắt đầu sự nghiệp... Vậy mà giờ đây mỗi năm cơ sở anh thu lãi đến hàng vài chục triệu đồng. Mới đây, anh được bầu chọn đại diện cho nông dân trong tỉnh đi dự Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.
Cây dừa Tam Quan tưởng đã không tồn tại nổi sau đạn bom và chất độc hóa học của chiến tranh nhưng rồi nó lại cứ lên xanh, tươi tốt. Sau năm 1975 cây dừa nào còn sống sót lại tiếp tục cất đầu cho trái và bao lớp dừa mới lại được trồng thêm lên. Dừa Tam Quan vì thế vẫn bạt ngàn.
“Giờ đây nhà nào có chừng 20 cây dừa thì đủ nuôi sống một đôi vợ chồng già”, Chủ nhiệm HTX 1 Tam Quan Nam Huỳnh Thanh Minh xác định. Hình như bây giờ người ta không bỏ đi cái gì từ dừa. Này nhé, vỏ dừa được chế biến lấy sợi làm thảm, làm đệm; bột vỏ dừa được pha chế làm đất sạch trồng cây; miểng dừa đang là thứ bán rất chạy vì được cắt nhỏ và chế tác đồ mỹ nghệ; cơm dừa nấu lấy dầu, làm xà phòng và nước dừa ngoài công dụng giải khát còn chế biến thành thạch dừa đóng hộp; cọng dừa được dùng đan lẵng hoa, xách hoa, xách đi chợ; thân dừa làm chiếu trúc, làm gạch ốp tường... Còn dưới tán lá dừa, người Tam Quan Nam lại trồng rau má, trồng cỏ cho bò lai...
Theo chân anh Huỳnh Thanh Minh, tôi đến trụ sở thôn Tăng Long 1 và được chứng kiến một lớp học nghề chế tác đồ mỹ nghệ từ miểng dừa với gần 100 chị phụ nữ đang say sưa thực hành cắt miểng dừa rồi dán và đánh bóng thành những con cá heo hay những chiếc hộp đựng mứt, con rùa... tuyệt đẹp. Thầy dạy nghề là nghệ nhân Trần Thanh Nguyên được rước từ xứ dừa Bến Tre ra. Tại một góc khác, các chị Đặng Thị Tuyết, Trần Thị Hoa... ở thôn Trung Hóa thì đang dùng sợi dây chuối bện những chiếc rổ hình ô van theo đơn đặt hàng...
Cả Tam Quan Nam giờ chẳng còn mấy ai chịu thất nghiệp! Có việc làm là có thu nhập, là tình nguyện đóng góp xây dựng quê hương. Chẳng thế mà 14 km đường trục của xã giờ đã xong bê tông hóa; trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện. Và có việc làm là có cuộc sống ổn định, là không có tệ nạn xã hội...
Và có lẽ thế, cái nôi của cách mạng này đã phát huy được truyền thống và giữ vững 11 năm liền Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh.
|