Người của… những công trình nghiên cứu
20:15', 13/10/ 2008 (GMT+7)

Vừa qua, công trình biệt hoá tế bào mầm thành tế bào tinh trùng ứng dụng trong y học, điều trị bệnh vô sinh do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp.HCM thực hiện đã thành công bước đầu, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Ý tưởng về công trình nghiên cứu này bắt đầu từ một người rất trẻ - Phạm Văn Phúc, sinh năm 1982, một người Bình Định.

Tốt nghiệp đại học năm 2006 và phải đến tháng 10 này anh Phạm Văn Phúc mới bảo vệ luận án thạc sĩ nhưng ngoài công trình trên, anh cũng là tác giả của nhiều công trình khác như: Khai thác tế bào mầm từ rãnh sinh dục, Thu nhận và biệt hoá tế bào gốc từ máu cuống rốn người thành tế bào tiết insulin, Nghiên cứu chuyển gen trên cá, Nghiên cứu tạo tinh thể xà cừ invitro hướng đến công nghệ tạo ngọc trai trong ống nghiệm…

 

Phạm Văn Phúc (giữa) và cộng sự trong Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc.

 

Từ một niềm đam mê

Phạm Văn Phúc là con thứ năm trong một gia đình có sáu anh chị em, ở xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định. Từ nhỏ anh đã luôn là học sinh khá giỏi. Khi học lớp 12 Trường PTTH số 1 Tuy Phước, Phúc đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Và anh đã được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ sinh học (CNSH) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Phúc kể: “Tôi có cơ hội biết đến CNSH khi tôi được học bồi dưỡng môn Sinh học trước khi đi thi học sinh giỏi quốc gia, và tôi đã mê nó từ đó. Tôi có nhiều ngành học để lựa chọn như Sư phạm, Y dược, Nông-lâm, Thực phẩm, Môi trường… nhưng cuối cùng tôi đã quyết định học Công nghệ Sinh học. Khi đó, (năm 2001) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển sinh khoá thứ 2 về CNSH, ít người biết đến nó. Và có lẽ nó không phải là ngành “hot” như bây giờ. Càng học, nghiên cứu về CNSH tôi càng thấy đam mê, và muốn gắn bó với nó suốt đời”.

Phúc tốt nghiệp đại học ngành CNSH hướng Y dược vào năm 2006. Sau đó, anh tiếp tục học Cao học từ 2006-2008, trong tháng 10.2008 Phúc sẽ bảo vệ Luận văn Thạc sĩ. Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, anh sẽ du học vào năm 2009 theo một học bổng Tiến sĩ của một trường đại học ở Australia. Chương trình tiến sĩ này kéo dài 4 năm. Tất cả các chương trình học (Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh), Phạm Văn Phúc đều theo hướng Công nghệ tế bào người và động vật, đặc biệt là Tế bào gốc và Công nghệ hỗ trợ sinh sản.

 

Phạm Văn Phúc

 

Người của… những công trình nghiên cứu

Đó là biệt danh mà bạn bè, đồng nghiệp gán cho Phúc bởi lẽ hầu hết thời gian anh đều dành cho phòng thí nghiệm (PTN). Ngay từ khi là sinh viên năm 2, anh đã xin vào PTN CNSH Phân tử C để thực tập thí nghiệm, và bắt đầu tiếp cận các nghiên cứu. Anh cho biết: “Nghiên cứu đầu tiên tôi tiến hành là Thu nhận quần thể tế bào đơn nhân từ máu cuống rốn người. Sau đó, tôi tiến hành các thí nghiệm về thu nhận quần thể tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn người, tế bào gốc nội mô thành tĩnh mạch cuống rốn, tạo phôi bò sữa bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, xác định giới tính phôi… Năm học thứ 4, tôi bắt đầu làm khoá luận tốt nghiệp cử nhân CNSH, khoá luận tốt nghiệp của tôi về Thu nhận tế bào mầm từ rãnh sinh dục của thai chuột.”

