Màu xanh trên cát trắng
10:11', 6/10/ 2008 (GMT+7)

Hạ tuần tháng 9 vừa qua, Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định) đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho 15 văn nghệ sĩ của Chi hội về huyện Phù Cát. Chuyến đi đã đem đến những khám phá bất ngờ đối với anh em sáng tác văn học từ một vùng đất ngỡ đã quá thân quen…

 

Cây hành và cây đậu phụng đã đưa Cát Hải lên xã 80 triệu/ha/năm. Ảnh: V.Đ.T

 

* Những màu xanh bạc tỉ

Ngay buổi tiếp kiến đoàn đầu tiên, tại hội trường Văn phòng UBND huyện, các anh Võ Đức Thọ, Chánh văn phòng UBND huyện; Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện đã cung cấp những nét khái quát về một Phù Cát vốn nghèo, đang từng bước chuyển mình. Câu phương dao “Khen cho Hòa Đại có tài/ Nấu một lon gạo nồi hai cũng đầy” có thể tóm lược được cái nghèo chung của vùng đất ruộng không phì nhiêu và chỉ có bạt ngàn cát trắng. Ngay chiều này, sau cơn mưa tầm tã, chúng tôi đã được anh Hùng đưa đi tham quan các trang trại cây ăn quả và vườn rừng. Những bất ngờ nối tiếp khi tận mắt nhìn thấy ý chí và trí tuệ con người: sự không cam chịu và khát vọng đổi đời đã biến vùng đất nắng nung cát bạc màu cỏ không mọc nổi thành bạt ngàn xanh cây trái, xanh rừng suốt triền xã tây đường: Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Lâm…

Ở trang trại xoài cát Hòa Lộc của anh Nguyễn Ngọc (thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh), chúng tôi ngạc nhiên khi nghe anh giải thích quy trình “3 trong 1” độc đáo và hiệu quả. Trong diện tích 4 ha xoài, anh nuôi thêm 700 vịt đẻ và mấy con bò lai. Vịt được chuyển rông đều dưới bóng xoài. Phân vịt vừa đủ cung cấp cho đất bạc màu, mỗi năm tiết kiệm 10 triệu đồng các thứ phân lân, kali, đạm cho cây. Nước phân vịt tắm (trong các bể lót bạt) bơm tưới đều cho cây con vườn kế cận. Ngoài rông vịt, cỏ mọc xanh sau khi chuyển vịt đi, tha hồ cột bò ăn no cả ngày. Năm rồi, 2 ha xoài lớn của anh đã cho doanh thu hơn 100 triệu đồng!

Xoài, ngoài thị trường trong tỉnh, đã vào nam ra bắc. Riêng Cát Hanh đã có 30 hộ đầu tư vườn xoài cát như anh Ngọc. Để có được chất lượng xoài loại 1 từ 70-80% có giá cao không dễ. Ngoại trừ các yếu tố phân, nước, xoài cũng tỉa cành như cà phê, tới thời điểm đón bông, xẻ da bơm thuốc ức chế sinh trưởng cho hoa ra đều, rồi tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu còn những xử lý sát hợp để hoa đậu quả… Những quy trình này đã được các chủ vườn am hiểu và luôn cập nhật những thông tin mới. Đã qua lâu rồi thời “lão nông tri điền”, cuộc vươn lên làm giàu của người nông dân bây giờ luôn gắn với khoa học kỹ thuật, thị trường.

 

Đoàn thực tế sáng tác nghe anh Nguyễn Ngọc giới thiệu về trang trại xoài cát Hòa Lộc 3 trong 1 của mình. Ảnh: K.H

 

Rời vùng cây ăn quả, chúng tôi đến với các vườn rừng ở Cát Hiệp, Cát Lâm. Những vườn điều vẫn gắng gỏi xanh trong nỗi niềm rớt giá. Nhưng bao phủ giăng giăng vẫn là sức sống mới của rừng keo lai mướt xanh đến 5.000 ha. Ông Nguyễn Văn Xích, tổ công tác dự án WB3 Cát Lâm dẫn chúng tôi qua bạt ngàn rừng keo mới trồng chưa giáp năm rồi vào hẳn mênh mang rừng trồng 3 năm tuổi. Mọi người ngỡ ngàng cảm nhận sức sống diệu kỳ của giăng trải đến lạc lối tán xanh miên man sức người trên nền cát trắng dưới chân và cùng vui mừng khi nghe thông số thu hoạch 70-80 triệu đồng/ha. Dĩ nhiên ngoài nguồn vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, người nông dân phải đầu tư đến 10 triệu đồng mỗi ha. Rừng không nhanh chóng đem lại sự giàu có nhưng bền chắc. Người có điều kiện đầu tư cả trăm ha như ông Trần Hùng (Cát Lâm), mỗi năm thu hoạch tiền tỉ! Là nói khai thác theo kiểu “ăn xổi” hướng dăm giấy. Nếu khai thác tỉa 2/3, còn lại nuôi hướng gỗ sẽ còn đem lại lợi nhuận cao bội phần.

