PGS-TS Diệp Đình Hoa, người gốc làng Cây Dừa (huyện Vĩnh Thạnh), là một trong những nhà khảo cổ học đầu ngành của Việt Nam. Tên tuổi của ông đã tỏa bóng, cả trên lĩnh vực khảo cổ học, dân tộc học, và đi tiên phong trong các tiếp cận liên ngành…
|
GS Diệp Đình Hoa (giữa) và vợ (PGS-TS Phạm Minh Huyên) cùng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đang tìm hiểm về trống Đông Sơn ở Bình Định. Ảnh: V.T
|
* Học khảo cổ do được... phân công
Trò chuyện với GS Diệp Đình Hoa, mới hay, cái “duyên” với sử học của ông, lại do được… phân công. GS Diệp Đình Hoa kể: “Năm 1954, tôi ra Bắc học theo tiêu chuẩn của tỉnh Lâm Đồng. Khi đó, tôi muốn học nghề y, bởi trong nhà có nghề thuốc gia truyền, cả ông nội rồi cha đều làm Đông y, nhưng má tôi lại không đồng ý. Lừng khừng như vậy nên đến đợt 3, tôi mới đi, nhưng lần này là theo học thủy điện, do tôi vốn giỏi toán.
Nhưng sang đến Học xá Nam Ninh thì thay vì học thủy điện, tôi lại được học văn, chuyên tâm mảng văn học Trung Quốc. Chuẩn bị đi học văn thì lại chuyển sang học sử ở Đại học Bắc Kinh. Hồi đó, học sử có hai người, một người sẽ học đồ đá cũ, một người sẽ học kim khí. Tôi được phân học về đồ đá cũ; nhưng người kia lại đổi, vậy là chuyển sang học đồ đồng, bổ sung thêm về cổ văn tự. Sau đó, tôi sang Liên Xô, nghiên cứu sinh sử học chuyên ngành khảo cổ học và bảo vệ luận án PTS (nay là TS) ở Đại học Matxcơva năm 1966".
GS Diệp Đình Hoa từng là Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học thuộc khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ cuối thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Giáo trình Cơ sở Khảo cổ học Việt Nam (viết cùng GS. Hà Văn Tấn và GS. Trần Quốc Vượng - Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1975) được coi là giáo trình khảo cổ học đầu tiên Việt Nam.
Sau khi chuyển sang Viện Dân tộc học, ông trở thành cây đại thụ tỏa bóng, từ cả khảo cổ học sang dân tộc học; từ gốm sứ học đến cổ tiền học, từ dân tộc học người Việt đến bảo tàng học; rồi lại xông xáo, đi tiên phong trong nghiên cứu liên ngành, trực tiếp khai phá các lĩnh vực mới của thế kỷ XX như dân tộc - thực vật học, dân tộc - sử học.
* Neo lại quê hương với “Làng Cây Dừa”
Cả cuộc đời nghiên cứu của GS Diệp Đình Hoa, do vậy, hết nghiên cứu từ trống đồng, qua gốm sứ; đến văn hóa người Dao, cây thuốc của người H’mông, dân tộc Ka Hủ…; ông lang thang từ miệt Tây Bắc vào tận Đồng Nai, Sóc Trăng, hay về miền Trung… Dẫu vậy, cuốn sách đồ sộ nhất, ông dành nhiều tâm lực nhất, lại về chính cái ngôi làng nơi quê cha đất tổ của mình. Đó là cuốn “Làng Cây Dừa” (tập 1: Măng Lung, 903 trang; tập 2: Dân tộc lịch sử xã Bình Quang 1945-1975, 770 trang), do Nxb. Khoa học Xã hội ấn hành, năm 2004.
GS Diệp Đình Hoa tâm sự: “Làng cây dừa, nay thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, là quê cha đất tổ của tôi. Cho dù, tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nhưng làng Cây Dừa vẫn là một miền quê luôn thao thức trong tôi”. Đọc “Làng Cây Dừa”, nhiều người hết sức “nể” vị GS đã hơn 70 tuổi này. Không chỉ ở sự sâu sắc về kiến thức - điều hiển nhiên với một nhà khoa học như ông - mà trước hết, là sự am tường, cụ thể, đến từng con dốc, đoạn đường, từng địa danh ở vùng núi phía Tây Bình Định này; rồi cả những bài thuốc của đồng bào, những phong tục của người dân sống hai bên sông Kôn... mà có lẽ, ngay nhiều người cả đời sống ở đây, cũng không nắm rõ như ông.
“Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, sao ông biết rõ về quê cha đất tổ như vậy?”- tôi hỏi. “Tôi biết rõ là nhờ sau này, khi chạy tản cư, năm 1947, tôi về Bồng Sơn học trung học. Những tháng hè, tôi chọn Vĩnh Thạnh làm nơi công tác hè, đi làm thuế nông nghiệp, dạy bình dân học vụ. Do đi khắp nơi, nên tôi biết được nhiều; lại tham gia làm thuế nông nghiệp nên tôi nắm rất rõ về ruộng đất, làng xã ở đây…”- GS Hoa kể.
Nhưng những tư liệu ấy cũng chỉ góp một phần nhỏ làm nên hai tập đồ sộ này. Phần còn lại, ông phải huy động cả họ hàng, anh em, bà con vào khâu làm tư liệu. GS Hoa cho biết, cuốn sách này ông dự định in 3 tập, nhưng hiện mới in được hai tập, còn một tập dành riêng viết về trống đồng ở Vĩnh Thạnh hiện chưa in.
