Truyền thuyết Tà Kơn
20:13', 6/10/ 2008 (GMT+7)

Lần theo những truyền thuyết kỳ thú, chúng tôi tìm về làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) để được tận mắt chứng kiến những dấu vết còn lại của thành cổ Tà Kơn, nơi được cho là một mật cứ của nhà Tây Sơn, đang “yên ngủ”…

 

Những phiến đá rơi trên tường thành.

 

Chị Hơ Đan, Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh nói: “Thành cổ Tà Kơn đẹp lắm nhưng chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào và cũng chưa hề có một kế hoạch bảo tồn nào từ phía ngành văn hóa hoặc chính quyền địa phương…. Đến nay thành cổ cũng chỉ là một khối đá khổng lồ, nhiều nơi đã bắt đầu sạt lở”.

* Hùng vĩ giữa đại ngàn

Theo con đường “chăn nuôi” của đồng bào Ba na rộng chừng 4 tấc, chúng tôi leo lên những con dốc “đầu gối chạm ngực” nối tiếp nhau. Vừa đi, anh Đinh Khuất, Xã đội phó xã Vĩnh Sơn, vừa kể chuyện: “Những năm trước, con đường này gọi là “đường lâm tặc” bởi bọn lâm tặc luôn tìm về khu thành Tà Kơn để khai thác đại thụ. Khi lâm tặc bị đuổi đi, con đường này được gọi là đường “chăn nuôi” (bởi bà con làng Kon Blo hay dắt heo, dắt bò theo con đường này xuống thả ở thung lũng dưới chân thành Tà Kơn).

Theo con đường lên cao, rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ hiện dần ra. Đến một khoảng rừng bằng phẳng, anh Đinh Khuất kể: “Tổ tiên người Ba na ở làng Kon Blo có nhiều người đi làm phu xây thành Tà Kơn. Để đến nơi làm việc, họ phải đu người trên một sợi dây dài dễ có đến hàng trăm mét, từ núi Kon Hray băng qua suối Trú đến thành. Vị trí bằng phẳng này là nơi tổ tiên chúng tôi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc. Từ đây có thể nhìn thấy con suối Trú ở dưới và thác Dakda, nơi vị công chúa Bia Tơni xinh đẹp thường tắm. Và mỗi khi công chúa tắm, mặt trời trên đỉnh núi tỏa sáng, mặt nước rực rỡ những sắc cầu vồng”.

Dấu tích đầu tiên của thành cổ mà chúng tôi được nhìn thấy là những nấc thang bằng đá cao chót vót. Chung quanh là vô số những tảng đá lớn nằm chồng chất lên nhau. Anh Khuất tiếp tục câu chuyện của mình: “Khi đi xây thành Tà Kơn, người làng Kon Blo mang theo dao, rựa… Đến nơi, nhà vua mang ra những hòn đá mài đặc biệt và dao, rựa được mài từ những hòn đá này dùng chặt đá xây thành. Một lần, có người làng đem dao, rựa chặt đá xây thành chặt thử hòn đá trước nhà, thì dao, rựa bị gãy làm đôi. Chính vì vậy những hang sâu còn lại trong thành Tà Kơn được giải thích là do những người đời sau đi tìm đá mài của 2 vua Trum, Trăm đào bới, nhưng chẳng ai tìm được. Những hòn đã mài linh thiêng ấy chỉ phục vụ cho việc xây thành Tà Kơn mà thôi!”.

Cuối cùng thì thành cổ Tà Kơn cũng đã sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ trên đỉnh thành nhìn xuống, những hố sâu rợn ngợp, bức tường thành toàn những phiến đá khổng lồ chất chồng theo một đường thẳng đứng. Phải trườn mình qua từng phiến đá, bám tay vào những dây leo, chúng tôi mới thấy hết sự hùng vĩ của Tà Kơn. Mỗi phiến đá hình lục lăng, hình hộp mài nhẵn xếp chồng lên nhau như được gắn với nhau bằng một thứ vữa vô hình. Cứ thế, đá xếp thành bức tường thành cao đến hai, ba chục mét. Đôi chân anh Khuất bước trên những tảng đá bám vào dây leo đi thoăn thoắt, nếu không chờ đợi chắc anh đã bỏ chúng tôi lại giữa đường. Nhìn anh, tôi cứ nghĩ ngày xưa tổ tiên của anh cũng đã từng đi như thế để xây thành, nhưng chẳng thể hình dung được làm sao người ta có thể vận chuyển được những hòn đá to để ghép chúng lại với nhau?

