Giờ đây, những trái xoài cát Hòa Lộc từ các trang trại (TT) ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) đã được chở ngược vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Sở dĩ có chuyện ngược đời như vậy chỉ vì một lẽ đơn giản: chúng ăn đứt người anh em của mình ở miệt vườn miền Tây Nam Bộ về chất lượng. Để được như vậy, các chủ TT ở đây đã bứt ra khỏi những thói quen làm vườn truyền thống.
|
Một góc trang trại của bà Cao Thị Chắc.
|
* Thung lũng xanh
Địa bàn phường Bùi Thị Xuân. Theo quốc lộ 1A về phía Nam, qua khỏi cầu Suối Lở một đoạn, rẽ trái theo con đường đất đi vào khoảng 500m là ta đã lạc vào một thung lũng xanh giữa ba bề là núi. Hai bên đường đất, các TT hiện ra xanh mướt một màu.
Cách đây chừng 10 năm, khi Nhà nước có chủ trương giao đất lâm trường cho các hộ nhận khoán để làm kinh tế vườn đồi, nhiều người dân phường Bùi Thị Xuân và các phường khác đã mạnh dạn nhận đất đầu tư xây dựng TT. Từ ấy, Hầm Đồng, tục danh của vùng đất cằn cỗi vốn là nơi chôn đạn của quân đội Mỹ ở khu vực 8 phường Bùi Thị Xuân này, bắt đầu lên xanh.
Giờ đây có thể nói rằng về hiệu quả của loại hình kinh tế TT trong toàn tỉnh, đáng kể là phường Bùi Thị Xuân. Và muốn biết TT ở phường Bùi Thị Xuân ra sao cứ đến khu Hầm Đồng, bởi nơi đây tập trung gần 100/127 TT của phường. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân của phường thì TT ở đây đa số theo mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, trong đó trồng trọt chủ yếu là cây xoài cát Hòa Lộc. TT có diện tích lớn nhất khoảng 7 ha và nhỏ nhất là 1 ha. Trong số này, chủ TT là người dân địa phương chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại là người ở các phường khác đến.
Để ươm màu xanh cho vùng đất gò, triền đồi này, bao mồ hôi của các chủ TT đã đổ. Họ cải tạo đất, tìm các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu gai… về trồng, rồi nuôi gà, bò, heo, cá… Họ hào hứng tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội VACVINA, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông tổ chức. Để có nước tưới cây và sinh hoạt, các chủ TT đặt ống từ thượng nguồn suối Mơ kéo về. Để có điện, họ bỏ tiền kéo dây từ ngoài đường vào. Việc chuyên chở nông sản khó khăn, nhiều người hùn tiền làm chiếc cầu nhỏ bắc qua suối…
Các chủ TT phường Bùi Thị Xuân được đồng nghiệp “nể phục” và người tiêu dùng biết tiếng bởi họ biết “phù phép” để có những mùa xoài, chôm chôm trái vụ mà vẫn ngon ngọt lạ thường. Nhiều chủ TT có thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên chỉ nhờ vào cây xoài cát Hòa Lộc.
Từ phong trào phát triển kinh tế TT, HTX Dịch vụ TT Bùi Thị xuân đã ra đời, do một số cá nhân góp vốn, với chủ trương cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón cho chủ TT và thu mua nông sản cho người làm vườn. Ở đây, còn có một CLB kinh tế TT, gồm 30 hội viên thường xuyên sinh hoạt để giúp đỡ, hướng dẫn nhau cách làm ăn.
Và hơn thế, ngoài trồng trọt và chăn nuôi, các chủ TT còn ấp ủ nhiều dự định nhằm khai thác triệt để lợi thế TT của mình.
|
Sản xuất giống trùn quế tại TT của bà Cao Thị Chắc.
|
* Triết lý người làm vườn
Làm TT mà không biết khoa học kỹ thuật và nắm thị trường thì coi như chết chắc - đó là điều mà các chủ TT ở đây tâm niệm, trong đó có ông Phan Tốt, người đầu tiên trồng xoài cát Hòa Lộc và chôm chôm ở phường Bùi Thị Xuân.
