Người miệt biển ví von cái giống chình to lớn ở đại dương là “thuồng luồng” - loài linh ngư đã đi vào huyền thoại, cổ tích. Một ngày đẹp trời, tôi lên chuyến đò khách vượt trùng dương ra đảo Cù Lao Xanh (Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) để nhập cuộc đi “chà thuồng luồng”…
|
Mép đá nơi chình thường ẩn náu.
|
* Đối diện “thuồng luồng”
Gió chiều lồng lộng, tôi cùng anh Trương Thanh Hiền ở thôn Đông, xã đảo Nhơn Châu giong thuyền thúng ra biển câu cá hố - thứ mồi “khoái khẩu” của thuồng luồng. Chiếc thuyền thúng tròng trành trước những con sóng lớn được một lúc thì hai con hố cũng dính câu.
Anh Hiền đem hai con hố ra cắt khúc nhỏ và lấy thêm mớ cá cơm săn đánh lưới được lúc khuya rồi mang dụng cụ câu thuồng luồng lên đường. Dụng cụ câu chỉ đơn giản là một lưỡi câu bằng inox buột vào một đoạn dây cáp dài chừng 6 tấc. Phía trên nối với một đoạn cước dài chừng 1 thước, có con găng bằng gỗ cầm cho khỏi tuột và một lưỡi câu khấu (là móc thép vuông có chặt ngạnh) cột chặt vào một thanh gỗ để phụ cùng câu móc kéo chình lên khi chình dính câu.
Ba rưỡi chiều, chúng tôi nhằm hướng Lăng Bà thẳng tiến. Vượt qua bãi cát, vượt qua những gành đá ngổn ngang, trơn trợt dài đến rũ cả chân và bị hàu làm xướt tứa máu, chúng tôi mới đến được hang chình.
Mùa êm gió, vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, chình xuất hiện nhiều ở đảo Nhơn Châu. Có 3 loại chình thường gặp là: chình dừa (có màu xanh vàng như trái dừa), chình bông (có những chấm màu lam đen trên toàn thân trắng) và chình nghệ (có chấm đen nhỏ như hạt bắp trên toàn thân màu vàng). Chình biển thường sống và kiếm ăn ở những nơi có địa thế hiểm trở, những hang sâu trong gành đá... |
Anh Hiền lôi những khúc cá ra chà chình. Những miếng thịt của con hố chà vào đá cứ tróc dần ra. Chốc chốc anh Hiền lại vốc lấy ít nước biển tạt lên mép đá để thịt cá trôi xuống và lan ra vũng nước. Anh bảo: “Đi chà chình vào buổi chiều, thủy triều xuống, nước cạn dần, mồi sẽ không bị loãng, câu được nhiều hơn”.
Anh vừa mài cá vừa để mắt dưới nước để hễ phát hiện có chình là thả câu ngay. Vừa làm anh vừa giảng giải: “Giống chình rất ma mãnh. Có khi ăn mồi mà chỉ nuốt một nửa lưỡi câu; lúc mình giật cần câu lên khỏi mặt nước thì chình tuột ngay xuống biển... Cũng có khi nó chỉ ăn ngoài mép lưỡi câu, mình giật lưỡi không đau răng nó thì nó lẩn quẩn đâu đó dưới nước rồi cũng sẽ quay trở lại ăn tiếp mồi. Còn con nào mà ngậm lưỡi câu, mình giật trúng ê răng nó thì nó hoảng hồn bỏ đi mất dạng… Chình đớp mồi nhanh lắm. Nếu không kéo kịp lưỡi câu nó sẽ kéo mồi vào thẳng trong hang và cuốn mình thành hình chữ o, đuôi đập nước dữ dội, giằng co với mình rất khiếp. Để tóm được nó, mình cũng mệt bở hơi… Cũng có khi nó bám hang tốt, mình kéo không nổi đành bỏ lưỡi câu cho nó kéo xuống hang luôn”.
|
Khúc đuôi của một chính chình bông. |
Chờ lâu mà chưa thấy bóng dáng “thuồng luồng”, mây đen đã ập xuống lòng vòng trên đầu, sóng biển càng lúc càng mạnh, tôi đâm ra sốt ruột. Anh Hiền vẫn cứ ngược xuôi hai ngách hang mà kiên nhẫn chà cá. Bất chợt tôi nghe chân mình lành lạnh, đúng lúc, anh Hiền ngẩng đầu lên nhìn tôi. “Chết rồi, chân chảy máu, chình dễ bắt mùi. Cẩn thận!”. Té ra, những vết hàu chém bây giờ được dịp tứa máu trên phiến đá. Tôi nghe nhưng nhức.
Bỗng một con sóng to đập vào phiến đá, nước biển phủ lên người tôi. Chưa kịp hoàn hồn, anh Hiền đã thét lên: “Coi chừng, chình!”. Tôi ngoảnh nhìn một con “thuồng luồng” to bằng bắp đùi, dài cả sải tay đang nương theo con sóng, há hốc mồm với hai hàng răng nhọn hoắc phủ xuống cái tay đang cầm mấy con cá cơm săn của tôi. Tôi điếng người thả vội nắm cá ra, nhoài người sang một bên tảng đá thì nghe một cái “cộp”, con chình dữ đã trúng ngay một nhát gỗ thật mạnh của anh Hiền, nó oằn người lao thẳng xuống hang sâu. Cái đuôi màu xanh dừa tạo thành luồng xoáy nước bắn tung tóe ngược lên. Một mùi tanh tanh lan tỏa trong không khí.