Không dừng lại ở đó, Phạm Văn Phúc tiếp tục là người đứng tên tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ và Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM. Những đề tài này đều có tính ứng dựng cao trong y học và trong sản xuất. Chẳng hạn việc thu nhận các tế bào mầm sẽ là nguồn mẫu quan trọng để kiểm tra, đánh giá các chất có tiềm năng gây vô sinh; sử dụng các tế bào tiết insulin có thể dùng để điều trị bệnh tiểu đường; tạo tinh thể xà cừ invitro hướng đến công nghệ tạo ngọc trai trong ống nghiệm;…

Tuy nhiên, công trình biệt hoá tế bào mầm thành tế bào tinh trùng ứng dụng trong y học, điều trị bệnh vô sinh mà Phạm Văn Phúc khởi xướng vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận nhất. Anh cho rằng tình trạng vô sinh hiện nay bắt nguồn từ việc ô nhiễm môi trường, dẫn đến sự ra đời của các hoá chất mới. Từ đó anh tập trung nghiên cứu sàng lọc và gợi ý về nguy cơ gây vô sinh của các hoá chất, để cảnh báo cho người sử dụng. “Bên cạnh đó, tình trạng vô sinh tăng nhanh. Các dịch vụ hỗ trợ sinh sản ra đời góp phần đáng kể vào việc điều trị bệnh này. Song, các trường hợp vô sinh nam do không có tinh trùng trong tinh dịch thì sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ đơn thuần hiện nay không thể điều trị được. Để điều trị bệnh này, tôi nghĩ chỉ có cách biệt hoá tế bào mầm có trong tinh hoàn thành tinh trùng mới có thể điều trị được và tôi đã thực hiện điều này. Đề tài vẫn đang tiếp tục trên mô hình chuột để đánh giá sự an toàn của công nghệ này trước khi áp dụng trên người.” – anh Phúc cho biết.

Hiện, Phạm Văn Phúc đang làm Trưởng nhóm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc tại PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc.

 

Phạm Văn Phúc

 

“Giá một ngày có nhiều hơn 24 giờ”

Đó là câu trả lời đầy tiếc rẻ của Phúc khi được hỏi về một ngày làm việc của anh. Anh thường bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ khuya. Công tác giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập, học ngoại ngữ,… đã chiếm hết thời gian của Phúc. Anh luôn “khao khát có một ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, dọn dẹp phòng trọ và ngủ cho thoả thích”.

Bận rộn là thế, nhưng Phúc cũng dành thời gian để viết sách ngay từ lúc còn là sinh viên năm thứ 4. Cuốn CNSH trên Người và động vật là cuốn sách đầu tiên anh đứng tên cùng thầy của mình là Phan Kim Ngọc. Anh còn tham gia vào nhiều cuốn sách khác như Công nghệ tế bào gốc; Công nghệ hỗ trợ sinh sản; Kĩ thuật nuôi cấy tế bào động vật và nhiều sách Thực tập chuyên đề… Ngoài sách, Phúc cũng thường tham gia viết bài, tin trên các tạp chí chuyên đề như Tạp chí Sinh học, Tạp chí Công nghệ Sinh học, Tạp chí Y học Tp.HCM, Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ…  

Nói về định hướng sắp tới, Phúc cho biết “Về học tập, tôi phải hoàn thành xong và lấy học vị Tiến sĩ trong thời gian sớm nhất mà mình có thể. Về công việc, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu, để mang lại những lợi ích của chính công nghệ mình theo đuổi để người dân nước ta hưởng thụ; cái mà nhiều người dân trên thế giới đã tận hưởng lâu rồi. Tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm, kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ, đầu tư và hợp tác của các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế và bệnh viện trong các chương trình nghiên cứu điều trị về các bệnh nan y như tiểu đường, tim mạch, ung thư và vô sinh. Đó là những hướng tôi quan tâm và theo đuổi.”

  • Ngô Ly Kha
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện những người nặng lòng với đất  (13/10/2008)
Hỏi chuyện con gái nhà văn Nguyễn Thành Long  (11/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Màu xanh trên cát trắng  (06/10/2008)
Truyền thuyết Tà Kơn  (06/10/2008)
Chuyện cuộc đời của ông “Nghìn việc tốt”  (06/10/2008)
“Vâng, tôi là một người có HIV”  (27/09/2008)
“Bác sĩ” của… muỗi  (22/09/2008)
Ân Hữu - mảnh đất anh hùng  (15/09/2008)
Từ góc nhìn của một “người trong cuộc”  (13/09/2008)
Hy vọng mới ở xóm lặn hàu  (08/09/2008)
Lộ Diêu hôm nay  (01/09/2008)
Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình  (30/08/2008)
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)