* Và tìm nguồn gốc trống Đông Sơn ở Bình Định
Với “Làng Cây Dừa” và nhiều bài viết khác đã công bố trong các kỳ Hội nghị Khảo cổ học Toàn quốc, GS Diệp Đình Hoa là một trong những người đầu tiên khẳng định tính bản địa của trống Đông Sơn tìm thấy tại Bình Định. Cũng cần nói thêm, Bình Định là một trong những trung tâm của những chiếc trống đồng loại I Heger. Hầu hết các trống Đông Sơn ở Bình Định được tìm thấy ở khu vực “làng Cây Dừa”. Riêng gò Cây Thị, trong phạm vi 200m2, đã phát hiện tới 6 trống và việc tìm thấy hai trống Heger I chôn úp vào nhau trong một ngôi mộ ở đây là trường hợp duy nhất từ trước đến nay.
PGS.TS. Diệp Đình Hoa, quê gốc Bình Định, sinh năm 1932 tại Lâm Đồng. Bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Sử học, chuyên ngành Khảo cổ học tại Đại học Matxcơva năm 1966, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1982. Từ 1961 đến 1982: công tác tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Hà Nội; sau đó, công tác tại Viện Dân tộc học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). |
Cơ sở để GS Diệp Đình Hoa đi tới sự khẳng định trên, bên cạnh những chỉ dẫn khảo cổ học, còn là sự vận dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên vào nghiên cứu trống đồng, cụ thể là phương pháp đồng vị chì, phương pháp được coi là tiên tiến nhất hiện nay. Qua đối chiếu giữa mẫu đồng có chứa chì và mẫu địa chất, GS Hoa khẳng định: trong vùng phát hiện được trống Đông Sơn ở Bình Định có đủ các loại quặng cần thiết để đúc trống: quặng thiếc, quặng đồng, quặng chì kẽm. Qua kết quả phân tích hàm lượng các thành phần hợp kim trong trống Đông Sơn ở Bình Định, chúng ta có thể kết luận rằng chúng đã được đúc từ việc sử dụng các nguồn quặng địa phương.
Từ phát hiện trên, Giáo sư Diệp Đình Hoa cho rằng: “Vùng Cây Dừa vào thời đại kim khí là một trong những trung tâm khai khoáng, luyện kim mà tác phẩm đặc trưng là trống đồng Heger I, một hiện vật biểu trưng của nền văn minh Đông Sơn… Chủ nhân trung tâm luyện kim, khai khoáng này không ai khác, đó là những tổ tiên xa xưa của người Ba na hiện nay”.
Sau khi khẳng định tính bản địa của trống Đông Sơn ở Bình Định, một vấn đề nữa được đặt ra: thợ đúc trống là từ Đông Sơn vào hay tổ tiên của người Ba na hiện nay. GS Hoa nhận xét: “Trống Đông Sơn ở Bình Định được đúc với kỹ thuật luyện kim kém phần điêu luyện, kém phần tinh tế, chất lượng hợp kim đồng cũng không được hoàn thiện cho lắm. Sự kém cỏi về mặt kỹ thuật này cho chúng ta một tiêu chí để nhận định rằng chúng không được chế tạo bởi những bàn tay vàng của các người thợ thuộc văn hóa Đông Sơn. Sự kém cỏi về mặt kỹ thuật cũng hình thành một tiêu chí dể khẳng định tính địa phương”.
* Vỹ thanh
Phải nói thật là những trang sách của GS Diệp Đình Hoa không dễ đọc, nhất là với độc giả tay ngang như tôi. Nói như GS Trần Quốc Vượng thì GS Diệp Đình Hoa có lối viết nửa vời, nửa chừng, rồi buộc ai cũng phải nghĩ. Nhưng tiếp xúc với GS Diệp Đình Hoa, mới thấy hết độ sâu sắc trong những suy nghĩ của ông, từ chuyện cải họ theo họ mẹ của người đàng Trong, đến đánh giá về ý nghĩa của khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, rồi thành lũy trấn biên ở Bình Định - Quảng Ngãi… Ở ông, ta vừa đọc thấy cái phóng khoáng của con người biển cả (Bình Định) lẫn cái đĩnh đạc của người trung du (Đà Lạt).
Những ngày cuối tháng 8 này, GS Hoa và vợ (PGS-TS Phạm Minh Huyên, một chuyên gia về trống Đông Sơn), đã về Bình Định, để khảo sát về trống Đông Sơn ở Bình Định. Gặp lại ông, bạn ông là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, sảng khoái đọc cho tôi nghe câu đối viết tặng ông: “Ngã môn đồng tuế hựu đồng hương, tứ thập niên tiền đồng thị Bắc Kinh lưu học sĩ/ Thế cuộc phiên phong hoàn phiên vũ, thất sư tuần hậu phiên thành Hà Nội thác cư ông” (Bọn ta cùng lá lại cùng quê, trước bốn mươi năm, cùng đến Bắc Kinh lưu học sĩ/ Cuộc thế chợt mưa rồi chợt gió, hơn bảy chục tuổi, chợt vì Hà Nội thác cư ông). Xin mượn câu đối ấy làm lời kết cho bài viết này.
|