GS. vật lý Nguyễn Thị Quê Hương là con gái đầu của nhà văn Nguyễn Thành Long, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Marshall (Virginia, Hoa Kỳ). Dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng trong bà vẫn lưu giữ những ấn tượng đẹp đẽ về quê nội Quy Nhơn. PV Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với GS. Quê Hương…
|
GS. Quê Hương cùng hai con trai.
|
* Bố luôn ở trong trái tim tôi
* Nhà văn Nguyễn Thành Long là một người nổi tiếng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Điều gì ở bố làm bà ấn tượng nhất ?
- Bố tôi là người pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Cái cách bố dạy chị em tôi đọc sách thể hiện rõ nhất điều đó. Từ bé, tôi và Hoa Hồng được tự do lục cái tủ sách của bố, thích đọc cái gì thì đọc. Nên từ 7, 8 tuổi, chúng tôi đã ngốn hết cả những Pauxtovski hay Lev Tolstoi… Đọc hết tủ sách của bố, thỉnh thoảng, chúng tôi lại: “Bố ơi, hết sách rồi!”. Thế là bố lại lững thững đi bộ đến Hội Nhà văn, lúc về thế nào cũng cầm vài quyển sách mượn ở Thư viện của Hội về cho các con.
Thế nhưng, bố cũng “ghê” lắm. Không phải cái gì bố cũng cho đọc đâu. Buồn cười, một hôm tôi và Hoa Hồng đạp xe ra hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở đường Tràng Tiền, gặp lúc người ta bán thanh lý sách cũ. Hai chị em thích quá, lục lọi say sưa, chọn mua được mấy tập sách hay. Trên đường quay ra, thấy cả bộ “Kim Bình Mai” bán mỗi 5 hào, hai chị em chặc lưỡi mua về. Bố về, nhìn thấy, bố hỏi ngay là ở đâu ra. Chúng tôi bảo, chỉ có mỗi 5 hào đấy bố, bọn con vừa mua về, rẻ không. Bố quát: “Không phải sách gì cũng đọc, không phải cái gì rẻ cũng tha về nhà…”.
* Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nhà văn, gia đình người chú toàn là nghệ sĩ (GS. Bích Ngọc, NSND. Trà Giang, nghệ sĩ Ngọc Trà). Thế nhưng bà lại theo con đường khoa học. Bà có thể nói gì về sự chọn lựa này?
- Nhà tôi có hai chị em gái. Ngày còn bé, hai chị em tôi đều viết văn được, thường xuyên có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn các cấp. Nhưng bọn tôi cũng thích toán, lý. Còn bố, bố không thích con đi nghề văn. Bố bảo: “Nghề văn là nghề cực nhọc. Con đi nghề khác đi, rồi sau này, nếu thực là có tài, lúc nào con viết cũng được, đâu nhất thiết phải theo nghề văn”. Bố còn bảo: con đi theo ngành khoa học tự nhiên là tốt đấy. Hai cộng hai bằng bốn con à…
GS. Nguyễn Thị Quê Hương sinh năm 1960 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Vật lý (ĐH Tổng hợp Kishinev - Liên Xô cũ) năm 1981, bà về công tác tại Trung tâm Vật lý Lý thuyết (Viện Vật lý). Năm 1992, bà bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Vật lý, năm 2001 bảo vệ luận án Tiến sĩ tại New York (Mỹ). Năm 2005, bà là Giáo sư vật lý tại Đại học Marshall, chuyên ngành nghiên cứu vật lý lý thuyết chất rắn, ngành hẹp là Lý thuyết các bán dẫn siêu mỏng và vật liệu nano. |
Thi đại học, ngày ấy được chọn ba nguyện vọng. Cả ba nguyện vọng tôi chọn đều là vật lý. Với tôi, vật lý lý thuyết là sự kết hợp hài hòa giữa toán và văn, là khoa học nhưng lại đầy chất lãng mạn. Mẹ thì nài nỉ tôi đi y, giống mẹ. Nhưng tôi thì sợ máu nên dứt khoát không chịu. Đến trường, cô giáo dạy văn biết tôi thi vào vật lý, rất giận. Rồi, chẳng nhớ trong những bức thư viết về nhà hồi học đại học ở Liên Xô tôi đã kể những gì, mà đến cô em Hoa Hồng cũng mê vật lý. Sau này, hai chị em cứ đùa: Chẳng biết sao trong cái nhà toàn nghệ thuật của bố lại “nảy nòi” ra hai đứa làm vật lý. Và rồi, cũng như là nghiệp chướng, đã đi nghề khác rồi đấy, nhưng lại vẫn là nghề phải viết nhiều. Và nữa, cũng không hẳn là lúc nào hai cộng hai cũng là bốn…
* Hình như người bố có vai trò rất quan trọng trong đời sống của bà…
- Đúng vậy. Trong quãng đường dài học tập và làm việc nơi xứ người, có lúc thành công, có lúc mệt mỏi. Mỗi khi nản lòng, tôi lại nhớ lời bố: “Nếu việc dễ, ai cũng làm được thì cần mình để làm gì?”. Rồi, từ lúc nào, tôi thấy mình đã “nhiễm” cái bệnh của bố, là cứ lúc nào không làm được việc gì lại thấy mình “giống như cái giẻ rách” như ngày xưa bố thường hay nói. Bố luôn ở trong trái tim tôi…
* Ở đâu cũng là làm khoa học
* Được biết, cuối tháng 7.2008 bà đã về nước tham gia công việc tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 39, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Bà có thể nói rõ hơn công việc của mình ở kỳ thi này?