* Quen- lạ những làng nghề

Chữ “làng nghề” nghe đến nhàm trên các phương tiện thông tin đại chúng vậy mà khi về phía đông đường 1A, Cát Tường vẫn bất ngờ đón chúng tôi bằng những ngạc nhiên thích thú khi nơi đây có hàng loạt nghề thủ công lâu đời, có tiếng. Kể sơ nhé: làng cốm bầu, làng nón ngựa, làng bánh tráng, làng nhang, rồi vạt giường, chõng tre, nong nia thúng mủng… Tất cả mọi sản phẩm nêu trên đều đi khắp mọi miền. Cũng cần nói thêm rằng Cát Tường là một trong chín xã trên toàn quốc được chọn xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch Việt Nam! Ấy là chưa kể nơi đây còn là vùng đất vang danh gánh hát bội đồng ấu được truyền dạy nghề từ gánh hát Bầu Đắc tên tuổi một thời. Người nơi đây thuộc làu từng câu hát, từng cách diễn các lớp tuồng xưa.

Không đủ thời gian đến hết các làng nghề, chúng tôi chọn về Phú Gia- nón ngựa và đến thẳng nhà nghệ nhân Đỗ Văn Lang, người vừa góp phần cho Festival Tây Sơn- Bình Định một mảng làng nghề truyền thống và làm ngạc nhiên du khách, bè bạn về nghề thêu hoa văn trực tiếp lên chiếc nón trứ danh. Nhà ông có 4 người làm nghề, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Với danh hiệu nghệ nhân làng nghề, khoảng thu nhập ấy không gọi là nhiều với thời giá hiện nay nhưng so với lao động khác trong làng cũng không thể coi là ít. Và cũng không thể coi là ít vì vượt xa chuẩn nghèo quy định nhưng lại không nhiều vì, so với công phu, kỹ thuật nghệ thuật và sự độc đáo của sản phẩm làm quà tặng sang trọng trong các lễ hội nhiều nơi trên đất nước.

 

Tác giả (giữa) trò chuyện cùng anh Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện và anh Nguyễn Văn Xích, chủ vườn rừng keo lai 4 năm tuổi ở Cát Hiệp. Ảnh: K.H

 

Ngay cái tên Cát Tường hoặc điểm giao dịch Gò Găng cũng không mấy ai biết dẫu đó là nơi xuất xứ của chiếc nón xinh xắn mà họ cầm trên tay. Chiếc nón đặt hàng có thể 1,2-1,5 triệu đồng và chiếc nón hàng 80.000 - 120.000 đồng chỉ đủ nuôi sống người làm nghề. Lợi nhuận lớn luôn nằm ở các khâu trung gian, nhà buôn. Không cách nào cải thiện được tình hình. Một nhà báo từng về đây và viết bài Ẩn dụ Cát Tường, liệu có ẩn dụ gì không khi thực chất chỉ là chung quanh mấy chữ kinh tế thị trường với những hiển nhiên phải chấp nhận? Vấn đề là, có cơ quan chức năng nào, hiệp hội nào can thiệp và hỗ trợ hợp lý để làng nghề không chỉ là danh xưng hình thức khi nhắc tới đặc trưng một vùng đất, nó còn là một địa chỉ phồn vinh.

Chúng tôi, mỗi người mua một vài cái nón, người về treo trang trí như một tác phẩm nghệ thuật, người về tặng các bà mẹ (mẹ mình và mẹ vợ) rồi lưu luyến chào cái làng đặc sắc một sản phẩm rất Việt Nam với chút ngui ngút lòng cố hữu của văn nghệ sĩ rằng, hy vọng một ngày nào đó những tay nghề, làng nghề truyền thống sẽ có cuộc sống khấm khá hơn.