Tôi vừa lạnh, vừa sợ, run cầm cập trên phiến đá. Anh Hiền bật cười ha hả như để trấn an tôi: “Hú vía phải không? Chình dừa đấy! Đúng là bất ngờ thật! Đợi lâu như thế, mình cứ tưởng không có chình, ai dè nó lẳng lặng qua ngách hang sau mà tấn công “người lạ” lần đầu đi câu chình. May mà nó chưa bập trúng tay đấy!”.
* Nhiều nguy hiểm
Dọc đường về, anh Hiền cho biết: “Loài chình rất hung hăng và ăn tạp nên cũng có lúc chúng tấn công người. Bởi thế, khi đi chà chình, nếu để tay sát mép nước, sẽ bị chúng đớp liền. Ở đảo này, có người đã câu được chình rồi mà vẫn bị chình cắn đấy! Đó là ông Hét ở thôn Tây, chuyên làm nghề mành rút. Ba năm trước, ông đi ghe, ngẫu hứng câu chình chơi. Ai dè, khi kéo nó lên ghe, bỏ xuống ghe rồi, ông không để ý, thế là bị chình đớp chân. Ông tức giận lấy cái cột chèo phang ngay mấy phát vào đầu, con chình nghệ hơn chục ký oằn qua oằn lại mấy bận mới chịu nằm yên…”.
|
Anh Hiền và dụng cụ câu chình. |
Với dân câu chình thì có hai cách câu. Cách thông thường là câu gành hay còn gọi đi “chà” chình (người câu dùng mồi cá tươi, tanh đem mài lên gành đá gần mép nước cho chình bắt mồi vào vị trí câu để câu) và cách câu thứ 2 là câu soi (người câu phải lặn xuống biển để quan sát và đưa lưỡi câu có mồi vào trước miệng chình). Với cách câu thứ hai người câu phải xả mồi lung tung để chình nghe mùi tanh mà rời hang. |
Trước khi có chuyến đi săn “thuồng luồng” này, tôi cũng đã được nghe các anh ở Trạm Hải đăng Nhơn Châu kể nhiều những nỗi hiểm nguy của nghề câu chình.
Anh Anh, Trưởng Trạm Hải đăng Cù Lao Xanh kể về chuyến đi câu gặp cá mập như thế này: Hồi năm 2002, có một hôm mình cùng 5 anh em nữa rủ nhau bơi qua một con lạch câu chình từ đảo Lớn sang Hòn Khô (Nha Trang). Mình mang kính lặn xuống thì thấy ở phía trước có cá mập bơi qua khu vực mình bơi. Con cá mập ấy to chừng 50-60 ký, mình một phen hú vía.
Còn anh Tú, Phó trạm, thì kể: Năm 1997, một lần đi câu chình ở bãi Đế đảo Hòn Tre - Nha Trang, một người bạn đi cùng anh bị con “thuồng luồng” ham mồi, tinh quái vòng ra sau hòn đá húc một phát mạnh vào mông khiến làm anh sợ quá, vứt cả lưỡi câu mà lẳng lặng đi về…
* Chình - thức ăn khoái khẩu
“Chiều nay không câu được chình, nhưng anh sẽ đãi em một bữa thịt “thuồng luồng” cho biết”. Trên đường về anh Hiền đã hứa như vậy. Về tới nhà, anh bảo chị gái lôi ngay khúc đuôi còn lại của con chình bông anh câu hôm qua ra làm món ca ri thết tôi. Chao ôi, thịt chình rất ngon. Anh Hiền cho biết: “Dân Sài Gòn chuộng chình biển lắm! Có người còn dặn đầu nậu bảo tui câu chình để họ mang vào trong đấy! Người Việt Nam mình ăn chình thường nạo sạch cái nhớt trên da. Nhưng với người Trung Quốc, thì nhớt của chình mới là quý. Hiện tại, chình tại đảo này có giá vài mươi nghìn đồng một ký nhưng khi vào nhà hàng thì còn cao hơn gấp mấy lần. Một ngày, người đi câu cũng kiếm được vài ba con chình, và cho dân đảo một khoảng thu nhập đáng kể.
Với những người không coi chình là nguồn thu kinh tế thì việc đi “chà thuồng luồng” lại mang lại những thú vui. Mùa trăng, năm bảy người túm tụm ra gành chà chình. Được chình rồi thì tổ chức vui chơi ngay trên gành đá. Mây trời sông nước, gió biển lồng lộng... thật chẳng còn gì thú bằng. Còn với các anh em trên Trạm Hải đăng Cù Lao Xanh, đi câu chình “đã” nhất là lúc trời êm bể lặng. Có hôm câu được một con thì thấy con khác ngóc lên mặt nước. Chình ham mồi, mà người câu cũng ham chình. Thú vị nhất là lúc chình cắn câu…
|