- Về nước tham gia Olympic Vật lý, tôi ở trong Hội đồng Biên soạn Đề thi. Nguyên tắc của kỳ thi Olympic Vật lý là thi ở nước nào thì nước ấy ra đề, nhưng phải thông qua trước Hội đồng Quốc tế với sự có mặt của trưởng và phó đoàn các nước tham gia. Đề thi được biên soạn từ trước bởi các nhà vật lý ở Việt Nam. Nhóm của tôi ở nước ngoài về có trách nhiệm nghiên cứu đề thi, sửa đổi nếu cần thiết; sau đó trình bày, bảo vệ đề thi trước Hội đồng Quốc tế. Tất cả Ban Biên soạn đều bị cách ly một tuần để làm việc này. Việc thông qua này rất quan trọng vì nếu Hội đồng Quốc tế phản đối hoặc không thông qua, tức là Việt Nam sẽ phải thay đề thi khác. May mắn là đề thi đã được thông qua nhanh chóng. Đề thi của Việt Nam năm nay thật hay và công việc của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp.
* Là một trí thức ở nước ngoài thường tham gia những hoạt động giao lưu với các nhà khoa học ở Việt Nam, bà có suy nghĩ, đề xuất gì để tăng cường sự giao lưu này?
- Theo tôi, một mặt nên tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ trong nước đi học, cả ngắn hạn và dài hạn, ở nước ngoài, để tăng cường kiến thức. Mặt khác, các trường đại học trong nước nên có các hình thức liên kết hợp tác với các trường đại học ở nước ngoài, cử học sinh Việt Nam sang đó học, mời các giáo sư nước ngoài về thỉnh giảng một số môn; tăng cường sự hợp tác nghiên cứu giữa các phòng thí nghiệm cũng rất cần thiết…
* Làm việc ở nước ngoài liệu có cản trở gì đến việc cống hiến cho nền khoa học nước nhà không, thưa bà?
- Tôi nghĩ không có cản trở gì lớn. Làm khoa học thì ở đâu cũng là làm khoa học thôi. Ở đâu, mình cũng là người Việt Nam. Và nếu mình làm tốt công việc của mình, thì mình cũng góp phần làm vinh dự cho quê hương, đất nước mình - tôi nghĩ thế. Ở nước ngoài, chúng tôi có điều kiện làm khoa học hơn, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải cố gắng để làm được cái gì đó cho đất nước.
* Sẽ đưa các con về thăm Quy Nhơn
|
GS. Quê Hương (phải) cùng em gái tại Paris. |
* Thông thường, những người thành công trên bước đường khoa học đều có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Điều đó có đúng với trường hợp của bà?
- Không biết những người khác thế nào, riêng tôi, tôi thấy gia đình có vai trò rất lớn đối với sự thành công của mỗi người, chứ không riêng gì giới khoa học. Thuở nhỏ, tôi may mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc. Lớn lên, đồng hành trên bước đường khoa học còn có em gái tôi, Nguyễn Thị Hoa Hồng, hiện là TS. vật lý đang làm việc tại Đại học Tours (Pháp). Chồng tôi, TS. tin học Nguyễn Quốc Anh đang làm tại AOL (American Online, một công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, thuộc Tập đoàn Time Warner). Hai con trai tôi, Nguyễn Quốc Nhân Hậu và Nguyễn Quốc Nhân Văn đều đang đi học. Nhân Hậu đang học đại học, còn Nhân Văn mới 8 tuổi đang học lớp ba. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho tôi.
* Công việc giảng dạy, nghiên cứu hết sức bận rộn, lại bận bịu với gia đình, bà có dành thời gian theo dõi tình hình quê nhà?
- Tuy ở xa, tôi vẫn biết tình hình quê hương, vẫn đọc báo trên Internet hằng ngày và gặp bạn bè Việt Nam thường xuyên. Những người Việt xa xứ như chúng tôi luôn hướng về quê hương. Không chỉ vì công việc của chúng tôi luôn gắn liền với sự phát triển của nước nhà, mà vì ở đó, còn những người thân của chúng tôi.
* Thế còn Quy Nhơn, bà có dự định một ngày nào đấy sẽ về thăm quê nội?
- Bố thường kể cho bọn tôi nghe những câu chuyện về Quy Nhơn. Nhớ về Quy Nhơn, tôi luôn mường tượng ra trước mắt mình một thành phố nhỏ hiền hòa bên biển, những hàng dừa, những bình minh êm đềm, những buổi chiều tấp nập thuyền cá về, những con người hiền lành và yêu thương… Tôi vẫn về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều đặn, nhưng lần cuối cùng tôi về Quy Nhơn là đầu năm 1994, trước khi tôi sang Mỹ. Khi ấy, bà nội tôi còn sống và vẫn ở Quy Nhơn. Từ đó đến nay, đã 14 năm rồi, tôi không có dịp trở về. Thế nào, trong tương lai, tôi cũng sẽ dẫn các con về Quy Nhơn, để chúng được biết quê hương…
* Xin cảm ơn bà!
|