Treo đời bên vách đá
10:22', 17/9/ 2007 (GMT+7)

Sáng sớm, khi vạn vật vẫn còn chìm trong sương mù, những thợ chẻ đá xây dựng đã có mặt tại các mỏ đá bắt đầu cuộc “vật lộn” với đá núi để mưu sinh…

 

Nguy hiểm nhất là chẻ những tảng đá lớn ở lưng chừng núi. Ảnh: Văn Lưu

 

* Đá đổ mồ hôi

Bình Định có rất nhiều núi đá, nằm rải rác khắp nơi. Đó là nguồn sống từ bao đời nay của bao người. Chẻ đá xây dựng là một trong những nghề khai thác đá thu hút đông đảo lao động từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tìm về các mỏ đá để mưu sinh. Dọc theo triền núi Hòn Chà thuộc xã Phước An, Phước Thành (Tuy Phước); phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn); dãy Sơn Triều, núi An Trường (An Nhơn); đèo Bình Đê (Hoài Nhơn); núi Bà (Phù Cát)… là những nơi tập trung lượng người khai thác đá nhiều nhất.

Khác với chẻ đá xuất khẩu (cần gia công tỉ mỉ trong việc tạo hình khối), công việc chẻ đá xây dựng đơn giản hơn: chỉ cần đục đá tách ra theo kích thước mẫu với hình dáng tương đối. Theo chân đoàn người lỉnh kỉnh những búa, xà beng, mũi de…, chúng tôi có mặt tại bãi đá núi Hòn Chà (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) từ sáng sớm. Họ - những người làm nghề chẻ đá - hầu hết đều có sức khỏe bền bỉ bởi phải vung tay búa suốt ngày trên những tảng đá. Ngoài ra, muốn đạt hiệu suất công việc,  thợ chẻ đá phải có kinh nghiệm chọn lựa tảng đá, tìm thế ngồi, vị trí đặt những mũi de... sao cho việc chẻ đá thuận tiện, điểm lăn đá nhanh gọn và bảo đảm an toàn. Đó là chưa nói đến việc tính toán cách chẻ từng loại sản phẩm để tận thu. Bởi thế, muốn trở thành thợ chẻ đá thành thạo phải mất cả năm trời bám theo một người thợ giỏi nào đó để học nghề.

Về trưa, cái nắng chói chang trên đầu, những người thợ chẻ đá vẫn gò lưng đánh đu với những tảng đá lớn. Bụi đá mù mịt, tiếng búa bổ chát chúa ầm ĩ cả góc núi, những đốm lửa tóe ra từ mũi de, kẽ đá rồi những giọt mồ hôi thấm ướt những chiếc áo bạc màu, lăn dài trên cán búa. Nhưng mặc tất cả, ai nấy đều làm việc cật lực, chỉ thỉnh thoảng mới thấy họ ngừng tay giải lao.

Anh Trần Ngọ ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), có thâm niên gần 20 năm làm nghề chẻ đá cho biết: “Làm nghề chẻ đá cực nhất và nguy hiểm nhất là khâu chẻ những hòn đá lớn còn nằm trên lưng chừng núi. Khi đã “hạ” được những tảng đá lớn xuống rồi thì phần chẻ ra những viên đá thành phẩm sẽ dễ dàng hơn”. Vì vậy, ở công đoạn này chỉ dành cho những người chẻ đá ít có kinh nghiệm hơn. 

Ông Tô Văn Vàng (anh em trong nghề thường gọi là Bảy Ngọc), 48 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), người có 17 năm làm nghề chẻ đá tại bãi đá núi Hòn Chà, tâm sự: “Làm ra cục đá không dễ ăn đâu, đổ mồ hôi, chai bàn tay… không may, có khi mất mạng…”. Bảy Ngọc giơ đôi bàn tay và chỉ cho chúng tôi đếm hơn 10 vết sẹo tím đen. Đó là những mảnh sắt từ các mũi de khi chẻ đá bị mẻ ghim vào tay. 17 năm làm nghề, Bảy Ngọc đã giúp đỡ, đào tạo cho cả trăm thanh niên thất nghiệp đến với nghề và có thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó anh em ở bãi đá núi Hòn Chà rất quý mến Bảy Ngọc.

So với những công việc lao động chân tay thì hiện nay nghề chẻ đá cho thu nhập khá cao. Đối với chẻ đá xây dựng, mỗi ngày thu nhập từ 80.000 đến 90.000đồng/người; còn chẻ đá xuất khẩu thu nhập từ 100 đến 120 ngàn đồng/người.

 

Những người chẻ đá đều “tay trần, chân đất, mặt trơ” phó thác cho sự may rủi... Ảnh: Văn Lưu

 

* Đối diện với rủi ro

Anh Trần Hữu Vinh, 37 tuổi, ở thôn An Sơn, xã Phước An (Tuy Phước), tâm sự: “Mặc dù nghề chẻ đá cho thu nhập khá cao, giờ giấc làm việc cũng thoải mái nhưng lại là nghề cực nhọc và nguy hiểm nhất trong các loại nghề”. Theo lời anh kể, hầu như năm nào cũng có người chết hay bị thương vì đá lở, đá lăn đè lên người. Đầu năm 2007, cũng tại khu vực núi Hòn Chà, anh Lê Trung T ở Tuy Phước sau khi chẻ được tảng đá lớn ở lưng chừng núi, ngồi nghỉ ngơi thì bất ngờ những tảng đá lớn khác lăn xuống đè anh bẹp dí. Các anh N ở Phước Sơn, H ở Phước Thành, Q ở Phước An (Tuy Phước)… cũng đã mất mạng vì làm nghề chẻ đá.