 

Một góc kết cấu của thành Tà Kơn.

 

Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om. Theo lời anh Khuất thì hang đá này là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành nơi có nhà ở của 2 vua Trum, Trăm. Hiện dưới thung lũng vẫn còn dấu tích nhà rông bằng đá của 2 vua. Sinh thời, khi còn sống dưới thung lũng, 2 anh em Trum, Trăm nuôi nhiều gia súc, nhất là trâu và ngựa.

Những năm trước, thanh niên trong làng Kon Blo rủ nhau cầm đuốc vào sâu trong hang đá cũng chỉ phát hiện toàn những dấu chân trâu, bò. Bây giờ hang đá này bị sập, những phiến đá đã chặn mất cửa ra vào. Do vẻ đẹp hùng vĩ lôi cuốn, chúng tôi cứ “đu” người trên những sợi rễ cây rừng khá to mà men theo tường thành để thưởng thức tuyệt tác Tà Kơn. Anh Đinh Khuất cho biết: “Chưa một đoàn khách nào đi hết tường thành này. Người Ba na đã quen đường nhưng muốn đi hết cũng phải mất một ngày. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thành cổ Tà Kơn trở thành căn cứ địa của Bộ đội giải phóng vào những năm 1961, 1962”.

* Truyền thuyết Tà Kơn

Theo già Đinh Chương, Bí thư Chi bộ làng Kon Blo, Tà Kơn tiếng Ba na có nghĩa là “chồng lên nhau” ý muốn nói đến sự chồng xếp của những hòn đá. Tà Kơn xưa kia vốn là ngôi nhà của 3 anh em: Trum, Trăm và Bia Tơni (một vị công chúa xinh đẹp). Một vị vua xứ khác tên là Bok Tơpơnka có ý định cầu hôn Bia Tơni nhưng vì “ác”, không được công chúa yêu nên 2 người anh đã từ chối lời cầu hôn. Không cưới được Bia Tơni, vua Bok Tơpơnka nảy sinh ý chiếm đoạt nàng, liền kéo quân đánh thành Tà Kơn. Khi quân đánh thành kéo đến thì mặt trời đã sắp tắt nên 2 vua giữ thành liền bảo với Bok Tơpơnka rằng: “Cũng đã muộn rồi, để chúng tôi nấu cơm cho binh lính của ngài ăn lấy sức mai đánh”.

Thế rồi vị vua giữ thành sai người lấy sừng trâu nấu với bí đao thật nhuyễn rồi phân phát cho binh lính địch.  Ăn xong, nước sừng trâu nguội, cô quánh lại làm thắt ruột binh lính của Bok Tơpơnka và họ đồng loạt lăn ra chết. Bok Tơpơnka định bỏ chạy thì 2 vị vua Trum, Trăm giữ lại, đòi tỉ thí phân định hơn thua mà không dùng đến vũ khí. Đầu tiên, mỗi bên thả ra 1 con sóc, con nào kêu to hơn là bên ấy thắng. Con sóc của Bok Tơpơnka “bị câm” nên vị vua giữ thành thắng. Sau đó mỗi bên thả ra 1 con gà trống và chỉ con gà của vua Trum là gáy được nên Bok Tơpơnka lại thua. Tiếp đến là mỗi bên trồng 1 cây chuối, vừa trồng xong là cây chuối của vua Trum ra hoa còn cây chuối của Bok Tơpơnka cứ đứng rũ…

 

Người dẫn đường dưới chân thành Tà Kơn.