Thông thường, xoài từ miền Nam ra rộ chợ vào tháng 6, tháng 7, nhưng từ tháng 4, tháng 5, ông Tốt đã thu hoạch xoài nhà mình. Hoặc cũng có năm, ông “bắt” xoài chín trễ hơn vụ xoài chính chừng 1 tháng. Xoài chín sớm hơn hay muộn hơn mùa đều được bán sỉ với giá 15.000 - 16.000đ/kg, cao hơn 1/3 so với giá chính vụ. Còn chôm chôm thì ông thu hoạch vào dịp tết dương dịch, bán sỉ đã 7.000đ/kg vì mùa chôm chôm miền Nam đã hết từ cách đó vài tháng. Theo ông Tốt, chôm chôm ở đây ra trái muộn vì khí hậu miền Trung nắng muộn hơn, mưa cũng muộn hơn miền Nam. Nhưng cái “vụ” xoài cát Hòa Lộc ra trái vụ thì phải kỳ công lắm.
Tháng 6, tháng 7 hàng năm, sau khi thu hoạch xong, ông bắt đầu cắt tỉa cành, tạo tán cho cây xoài, sao cho cành phân đều và khống chế độ cao của cây ở mức 2,5m. Sau đó là vô phân, phun thuốc kích thích cho cây “bắn” ngọn. Đến tháng 10, ông dùng thuốc tưới dưới gốc điều tiết sinh trưởng để cây “đứng” lại, già lá, già ngọn, chuẩn bị ra hoa. Khoảng tháng 1, tháng 2 năm sau thì bơm thuốc tăng trưởng cho cây ra hoa. Những kiến thức mới về nông nghiệp đã hút ông Tốt vào niềm đam mê vườn tược, để từ 60 cây xoài mô hình do Nhà nước hỗ trợ giống, nay vườn nhà ông đã có số cây xoài gấp 5 lần ban đầu; chôm chôm thì được 100 cây, ngoài ra ông còn trồng thử nghiệm một số cây khác như: bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt...
Trong số những người góp sức cho sự phát triển của kinh tế TT ở phường Bùi Thị Xuân, ngoài những người dân địa phương còn có khá nhiều người từ nơi khác đến. Như ông Phan Lươm, chủ một TT xoài ở Hầm Đồng, vốn là dân Hải Minh (phường Hải Cảng) chính hiệu. Gia đình ông có 3 đời làm nghề biển và ông vốn là một chủ tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2000, nhận thấy quy mô nghề biển dần thu hẹp, hiệu quả không cao, vợ chồng ông Lươm quyết định bán tàu và lên phường Bùi Thị Xuân làm TT. Những ngày đầu chuyển nghề mới khó làm sao bởi phải thay đổi cả một tư duy về công việc, cuộc sống.
Ông kể: “Nhớ lại mắc cười. Hồi đó tôi nghĩ đơn giản lắm. Cứ trồng một cây xoài xuống rồi bỏ đó, 2 năm sau thì thu hoạch, không phải chăm bón gì hết, như trồng dừa vậy. Sau mới biết đâu có dễ ăn”. Rồi: “Hồi hai vợ chồng mới lên đây, đứng dưới nhìn lên chỉ thấy núi, “mất hồn” luôn. Tối ngủ, đóng cửa cài then xong còn phải chằng thêm dây mới yên tâm”. Thế rồi cũng không thể “mất hồn” lâu được, vợ chồng ông bắt tay vào việc. Nào cải tạo đất, xác định trồng cây gì, nuôi con gì, tìm vốn đầu tư, chống xói mòn, chắn gió…, để đến hôm nay ông có một TT rộng 3 ha với 300 cây xoài, 50 cây bưởi Năm Roi, 40 cây dừa xiêm, hơn 100 con gà ta… Năm 2007 vừa qua chỉ riêng xoài ông thu 14 tấn, bán được gần 100 triệu đồng. Để bán xoài được giá, vợ ông chịu khó đi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tìm đến các chợ đầu mối. Tìm được mối rồi thì thu hoạch xong là thuê xe chở thẳng từ Quy Nhơn tới “đối tác”, không qua các đầu nậu nên khỏi sợ ép giá.