“Có trường hợp không chết ngay mà bị thương tật làm khổ cả nhà.” - anh Hòa, người làm chung bãi đá với anh Vinh, chen vào. Rồi anh kể hoàn cảnh đáng thương của anh Tuấn, ở xã Cát Thành (Phù Cát). Trong khi chẻ đá ở núi Chà Cả, thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành thì một tảng đá từ trên vách sập xuống đè vào hai chân, phải tháo hai khớp chân. Nhiều thợ chẻ đá đã bị đá lở đè trúng làm giậäp mật, lá lách, gan, phổi... phải mang thương tật suốt đời.

Hầu hết những người làm nghề chẻ đá không học qua trường lớp nào về kỹ thuật khai thác mỏ. Anh Hòa cho biết: “Kinh nghiệm thôi, tai nạn của người này chính là bài học cho người khác. Làm nghề chẻ đá chúng tôi sợ nhất là trời mưa, trời mưa là nghỉ việc, là đói. Cũng có một số anh em vì miếng cơm manh áo mà trời mưa cũng đi làm, nhưng làm lúc trời mưa tai nạn rất dễ xảy ra”.

Ấy là chưa kể đến hàng loạt bệnh tật khác do bụi đá, tiếng ồn, như đau mắt, lao phổi, điếc… Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi Bình Định, mỗi năm có 10.000 lượt người đến khám bệnh phổi tại bệnh viện, trong số đó có đến 20% là bệnh nhân trực tiếp làm nghề khai thác đá. Đa số những người này thuộc diện nghèo không có BHYT nên không chịu đến khám định kỳ, chỉ khi bị bệnh nặng mới chịu đi khám nên việc điều trị gặp không ít khó khăn.

Mặc dù tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật luôn rình rập với những người làm nghề chẻ đá, nhưng hầu như họ không quan tâm mấy đến vấn đề bảo hộ lao động. Theo các thợ chẻ đá, làm nghề này nếu đeo bao tay thì khó cầm được búa, mũi de mà chẻ đá; còn đeo khẩu trang vào thì thiếu oxy không thể vươn búa lên được. Vì vậy chỉ còn cách “tay trần, chân đất, mặt trơ” và phó thác cho sự may rủi…

 

Nghề chẻ đá rất nặng nhọc nhưng cũng đã thu hút nhiều phụ nữ ở nông thôn không có việc làm đến với nghề. Ảnh: Văn Lưu

 

* Cần có sự quản lí

Được “mục sở thị” nghề đá và trò chuyện trực tiếp với những người làm nghề chẻ đá, chúng tôi không khỏi băn khoăn vì việc khai thác đá ở hầu hết các bãi đá trên địa bàn tỉnh đang bị thả nổi, mạnh ai nấy làm, chưa có sự quản lý và chịu trách nhiệm của cấp, ngành nào. Chính vì vậy mà việc khai thác đá vô tội vạ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm sa bồi, thủy phá nhiều diện tích đất sản xuất. Thậm chí, nhiều nơi tình trạng khai thác đá trái phép cũng đã xâm phạm các quần thể di tích lịch sử…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã (HTX) sản xuất đá xây dựng Bình Đê, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) là một trong số đơn vị hiếm hoi được thành lập từ những người làm nghề chẻ đá tự phát. Theo ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ nhiệm HTX, sau khi thành lập, đã tập hợp được 200 người làm nghề chẻ đá tự do vào HTX. Công việc của những người chẻ đá ổn định hơn, mức thu nhập bình quân từ 1,1 triệu - 1,2 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ an toàn lao động được quan tâm, một số khâu trước đây chỉ làm thủ công không những mất sức và nguy hiểm đến tính mạng cũng được HTX đầu tư mua máy móc để thay thế sức người. Điều quan trọng, trước đây, khi còn “mạnh ai nấy làm” thì hầu hết họ không được chủ thầu các bãi đá mua bảo hiểm lao động. Giờ đây, khi đã vào HTX, các chế độ xã hội đều được quan tâm để họ yên tâm làm việc.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người con của “làng Cây Dừa”  (15/09/2007)
Một chuyến săn chình  (10/09/2007)
Điều quan trọng là làm được chút gì cho đời  (08/09/2007)
Âm vang làng dừa  (03/09/2007)
Cánh “đại bàng” của núi rừng Vĩnh Thạnh  (01/09/2007)
Giới tính thứ 3  (27/08/2007)
Bố Chi chữ thập Đỏ  (25/08/2007)
Lang băm chữa bệnh   (22/08/2007)
Trò chuyện với cô Ba Ngân  (18/08/2007)
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)
Mưu sinh trên đầm   (12/08/2007)
Truyền kỳ huỳnh đàn  (09/08/2007)
Khóc núi An Trường  (06/08/2007)
Bộ trưởng phải biết… cách làm bộ trưởng  (04/08/2007)
Nóng bỏng nạn khai thác gỗ trắc ở Vĩnh Thạnh  (30/07/2007)