Từ nhiều năm nay, chị Châu Ngọc Cẩm miệt mài, âm thầm giúp đỡ những số phận kém may mắn bằng những đồng tiền lương giáo viên của mình và những khoản thu nhập của chồng. Thế nhưng, khi đề nghị dành cho chúng tôi một cuộc chuyện trò về ... “chuyện giúp người”, chị giãy nảy từ chối: “Mình có làm được gì đâu!”. Phải thuyết phục và kèm theo thỏa thuận “không làm lớn chuyện”, chúng tôi mới có được cuộc gặp gỡ này.
|
Chăm sóc vườn rau là công việc thường ngày mà chị Cẩm yêu thích. Ảnh: N.D
|
* Có người cầu phúc nhưng không tạo phúc
* Là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân cho học sinh trong độ tuổi chuẩn bị bước vào đời, chị lưu ý nhất cho học sinh điều gì?
- Lòng thương người, đầu tiên là phải biết kính trọng thương yêu cha mẹ, người thân và phải gần gũi với mọi người trong cộng đồng. Điều đáng sợ nhất là trong thời đại công nghiệp, con người ta tất bật với công việc, với toan tính mà thiếu quan tâm đến người thân, xa lạ với láng giềng, đồng nghiệp và lạnh lùng trước những cảnh đời bất hạnh.
* Học trò của chị nghĩ như thế nào về lòng thương người?
- Tuổi mới lớn ngày nay hiếu động hơn ngày trước, nhưng nếu giảng giải cho các em hiểu mục đích cao cả của lòng thương người, thì chuyển biến tâm lý của các em cũng rất tích cực. Một trường hợp rất cảm động, cách đây 2 năm, một người tên Công, ở tỉnh Bến Tre, bị liệt 2 chân đã viết thư cho mình với nguyện vọng giúp vốn để mở một bàn bán vé số nuôi thân. Sau khi đọc bức thư này, cả lớp 10X của mình đã vận động gom góp giúp cho Công một số tiền đủ vượt qua khó khăn; sau đó lớp thường nhận được thư của Công, với tình cảm đầy xúc động.
* Chị tâm đắc điều gì trong nghề nghiệp của mình?
- Mình rất thích triết học duy vật biện chứng Mác- Lênin từ khi còn sinh viên, bây giờ môn dạy của mình cũng áp dụng những điều cơ bản trong học thuyết này. Tuy nhiên mình lại thích thuyết nhân- quả của kinh Phật hơn. Bởi trong thực tế có những kết quả xấu, chưa hẳn do người ta suy nghĩ và hành động không tốt mà còn có nhiều yếu tố rủi, may; nhưng nếu mình tích đức thì nhất định mình sẽ được phúc, bởi mình mang lại an ủi phần nào cho người khác dù là nhỏ nhoi, nhưng phải bằng hành động cụ thể. Có những người rất thành tâm với một tôn giáo nào đó, luôn cầu phúc cho bản thân và gia đình, nhưng lại không tạo phúc cho người khác bằng những việc làm cụ thể. Mình nghĩ nếu gieo “nhân lành” tất sẽ được hưởng “quả ngọt”.
* Làm việc thiện là cho để nhận
* Chị làm từ thiện từ thời gian nào?
- Mình không nhớ đâu! Ban đầu thì những món tiền mọn chia sẻ với một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, thông qua bưu điện; dần dần liên hệ với một vài tổ chức bảo trợ xã hội, ban từ thiện của các báo. Đặc biệt là nhờ bộ phận công tác từ thiện - xã hội Báo Bình Định mà mình đã gắn bó chia sẻ với nhiều hoàn cảnh rất thương tâm.
* Gia đình chị tương đối thành đạt, phải chăng đây là điều kiện tốt để chị hoạt động từ thiện?
- Ồ! Phần đóng góp của mình nhỏ nhoi, có đáng kể gì đâu. Gia đình mình kinh tế chỉ vừa đủ sống. Chồng mình chỉ là chủ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, mình là giáo viên lâu năm nên lương tương đối ổn định, giúp đỡ người khó qua cơn ngặt nghèo thì có gì đáng nói. Quan trọng là mọi người cùng chung tay “lá lành đùm lá rách, lá rách bao bọc lá rách hơn” để giúp họ vượt qua số phận.
* Trong vòng 1 tuần vừa qua, thông qua bộ phận từ thiện - xã hội Báo Bình Định chị đã giúp 1,7 triệu đồng cho 4 trường hợp đặc biệt khó khăn, số tiền đó từ lương đấy chứ?
- Vâng! Toàn bộ lương tháng 9 của mình, chỉ tiếc rằng thu nhập của cá nhân mình không cao.
|
Những lúc rỗi chị Cẩm thường tìm hiểu những thông tin về các trường hợp đặc biệt khó khăn. Ảnh: N.D |
* Chi phí cho gia đình thì sao?