 

Bị thua bẽ mặt, Bok Tơpơnka tiếp tục huy động binh lính đánh thành và đã bị 2 anh em Trum, Trăm chặt làm 3 khúc. Nhưng Bok Tơpơnka lấy đầu ngựa gắn vào đầu mình, lấy thân thuyền làm bằng đá gắn vào làm chân của mình và sống dậy. Hai vị vua Trum, Trăm hoảng loạn phá thành, đạp nóc nhà và bỏ chạy về hướng biển Đông rồi biến mất, còn công chúa Bia Tơni đi về đồi Kon Sơrut (làng K2, xã Vĩnh Sơn), giờ nơi ấy người ta gọi là Vườn cam Nguyễn Huệ. Sau đó, người làng Kon Blo không biết gì về 3 anh em nhà vua nữa. Nhưng hàng năm người làng đều mang đến thành Tà Kơn 1 con dê để cầu xin 3 anh em nhà vua bảo hộ cho dân làng.

Khác với truyền thuyết của người Ba na, nhiều người dân tại địa phương cho rằng thành cổ Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa. Ông Tô Thành Việt, Phó ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, một người rất am tường lịch sử địa phương, cho rằng: “Theo tôi, thành Tà Kơn chính là mật cứ mang tính chiến lược của nhà Tây Sơn. Lúc chưa phất cờ khởi binh, Nguyễn Nhạc từng đi buôn bán trầu dọc theo sông Kôn đến nơi đây. Khi 3 anh em chiêu binh mãi mã, người Ba na hưởng ứng rất mạnh mẽ và đã cùng với anh em nhà Tây Sơn dựng nên thành cổ này để làm mật cứ.

Những năm đầu khởi binh, 3 anh em nhà Tây Sơn từng ở Vĩnh Thạnh để tiếp cận với bầy ngựa hoang ở Hòn Cong (huyện KBang - tỉnh Gia Lai) mà thuần phục chúng phục vụ cho quân đội. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Nhạc cũng đã lấy 1 người thiếp, con gái của 1 già làng người dân tộc Ba na ở làng Tú Thủy (An Khê - Gia Lai), được gọi là cô Hầu. Thành Tà Kơn là cứ điểm bí mật cao nhất của Tây Sơn thượng đạo, phía dưới đó, dãy núi thuộc địa bàn thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn còn có căn cứ ém quân của quân Tây Sơn để chuẩn bị chiến dịch đánh Phủ thành Quy Nhơn giờ được gọi là Núi Ông Bình, Núi Ông Nhạc (theo tên của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc). Dưới đó 1 chút nữa, chỗ Cầu 15 (thuộc Quốc lộ 19) lúc bấy giờ là nơi phát lương cho quân binh Tây Sơn nên bây giờ người ta gọi là núi Phát Lương. Hơn nữa, theo dòng lịch sử dân tộc, tại vùng Bình Định này từ xưa đến nay chưa có vị anh hùng dân tộc nào khởi nghĩa ngoài anh em nhà Tây Sơn nên có thể khẳng định thành Tà Kơn là do nhà Tây Sơn xây dựng. Ngoài 3 anh em họ ra, không một ai đủ sức để xây một thành trì hoành tráng như thế”.

Thành cổ Tà Kơn vẫn đang ngủ vùi trong những truyền thuyết và đang “đợi” các nhà nghiên cứu và ngành chức năng “đánh thức”.

  • Châu Kim
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện cuộc đời của ông “Nghìn việc tốt”  (28/09/2008)
“Vâng, tôi là một người có HIV”  (27/09/2008)
“Bác sĩ” của… muỗi  (22/09/2008)
Ân Hữu - mảnh đất anh hùng  (15/09/2008)
Từ góc nhìn của một “người trong cuộc”  (13/09/2008)
Hy vọng mới ở xóm lặn hàu  (08/09/2008)
Lộ Diêu hôm nay  (01/09/2008)
Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình  (30/08/2008)
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)
Hồn hậu Quy Hòa  (18/08/2008)
Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn  (16/08/2008)
Về Hoài Sơn  (11/08/2008)
Vì những mùa vàng bội thu  (09/08/2008)
Nỗi lòng “bông huệ trắng”   (02/08/2008)