* Tình xanh

Mười lăm anh em trong đoàn và một số bạn bè thêm ngạc nhiên trong cuộc giao lưu đêm thơ nhạc với thầy trò trường PTTH Phù Cát 1 dù, với đặc thù nghề nghiệp của mình, chúng tôi đã từng giao lưu nhiều, trong tỉnh ngoài tỉnh. Cuộc giao lưu đã được trưởng đoàn và đại diện trường làm việc trước chặt chẽ, đến mức nghe phổ biến, chúng tôi hơi bực mình. Nghĩ rằng, giao lưu phải là những ngẫu hứng, hòa nhập đầy bất ngờ không nên khuôn mẫu. Nhưng cũng đành chấp nhận, đây là môi trường sư phạm, thôi chiều ý quý thầy cô. Cuộc gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ của trường hóa ra trang trọng hơn dự định với sự tham dự của gần 500 học sinh và giáo viên. Những bài viết bài phát biểu về văn học Bình Định, về tác giả, tác phẩm, nhà văn và thầy giáo, học sinh; thơ và nhạc và những tâm sự chia sẻ; văn học và nhà trường… đã có một đêm Phù Cát hòa nhập chủ khách trọn vẹn. Thành viên đoàn là giảng viên Đại học Quy Nhơn vui gặp lại học trò đang là thầy cô, thành viên khác vừa là cán bộ UBND huyện, vừa chủ vừa khách, cũng lại là học trò cũ của trường, mấy lời giới thiệu và anh đứng lên chào đã được hoan nghênh nồng nhiệt.

 

Rông vịt dưới tán xoài - một cách làm kinh tế hiệu quả trên đất cát. Ảnh: L.H.L

 

Cuối buổi giao lưu, các nhà thơ nhà văn lại ngạc nhiên vì nhiều em học sinh gặp xin chữ ký. Nhiều nhất chắc là nhà thơ Mai Thìn, anh đã xuất hiện trên sân khấu đầy ấn tượng với bài thơ Ngày em lên xe hoa, lại quyến rũ các em bởi anh từng các em nghe tiếng qua chương trình “Quà tặng âm nhạc” ở Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Cũng có vài anh em lần đầu biết cảm giác tặng chữ ký (dĩ nhiên trừ chữ ký tặng sách), có thể các em rồi quên ngay việc làm ngưỡng mộ (hoặc đồng bóng) của mình, nhưng thấy bạn tôi ai cũng vui, xúc động ký, ôi, cám ơn các em! Chắc rằng sẽ là kỷ niệm đẹp cho người làm văn chương. Rồi số phận, tài năng mỗi người sẽ có định vị khác nhau nhưng đêm giao lưu thật đáng nhớ.

Vòng về chúng tôi chủ động đi theo lộ 639. Trong đoàn có nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên, nhiều người muốn đến vùng quê Cát Hải của anh, cái “Làng cõng 3 đèo gió cát” rồi “làng gỡ 3 đèo” nhờ con lộ nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang đậu phộng, trồng hành nổi tiếng trên báo không thua gì thơ anh. Và nhất là cùng đến đốt nén hương tưởng niệm người mẹ vừa qua đời của anh cách đây mấy tháng mà vì nhiều lẽ, anh em chưa có dịp viếng kịp. Nhà thơ tài hoa và nhiều tật này lặng rưng nước mắt. Anh đứng tiễn chúng tôi như tượng, nhỏ dần, phía sau là nền núi Bà hùng vĩ, nhỏ bé một hình hài và mỏng mảnh, dễ vỡ một hồn thơ.

Tạm biệt Phù Cát xanh, xanh những nguồn lực, niềm tin yêu và những tấm lòng, cả lặng lẽ suối khoáng Hội Vân, nơi ăn chốn ở!

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền thuyết Tà Kơn  (29/09/2008)
Chuyện cuộc đời của ông “Nghìn việc tốt”  (28/09/2008)
“Vâng, tôi là một người có HIV”  (27/09/2008)
“Bác sĩ” của… muỗi  (22/09/2008)
Ân Hữu - mảnh đất anh hùng  (15/09/2008)
Từ góc nhìn của một “người trong cuộc”  (13/09/2008)
Hy vọng mới ở xóm lặn hàu  (08/09/2008)
Lộ Diêu hôm nay  (01/09/2008)
Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình  (30/08/2008)
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)
Hồn hậu Quy Hòa  (18/08/2008)
Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn  (16/08/2008)
Về Hoài Sơn  (11/08/2008)
Vì những mùa vàng bội thu  (09/08/2008)