- May mà ông xã cũng rất đồng tình và ủng hộ việc làm từ thiện của mình. Mọi chi phí cho gia đình ông xã lo hết, thậm chí mình còn tiết kiệm một phần mua sắm cá nhân, để giúp đỡ ngay cho một hoàn cảnh nào đó đang rất khó khăn mà báo Bình Định vừa nêu. Nói thật khi đọc báo thấy nhiều hoàn cảnh thương tâm quá, đọc để biết thì thấy áy náy, không ngủ được, mà ra tay giúp đỡ thì mình không đủ sức. Riêng báo Bình Định là tờ báo hàng ngày mình đọc trước tiên; nhưng nếu gặp trường hợp khó khăn mà mình không kịp thời giúp đỡ, không có điều kiện giúp đỡ, hoặc vận động bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ là mình thấy xót xa rồi.
* Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong hoạt động từ thiện - xã hội của chị?
- Năm 2005, tại Hội chợ “Thành tựu kinh tế tỉnh Bình Định”, có chương trình hoạt động từ thiện gây quỹ “Tương thân tương trợ”, Ban tổ chức Hội chợ có bán đấu giá một số vật phẩm dành cho quỹ này, trong đó có quả bóng đá có chữ ký của các cầu thủ Bình Định, vừa vô địch Cúp quốc gia. Vợ chồng mình có mang theo sẵn 20 triệu đồng và tham gia mua đấu giá quả bóng này. Khi chỉ còn lại mình và một doanh nghiệp khác trả giá, mình đã trả mức 39,5 triệu đồng, người kia trả 40 triệu. Mình nghĩ có thể trả cao hơn một ít nữa là có thể sở hữu được nó, nhưng đúng lúc đó một ý tưởng khác chợt đến khiến mình phải chọn lựa. Mình quyết định nhường cho người khác mua quả bóng với giá 40 triệu đồng, mình dùng 20 triệu đồng mang theo sẵn để ủng hộ quỹ “Tương thân tương trợ”, vị chi là quỹ sẽ được 60 triệu đồng, nếu mình mua được quả bóng thì số tiền gây quỹ sẽ thấp hơn nhiều. Ban đầu ông xã tiếc lắm, vì ông xã rất mê bóng đá, nhưng nghe mình giải thích ông xã thấy phải nên cũng ưng bụng.
* Chị quan niệm thế nào đối với việc tương thân ái trợ?
- Làm từ thiện là cho để nhận. Mình cho người khác tấm lòng, để họ được chia sẻ phần nào những bất hạnh gặp phải; có nghĩa là mình đã nhận được một việc làm có ích, nhận được sự cảm thông mang tính chất tình người.
* Và chị có một gia đình hạnh phúc?
- May mắn là những đứa con của mình rất ngoan, chăm học và quan tâm đến hoạt động từ thiện của người lớn. Cháu trai đầu đang học kiến trúc năm thứ 4, thỉnh thoảng cũng xin tiền giúp đỡ các bạn học nghèo, bé út học lớp 7 cũng thường quan tâm đến mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Bình Định và các báo khác. Ông xã mình thì đam mê hoạt động thể thao, nhất là bóng đá phong trào và hoa kiểng; vừa ủng hộ, tạo điều kiện tích cực cho mình làm công tác xã hội.
* Chị tham gia hoạt động từ thiện cho đến bao giờ?
- Mãi mãi và tùy theo khả năng từng lúc. Theo mình hoạt động từ thiện - xã hội phải huy động được nhiều người cùng chung tay.
* Chị nghĩ thế nào trường hợp của thầy giáo Nguyễn Như Văn, ở thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn bị TNGT, chấn thương sọ não và tàn phế; hoặc một số học sinh bị bệnh hiểm nghèo; nếu ngành giáo dục phát động quyên góp mỗi học sinh, giáo viên mỗi người một khoản tiền rất nhỏ thì có thể giúp thầy Văn và các trường hợp khác vượt qua khó khăn hoạn nạn?
- Rất đồng tình với anh. Dù một doanh nhân, một cá nhân giàu có đến đâu cũng không thể trang trải, giúp đỡ cho nhiều số phận được. Sự yêu thương đùm bọc của cộng đồng là bền vững nhất.
* Cám ơn chị về cuộc gặp gỡ này và cảm ơn tấm lòng nhân hậu của chị!
- Chị Châu Ngọc Cẩm, sinh năm 1961, địa chỉ 96 Ngô Mây, TP. Quy Nhơn; -Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khoa Sử - Chính trị năm 1984; giáo viên Trường THPT Trưng Vương từ năm 1984 đến 1992, giảm biên chế xin dạy hợp đồng tại Trường THPT Nguyễn Thái Học, năm 1999 trúng tuyển công chức; năm 2001 đến nay là giáo viên Trường Quốc Học Quy Nhơn;
- Là bạn đọc thường xuyên giúp đỡ các trường hợp khó khăn được nêu trên báo Bình Định từ nhiều năm nay;
- Chồng là anh Lê Thanh Quang, chủ DNTN Nam Ngân (ngành xây dựng và Garage Thanh Ngọc). | |