Tôi gặp đạo diễn Hoàng Ngọc Đình chúc mừng anh vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT, danh hiệu đầu tiên Bình Định có được từ nghề đạo diễn. Cuộc trò chuyện về chuyện đời, chuyện nghề hơn 2 giờ với anh đã được tôi sắp xếp lại thành bài viết sau.
|
Dựng vở Phạm Công Cúc Hoa. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Sân khấu và cuộc đời
Khi tôi hỏi NSƯT - đạo diễn Hoàng Ngọc Đình nói vắn tắt về nghề đạo diễn, theo suy nghĩ của anh chứ không phải các định nghĩa hàn lâm, anh nói ngay: “Đạo diễn là cầu nối cho sân khấu với cuộc đời và cuộc đời với sân khấu”. Hãy khoan bàn tới giá trị của câu nói này, chỉ thấy rằng mấy chữ suy nghĩ về nghề trên đã vận vào anh khá rõ. Sân khấu và cuộc đời. Niềm say nghề và những ngọt đắng. Ngay trên “đất dữ” của tiên tổ, hậu tổ hát bội Bình Định mà anh đã gắn bó hơn ba mươi năm, quê hương thứ 2 đúng nghĩa: quê nghề.
Rất dễ thấy Hoàng Ngọc Đình là một người say nghề. Hễ ngồi với nhau mà ai đó nhắc tới sân khấu, hát bội là anh hưng phấn hẳn lên và miên man không dứt về công việc, những hài lòng, day dứt về việc đã làm, chưa thể làm, những dự định trong tương lai. Ngoài khối lượng chuyên môn rất lớn ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (hơn 20 năm làm đạo diễn anh đã dàn dựng và phục hồi hơn 50 vở diễn), Hoàng Ngọc Đình đã lăn lộn nhiều với các sân khấu không chuyên. Và đã nhặt nhạnh được rất nhiều trên vùng đất mà người biểu diễn và người thưởng thức đều rất có nghề, rất am hiểu, đã từ lâu tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc nổi tiếng cả nước.
Bình Định và hát bội, sự gắn bó như một duyên nghiệp khi mà, những thành công của các kỳ hội diễn, liên hoan tầm quốc gia, những tác phẩm của anh vừa là những thành tựu chung của sân khấu truyền thống vừa mang phong cách không thể trộn lẫn của một Bình Định điêu luyện và tài hoa, ngang tàng và khí chất. Một Trần Dinh tuẫn tiết trong “Nỗi oan tình”, một Đào Duy Từ “ký thác” những lời cuối với Sãi Vương, một Tiết Giao trả nợ tình, một vua Quang Trung gánh trên vai cả giang sơn đè nặng trong “Trời Nam”… tất cả đều có sự hóa thân của chính anh, người đạo diễn táo bạo và đa cảm.
Mới đây, khi làm lại vở “Tây Sơn tụ nghĩa”, cùng với “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Trời Nam”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình đã có bộ sưu tập khá dày dặn về các anh hùng Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Anh mơ ước được làm một vở nữa về cuộc chinh Nam đại phá quân Xiêm là có thể hoàn tất một vương triều chói sáng nhất, bi tráng nhất của lịch sử dân tộc. Bộ 5 tác phẩm không chỉ là niềm tự hào của người Bình Định, của Nhà hát Tuồng Đào Tấn mà còn là của chính anh, ở khía cạnh nghề và còn như một sự hàm ơn mảnh đất nuôi dưỡng anh trưởng thành.
NSƯT- đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, quê Thanh Hóa. Học Trung cấp nghệ thuật trung ương Hà Nội. 1972-1975 về Đoàn tuồng Liên khu V. 1975-1979 về Bình Định, Đoàn tuồng Liên khu V và Nhà hát Tuồng Đào Tấn. 1980-1985 học đại học đạo diễn ở TP Hồ Chí Minh! 1986 về lại Nhà hát tuồng làm đạo diễn, rồi phó giám đốc nghệ thuật... |
Ngoài phục hồi vở “Sơn Hậu” (tương truyền là của tiên tổ - danh nhân Đào Duy Từ, một tiền bối người Thanh Hóa quê anh), Hoàng Ngọc Đình mong muốn hoàn tất trọn vẹn di sản đồ sộ của hậu tổ - danh nhân Đào Tấn. Lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, vở tuồng đặc sắc của cụ Đào “Diễn võ đình” đã được dàn dựng, công diễn, trong Kỷ niệm 100 năm ngày mất danh nhân Đào Tấn, bậc trí giả khắp nước về dự rất khen. Thêm một niềm vui cho người Bình Định, Nhà hát tuồng và cho riêng anh.