|
Ông Tốt chăm sóc chôm chôm, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới.
|
* Đất không phụ người
Có đi thăm những TT, trò chuyện với những người nông dân mới biết rằng họ thành công không chỉ vì họ biết khoa học kỹ thuật, nắm được thị trường mà còn vì họ “biết mình biết ta”. Người làm vườn nào ở đây cũng có thể nói cho khách biết vì sao xoài cát Hòa Lộc của mình ăn đứt xoài các nơi khác trồng. Ông Tốt phân tích: “Xoài Hòa Lộc ở miền Nam nước nhiều, lạt hơn xoài mình vì đất ở đó là đất phù sa, độ ẩm cao. Xoài Hòa Lộc trồng ở Phù Cát trên đất thịt pha cát cũng ngọt, thơm nhưng sớ lớn. Xoài ở đây thì trồng trên đất sét pha cát nên chặt thịt, sớ nhỏ, ít xơ, vì vậy rất được ưa chuộng trên thị trường cả nước”. Còn về chôm chôm, ông nói: “Chôm chôm ở đây được giá vì trái mùa đã đành, mà còn hút khách bởi độ tươi ngon của nó do không phải vận chuyển đi xa”.
Và không chỉ dừng ở những cây, con “ăn chắc”, các chủ TT còn đi sâu tìm hiểu thị trường để mở hướng làm ăn lớn. Thế nên, với bà Cao Thị Chắc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ TT Bùi Thị Xuân và cũng là chủ một TT ở đây thì hơn 350 gốc xoài, đàn gà thả vườn hơn 400 con, mấy trăm mét vuông ao cá cho thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng của gia đình bà “không có gì để nói”. Cái bà muốn nói ở đây chính là 200m2 diện tích nuôi trùn quế mà bà đang gầy dựng, bán giống và dự án nuôi 1.000m2 trùn quế của HTX do bà làm chủ nhiệm sắp triển khai. Bà say sưa nói về những ích lợi của con trùn quế như: là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng cho cá, ba ba, tôm, lươn; phân trùn quế là nguồn phân bón lý tưởng để trồng rau sạch; trong khi đó, ở Bình Định chưa có nhiều người đầu tư sản xuất trùn quế thương phẩm. Bà còn hướng dẫn tôi lên mạng, vào trang web “trùn quế Việt Nam” để biết thêm chi tiết nếu muốn tìm hiểu kỹ. Rồi bà dẫn tôi đi thăm vườn, thăm chuồng thỏ gần chục con đang nuôi thử, kể về dự định mở dịch vụ cung cấp giống cây lâm nghiệp... Thế mới biết, cũng là cây, con nhưng tư duy của các chủ TT bây giờ đâu chỉ bó hẹp trong phạm vi vườn, ao, chuồng nhà mình.
Dẫu vẫn còn những trăn trở về việc HTX chưa giúp chủ TT bao tiêu sản phẩm, cơ sở hạ tầng khu TT tập trung chưa được đầu tư nhiều nhưng các chủ TT ở đây vẫn đang ngày đêm cố gắng để mảnh đất của mình sinh lợi nhiều nhất. Đất Hầm Đồng đã xanh bởi những người nặng lòng với đất. Nói như ông Phan Lươm thì: “Khi chuyển lên đây, tôi xác định nghề nào cũng là nghề và làm ở đâu cũng vậy, nếu mình cố gắng thì sẽ thành công. Và bây giờ, đúng là trời không phụ người, đất cũng không phụ người”.
|