Trước đây mấy năm, một tỉnh bạn đã rất ưu ái mời anh nhập cư với những biệt đãi. Anh suy nghĩ rất nhiều rồi từ chối lời mời, kiên trì trụ lại Bình Định với nỗi niềm vừa hàm ơn vừa có chút hờn giận. Tôi biết anh ở lại để khẳng định mình ngay từ vị trí mấy mươi năm thi trải. Bản lĩnh và nỗi niềm rồi cũng được tôn vinh. Tất nhiên, chính danh được trân trọng vừa giải tỏa sự ngui ngút khôn nguôi của hai chữ danh phận lại đặt ra cho anh những ý thức trách nhiệm cao hơn với tư cách người nghệ sĩ!
* Làm được chút gì cho đời
Khi tôi hỏi nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn về tài năng và những đóng góp của NSƯT- đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, ông nói ngay niềm hân hoan ưu ái dành cho anh. Cái đồng cảm lớn nhất ông trân trọng ở tất cả những người trực tiếp, gián tiếp góp phần gìn giữ, tôn vinh sân khấu hát bội. Ông xúc động chắt chiu từng đóng góp dù nhỏ nên một vị trí quan trọng như Hoàng Ngọc Đình luôn là sự trân trọng thường trực. Ở khía cạnh này, ông thật sáng suốt.
Tôi vừa chia sẻ với ông vừa thật thích suy nghĩ “điều quan trọng là làm được chút gì cho đời” của đạo diễn Hoàng Ngọc Đình. Có thể cách nói hơi to tát một chút. Nhưng đó là ý nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm. Lao động nghệ thuật không phải ở những tuyên ngôn mà chính từ các đóng góp cụ thể và có ý thức chứ không phải được chăng hay chớ. Hoàng Ngọc Đình đã làm được đôi điều. Trước mắt anh còn rất nhiều việc, nhiều thử thách.
Bộ sưu tập huy chương vàng của đạo diễn Hoàng Ngọc Đình: 3HCV, 1 giải đạo diễn xuất sắc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, 5 HCV các hội diễn không chuyên toàn quốc và nhiều giải A Hội NSSK… Điều đáng nói là trong 20 năm liên tiếp các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, anh đã có 3 HCV và giải đạo diễn xuất sắc. |
Hoàn tất 5 vở về Tây Sơn, phục hồi toàn bộ di sản tuồng Đào Tấn, hoặc đưa lên sân khấu các anh hùng Bình Định khác, những nữ lưu nổi tiếng: Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa, Bùi Thị Xuân… các việc quan trọng này tin rằng anh và lực lượng hùng hậu, tâm huyết của Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ thứ tự làm được. Nhưng còn một chuỗi dài gian nan hơn: tiếp tục tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của hát bội trong tương lai, trong thời hội nhập, thời xã hội hóa nghệ thuật.
Hội thảo 100 năm ngày mất danh nhân Đào Tấn vừa rồi đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các bậc thức giả về một kế hoạch giáo dục, truyền thông, quảng bá các giá trị văn hóa Đào Tấn và hát bội. Với chức vụ quản lý: Phó giám đốc Nhà hát tuồng, chắc rằng anh và ban giám đốc sẽ có rất nhiều việc phải làm, và là một thử thách không nhỏ. Anh còn đang kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội VHNT Bình Định.
Vợ anh, chị Phương Châm, cũng đồng hương Thanh Hóa, đang làm ở bộ phận nghiên cứu, 2 con gái Phương Thúy, Thanh Bình đều hoạt động nghệ thuật, riêng Thanh Bình là diễn viên trẻ nhiều triển vọng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn; con trai Ngọc Dũng hiện theo học Đại học Âm nhạc Huế. Mỗi người một việc, gia đình anh đang dự phần trên lộ trình nhọc nhằn và vinh quang của hát bội Bình Định, VHNT Bình Định.
|